Socotra – vùng đất toàn ‘của hiếm’
Vùng đất này là nơi hội tụ của các loài động thực vật quý hiếm trên toàn thế giới đấy!!!
Socotra là một quần đảo nhỏ thuộc nước Cộng hoà Yemen, nó bao gồm 4 hòn đảo và các cồn đất nhỏ nằm ngoài biển khơi Ấn Độ Dương thuộc vùng duyên hải của Sừng Châu Phi, cách phía Nam bán đảo Ả Rập khoảng 350km.
Socotra là một trong số những vùng đất tách biệt nhất trên Trái Đất có nguồn gốc là lục địa.
Quần đảo này nổi bật với những vùng đồng bằng ven biển hẹp, cao nguyên đá vôi với nhiều hang động, và núi non cao tới 1.525m so với mực nước biển.
Giống như quần đảo Galapagos, Socotra rất đa dạng với 700 loài động thực vật cực kỳ quý hiếm, 1/3 trong số này là loài đặc hữu, tức là không tìm thấy ở đâu khác trên Trái Đất.
Socotra là nhà của hơn 800 loài thực vật, khoảng 240 trong số đó là loài đặc hữu trên hòn đảo này, và chắc chắn vẫn còn nhiều loài thực vật nữa vẫn chưa được khám phá. Khí hậu khắc nghiệt, nóng và khô hanh, cho đến giờ đây vẫn là nơi phát triển đời sống thực vật tuyệt vời nhất.
Cây huyết rồng.
Cây huyết rồng này được tìm thấy trước dãy núi Skund trên quần đảo Socotra, Yemen. Loại cây này được đặt tên như vậy bởi khi vỏ cây có sứt sẹo gì sẽ tiết ra một chất lỏng màu đỏ thẫm và được ví với máu rồng.
Các nhánh cây lan ra thành vòm và nhìn từ bên dưới lên thì vùng đất này giống như có hàng loạt đĩa bay, còn nhìn từ trên xuống chúng lại có hình cây nấm khác nhau.
Hồng sa mạc.
Cũng có cả hồng sa mạc ở đây, nó không giống với bất kì cây nào khác vì cái chân voi phình to.
Cây sung ở Socotra.
Cây sung ở Socotra có thân phình ra kỳ quặc. Đây cũng là một trong hơn 300 loài thực vật hiếm có trên quần đảo.
Theo Datviet
Giải mã vùng đất giai nhân bí ẩn ở Quảng Bình
Người lần đầu đến Tuyên Hóa, Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, sẽ không khỏi ngạc nhiên khi nhìn thấy con gái ở đây đa số có làn da trắng hồng, mái tóc đen dài óng ả, nụ cười chúm chím.
Cây cỏ máu được người dân cất giữ.
Nhiều người đã giải thích về hiện tượng lạ lùng đến thú vị ở Tuyên Hóa bằng nhiều cách khác nhau, nhưng trong số đó, có hai câu chuyện được truyền tụng nhiều nhất.
Đầu tiên là câu chuyện về hậu duệ của những cung tần, mỹ nữ theo vua Hàm Nghi đến và ở lại khai canh, lập ấp ở chốn sơn phòng từ lúc nhà vua hạ chiếu Cần Vương đánh Pháp.
Và một câu chuyện khác mang tính huyền thoại về một loài thần dược của vùng đất này, có tên gọi là cây cỏ máu.
Sách gần 400 năm vua chúa triều Nguyễn của tác giả Lưỡng Kim Thành do NXB Thuận Hóa ấn hành năm 2012 đã ghi lại: Năm 1885, khi quân Pháp đã làm chủ xứ Huế, thấy rõ nguy cơ nên Tôn Thất Thuyết đã chạy vào cung rước vua Hàm Nghi rời bỏ kinh đô lên căn cứ Tân Sở để tiếp tục kháng chiến.
Hàng nghìn người dắt díu nhau qua cầu Lợi Tế để đi về phía Bắc. Có rất nhiều cung tần, mỹ nữ và những người thân thích với hoàng gia ra đi trong biến cố này, trong số đó có cả bà Từ Dụ (mẹ vua Tự Đức), bà Trang Ý (vợ chính vua Tự Đức) và bà Học phi Nguyễn Thị Hương (mẹ nuôi của vua Kiến Phúc)...
Đoàn quân kháng chiến do Tôn Thất Thuyết cầm đầu đã hộ giá vua Hàm Nghi đi suốt một dặm dài từ Kinh đô Huế ra đến căn cứ Tân Sở ở Quảng Trị, rồi từ đây tiếp tục di chuyển vì tránh sự truy đuổi của quân Pháp đến vùng rừng núi thuộc các huyện Tuyên Hóa, Minh Hóa của tỉnh Quảng Bình và cuối cùng là ở vùng Hương Khê (Hà Tĩnh).
Suốt dọc đường đi, có rất nhiều người gốc gác hoàng gia, trâm anh thế phiệt đã bị rơi rớt lại, đặc biệt là sau khi Vua Hàm Nghi bị bắt và phong trào Cần Vương tan rã. Hầu hết những người đi theo hầu hạ vua, trong số đó có nhiều cung tần, mỹ nữ đã ở lại vùng rừng núi kháng chiến này để sinh cơ lập nghiệp.
Có nhiều người do lo sợ sau này bị liên lụy nên đã thay tên đổi họ để hòa nhập với người địa phương, rồi qua ngày tháng, họ lấy chồng, lấy vợ sinh con đẻ cái và xem mảnh đất mới ấy là quê hương bản quán của mình...
Đó cũng chính là lý do mà sau này người ta đã giải thích vì sao ở chốn rừng xanh núi thẳm lại sinh ra nhiều giai nhân tuyệt sắc, vì sao ở nơi xa xôi ấy lại sinh ra nhiều con gái đẹp đến lạ lùng như vậy...
Ngày nay, có nhiều người tìm cây cỏ máu về bán cho thương lái.
Về chuyện huyền thoại cây cỏ máu mọc ở tít tận rừng sâu sau những dãy núi đá vôi hùng vĩ, những nguồn tài liệu cũ ghi lại: Gọi là cây cỏ máu, nhưng thực ra đó là loài cây dây leo rất lớn và chỉ có trong vùng rừng già Minh Hóa.
Ngoài vùng này ra không đâu có loại cây này. Cây cỏ máu thường leo vắt vẻo trên những cây cổ thụ trong rừng sâu như cây chạc chìu. Thân cây cỏ máu thường có đường kính bằng bắp tay người lớn, đôi khi bằng cả bắp chân. Cỏ máu có hai loại gỗ trắng và gỗ đỏ.
Khi dùng làm thuốc, loại gỗ trắng không tốt bằng loại gỗ đỏ. Vốn xưa kia, người Chứt, người Nguồn (người Kinh sống ở miền núi lâu năm) ở Minh Hóa sống trong rừng già, khi đói thì họ ăn bồi với ốc đực, khát thì uống nước suối, nước khe, đau ốm thì hái lá rừng, đào rễ cây rừng làm thuốc. Ấy vậy mà hầu hết họ rất mạnh khỏe và sống trường thọ hơn so với người miền xuôi.
Trước đây, người Chứt, người Nguồn xem cây cỏ máu là cây thuốc bí truyền, họ chỉ hái về đủ dùng cho người trong gia đình và đương nhiên là không bao giờ tiết lộ cho người ngoài biết. Thế nhưng giờ đây, vì nhiều lý do mà chủ yếu là lý do kinh tế, nên họ đã tìm hái cây cỏ máu mang bán trong các phiên chợ ở thị trấn Quy Đạt.
Sau khi hái cỏ máu về, họ thường cắt khúc dài cỡ 40 đến 50 phân rồi đem bỏ vào những hố đất, sau đó đốt như đốt than cho đến khi vỏ cây cháy sém, nhựa cây đủ độ chín thì lấy ra treo lên giàn bếp để dùng dần.
Đây là bí quyết xử lý để tạo nên phương thuốc cỏ máu. Bởi vì cỏ máu tươi hái về dùng ngay sẽ không có tác dụng gì, ngược lại, nếu cây cỏ máu tươi bị đốt cháy quá lửa cũng sẽ làm mất hết dược chất của nó...
Những người dân sinh sống lâu năm ở miền gái Tuyên Hóa, Minh Hóa kể rằng: "Cây cỏ máu có tác dụng chính là bổ máu, an thần, ăn ngon miệng, ngủ ngon giấc. Người Chứt, người Nguồn ở Minh Hóa thường sử dụng cây cỏ máu để nấu nước cho sản phụ uống sau khi sinh".
Một vị cao niên ở thị trấn Quy Đạt cho biết: "Thường sau khi sinh, trong vòng ba ngày, sản phụ sẽ được cho uống một loại nước được sắc từ rễ cây cỏ Tan (là một loại cây rừng nhỏ như cây Lấu mọc trong rừng già Minh Hóa) để xổ cho sạch khí thừa huyết hư ra ngoài.
Đến ngày thứ tư sau sinh, sản phụ sẽ bắt đầu được cho uống nước sắc từ cây cỏ máu để bồi bổ khí huyết. Phụ nữ sau khi sinh uống nước cỏ máu sẽ rất nhanh hồi sức, khí huyết nhanh chóng được bồi bổ đủ đầy. Làn da lại trắng hồng như tuyết, đôi môi lại đỏ như son, suối tóc lại đen nhánh óng mượt, chẳng khác gì lúc còn con gái đương thì".
Cách sắc cây cỏ máu để dùng cũng khá đơn giản. Lấy khúc cỏ máu treo trên giàn bếp xuống. Rửa sạch bồ hóng rồi dùng rựa đẽo nhỏ thành dăm bào. Đem bỏ đủ lượng cỏ máu vừa đẽo ra vào nồi sắc lên, hằng ngày uống thay cho nước chè, nước vối.
Nước cỏ máu sau khi sắc thường có màu đỏ tươi như máu. Khi uống có vị chát, ngọt nhẹ. Uống xong có vị ngọt hậu rất dễ chịu. Có một điều lạ là nước sắc từ cỏ máu không bao giờ bị thiu, dù có để lâu đến mấy ngày...
Không chỉ sản phụ mới dùng được loại thuốc này mà ngay cả người bình thường, đàn ông, đàn bà, người già, người trẻ đều dùng được...
Một chị bán hàng ở chợ phiên Quy Đạt nói: "Bây giờ, ngày càng có nhiều người ở thành phố tìm đến đây để mua cây cỏ máu mang về sắc cho người thân uống mỗi khi sinh nở. Người dân trong vùng này có con cái đi làm ăn, dựng nghiệp ở nơi xa như Sài Gòn, Hà Nội, thậm chí ở nước ngoài cũng tìm mua cây cỏ máu để gửi cho con cái họ dùng khi cần thiết".
Theo_VietNamNet
Đôi chân anh đã để lại trên vùng đất ấy Năm em mười tám tuổi, ba má mang cau trầu sang xin cưới em cho con trai họ. Mẹ đồng ý nhưng bảo phải chờ anh xong nghĩa vụ mới cho làm đám cưới. Mẹ nói ngắn gọn: "Thanh niên làm xong nghĩa vụ rồi thì mới yên thân ở nhà mà lo cho vợ con". Em rất thích anh nhưng vẫn vùng...