Sới bạc “ăn theo” đám cưới
Trong đám cưới, bạt đã căng lên, cái đêm chờ đợi để hôm sau vào việc chính thì người ta lại vui vẻ với trò “đỏ đen”. Không chỉ là tổ tôm, tam cúc đơn giản mà là xóc đĩa ăn tiền, tá lả trá hình và ăn thua đến mức xô xát.
Tệ nạn đánh bạc nơi đám cưới hầu như xuất hiện ở cả thành thị và nông thôn. Nhưng xem ra, ở các vùng nông thôn, nhất là vùng Đồng bằng Bắc Bộ người ta chơi mê mải hơn, rầm rộ hơn.
Ma lực siêu phàm
Vừa về dự đám cưới của một người bạn tại một vùng quê Bắc Bộ, bên cạnh tiếng nhạc xập xình của đám cưới tôi thấy choáng váng trước sự lên giọng “bán chẵn” “bán lẻ” – đó là tiếng các con bạc đang khát nước.
Chiếu bạc ban đầu trên danh nghĩa “vui là chính”, nhưng số tiền các con bạc sát phạt nhau thường lên đến cả vài triệu đồng, thậm chí có chiếu đánh đến hàng chục triệu đồng. Người được thì đứng đậy đi về, còn lại những con bạc khát nước ở lại sát phạt nhau thâu đêm, suốt sáng. Thế rồi gỡ ra không được, lại gỡ vào. Có anh vợ đi tìm đến tận chiếu bạc, chửi vợ, chửi con ngay giữa đám cưới vui vẻ.
Có chàng thanh niên mới cưới vợ, cũng đem hết số tiền mừng vào canh bạc và lấy nghề “làm cái” ra để đi hết đám cưới này đến đám ma nọ mở chiếu bạc. Có kẻ thì ngồi khát nước lâu quá, ngã gục giữa chiếu bạc vì vừa bán canh bạc thua nặng quá rồi qụy ra giữa chiếu.
Đến cả bà già, cô trẻ không can nổi chồng, con đành ra “ngó bạc”, tiền thì đằng nào cũng mất rồi, chỉ ậm ừ chửi cái thằng được bạc mà chuồn về trước và than chồng than con khi mang của giả đổ hết vào canh bạc.
Video đang HOT
Ảnh minh họa
Chiếu bạc mini
Điều đáng lên án là trong những đám cưới như thế này lại xuất hiện những chiếu bạc mini. Gọi là mini vì người tham gia tuổi mini và số tiền đổ vào canh bạc cũng mini nốt. Nhưng nó sẽ trở thành những chiếu bạc lớn theo năm tháng, và nuôi dưỡng những con bạc khát nước từng ngày.
Cứ khoảng 10 giờ đêm, khi đám cưới tạm dừng để mọi người lấy sức ngày mai, bên cạnh chiếu bạc tiền triệu thì các sới bạc mini cũng bùng phát. Các con bạc túm năm, tụm ba vào chiếu để sát phạt nhau với số tiền ăn sáng mà bố mẹ cho năm, mười nghìn.
Cửa nhà sạch trơn
Đánh cờ bạc thì ắt có kẻ thắng người thua, đã thua thì phải gỡ cho đến khi khánh kiệt. Chính trò chơi “đỏ đen” này làm tha hóa và bần cùng hóa con người và làm mất vui trong những đám cưới.
Đây thật sự là một loại tệ nạn xã hội cần phải loại trừ trong một xã hội lành mạnh. Không thể ỷ vào “cái thế” nhà có đám mà tha hồ tổ chức các “sới bạc” để sát phạt nhau. Dù chơi ít tiền cũng làm tốn phí thời gian, gây tổn hại sức khỏe, lúc được không bù lại lúc thua, kết cục chỉ đem lại sự mệt mỏi, chán nản.
Công khai mà mở “sới”
Điều lạ là các “sới” tổ chức trong các đám người ta chơi thoải mái, tự do, công khai, thậm chí chơi cực to mà không hề bị chính quyền địa phương có ý kiến gì.
Đem vấn đề này “thắc mắc” với một người có “máu mặt” trong giới cờ bạc, thì được biết rằng: Nếu tổ chức đánh bạc không phải ở trong đám ma, đám cưới thì chắc chắn bị bắt, nhưng khi nhà có đám mà chơi thì chính quyền làm ngơ! Tại sao lại như vậy? khi chẳng có một điều luật nào quy định, vì đã đánh bạc thì dù ở đâu cũng đều là phạm pháp.
Quả là “phép vua” xưa nay vẫn luôn thua “lệ làng” khi mà ở nhiều nơi, ngay cả trưởng, phó thôn, cán bộ xã phường cũng tham gia vào bài bạc nhân cơ hội các đám trong địa bàn. Thử hỏi như vậy họ còn nói được ai và bắt làm sao được ai?
Thiết nghĩ, đây là một hủ tục và tệ nạn xã hội xấu cần sớm được chính quyền địa phương tuyên truyền, lên án đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm để giữ gìn an ninh trật tự và thực hiện tốt nếp sống văn hóa tại địa phương. Các cán bộ địa phương cũng cần gương mẫu để tệ nạn này sớm loại bỏ.
Theo Người đưa tin
Sới bạc trá hình trong quán cà phê
Thời gian gần đây, xuất hiện nhiều quán cà phê kiêm chứa chấp cờ bạc. Đây là nơi gặp gỡ của các "con bạc" để "giết" thời gian bằng trò đỏ đen.
Chủ quán (đội mũ) ngồi "tư vấn" cho các "con bạc" chơi tá lả
Núp bóng quán cà phê
Dạo qua một số các quán cà phê giải khát ở trung tâm thành phố Hà Nội (như quán H ở phố Trần Huy Liệu, quán C ở phố Ngõ Huyện quận Hoàn Kiếm, quán Z ở đường ven hồ Tây...) phóng viên (PV) Báo ANTĐ ghi nhận không gian các quán thường được thiết kế từ 2 tầng trở lên. Tầng 1 dùng để cho các vị khách ngồi uống nước bình thường còn tầng 2 được thiết kế các bàn nhỏ cao vừa phải có đệm, gối để các "con bạc" thoải mái ngồi chơi cờ bạc cả ngày.
Qua việc thâm nhập thực tế ở quán cà phê H ở phố Trần Huy Liệu, phường Giảng Võ, quận Ba Đình, khác hẳn với không gian yên tĩnh ở tầng 1, trên tầng gần 30 "con bạc" đang say sưa sát phạt nhau. Thấy bóng dáng người lạ, một số "nam thanh nữ tú" nhìn PV với ánh mắt dò xét, chỉ ít giây sau họ lại tập trung vào "chuyên môn". Tầng 2 được đặt 8 chiếc bàn mỗi chiếc rộng vừa đủ cho 4 người chơi tá lả, còn muốn chơi 3 cây, tiến lên, binh xập xám, poker thì cần ghép các bàn vào với nhau mới đủ cho nhiều người chơi. Thành phần "con bạc" đến quán chủ yếu là thanh niên, những cô cậu choai choai mới lớn, chủ quán cà phê H tên T cũng lên ngồi sát phạt khi khách thiếu "chân". Ông chủ T rất nhiệt tình ngồi cạnh để giảng giải hướng dẫn cách đánh tá lả cho người mới. Các "con bạc" ở đây đều được từ nhân viên đến chủ quán nhắc nhở phải cất tiền mặt đi vì "sợ công an kiểm tra". Thế nhưng trong quán cà phê H việc đánh bạc hầu hết đều thanh toán bằng tiền mặt.
Thất thểu đứng dậy, với bộ mặt mệt mỏi, đôi mắt thâm quầng vì thiếu ngủ, một "con bạc" nữ bảo: "... Đen quá, mấy tiếng buổi chiều thua hết 5 triệu... ". Việc các "con bạc" ở đây thắng thua vài triệu đồng trở nên quá đỗi bình thường nên chẳng ai để ý. Quán cà phê này xôm khách đến chơi nhất là khoảng thời gian từ 13-22h hàng ngày. Ngay cả việc phục vụ nhu cầu cho cái dạ dày cũng chỉ cần một cuộc điện thoại, sẽ có đủ món ăn được mang đến tận nơi. "Cao thủ" nhất trong nhóm chơi bạc tại đây phải kể đến nhóm của Ly - một cô gái trẻ, sành điệu, ăn mặc thời trang và chỉ thích đánh nhanh, thắng nhanh, có 2 hình thức mà nhóm Ly thường chơi đó là thể loại 3 cây hay poker. Nhóm Ly thường chỉ chơi không quá 2 tiếng nhưng với khoảng thời gian ấy cũng đủ kẻ thắng người thua được mất vài triệu đồng. Mặc dù đánh lớn nhưng tuyệt nhiên họ chỉ dùng phỉnh để chơi poker. Việc dùng phỉnh để thanh toán vừa tránh việc khi cơ quan công an kiểm tra bất ngờ thì cũng không có căn cứ để xử lý nhóm của Ly về hành vi đánh bạc.
Muốn đánh bạc, trả tiền nước gấp đôi
Mặc dù các chủ quán biết mọi người đến quán chỉ chơi trò "đỏ đen" là chính uống nước là phụ, biết chứa bạc là vi phạm pháp luật thế nhưng một số chủ quán vẫn "bật đèn xanh" cho các khách hàng thỏa sức sát phạt nhau miễn là... thanh toán đủ tiền nước là được. Thường các đồ uống ở các cửa hàng này cao hơn từ 2 đến 3 lần so với các quán bình thường đơn cử như một lon "bò húc" hoặc cocacola, chai trà xanh... đều có giá 30 nghìn đồng, ở các quán bình thường giá chỉ dao động từ 10 - 15 nghìn đồng cho những đồ uống trên.
Khi PV chủ động hỏi nhân viên quán cà phê có bán bài để chơi "phỏm" không, nhân viên quán trả lời ngay: " Có, 10 nghìn đồng 1 bộ (bài, tú lơ khơ-PV) anh ạ". Cô nhân viên thấy tôi ở tầng 2 xuống hỏi "Anh có chơi bài không? Không-(PV)", thấy vậy nhân viên này tính một chai trà xanh PV gọi với giá 20 nghìn đồng. Nhìn vào hóa đơn của các bàn khác trên tầng 2 của quán được ghi giá một lon cocacola, trà xanh 0 độ, "nâu đá"... đồng giá 30 nghìn đồng. Rõ ràng là ở quán cà phê này có 2 mức giá đối với những người đến uống nước giải khát bình thường và những người đến quán vừa uống nước vừa đánh bạc (?). Việc chủ quán T xem các "con bạc" sát phạt và ngồi chơi cùng thì có thể khẳng định chủ quán này biết, dung túng cho hành vi đánh bạc, không những thế ông T còn biến quán cà phê của mình làm nơi chứa chấp đánh bạc.
Theo ANTD
Phá ổ bạc, bắt giữ 35 người Ngày 17.4, Đội 5, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (PC45), Công an TP.HCM đã bàn giao 35 người liên quan đến sới bạc do Trần Kim Thái (60 tuổi, ngụ Q.12) điều hành, cho Công an Q.12 tiếp tục điều tra xử lý. Theo thông tin ban đầu, khoảng 22 giờ ngày 16.4, trinh sát của Đội 5 đã...