“Sợi dây” có thể tăng kết nối Mỹ – Triều trước thềm thượng đỉnh tại Hà Nội
Giới phân tích cho rằng chính quyền Donald Trump nên thành lập một văn phòng đại diện tại Bình Nhưỡng trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ – Triều vào cuối tháng này để tăng cường sự kết nối.
Tổng thống Trump gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại Singapore năm 2018. (Ảnh: Reuters)
Khi Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un chuẩn bị tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh lần hai vào cuối tháng này, dư luận dành nhiều sự quan tâm về việc liệu Triều Tiên có những hành động cụ thể trong việc giải giáp chương trình vũ khí hạt nhân của nước này hay không. Các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên vẫn đang diễn ra ở giai đoạn đầu, song vẫn chưa chắc chắn về việc liệu hai nước sẽ đi đến đâu và có thể đạt được kết quả gì.
Một trong những lý do dẫn tới sự thiếu chắc chắn của các cuộc đàm phán Mỹ – Triều là thông tin liên lạc giữa hai bên vẫn “nghèo nàn”, cùng với đó là những hiểu lầm từng xảy ra trước đây trong quan hệ song phương.
Theo Abby Bard, nhà nghiên cứu về Chính sách Quốc tế và An ninh Quốc gia tại Trung tâm Tiến bộ Mỹ, Tổng thống Trump nên xem ý tưởng mở văn phòng đại diện của Mỹ tại thủ đô Bình Nhưỡng là vấn đề ưu tiên trong chương trình nghị sự của cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới với nhà lãnh đạo Triều Tiên. Abby Bard nhận định đây tuy chỉ là bước đi nhỏ nhưng đóng vai trò rất quan trọng trong việc cải thiện các kênh liên lạc và góp phần xây dựng lòng tin giữa Mỹ và Triều Tiên.
Tình trạng hiện nay trong quan hệ Mỹ – Triều là di sản của Chiến tranh Lạnh. Hai nước cho đến nay vẫn chưa thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức và kênh liên lạc chính vẫn là thông qua phái đoàn Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc ở New York (Mỹ). Trong khi đó, công dân Mỹ tại Triều Tiên vẫn phải trông cậy vào đại sứ quán Thụy Điển để đáp ứng các yêu cầu về lãnh sự.
Điều này có thể được cho là bình thường trong giai đoạn sau chiến tranh Thế giới thứ hai và chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) khi các nước chỉ được chọn Hàn Quốc hoặc Triều Tiên để thiết lập quan hệ dựa trên sự gần gũi về ý thức hệ. Tuy nhiên 70 năm sau đó, cả Hàn Quốc và Triều Tiên đều đã phát triển các mối quan hệ với những quốc gia mà trong quá khứ chỉ liên kết với bên còn lại.
Hiện nay, Triều Tiên đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 164 nước, trong đó có cả những đồng minh thân cận nhất của Mỹ. Triều Tiên cũng trở thành thành viên chính thức của Liên Hợp Quốc kể từ năm 1991. Do vậy, việc Mỹ và Triều Tiên chưa thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức là một ngoại lệ bất thường, đi ngược với xu thế của thời đại.
Vai trò của văn phòng đại diện
Việc thiếu một văn phòng đại diện chính thức khiến các quan chức Mỹ và Triều Tiên gặp khó khăn hơn trong việc diễn giải các động thái cũng như các diễn biến chính trị của nhau. Nếu một nước buộc phải dựa vào các kênh hậu trường hay các tuyên bố trên truyền thông để phán đoán xem bên còn lại nghĩ gì, chắc chắn sẽ có lỗ hổng trong việc thấu hiểu lẫn nhau và lỗ hổng này có thể cản trở tiến trình ngoại giao. Ngoài ra, việc mở văn phòng đại diện cũng là cách dễ dàng để Mỹ và Triều Tiên cải thiện dòng chảy thông tin cũng như giao lưu nhân dân giữa hai nước.
Video đang HOT
Một văn phòng đại diện sẽ đánh dấu sự hiện diện của phái đoàn ngoại giao đầu tiên trong lịch sử Mỹ trên lãnh thổ Triều Tiên. Văn phòng này sẽ tạo không gian cho các quan chức Mỹ và Triều Tiên bắt đầu thảo luận về các vấn đề then chốt trong quan hệ song phương, tương tự văn phòng mà Mỹ từng mở tại Việt Nam trước khi hai nước bình thường hóa quan hệ.
Khi các cuộc đàm phán với Triều Tiên được thúc đẩy, các nhà ngoại giao Mỹ có thể làm việc trực tiếp với các đối tác Triều Tiên để làm rõ lập trường chính sách và thực thi các thỏa thuận được hai nhà lãnh đạo thống nhất. Những động thái quan trọng như phi hạt nhân hóa không thể đạt được nếu không có sự tin tưởng. Những cuộc gặp mặt trực tiếp với tần suất thường xuyên tuy quy mô nhỏ nhưng lại là cơ chế hữu hiệu để thiết lập và nuôi dưỡng lòng tin, vốn được xem là cốt lõi trong quan hệ ngoại giao.
Ngoài những lợi ích trên, việc thành lập một văn phòng đại diện cũng làm giảm nguy cơ xảy ra những hiểu lầm mà có thể đe dọa tới mối quan hệ hòa dịu mong manh giữa Mỹ và Triều Tiên. Nếu xảy ra một cuộc xung đột bất ngờ giữa các binh sĩ Triều Tiên và bộ tư lệnh Liên Hợp Quốc với sự tham gia của các binh sĩ Mỹ, hay một sự cố nào đó trong cuộc tập trận quân sự chung Mỹ – Hàn, sự hiện diện ngay lập tức của các đại diện ngoại giao Mỹ thường trú tại Triều Tiên có thể ngăn chặn nguy cơ leo thang xung đột.
Chẳng hạn, khi Tổng thống Trump dọa trút mưa “tên lửa và hỏa lực” xuống Triều Tiên vào năm 2017, nếu các nhà ngoại giao Mỹ tại Triều Tiên có thể giải thích cho Bình Nhưỡng rằng đó chỉ là phong cách ngẫu hứng của ông chủ Nhà Trắng, căng thẳng giữa hai nước có thể đã không leo thang.
Thách thức mở văn phòng đại diện
Đương nhiên việc mở một văn phòng đại diện sẽ không tránh khỏi những thách thức. Mỹ có thể lo ngại về sự an toàn của các nhà ngoại giao Mỹ cũng như sự bảo mật về thông tin của Mỹ tại Triều Tiên, đặc biệt trong bối cảnh Washington từng cáo buộc Bình Nhưỡng tấn công mạng.
Việc mở văn phòng đại diện cũng cần có sự tương tác qua lại, đồng nghĩa với việc Triều Tiên cũng phải mở văn phòng đại diện tại Washington D.C. Ngoài ra, việc mở văn phòng cũng bao gồm các cuộc đàm phán về những điều mà các nhà ngoại giao được phép và không được phép làm tại từng nước. Mỹ có thể học hỏi Thụy Điển, Canada và Đức để có kinh nghiệm tốt nhất trong việc đưa các nhà ngoại giao tới Triều Tiên.
Những người chỉ trích có thể lập luận rằng, việc thiết lập quan hệ ngoại giao không chính thức giữa Mỹ và Triều Tiên có thể phát đi những thông điệp sai lệch. Tuy nhiên, mở một văn phòng đại diện không đồng nghĩa với việc Mỹ chấp nhận Triều Tiên là cường quốc hạt nhân hay ủng hộ chính quyền Triều Tiên. Điều đó chỉ đồng nghĩa với việc Mỹ sẵn sàng hợp tác thường xuyên với Triều Tiên như với hàng trăm quốc gia khác. Nếu Mỹ muốn đạt được tiến triển với Triều Tiên, Washington cần đưa các nhà ngoại giao tới quốc gia Đông Bắc Á này.
Thành Đạt
Theo Dantri/ Diplomat
Hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim từ Singapore đến Hà Nội: Kỳ vọng sự đột phá
Giới chuyên gia kỳ vọng Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại hội nghị thượng đỉnh ở Hà Nội tới đây có thể tiến tới một thỏa thuận cụ thể hơn so với những gì họ đạt được tại Singapore tháng 6/2018.
Tại Singapore cách đây 8 tháng, 2 nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên có cuộc gặp lịch sử, đánh dấu lần đầu tiên một Tổng thống Mỹ đương nhiệm hội kiến với người đứng đầu Triều Tiên. Tuy nhiên, tuyên bố chung được đưa ra sau đó được cho là quá mơ hồ và nhiều mục mang tính biểu tượng.
Mặc dù vậy, các động thái diễn ra hơn nửa năm qua của cả 2 bên khiến giới quan sát khá bất ngờ.
Tổng thống Trump ngay sau cuộc gặp với ông Kim tuyên bố đình chỉ các cuộc tập trận với Hàn Quốc vốn từng bị Triều Tiên lên án là khiêu khích và kích động chiến tranh. Thực thế thì một số sau đó vẫn được triển khai nhưng hầu hết là ở quy mô nhỏ.
Cử chỉ thân thiện của lãnh đạo Mỹ-Triều trong Hội nghị thượng đỉnh tổ chức ngày 12/6/2018 ở Singapore. (Nguồn: Reuters)
Triều Tiên trong khi đó đồng ý trao trả 55 bộ hài cốt được cho là của lính Mỹ bị thiệt mạng trong Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Quan trọng hơn, vào tháng 7/2018, một số hình ảnh vệ tinh cho thấy Triều Tiên bắt đầu dỡ bỏ các cơ sở hạ tầng ở bãi thử tên lửa Sohae.
Triều Tiên và Hàn Quốc cũng tiến tới các hội nghị thượng đỉnh mới, thống nhất về các bước đi làm giảm căng thẳng trong khu vực như gỡ bỏ mìn dọc biên giới, tháo dỡ các trạm lính gác và thiết lập một vùng cấm bay.
Năm 2018 cũng là năm ghi nhận nhiều cuộc gặp giữa các phái đoàn Mỹ-Triều nhưng cũng không thiếu các cuộc họp bị hủy bỏ không lý do.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo không ít lần công du tới Bình Nhưỡng và hội kiến với nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Tổng thống Trump trong khi đó tiếp đón các quan chức cấp cao Triều Tiên tại Nhà Trắng và tuyên bố ông và Chủ tịch Kim đều quý mến nhau.
Trong thông điệp đầu năm 2019, ông Kim nói rằng ông rất sẵn lòng gặp lại Tổng thống Trump, cùng với đó đưa ra cam kết phi hạt nhân hóa nhưng cũng cảnh báo sẽ thay đổi ý định nếu không hài lòng với các cuộc đàm phán.
Một loạt các cuộc đàm phán vào đầu tháng 1/2019 diễn ra, sau đó là thông báo tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 tại Hà Nội của Tổng thống Trump.
Những diễn biến này rõ ràng là hết sức lạc quan nếu nhìn vào lịch sử đối đầu của 2 nước trong quá khứ. Tuy nhiên trên thực tế, đằng sau các cuộc đàm phán, cả 2 bên đều không đưa ra được bất cứ bước tiến mới nào về tiến trình phi hạt nhân hóa, nới lỏng các lệnh trừng phạt hay đưa ra một tuyên bố hòa bình cho bán đảo Triều Tiên.
Truyền thông Triều Tiên liên tục phàn nàn việc Mỹ khăng khăng rằng sẽ chỉ nới lỏng các lệnh trừng phạt áp đặt lên Bình Nhưỡng hay tiến tới tuyên bố hòa bình nếu quốc gia Đông Bắc Á có những bước đi mới về phi hạt nhân hóa.
Trong khi đó, tình báo và giới chức quốc phòng Mỹ chỉ trích Triều Tiên vẫn tiếp tục nuôi tham vọng phát triển hạt nhân và rằng Bình Nhưỡng sẽ khó có thể từ bỏ tham vọng này.
Sau cuộc gặp với ông Kim vào tháng 9/2018, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nói rằng Triều Tiên sẵn sàng tháo dỡ vĩnh viễn khu liên hiệp hạt nhân chính Yongbyon của họ và cho phép các thanh sát viên quốc tế tới một số địa điểm thử tên lửa nếu Mỹ nhượng bộ.
Những bất đồng này trong quan điểm giữa 2 bên được kỳ vọng có thể sẽ được hóa giải tại cuộc gặp tới đây giữa ông Trump và ông Kim tại Hà Nội. Cả Mỹ và Triều Tiên đều rất kín tiếng về những gì có thể sẽ diễn ra tại Việt Nam trong 2 tuần tới, nhưng các nhà phân tích cho rằng Mỹ cần cởi mở hơn nếu muốn đi tới một thỏa thuận nào đó.
Stephen Biegun, đặc phái viên hàng đầu của Mỹ về vấn đề Triều Tiên nói với các nhà lập pháp Hàn Quốc rằng các cuộc thảo luận mới đây với Bình Nhưỡng xoay quanh khoảng 12 nội dung trong các cuộc đàm phán để chuẩn bị cho hội nghị tới đây.
Một nguồn tin cho biết Triều Tiên đã kêu gọi Mỹ nới lỏng lệnh trừng phát, khởi động lại các dự án kinh tế liên Triều, mở văn phòng liên lạc của Mỹ tại Bình Nhưỡng và tiến tới thỏa thuận chấm dứt tình trạng chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên.
Các động thái khác có thể bao gồm việc nới lỏng lệnh cấm người Mỹ du lịch tới Triều Tiên và yêu cầu Washington cung cấp các khoản viện trợ song phương.
Để Mỹ gật đầu đồng ý, Triều Tiên có thể sẽ phải đóng cửa khu liên hợp hạt nhân Yongbyon cũng như các cơ sở hạt nhân quan trọng trước sự chứng kiến của các chuyên gia nước ngoài, các quan chức Hàn Quốc cho biết.
Tháng 12/2018, truyền thông nhà nước Triều Tiên nói rằng cam kết phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên cũng sẽ bao gồm việc loại bỏ hoàn toàn các mối đe dọa tới từ Mỹ, nhưng không nêu ra các bước đi cụ thể mà Washington cần thực hiện.
Theo VTC News
Kim Jong-un sẽ đến Việt Nam bằng phương tiện nào? Có nhiều đồn đoán về việc lãnh đạo Triều Tiên sẽ sử dụng phương tiện nào để đến Việt Nam gặp tổng thống Mỹ. Thuê máy bay của hãng Air China để đảm bảo an toàn là một trong những khả năng được nhắc tới Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc đưa tin, nhiều khả năng lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ...