Sôi động mùa liveshow cuối năm
Kể từ trung thu cho đến cuối mùa đông là thời điểm rất nhiều chương trình liveshow được tổ chức. Không chỉ các nhạc sĩ, ca sĩ đương đại tổ chức chương trình cho riêng mình, mà nhiều gia đình còn tổ chức những liveshow kỷ niệm cho người quá cố. Đây là thể hiện sự tri ân, nhắc nhớ, giúp cho hoạt động nghệ thuật những tháng cuối năm thêm sôi động.
Ca sĩ Lệ Quyên (giữa) tại cuộc họp báo về việc tổ chức liveshow Kỷ niệm 20 năm ca hát của mình
Sôi nổi nhiều hoạt động
Thời điểm này ở các trung tâm văn hóa, nghệ thuật như Nhà hát Lớn Hà Nội, Nhà hát Âu Cơ, Cung văn hóa Hữu nghị Hà Nội, Nhà hát Hòa Bình (TP Hồ Chí Minh)…luôn “sáng đèn” nhờ nhiều chương trình văn nghệ, trong đó có những liveshow kỷ niệm của các nghệ sĩ tên tuổi.
Có thể kể đến Đêm nhạc kỷ niệm 10 năm ca hát của Khắc Việt với tên gọi “Gặp gỡ thanh xuân” được tổ chức tối 12/10 tại sân vận động Đại học Hà Nội; đêm nhạc “Không thể thay thế” của ca sĩ Quang Hà tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Hà Nội; Đêm nhạc mang tên “Ước nguyện phù sa” tại Nhà hát Star Galaxy (Láng Hạ) của Lê Việt Anh.
Rồi Á quân Sao mai 2013 Phạm Thùy Dung tổ chức đêm nhạc có tên “Trăng hát” tại Nhà hát Lớn Hà Nội để kỷ niệm 9 năm ca hát; Live concert Truyện ngắn của Hà Anh Tuấn vừa khép lại tại cả ba tỉnh, thành là Quảng Nam, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Nhạc sĩ Phú Quang vừa tổ chức thành công liveshow “Trong ánh chớp số phận” vào cuối tháng 10 tại Nhà hát Lớn Hà Nội
Thêm nữa, ca sĩ Khánh Ly cũng tổ chức liveshow mang tên “The best of Khánh Ly – Tạ ơn”. Tiếp nối thành công của những năm trước, nhạc sĩ Phú Quang cũng tổ chức chương trình “Trong ánh chớp số phận” trong hai đêm của ngày 30-31 tháng 10 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chương trình đều có sự góp mặt của 3 nữ ca sĩ: Thanh Lam, Ngọc Anh và Minh Chuyên.
Video đang HOT
Thời điểm này, ca sĩ Lệ Quyên hiện đang dồn hết sức lực cho live show quan trọng nhất trong sự nghiệp 20 năm ca hát của cô: “Q.show 2″ sẽ diễn ra vào ngày 20-21 tháng 12 ở Nhà hát Hòa Bình (TP Hồ Chí Minh) và ngày 4/1/2020 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Hà Nội.
Một trong những chi tiết được Lệ Quyên nhấn mạnh, đây là show diễn hoàn tráng về quy mô nên đòi hỏi sự tập trung cao độ cả về tinh thần lẫn thể chất, vì thế, ở thời điểm hiện tại cô dành nhiều thời gian để rèn luyện sức khỏe nhằm chuẩn bị tốt nhất về tinh thần và thể lực để có thể đảm bảo lịch tập luyện dày đặc.
Lệ Quyên vẫn là một trong những giọng ca bolero bán vé tốt, liveshow đông khán giả. Đạo diễn Việt Tú đảm nhận phần dàn dựng, tiết lộ rằng sẽ chia quãng thời gian 20 năm ca hát của Lệ Quyên thành 5 chương với các tên gọi khác nhau: Chương 1 – Ấu thơ, Chương 2 – Vào đời, Chương 3 – Yêu, Chương 4 – Ký ức, Chương 5 – Thăng hoa.
Theo đuổi đam mê và cống hiến
Chúng ta đều biết, nhạc sĩ Phú Quang là người có nhiều ca khúc trầm lắng, da diết làm say lòng công chúng. Năm ngoái ông đã tổ chức hai đêm diễn “Trong miền ký ức” ngày 26 và 27/12/2018 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, được công chúng đón nhận.
Trong liveshow, Phú Quang mời những giọng ca quen thuộc trình diễn như: Thu Phương, Đức Tuấn, Thanh Lam, Tấn Minh, Minh Chuyên, con gái Trinh Hương và con rể Bùi Công Duy… Phú Quang là một trong số ít những nhạc sĩ đều đặn làm liveshow mà vẫn bán được vé hiện nay.
Mặc dù, mỗi năm đều đặn làm liveshow nhưng các show của Phú Quang luôn đông khách và vé bán chạy. Không ít người đồn đại, ông được các đại gia và doanh nghiệp “chống lưng”. Trước thông tin này, nhạc sĩ nói: “Khán giả họ chỉ mua vé khi họ thích, họ không thích làm sao tôi bắt họ mua vé được”.
Năm nay, đêm nhạc của nhạc sĩ Phú Quang có tên gọi “Trong ánh chớp số phận”. Lý giải cho tên gọi của chương trình, nhạc sĩ Phú Quang cho rằng tình yêu trong âm nhạc của ông luôn mang nhiều màu sắc khác nhau nhưng tất cả đều mãnh liệt.
Ở tuổi 70, ông muốn nhìn lại số phận cuộc đời mình. Phú Quang cũng cho biết thêm, tên chương trình được lấy từ một bài hát được viết trên lời thơ của nhà thơ Ý Nhi. Đây là một câu chuyện về tình yêu muộn của người phụ nữ với đầy đủ những cung bậc cảm xúc.
Phú Quang là nhạc sĩ điển hình của sự thành công trong các đêm liveshow. Còn với các nghệ sĩ trẻ, không phải ai cũng thành công rực rỡ và bán vé tốt. Vừa qua, chương trình của Phạm Thùy Dung được đánh giá cao. Cô đã dày công luyên tâp. Khi hát cô đã truyên đươc sư rung cam, sư say mê và những xúc đông nhất định cua tâm hôn đên ngươi nghe.
Sở hữu một giọng hát Soprano đẹp, trong trẻo và ngoại hình đẹp, Phạm Thùy Dung được xem là lớp kế cận xứng đáng của dòng nhạc thính phòng, bên cạnh những tên tuổi như Đăng Dương, Lan Anh…Dù gặt hái nhiều giải thưởng ở dòng dân gian, nhưng cuối cùng Phạm Thùy Dung lại lựa chọn con đường khó khăn hơn – theo đuổi âm nhạc cổ điển, dòng nhạc vốn kén người nghe.
Á quân Sao mai 2013 Phạm Thùy Dung cũng vừa tổ chức thành công liveshow “Trăng hát”
Phải nói rằng, Phạm Thùy Dung là người có số phận thiệt thòi trong cuộc sống. Song cùng với niềm đam mê, nghị lực vượt qua khó khăn, dưới sự hướng dẫn của NSND Trung Kiên, các cô giáo Anh Thơ, Hồ Mộ La,… giọng hát Phạm Thùy Dung sau khi đã tốt nghiệp cao học của Học viện Âm nhạc quốc gia, Dung đã chinh phục được công chúng. Đồng thời Dung đã không phụ lòng sự kỳ vọng của các thầy, cô đã nhiệt thành đào tạo, giúp đỡ.
NSND Trung Kiên chia sẻ: “Lúc đầu khi Phạm Thuỳ Dung bảo sẽ thực hiện một concert tôi cũng có chút lo lắng cho em nhưng hôm nay tôi dù chân rất đau nhưng vẫn đến đây để xem em trình diễn thế nào và thực sự thấy Dung có tính toán khôn ngoan. Nói nhiều sợ mọi người bảo khen hão nhưng tôi thực sự xúc động khi nghe Phạm Thùy Dung hát các bản romance thế giới”.
Xét đến cùng, dù tổ chức liveshow bình thường, hayliveshow kỷ niệm, mục tiêu vẫn là đưa sản phẩm âm nhạc-nghệ thuật đến với công chúng. Chủ nhân của các đêm diễn ra phải chuẩn bị tốt nhất, thậm chí đầu tư tốn kém để mang đến chương trình có chất lượng, phục vụ công chúng, khẳng định tên tuổi bản thân. Chương trình hay sẽ được đón nhận. Chương trình dở sẽ khiến khán giả quay lưng. Không ít liveshow (không thuộc kỷ niệm) được tổ chức rất vắng khách.
Thậm chí chương trình mời nhiều ngôi sao đến tham dự, biểu diễn nhưng vẫn chỉ lác đác khán giả. Không ít khán giả đặt câu hỏi, phải chăng những liveshow kỷ niệm có tính chất đánh dấu một giai đoạn, một bước ngoặt nào đó nên được đầu tư kỹ lưỡng hơn, thậm chí “chịu chi” hơn để có một vài đêm thật sự ấn tượng?
Dẫu sao, trong cuộc sống hiện đại hối hả, vào những buổi tối tiết trời se lạnh, cùng tụ về dự liveshow kỷ niệm, cũng là cách hưởng thụ cuộc sống.
Phú Xuyên – Sơn Bình
Theo baophapluat.vn
Lọ Lem dòng nhạc thính phòng
Khoảng cách khá xa giữa Phạm Thùy Dung của giải Nhì Sao Mai 2013 dòng dân gian và nhân vật chính trong buổi hòa nhạc hoành tráng đẹp như mơ cùng Dàn nhạc Giao hưởng Mặt trời vừa diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội chắc chắn cần được lấp đầy bởi rất nhiều may mắn và sự hỗ trợ quan trọng từ nhiều phía. Nhưng nếu Phạm Thùy Dung không nỗ lực nâng cấp bản thân thì giấc mơ cũng mãi chỉ là giấc mơ...
Dung diện 6 bộ váy của Chung Thanh Phong trong đêm Trăng hát Ảnh: NVCC
Khi tấm màn nhung Nhà hát Lớn mở ra, khán giả không khỏi trầm trồ trước bài trí sân khấu của đêm hòa nhạc Trăng hát. Vô vàn lớp cánh gà màu trắng được cách điệu thành những đường cong tựa đường nét của bầu đàn cello hoặc cũng có thể của người con gái. Giữa các khe có ánh trăng hắt lên. Hình chiếu trên màn hình LED thực sự là những bức tranh tiết chế, tinh tế biến ảo theo từng bài hát. Trang phục nhạc công thay vì đen truyền thống chuyển sang trắng, nền sân khấu cũng trắng. Mỗi giá nhạc và loa là đen. Bộ thiết kế sự kiện cũng được chăm sóc tận tình, xoay quanh chủ đề Trăng hát.
Dàn nhạc giao hưởng và nhạc sĩ phối khí hàng đầu, khách mời cũng là những đại diện nổi bật trong dòng nhạc của mình. Chỉnh thể chỉ còn chờ mảnh ghép quyết định là Phạm Thùy Dung... Dung bỏ ra hai tháng để tập với piano, với nhạc trưởng và dàn nhạc, luôn có huấn luyện viên thanh nhạc đi kèm. Cô vẫn duy trì việc học với nghệ sĩ opera tầm cỡ thế giới Lyubov Kazarnovskaya khi rảnh. Được biết phong độ của cô khi diễn còn tốt hơn tập...
Giờ giải lao của đêm nhạc được dành để tri ân tất cả các thầy cô giáo từng góp sức làm nên giọng hát Phạm Thùy Dung. Thế mới biết giọng hát này "tốn kém" cỡ nào. Các thầy cô thẳng thắn chỉ ra những hạn chế của Dung khi mới học và bây giờ giọng cô được nhà giáo nổi tiếng mực thước Hồ Mộ La đánh giá đã đạt tới độ đẹp, còn NSND Trung Kiên thì thực sự bất ngờ vì Dung hôm nay lên những nốt cao chói vói khác hẳn ngày xưa.
Có thể thấy ánh trăng đạt tới độ lấp lánh trong phần đầu dành cho thứ âm nhạc Dung được học trong trường. Dung chinh phục được những bài bản đòi hỏi kỹ thuật khá cao như trích đoạn Alleluja của W. Mozart hay Mein Herr Marquis của J.Strauss. Với kỹ thuật đang ở độ chín như vậy, Dung nên hát nhiều aria hơn- là đề xuất của "khán giả" NSND Trung Kiên. Tất nhiên nếu đúng chuẩn trường lớp, cô sẽ phải hát cùng dàn nhạc mà không có tăng âm. Nhưng như thế lại không phù hợp với phần sau của chương trình mang tính chất giao thoa. Hãy tưởng tượng Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh mà phải vận dụng kỹ thuật để hát không mic sẽ thế nào... Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng đã phối khí bài này một cách súc tích, rất chặt về nhịp. Để theo được bản phối này, Dung cũng không thể luyến láy ngâm ngợi theo kiểu hát truyền thống. Và cách luyến láy của Dung giờ đây cũng Tây hóa đáng kể. Rõ ràng cô đã thành công trong việc lột xác từ một thí sinh dân gian Sao Mai thành một giọng ca chuẩn thính phòng. Việc hát lại Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh giống như để tri ân quê hương.
Độc đạo là một bản phối thăng hoa và trau chuốt Trần Mạnh Hùng dành cho khách mời Tùng Dương. Nó làm khán giả phải nghĩ đến khả năng Tùng Dương trình diễn với dàn nhạc giao hưởng cả chương trình. Tất nhiên hơi khó cho Tùng Dương khi phải ép mình vào cổ điển giao thoa nhưng biết đâu đấy, với công nghệ xử lý âm thanh phát triển như bây giờ.
Một thực tế nhiều ca sĩ qua đào tạo trường lớp đều thấm thía là càng đi sâu vào kỹ thuật opera, càng khó trở lại hát kiểu dân gian Việt Nam. Dung cũng không phải ngoại lệ. Cô áp dụng kỹ thuật hát liền mạch (legato) không theo chuẩn "tròn vành rõ chữ" trong những bài Việt như Ở rừng nhớ anh (An Thuyên) nghe khá lạ tai nhưng cũng không đến nỗi chỏi, cũng có thể coi như một cách "đổi gió" cho người nghe. Phần cuối dành cho những sáng tác hiện đại đa phong cách (trong đó buộc phải có yếu tố thính phòng cổ điển) từ Phantom of the Opera của A.L.Webber tới Mỗi sớm mai lại thêm bình yên (Vũ Minh Tâm). Đây chính là con đường Dung theo đuổi và cô tiếp tục chứng tỏ lựa chọn của mình hoàn toàn có căn cứ.
Ở tuổi 30 đã có trong tay một ê-kip hoành tráng từ nghệ thuật tới tổ chức sản xuất và thành công trót lọt ngay từ lần ra mắt đầu tiên, có thể nói Dung đang viết những trang "có hậu" của câu chuyện cổ tích đời mình. Xuất thân nghèo khó giờ đây cũng thành một mảng màu tôn lên bức tranh toàn cảnh sáng tươi.
NGUYỄN MẠNH HÀ
Theo Tienphong.vn
Ca sĩ Đinh Trang mặc áo dài, đi giày cao gót nhảy sạp Á quân Sao Mai 2013 dòng thính phòng Đinh Trang chính ra mắt MV Tình em nhân dịp kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10. Đây cũng là MV nằm trong chuỗi sản phẩm kỷ niệm 10 năm theo con đường âm nhạc chuyên nghiệp của nữ ca sĩ, sau MV Bài ca hy vọng và album Hát đợi anh về. Tình...