Sôi động tên lửa đối hạm
Nhiều bên tại châu Á đang không ngừng tăng cường khả năng phòng thủ vùng biển bằng cách trang bị các loại tên lửa chống tàu.
Tên lửa đối hạm ngày càng phát triển đa dạng về kích thước, tầm bắn, tốc độ và phương tiện khai hỏa. Chúng có thể được bắn đi từ đất liền, máy bay, tàu chiến nổi lẫn tàu ngầm. Thậm chí, hồi cuối năm ngoái, Tập đoàn Morinformsystem-Agat JSC của Nga còn giới thiệu hệ thống tên lửa chống tàu chiến được tích hợp gọn nhẹ trong một container để có thể khai hỏa từ mọi nơi. Vì thế, tên lửa đối hạm đang trở thành loại khí tài mà nhiều bên ở châu Á – Thái Bình Dương muốn sở hữu trong bối cảnh những loại tàu chiến tối tân hiện diện ngày càng nhiều trong khu vực.
Tên lửa Brahmos nay đã có phiên bản tấn công tàu sân bay – Ảnh: India-defence.com
Mới đây, Bloomberg dẫn lời chuyên gia Ian Storey thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore nhận định: “Tên lửa chống tàu chiến không giúp cân bằng cán cân quân sự trong khu vực nhưng góp phần đảm bảo khả năng đối phó những thế lực hải quân đang trỗi dậy”. Bên cạnh đó, Bloomberg còn dẫn nguồn báo Nga cho hay một nước Đông Nam Á vừa ký hợp đồng mua tên lửa đối hạm có tầm bắn 250 km do Moscow cung cấp. Loại tên lửa này có thể được khai hỏa từ trực thăng, tàu chiến lẫn đất liền và đủ sức phá hủy mục tiêu cỡ lớn. Nga cũng đã bán tên lửa chống tàu Yakhont cho Indonesia với giá 1,2 triệu USD và Jakarta tuyên bố đã bắn thử thành công, theo RIA-Novosti. Loại tên lửa này nhanh gấp 2,5 lần tốc độ âm thanh, đạt tầm bắn 300 km và có thể được phóng đi trên không, đất liền lẫn từ các loại tàu chiến. Đến đầu tháng này, chuyên gia Richard Fisher thuộc Trung tâm nghiên cứu an ninh CNAS tiết lộ Philippines cũng đang dự định mua tên lửa Harpoon của Mỹ.
Các sát thủ tàu sân bay
Video đang HOT
Cuộc chạy đua tăng cường tên lửa đối hạm tại châu Á – Thái Bình Dương càng diễn ra sôi động hơn khi các bên phát triển thêm những phiên bản mới, đủ sức phá hủy tàu sân bay. Các tin tức thường xuyên xuất hiện trong bối cảnh Trung Quốc liên tục thử nghiệm tàu sân bay đầu tiên của nước này. Hồi tháng 3, tờ The Hindustan Times đưa tin liên doanh Nga – Ấn Độ vừa phát triển thành công phiên bản tấn công tàu sân bay của tên lửa siêu thanh Brahmos. Không những thế, liên doanh này còn tiết giảm kích thước của tên lửa Brahmos để có thể lắp trên chiến đấu cơ MiG-29K. Hiện tại, Brahmos đã được trang bị cho máy bay Su-30MKI.
Tương tự, Đài Loan thông báo thử nghiệm thành công tên lửa Hùng Phong III có tầm bắn 300 km đủ sức đánh hạ tàu sân bay. Tờ The Taipei Times dẫn lời giới chức Lực lượng phòng vệ Đài Loan cho hay đảo này sẽ sớm triển khai tàu tấn công nhanh được trang bị Hùng Phong III. Tất nhiên, cuộc đua sôi động này cũng không thể vắng mặt Trung Quốc. Trong vài năm qua, Bắc Kinh nhiều lần úp mở về tên lửa chống tàu sân bay DF-21D được cho là có tầm bắn lên đến 3.000 km.
“Áo giáp” Laser
Đầu tháng 5, Tập đoàn Northrop Grumman (Mỹ) tuyên bố vừa thử nghiệm thành công dùng chùm laser năng lượng cao bắn hạ tên lửa đối hạm. Dựa vào đó, Northrop Grumman tin rằng thiết bị phóng laser nói trên sẽ trở thành một hệ thống phòng thủ tên lửa có tính linh hoạt cao dành cho tàu chiến. Hồi năm ngoái, website của Cơ quan Nghiên cứu Hải quân Mỹ cũng thông báo đạt được bước ngoặt lớn trong việc phát triển hệ thống phóng chùm laser đủ sức tiêu diệt các loại tên lửa đối hạm.
Giới chuyên gia nhận định những thành tựu mới trong vũ khí laser của Mỹ sẽ giúp tàu chiến nước này tăng cường khả năng phòng thủ trong bối cảnh nhiều bên đang phát triển tên lửa đối hạm, điển hình như loại DF-21D của Trung Quốc.
Theo Thanh Niên
Đài Loan bị Trung Quốc ép chạy đua vũ trang
Lo ngại sức mạnh quân sự Trung Quốc, Đài Loan tích cực phát triển các loại vũ khí trang bị hiện đại để nâng cao khả năng phòng thủ.
Đài Loan cho rằng mặc dù quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan có cải thiển trong thời gian qua, nhưng Trung Quốc vẫn là mối đe dọa quân sự tiềm tàng đối với hòn đảo này.
Đài Bắc không có ý định chạy đua vũ trang, nhưng họ luôn cho rằng cần phải hiện đại hóa quân đội, tổ chức tuyến phòng thủ để sẵn sàng đối phó với một cuộc chiến phi đối xứng. Đồng thời, Đài Bắc còn có ý gia tăng sức mạnh quân sự nhằm đối phó với nhưng tranh chấp biển đảo trong khu vực.
Vũ trang bằng vũ khí nội địa
Đầu tháng 5/2011, Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan đã công bố việc sản xuất các tên lửa "Hùng Phong 3" (HF-3) và dự kiến trong tương lai có thể sẽ sản xuất cả tên lửa bố trí cơ động trên bộ.
Không chỉ vậy, Đài Loan đã bắt đầu triển khai tên lửa HF-3 trên các tàu chiến nhằm đối phó với sức mạnh của hải quân của Trung Quốc.
Theo đó, tên lửa loại này sẽ được trang bị cho 8 tàu khu trục và 7 tàu tuần tra trong một dự án trị giá 413 triệu USD. HF-3 là tên lửa siêu âm đầu tiên do Đài Loan phát triển, có tầm bắn khoảng 130 km, vận tốc 2.300 km/h.
Dự kiến, đến năm 2012, Đài Loan sẽ đóng loại tàu chiến lớp Corvette mới và sẽ bàn giao cho Hải quân vào năm 2014 . Các tàu mới sẽ đóng theo công nghệ tàng hình và sẽ được trang bị các tên lửa hành trình chống hạm HF-2 và HF-3.
Theo thứ trưởng quốc phòng Đài Loan Lin Yupa, Đài Loan đóng các tàu này nhằm đối phó với Hải quân của Trung Quốc.
Tên lửa đối hạm "Hùng Phong 3" (HF-3) của Đài Loan.
Trước đó, ngày 7/4/2011 Đài Loan đã hạ thủy 10 xuồng cao tốc gắn tên lửa tự chế để biên chế cho lực lượng hải quân.
Đài Loan cũng đang đóng thêm 10 tàu cao tốc tàng hình Kuang Hua 6 , được trang bị 4 tên lửa hạm đối hạm để thay thế cho các tàu loại Seagull đã lõi thời.
Ngày 26/1/2011, tại một cầu cảng phía Nam thành phố Cao Hùng, Đài Loan đã hạ thủy 2 tàu tuần dương mới mang tên Tainan và Hsunhu 77 tự thiết kế và chế tạo.
Tàu Tainan có tải trọng 2.000 tấn, dài 99m, rộng 13m, vận tốc tối đa 24 hải lý/giờ, tầm hoạt động 13.500km, có thể mang 1 trực thăng vũ trang trên boong, được dùng để tuần tra trên biển. Tàu Hsunhu7, tải trọng 1.000 tấn, tầm hoạt động 27.000km.
Tàu cao tốc tàng hình Kuang Hua 6.
Hợp tác quân sự với Mỹ
Ở một số dự án, việc tăng cường mua sắm vũ khí trang bị không phải chạy đua vũ trang, mà là để thay thế một số vũ khí đã quá cũ, không đủ khả năng phòng thủ cho các hòn đảo. Song song với việc tự nghiên cứu chế tạo vũ khí trang bị, Đài Loan còn tích cực mua sắm và nâng cấp vũ khí.
Ngày 25/2/2011 Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu ngỏ ý với Mỹ muốn mua các máy bay F-16C/D và tàu ngầm chạy bằng diesel của Mỹ để tăng cường khả năng tự vệ.
Mới đây, ngày 12/5, Tổng thống Mã Anh Cửu lại một lần nữa hối thúc Mỹ bán cho Đài Loan các loại vũ khí trang bị như đề nghị trước đây. Tổng thống Mã Anh Cửu nhấn mạnh, chỉ có sự cam kết mạnh mẽ và sự hỗ trợ bằng uy tín của Mỹ tại Đông Á mới có thể bảo đảm cho hòa bình và ổn định trong khu vực này.
Cụ thể, Đài Loan đề nghị Mỹ nâng cấp các máy bay F16A/B Block 20 hiện có. Theo đó, Mỹ sẽ giúp Đài Loan nâng cấp 150 máy bay F-16A/B Block 20 lên chuẩn mới hiện đại hơn. Trong tương lai gần, những máy bay này sẽ được trang bị hệ thống điện tử hiện đại cho buồng lái; được trang bị động cơ và hệ thống radar cải tiến có khả năng tác chiến tầm xa, chống nhiễu điện tử và có thể mang được tên lửa đối không tầm trung AIM -120 phiên bản C5 và C7.
Tăng cường tập trận
Ngày 18/1/11, tại căn cứ quân sự Jiu-peng ở phía Nam Đài Loan, Lực lượng vũ trang Đài Loan tiến hành diễn tập phòng không bắn đạn thật, với tình huống giả định là các máy bay chiến đấu của đối phương xâm lược Đài Loan, nhằm nâng cao khả năng tác chiến của các đơn vị phòng không.
Đây là một động thái của Đài Bắc thể hiện quyết tâm trong việc bảo vệ hòn đảo này, sau khi Trung Quốc tiến hành bay thử máy bay chiến đầu tàng hình J-20.
Tham gia cuộc diễn tập này có 12 đơn vị của Lữ đoàn cơ động đường không số 602 của Lục quân, Lữ đoàn số 77 của Thủy quân lục chiến và Liên đội chiến đấu số 427 của Không quân với biên chế máy bay F-CK-1A/B.
Các khoa mục gồm các chiến thuật, chiến lược tác chiến, phản công đường không có bắn nhiều loại tên lửa như: Thiên cung, Hawk, Sparow, Avenger Stinger, Cobra, MICA Thiên Tiễn-1 và Thiên Tiễn-2 từ các bệ phóng mặt đất và các may bay chiến đấu.
Ngoài ra, từ đầu năm 2011 đến nay, Đài Loan đã tổ chức 3 đợt huấn luyện quân sự. Gần đây nhất vào ngày 19/3/2011 Đài Loan đã triển khai Biên đội huấn luyện viễn dương gồm tàu tiếp tế Vũ Di, tàu hộ vệ Thừa Đức và tàu hộ vệ Trịnh Hòa đến Nam Thái Bình Dương thực hiện nhiệm vụ huấn luyện và kết hợp ngoại giao.
Đài Loan đang thực sự quan ngại trước sức mạnh quân sự của Trung Quốc. Để đối phó với vấn đề này, Đài Loan sẽ tiếp tục tăng cường phát triển tiềm lực quân sự hơn nữa để sãn sang đương đầu với những nguy cơ đe dọa.
Theo Báo Đất Việt
Chạy đua vũ trang ở châu Á Các tàu chiến Nga và Trung Quốc hôm qua, 23-4-2012, bắt đầu cuộc diễn tập hải quân chung sáu ngày ở Hoàng Hải. Hãng thông tấn RIA Novosti của Nga dẫn lời một phát ngôn viên quốc phòng nước này nói: "Các cuộc tập trận sẽ liên quan đến nhiều sứ mệnh giả định, gồm cả việc giải cứu một tàu bị cướp,...