Sợi dây kỷ vật và hành trình tìm lại người cha giàu có
Đã hơn một lần nó có ý định vào trại trẻ mồ côi, nhưng lời dặn của bà nó làm nó đau lòng. Nó không làm như thế được, nó muốn tìm người đàn ông mà nó gọi là ba để mẹ nơi thiên đường có thể nở nụ cười đẹp nhất.
Màn đêm buông xuống, hơi lạnh từ bên ngoài hắt vào làm nó co ro. Nơi nó ở không lạnh lẽo thế này, đó là một vùng đất khô cằn đá sỏi, khô như chính con người nó vậy. Nó mân mê sợi dây chuyền ở cổ, kỉ vật mẹ nó để lại, chỉ duy nhất một vật bé nhỏ như thế thì làm sao nó tìm ra người thân bây giờ đây. Nó thấy cô đơn quá. Đã hơn một lần nó có ý định vào trại trẻ mồ côi, nhưng lời dặn của bà nó làm nó đau lòng. Nó không làm như thế được, nó muốn tìm người đàn ông mà nó gọi là ba, đơn giản để làm mẹ nó nơi thiên đường có thể nở nụ cười đẹp nhất.
Ảnh minh họa
15 năm trước, có một người con gái yêu tha thiết một người con trai. Tình yêu của họ hồn nhiên, trong sáng và như một định mệnh để rồi 15 năm sau nó tồn tại bơ vơ trong cuộc đời này. Năm tháng qua đi, tình yêu của họ lớn dần lên. Nhà cô gái nghèo lắm, ngoài những giờ đi học, cô cặm cụi ngồi đan những chiếc khăn len để kiếm tiền ăn học. Ba mẹ cô quanh năm làm thuê làm mướn chỉ đủ nuôi sống sáu đứa em của cô, làm sao có tiền cho cô ăn học. Chàng trai sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu có, ngôi nhà của anh như một ngôi biệt thự tráng lệ giữa lòng thành phố. Chẳng biết vì lý do gì mà hai người lại yêu nhau. Có lẽ chàng trai bị cuốn hút bởi vẻ chân thành, xinh xắn và nụ cười chúm chím đáng yêu của cô.
Video đang HOT
Thời gian trôi qua, họ đã có những giây phút hạnh phúc. Rồi một ngày, cha mẹ chàng trai biết chuyện, họ giận dữ, tức tối và quyết liệt ngăn cản mối quan hệ này. Mẹ chàng trai đã đến gặp cô gái, ném vào mặt cô một cục tiền với vẻ xem thường, yêu cầu cô hãy rời xa con trai bà. Cô gái đau đớn tủi nhục, chỉ vì cô quá nghèo. Chàng trai trốn cha mẹ tới gặp cô gái, anh yêu cô, anh không muốn mất cô, anh muốn đưa cô đến một nơi rất xa, ở đó không ai có quyền chia cắt họ nữa. Đêm đó, họ đã bên nhau, họ đau đớn trong hạnh phúc, cô đã trao cho anh cái quý giá nhất của người con gái, cô không hề hối hận vì cô quá yêu anh. Nhưng cô biết rằng anh sẽ không bao giờ là của cô, cô không thể cướp anh khỏi bậc đã sinh thành ra anh, họ chỉ có mình anh thôi, họ cần anh.
Trong đêm khuya vắng lặng đó, cô đã ra đi và cô đâu biết rằng mình đã mang giọt máu của anh trong người. Cô đi lang thang, chuyến xe cuối cùng trong ngày đã đưa cô đến một vùng đất rất xa, ở đó không ai biết cô, chỉ có một bà lão độc thân cưu mang cô. Cô làm thuê làm mướn dành dụm để chờ ngày nó chào đời. Khi màn đêm buông xuống, cô mải mê may những chiếc áo bé xinh dành cho nó.
Cái ngày nó chào đời, mưa tầm tã, mẹ nó quằn quại trong đống chăn cũ và cũng chính lúc đó, người mẹ bất hạnh đã trút hơi thở cuối cùng, cô đã cạn kiệt sức lực. Cô hạnh phúc vì tình yêu của cô đã tồn tại trên cuộc đời này nhưng cô xót xa vì mới chào đời nó đã là đứa mồ côi, một tâm hồn bất hạnh, cô chỉ kịp đeo sợi dây chuyền vào cổ nó. Sợi dây chuyền ngày đó anh đã tặng cô, kịp cho nó một lần được tận hưởng dòng sữa ngọt ngào của mẹ…
Tất cả những gì nó biết về bố mẹ mình chỉ có như vậy. Tuổi thơ nó trôi qua trong nghèo khó, bên người bà cô đơn, khốn khổ. Hai bà cháu rau cháo nuôi nhau qua ngày. Bà kể cho nó nghe chuyện bố mẹ nó, bà muốn khi bà mất nó sẽ đi tìm bố đẻ của nó. Nhưng bằng sợi dây chuyền này ư? Chỉ một vật mong manh này làm sao giúp nó tìm được người thân của mình. Không, còn một điều nữa, nó rất giống mẹ nó, nhất là nụ cười chúm chím đáng yêu. Ông bà nội, ông bà ngoại, ba nó nữa, nó có rất nhiều người thân mà. Sao không ai đi tìm nó hết, hay mọi người không hề biết nó tồn tại trong cuộc đời này, nghĩ mẹ nó đã chết hay bị bắt cóc đến một nơi nào đó rất xa rồi. Bà nó mất khi nó tròn 15 tuổi. Giờ chỉ còn nó trơ trọi một mình trong cuộc đời. Nó sợ, nó thèm có ba mẹ, có ông bà như bao đứa trẻ khác.
Nó không biết bắt đầu từ đâu, chuyến tàu vẫn vút đi trong đêm tối. Mùi bánh của thằng bé bên cạnh làm nó thấy cồn cào, nó đói, không ai cho nó thứ gì để ăn hết. Trong cơn thèm thuồng, nó chợt thấy chiếc ví màu hồng dày cộm của người phụ nữ, như một phản xạ tự nhiên, nó đứng đậy, đi về phía đó…
Ở ga tiếp theo, khi đoàn tàu dừng, người ta thấy có một cô bé bị quẳng xuống sân ga không chút thương tiếc, nó còn bị người đàn bà to béo nện gót giày vào người một cách dã man. Nó quằn quại trong vũng máu, những người tò mò đứng lại nhìn ái ngại rồi vội vã bước đi, để lại đó một tâm hồn đang thoi thóp trong đêm lạnh giá…
Và, ở rất xa nơi cô bé nằm, cách gần nửa vòng trái đất, có một người đàn ông sống trong u buồn. Đã hơn 15 năm nay, anh sống trong đau buồn, đôi mắt đăm chiêu, nhìn về một nơi rất xa, rất xa như đang chờ đợi một điều gì đó trong vô vọng…
Theo VNN
Cậu học trò nghèo và mấy dây bầu
Nhà tôi nghèo lắm, ở thành thị mà chẳng biết đến ánh đèn điện, vẫn tranh tre như ở quê. Mẹ mua gánh bán bưng độ nhật qua ngày, nên chuyện học hành là cả một cuộc vật lộn ghê gớm. Tôi thường đói lòng đến lớp, và triền miên làm đơn xin miễn giảm học phí, cho dù khi ấy mức đóng góp chẳng là bao.
Thui thủi học rồi về, chẳng có được mấy người bạn. Quần áo cũ mèm, tập vở thiếu thốn. Cái nghèo của hơn 20 năm trước thật khó diễn tả. Nhưng tôi rất cố gắng học, và có kết quả tốt. Trường phổ thông cơ sở của thị trấn rêu phong được xây dựng từ thời thuộc Pháp, tường vách bong tróc. Các dãy phòng học chắn ba phía, dãy nhà tập thể cho giáo viên mới dựng sau ngày giải phóng rất cho đơn sơ, cũng tranh tre nứa lá như nhà của tôi thôi.
Cạnh nhà kho thiết bị, cô trồng mấy dây bầu. Sức sống của loại thực vật này khiến tôi kinh ngạc: bức tường nóng như thế, trơn tru như thế, mà dây bầu vẫn sống vẫn leo tít lên cao, lá to và xanh trông vô cùng khỏe khoắn. Cô tưới nước thường xuyên, và tôi nhớ là cô tưới nhiều lắm. Tôi cũng giúp cô tưới. Dây bầu to gần bằng cổ tay tôi, gân guốc. Trái thì nhiều đến khó tin, và to nữa. Mấy dây bầu bò trên tường đủ cho cô dùng suốt năm.
Cô không có gia đình riêng, cho dù cô khá xinh đẹp và đứng tuổi. Nơi chôn nhau cắt rốn thì rất xa, và cô cứ sống như thế với công việc quản lý một trường học, chăm sóc ngôi nhà tranh nhỏ xíu và tất nhiên là cả mấy dây bầu. Tất cả chỉ có thế.
Những quyển sách văn chương của cô hiệu trưởng đã nuôi tình yêu văn học trong tôi. Ngoài ra, đấy còn là sự chăm sóc một học sinh nghèo hiếu học, theo cách của cô. Ngày tôi vào đội tuyển học sinh giỏi văn dự thi vòng tỉnh, cô rất vui, cho dù chẳng nói gì. Khi ấy, chuyện học trò nghèo nhất trường là tôi được lên tỉnh thi học sinh giỏi là cả một sự kiện.
Đến mãi sau này, khi đã xa cô rồi, nhớ lại mấy dây bầu mà cô và tôi âm thầm vun tưới. Ngẫm nghĩ mãi, tôi vỡ ra: hay đấy là thông điệp mà cô muốn tôi mang vào đời: "Dù khó khổ đến đâu, nghị lực mạnh mẽ sẽ giúp ta vươn lên, ra hoa kết trái như mấy dây bầu đã kiên cường làm được". Thực ra, so sánh thân phận tôi với mấy dây bầu kia cũng khá tương đồng.
Không biết giờ cô đang ở đâu, đã yên bề gia thất chưa, và chắc là vẫn nhớ nhiều về ngôi trường cấp II ngày ấy, cả mấy dây bầu và cậu học trò nghèo rớt mồng tơi mà cô coi như một đứa con, một đứa em.
Viết những dòng này gửi đến cô, như những lời tri ân tận đáy lòng. Mong cô, dù ở đâu, cũng luôn được bình an, hạnh phúc. Cô đáng được như thế, thưa cô!
Theo người lao động
Không ai có thể cô đơn cả đời Rồi trong đời ai cũng có một người để lắng lo, để yêu thương, vậy thì hà cớ gì phải thấy mình lạc lõng giữa những ngày lạnh lẽo. Trong cuộc sống, sẽ có những khoảnh khắc bất ngờ ta gặp được người hiểu ta và chia sẻ những điều tưởng như chẳng thể chia sẻ, gặp được người ta muốn nắm tay...