Sôi động cuộc đua khám phá Mặt trăng
Lần đầu tiên sau 45 năm, Nga sẽ đưa tàu vũ trụ lên Mặt trăng nhằm mục đích tìm kiếm nguồn nước và tham vọng “dẫn đầu thế giới” trong công cuộc khám phá không gian.
Igor Mitrofanov- lãnh đạo Viện Nghiên cứu không gian (Nga)- khẳng định Mát-xcơ-va sẽ phóng tàu vũ trụ Luna-25 vào ngày 1-10-2021 và hạ cánh xuống vùng tối của Mặt trăng (là nửa Mặt trăng không bao giờ được nhìn thấy từ Trái đất). Phi thuyền không người lái này sẽ thực hiện các nghiên cứu khoa học, bao gồm phân tích đặc tính của đất đá ở vùng tối và tìm hiểu tầng ngoài khí quyển.
Tàu thăm dò Hằng Nga-4 của Trung Quốc hạ cánh trên Mặt trăng. Ảnh: Space Review
Thể hiện vai trò lãnh đạo trong vũ trụ
“Trở lại Mặt trăng sẽ là tuyên bố hùng hồn về vai trò lãnh đạo trong vũ trụ” – Ivan Moiseyev, người đứng đầu Viện Chính sách không gian ở Mát-xcơ-va, nhấn mạnh. Chưa hết, Nga còn tính thực hiện thêm 4 vụ phóng tàu vũ trụ lên “chị Hằng” trong tương lai, trong đó hy vọng sứ mệnh Luna-27 sẽ chiết xuất được nước giai đoạn 2024-2025. Theo ông Moiseyev, quốc gia đầu tiên phát hiện nước trên Mặt trăng sẽ gây chấn động. Nước sẽ giúp hiện thực hóa các sứ mệnh Mặt trăng trong tương lai bởi nó có thể được sử dụng làm nguồn nhiên liệu cho những chuyến thám hiểm xa hơn.
Chưa rõ tổng ngân sách Điện Kremlin rót vào chương trình Mặt trăng, song năm ngoái Tổng Giám đốc Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga Roscosmos Dmitry Rogozin cho biết riêng việc chế tạo một rốc-két hạng nặng và phóng nó vào vũ trụ sẽ tiêu tốn tới hơn 9,8 tỉ USD. Lần gần nhất xứ bạch dương đưa phi thuyền lên bề mặt Mặt trăng là vào năm 1976 với sứ mệnh Luna-24. Đó là thời điểm cuộc chạy đua không gian giữa Liên Xô và Mỹ đã đến hồi kết, nhưng giờ đây Luna-25 lại tạo ra tiếng vang về một cuộc đua mới có phần thân thiện hơn giữa hai cường quốc này.
Cuộc đua kiểm soát không gian rộng lớn
Nga công bố sứ mệnh trên trong bối cảnh Mỹ cũng đang tăng tốc chương trình không gian. Trong chuyến thăm Trung tâm Nghiên cứu Langley trực thuộc Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) hồi tháng rồi, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã đề cập đến tính cấp bách của sứ mệnh đưa các nhà du hành nước này trở lại Mặt trăng vào năm 2024. NASA hiện đang nỗ lực đẩy nhanh dự án 30 tỉ USD để xây một trạm không gian mới có người tọa lạc trong vùng không gian bao la giữa Trái đất và Mặt trăng (cislunar), dùng làm căn cứ cho các phi hành gia xứ cờ hoa quay lại Mặt trăng trong 4 năm tới. Lần cuối con người đặt chân lên hành tinh này là năm 1972, trong sứ mệnh Apollo cuối cùng của Mỹ.
Để đạt được tham vọng mới của về Mặt trăng, Mỹ cũng cần các tên lửa hạt nhân. Gần đây, Bộ Quốc phòng Mỹ đã chỉ đạo Cơ quan Nghiên cứu dự án quốc phòng hiện đại (DARPA) phát triển tên lửa động cơ đẩy nhiên liệu hạt nhân mới nhằm đưa nhiều vệ tinh lên tầm cao hơn. Trong tài khóa 2020, Quốc hội Mỹ đã duyệt cho DARPA chi 10 triệu USD để nghiên cứu động cơ tên lửa. Mục tiêu của Lầu Năm Góc là đưa các vệ tinh lên xa hơn trong vùng cislunar trước khi Trung Quốc lên tới đây bằng tàu vũ trụ của họ.
Mặt trăng cách Trái đất hơn 386.000km, trong khi phần lớn các vệ tinh nhân tạo hoạt động trên độ cao chỉ từ 2.000-36.000km. Do vậy, cả Mỹ và Trung Quốc đều lao vào cuộc đua nhằm kiểm soát khoảng không rộng lớn từ các vệ tinh này tới Mặt trăng.
Năm ngoái, Trung Quốc đã phóng tàu thăm dò Hằng Nga-4 lên vùng tối của Mặt trăng, qua đó trở thành quốc gia đầu tiên làm được điều này và thậm chí có thể đưa người lên hành tinh đó vào giữa thập niên 2020. Chương trình khám phá Mặt trăng mang tên Hằng Nga của Bắc Kinh bắt đầu từ năm 2004, với việc bay vào quỹ đạo và hạ cánh xuống đây, mang theo mẫu vật trở về Trái đất. Theo Cơ quan Vũ trụ quốc gia Trung Quốc, chương trình này đã 5 lần thành công liên tiếp.
Tất nhiên, Ấn Độ cũng không đứng ngoài cuộc đua đến Mặt trăng hiện rất gay cấn. Mới đây, New Delhi tuyên bố sẽ phóng một tàu vũ trụ khác lên Mặt trăng, sau những lần hạ cánh bất thành trước đó. Cơ quan Nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ khẳng định vụ hạ cánh thất bại của tàu đổ bộ Vikram xuống cực Nam Mặt trăng hồi tháng 9-2019 không làm chùn bước những nỗ lực của nước này trong việc thám hiểm vũ trụ, bao gồm chương trình đầy tham vọng đưa phi hành gia vào vũ trụ trong năm 2022.
Dù Vikram mất liên lạc khi chỉ còn cách Mặt trăng khoảng 2km, nhưng việc thiết bị tiến tới gần Mặt trăng như thế được coi là một thành tựu đáng kinh ngạc đối với quốc gia Nam Á.
HẠNH NGUYÊN
600 tỷ tấn băng tan ở Greendland trong năm 2019
Năm 2019, mùa hè ấm bất thường ở Bắc Cực đã làm tan 600 tỷ tấn băng, khiến mực nước biển dâng 2,2 mm.
Phương Hà
Theo Amaze Lab
Ông Trump kêu gọi Mỹ trở thành nước đầu tiên cắm cờ trên Sao Hỏa Trong bài phát biểu Thông điệp Liên bang nhắc đến đơn vị mới của quân đội, Lực lượng Không gian, Tổng thống Donald Trump kêu gọi Mỹ trở thành quốc gia đầu tiên cắm cờ trên Sao Hoả. Tổng thống kêu gọi Quốc hội tài trợ đầy đủ cho chương trình Artemis, nỗ lực của NASA nhằm trở lại Mặt Trăng và cuối...