Sôi động đường đua M&A bất động sản
Hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) được đánh giá sẽ bứt phá trong năm 2022 do nhiều điều luật được sửa đổi, tạo cơ chế thông thoáng hơn cho triển khai dự án, khiến nguồn cung dồi dào hơn trên thị trường và kích thích các hoạt động chuyển nhượng, hợp tác.
Đường đua M&A bất động sản được dự báo sẽ rất sôi động trong năm 2022 sau năm 2021 có phần trầm lắng do dịch bệnh.
Ảnh minh họa: Vân Sơn/Báo Tin tức
Ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers Việt Nam nhận xét, nhiều nhà đầu tư đánh giá, một chu kỳ tăng trưởng kinh tế mới đang bắt đầu và họ nhận thấy cần phải tranh thủ chớp lấy cơ hội này.
Do đó, rất nhiều nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh, có sẵn nguồn tiền nhàn rỗi đang tích cực tìm kiếm cơ hội trên thị trường M&A bất động sản khi có nhiều yếu tố hỗ trợ như kinh tế đang trên đà hồi phục, hoạt động đầu tư công vào các dự án hạ tầng giao thông lớn được thúc đẩy.
Bà Đỗ Lan Anh, Thành viên Hội đồng đầu tư Quỹ Asia Business Builders, Giám đốc M&A của ABB Merchant Banking phân tích, hiện tại, hoạt động M&A đang được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố như Chính phủ kiên định với chính sách sống chung và thích ứng với dịch bệnh; trong đó có việc mở cửa lại ngành du lịch từ ngày 15/3 vừa qua.
Dưới con mắt nhà đầu tư, Việt Nam vẫn được đánh giá là một trong những điểm đến đầu tư ưu tiên hàng đầu trong khu vực nhờ sự ổn định chính trị. Đây là những ưu thế giúp Việt Nam hấp dẫn dòng vốn ngoại trong hoạt động M&A.
Mặc dù nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng trả giá cao hơn 10-12% đối với những dự án phù hợp nhưng trong bối cảnh dịch bệnh thì nhà đầu tư trong nước dường như có ưu thế hơn nhờ sự gần gũi về văn hóa kinh doanh và thông tỏ thủ tục pháp lý dự án.
Bên cạnh các dự án M&A đã và đang được doanh nghiệp triển khai, một số doanh nghiệp bất động sản lớn khác cũng đang xúc tiến thâu tóm quỹ đất bằng hoạt động mua vốn cổ phần. Khi cả vốn ngoại và nội cùng chọn phương thức M&A sẽ khiến cuộc đua vào thị trường bất động sản thêm hấp dẫn.
Video đang HOT
Theo phân tích của các chuyên gia, cuộc đua M&A dự báo sẽ tiếp tục nóng lên bởi đây là một trong những chiến lược nhanh và mạnh giúp doanh nghiệp đi sâu vào chuỗi giá trị của mình, gia tăng thị phần, sản phẩm, tiếp cận với thị trường, mang lại các giá trị chung cho cộng đồng.
Lý do quan trọng nhất để các doanh nghiệp chọn hình thức M&A là nhiều doanh nghiệp có tiềm lực hùng mạnh muốn rút ngắn thời gian tham gia thị trường với từng dự án cụ thể trong bối cảnh quỹ đất ngày càng hạn chế hơn. Ngoài ra, đại dịch COVID-19 cũng đã khiến không ít doanh nghiệp chịu nhiều tổn thất, không còn đủ năng lực để phát triển các dự án dang dở và đành phải bán lại cho những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính tốt hơn.
Hiện có những tập đoàn bất động sản trong nước đang có được đà phát triển rất tốt và sẵn sàng “thế chân” tại những dự án mà chủ đầu tư ban đầu không thể tiếp tục được. Bằng uy tín sẵn có, kinh nghiệm phát triển dự án và bán hàng hiệu quả, họ có thể nhanh chóng tiến hành dự án mới hoặc triển khai tiếp dự án chưa hoàn thành thông qua M&A.
Theo các chuyên gia kinh tế và bất động sản, xu hướng M&A sẽ tiếp tục tăng tốc trong thời gian tới. Bởi các công ty địa ốc lớn như Vinhomes, Novaland, Phát Đạt, An Gia, LDG… vẫn đang triển khai các chiến lược nhằm tiếp tục tìm kiếm và thâu tóm các quỹ đất chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo.
Quỹ đất ngày càng khan hiếm, thủ tục triển khai dự án bị siết chặt…, nhiều chủ đầu tư yếu kém không trụ được trước khó khăn sẽ buộc phải bán trao tay dự án hoặc chấp nhận chuyển nhượng cổ phần cho các chủ đầu tư khác có tiềm lực hơn. Do đó, thị trường M&A sẽ càng sôi động.
Ở góc nhìn của doanh nghiệp, có người cho rằng, động thái cơ quan quản lý kiểm soát chặt chẽ hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp bất động sản nói riêng và việc tiếp tục hạn chế dòng vốn tín dụng chảy vào phân khúc này cũng sẽ khiến nhiều chủ đầu tư gặp khó khăn về dòng tiền. Do đó, họ buộc phải chia tay sớm, chuyển nhượng bớt các dự án, quỹ đất để có dòng tiền hoạt động. Điều này tiếp thêm một trợ lực vào sự sôi động trong cuộc đua M&A bất động sản năm 2022.
Nhận định về xu hướng M&A thời gian tới, bà Dương Thùy Dung – Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam cho rằng, năm 2021 vừa qua, đa phần các giao dịch M&A đã diễn ra tại dự án bất động sản vùng ven và các tỉnh thành xung quanh đô thị lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Xu hướng này vẫn tiếp tục diễn ra trong năm 2022 với động lực thúc đẩy bao gồm nhiều tín hiệu tích cực đến từ các kế hoạch triển khai đầu tư phát triển hạ tầng giao thông nhằm tăng khả năng kết nối từ đô thị lớn đến các tỉnh thành xung quanh như tuyến đường vành đai, đường cao tốc, sân bay Long Thành hoàn thiện kết nối cho khu vực TP Hồ Chí Minh đến các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An.
Cùng với sự phát triển rất thành công của hoạt động sản xuất công nghiệp tại nhiều tỉnh, thành xung quanh đô thị lớn trong thời gian dài, các khu vực này dần trở thành địa điểm tiềm năng trong hoạt động M&A phát triển quỹ đất cho các dự án nhà ở trong tương lai.
“Khẩu vị đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài không thay đổi trong tiêu chí tìm kiếm đầu tư vào dự án có tính hoàn thiện về pháp lý cao và đối tác là chủ đầu tư trong nước chuyên nghiệp. Tuy nhiên, sự thay đổi có thể nhận thấy được ở việc các nhà đầu tư nước ngoài không chỉ tìm kiếm các quỹ đất có vị trí đắc địa, mà còn mở rộng việc tìm kiếm dự án đến các tỉnh thành xung quanh nhằm gia tăng quỹ đất dự án cho việc phát triển trong trung và dài hạn” – bà Dung chia sẻ.
Đáng chú ý, hiện tính liên kết giữa doanh nghiệp đang được thể hiện ngày càng rõ trong việc gia tăng số lượng dự án có sự hợp tác tương hỗ giữa chủ đầu tư trong và ngoài nước, cũng như nhu cầu hợp tác đầu tư chiến lược vào các tập đoàn bất động sản trong nước về mặt vốn và kinh nghiệm phát triển dự án để có thể đưa ra thị trường những dự án có chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế ngày càng cao.
Điều này được hiện thực hóa bằng hàng loạt dự án bất động sản được quản lý bởi những thương hiệu khách sạn quốc tế năm sao hay các dự án khu đô thị thông minh, bền vững sắp được triển khai.
Đất nền, chung cư vẫn được 'chuộng'
Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng thị trường bất động sản vẫn được xem là "bến đỗ" an toàn cho các nhà đầu tư.
Trong số đó, đất nền và căn hộ được đánh giá là hai phân khúc "chiếm sóng" trên thị trường.
Các chuyên gia nhận định, kể từ quý II/2021, trước sự ảnh hưởng của dịch COVID-19, hầu hết dự án bất động sản tại Việt Nam đều bị tác động bởi lệnh giãn cách xã hội. Điều đó khiến chuỗi cung ứng vật liệu, thiết bị xây dựng đứt gãy, nguồn nhân lực bị hạn chế... Cùng đó, tiến độ thi công các dự án bị trì hoãn, khiến nguồn cung sản phẩm mới trên thị trường trở nên khan hiếm.
Theo khảo sát của trang Batdongsan.com.vn, phân khúc thấp tầng tăng giá mạnh trên thị trường. Mức tăng mạnh nhất thuộc về khu vực ngoại ô Hà Nội là Gia Lâm, Hoài Đức, Hà Đông. Tại Hoài Đức, các dự án thấp tầng như An Lạc Green Symphony, Hinode Royal Park, Hado Charm Villas cũng ghi nhận mức tăng giá so với năm ngoái.
Giá bán tại Hado Charm Villas từ mức giá 60 triệu đồng/m2 thời điểm đầu năm thì nay đã chạm mức từ 70-75 triệu đồng/m2. Hay, tại dự ăn Hinode Royal Park, giá tăng từ mức từ 70-76 triệu đồng/m2 lên mức từ 77-85 triệu đồng/m2.
Những con số này cho thấy, sự tăng giá ấn tượng trong năm 2021 của đất nền phía Tây Hà Nội và trở thành tâm điểm đầu tư trên thị trường bất động sản Thủ đô. Đây cũng là khu vực được tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng toàn diện cũng như hưởng lợi từ các chính sách quy hoạch của thành phố.
Trên thực tế, nhu cầu nhà ở của người dân ngày một tăng cao. Bởi vậy, nhiều chủ đầu tư, doanh nghiệp bất động sản đang tập trung đẩy mạnh các dự án để "vực dậy" thị trường sau thời gian dài giãn cách.
Tại khu vực phía Nam, báo cáo của DKRA Việt Nam cũng cho thấy,trong tháng 10 vừa qua, TP Hồ Chí Minh có 1 dự án đất nền được mở bán mới, cung cấp ra thị trường 26 nền, với tỷ lệ tiêu thụ đạt 8%. Đây cũng là lần đầu phân khúc này xuất hiện nguồn cung mới tại thị trường TP Hồ Chí Minh sau chuỗi thời gian dài vắng bóng.
Mặc dù lệnh giãn cách dần được nới lỏng ở hầu hết các địa phương nhưng mở bán online vẫn tiếp tục là hình thức chủ đạo được các sàn môi giới áp dụng trong những tháng gần đây nhằm đảm bảo an toàn cho người mua cũng như tuân thủ các quy định phòng chống dịch.
Ông Lê Tạo - Tổng giám đốc Công ty TNHH Phát triển Hạ tầng và Bất động sản Tạo Tín Phát nhận xét, nhu cầu quan tâm tìm mua nhà phố, đất nền tại các vùng phụ cận đang tăng lên. Dòng sản phẩm nhà phố, đất nền có giá từ 1-2 tỷ đồng trong phạm vi cách TP Hồ Chí Minh tầm từ 200 - 300 km được nhiều nhà đầu tư tìm kiếm và có giao dịch nhanh.
Hiện đất nền các tỉnh giáp ranh vẫn là dòng sản phẩm được ưu tiên hàng đầu. Dù không sôi động như giai đoạn đầu năm 2021 nhưng phân khúc này vẫn có lượng giao dịch đáng kể, đặc biệt tại những địa phương có các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm.
Dưới một góc nhìn khác, ông Nguyễn Văn Hậu - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Asian Holding cho rằng, phân khúc căn hộ, đặc biệt là các dự án ở vùng ven TP Hồ Chí Minh có mức giá phù hợp cũng sẽ hút khách. Đây là phân khúc không chỉ khách mua nhà ở thực quan tâm mà còn phù hợp với mục đích mua để đầu tư của nhiều khách hàng.
Đồng quan điểm, Tiến sỹ Sử Ngọc Khương cho rằng, những người có tài sản tích lũy có thể mua nhà để ở hoặc mua để đầu tư, đặc biệt là các dự án thuộc phân khúc nhà ở, căn hộ. Tuy nhiên, việc rót tiền vào phân khúc nhà ở đối với những người đầu tư lướt sóng, sử dụng đòn bẩy tài chính sẽ cần phải cân nhắc bởi đây không phải thời điểm hợp lý để đầu tư khi dịch bệnh vẫn là một thách thức lớn.
Còn đối với những nhà đầu tư có tiền nhàn rỗi, tiền gửi ngân hàng thì việc đầu tư vào phân khúc nhà ở biến thành tài sản tích lũy thay vì gửi ngân hàng chịu lãi sẽ rất phù hợp.
Người mua nhà 'đòi' quyền lợi - Bài cuối: Mỏi mắt chờ đất, đòi sổ Chủ đầu tư dự án bất động sản chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chưa hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật nhưng vẫn rao bán và nhận đặt cọc tới hơn 80%. Cùng với đó, qua 23 năm triển khai, dự án vẫn chưa thể hoàn tất việc đền bù giải phóng mặt bằng, chưa được cấp giấy chứng...