Sốc xe cứu thương “đi” đám cưới
Nhiều người dân đã giật mình khi tiếng còi rú báo hiệu của xe cứu thương đến đám cưới. Thế là, đầy những chuyện bi hài diễn ra.
Xe cứu thương chở Giám đốc bệnh viện Đa khoa Sóc Sơn, Hà Nội đi ăn cưới.
Theo quy định của ngành y tế, xe cứu thương là xe chuyên dụng, chỉ được sử dụng để cấp cứu bệnh nhân. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà hàng ngày những chiếc xe cứu thương của bệnh viện Đa khoa Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn, TP.Hà Nội) vẫn được điều động, sử dụng vào những mục đích khác nhau như đưa cán bộ đi hội họp, tập huấn… Thậm chí, xe cứu thương còn ngang nhiên xuất hiện giữa các đám hỷ?
Còi ủ, đi đường ưu tiên vào đám cưới
Theo phản ánh của nhiều người dân trên địa bàn huyện Sóc Sơn (TP.Hà Nội), thời gian gần đây những chiếc xe cứu thương của bệnh viện Đa khoa Sóc Sơn thường xuyên xuất hiện tại những đám cưới, cuộc vui đông người gây phản cảm trong dư luận.
Điều đặc biệt, lợi dụng vào sự ưu ái của loại phương tiện này như được ưu tiên chạy nhanh, đi vào đường cấm, đường ngược chiều (khi bật còi, báo tín hiệu khẩn cấp – PV) mà lãnh đạo bệnh viện đã ngang nhiên sử dụng vào những mục đích khác nhau, thậm chí ngoài công việc chung của bệnh viện.
Cụ thể, vào các ngày 4 và ngày 6/11/2012, một số người dân trên địa bàn xã Tân Minh đã không khỏi kinh ngạc khi chứng kiến chiếc xe cứu thương của bệnh viện Đa khoa Sóc Sơn chở ông Nguyễn Thanh Trúc, Giám đốc bệnh viện đến dự, ăn đám cưới của một gia đình trên cùng địa bàn.
Người dân ngạc nhiên, không biết xe cứu thương vào đám cưới làm gì. Dư luận tha hồ đồn đoán, chắc có người say rượu, có người đánh nhau nên mới phải gọi xe cứu thương đến đưa đi cấp cứu. Thế nhưng, xe cứu thương đến, đỗ lại rất lâu, người dân không thấy ai bị thương, bị bệnh được khiêng cáng mang ra xe để đi cấp cứu.
Không chỉ vậy, theo phản ánh của nhiều người dân cũng như các y bác sĩ của bệnh viện thì ông Nguyễn Thanh Trúc, Giám đốc bệnh viện Đa khoa Sóc Sơn thường xuyên sử dụng xe cứu thương không đúng mục đích, quy định của ngành y tế như: Dùng vào công việc của cá nhân, gia đình; đi ăn cưới, đám hiếu, hội họp, tiếp khách, tập huấn… làm ảnh hưởng không nhỏ đến công tác cấp cứu, khám chữa bệnh của bệnh viện, gây lãng phí, tốn kém cho ngân sách Nhà nước và kinh phí của bệnh viện.
Video đang HOT
Được ưu tiên thì phải “linh hoạt” tận dụng?
Được biết, do đặc thù của Sóc Sơn là huyện miền núi, xa trung tâm, lại có nhiều tuyến giao thông quan trọng chạy qua địa bàn, các vụ tai nạn giao thông xảy ra nhiều, nên nhu cầu về xe cứu thương, phục vụ cho công tác cứu chữa người bệnh là rất lớn và cần thiết.
Chính vì vậy, bệnh viện Đa khoa Sóc Sơn đã được UBND thành phố, các ngành chức năng ưu tiên bố trí cho 5 chiếc xe cứu thương, nhằm đáp ứng nhu cầu cấp cứu, khám chữa bệnh của nhân dân.
Trong khi đó, theo quy định của thành phố thì các bệnh viện tuyến huyện không có tiêu chuẩn xe công vụ mà chỉ có xe cứu thương chuyên dụng, phục vụ cấp cứu bệnh nhân. Chính vì như vậy và để có xe sử dụng vào những công việc cho cá nhân lãnh đạo bệnh viện mà trưởng các bộ phận của bệnh viện đã cố tình “linh hoạt” trong sự biến tướng, điều động xe cứu thương sử dụng sai mục đích vào những vụ việc như trên.
Không dừng lại ở đó, tiếp tục tìm hiểu chúng tôi được biết, việc mua bán giấy chứng nhận sức khoẻ ở khu vực bệnh viện Đa khoa Sóc Sơn cũng diễn ra tràn lan mà không hề bị cơ quan chức năng nào phát hiện. Khách mua giấy khám sức khỏe chỉ cần tìm đến một quán nước ngay sát cổng bệnh viện Đa khoa Sóc Sơn đặt vấn đề mua bán giấy khám sức khoẻ với chủ quán nước sẽ nhận được ngay câu trả lời: “Cậu định lấy bao nhiêu tờ, tôi làm giúp. Làm nhiều sẽ được giảm giá. Còn lấy 1 hoặc 2 tờ giá là 200.000 đồng/1tờ?”.
Thắc mắc về mức giá dịch vụ quá cao, thì chủ quán trả lời: “Giá đó là hợp lý rồi, ngay tại bệnh viện họ đã thu 98.000 đồng cộng với việc phải leo bộ cả 9 tầng của toà nhà mới cho ra một giấy khám. Đằng này cậu chỉ cần ngồi một chỗ uống nước có người mang giấy ra tận nơi vừa đỡ mất công đi lại, vừa đỡ chứng kiến sự mỏi mệt, quát tháo của cán bộ nhân viên bệnh viện… thì mức giá như thế là quá rẻ rồi. Cậu đồng ý thì để tôi còn vào làm cho kịp giờ”.
Ngồi đợi khoảng một tiếng, tôi nhận được một tờ giấy chứng nhận sức khỏe của bệnh viện Đa khoa Sóc Sơn do BSCKII Nguyễn Thanh Trúc, giám đốc bệnh viện ký, cùng đầy đủ các chữ ký của các bác sỹ khám lâm sàng, có đóng dấu giáp lai ảnh.
Điều đáng nói, dù bệnh viện không lấy máu, nước tiểu của người được cấp để xét nghiệm, nhưng vẫn ghi đầy đủ các thông số về hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu… trong giấy chứng nhận sức khỏe. Với kiểu cấp giấy chứng nhận sức khỏe như vậy, bệnh viện Đa khoa Sóc Sơn có thể chứng nhận cho cả những người đã chết, khuyết tật… vẫn đủ điều kiện sức khỏe để học tập và lao động?!
Ông Nguyễn Sỹ Hùng, trưởng phòng Hành chính – Quản trị (bệnh viện Đa khoa Sóc Sơn) cho biết: “Với số lượng xe cứu thương nhiều như vậy, hàng ngày bệnh viện bố trí các xe cứu thương trực luôn phiên, đáp ứng đủ nhu cầu cấp cứu.
Ngoài ra, bệnh viện cũng có sử dụng xe cứu thương vào công việc tiếp khách, đi lấy thuốc, tập huấn, hội họp và thỉnh thoảng cũng có sử dụng đi đám cưới, đám hiếu… Mặc dù biết như vậy là không đúng quy định nhưng do khó khăn về đi lại cộng với nhiều lý do khác, nên chúng tôi đành phải bố trí như vậy để tiện cho các công việc nội bộ của bệnh viện”.
Ông Nguyễn Thanh Trúc, giám đốc bệnh viện Đa khoa Sóc Sơn lý giải: “ Vì Sóc Sơn là địa bàn xa trung tâm thành phố, đi lại khó khăn, nên bệnh viện có linh hoạt sử dụng xe chuyên dụng cấp cứu vào công việc khác“. Ông Trúc cũng nhấn mạnh rằng: “Việc sử dụng xe cứu thương đó đều phục vụ cho công việc của cơ quan, tập thể, song vẫn là sai quy định của Nhà nước và của ngành y tế”.
Tiếp tục đề cập tới việc cấp giấy chứng nhận sức khoẻ của bệnh viện, ông Nguyễn Anh Tuấn, phó giám đốc bệnh viện Đa khoa Sóc Sơn khẳng định: Quy trình cấp giấy chứng nhận sức khỏe của bệnh viện rất chặt chẽ, mọi người đều phải có mặt tại bệnh viện, xuất trình chứng minh thư nhân dân, qua đầy đủ các phòng khám để khám bệnh và phải làm xét nghiệm máu, nước tiểu.
Khi PV đưa tờ giấy chứng nhận sức khỏe mua được ở quán nước tại cổng bệnh viện để kiểm chứng xem có đúng là chữ ký của lãnh đạo bệnh viện không thì ông Nguyễn Thanh Trúc, giám đốc bệnh viện Đa khoa Sóc Sơn khẳng định đúng là chữ ký của ông và thừa nhận, quá trình cấp giấy chứng nhận sức khỏe của bệnh viện còn nhiều kẽ hở, cần phải được chấn chỉnh ngay.
Có thể thấy, ngoài việc sử dụng xe cứu thương không đúng mục đích, công tác quản lý, cấp giấy chứng nhận sức khoẻ ở bệnh viện Đa khoa Sóc Sơn, Hà Nội còn quá lỏng lẻo. Bệnh viện Đa khoa Sóc Sơn cũng “linh hoạt” đề ra và áp dụng cách tính giờ làm thêm chẳng giống ai và cũng chẳng theo quy định nào. Chẳng hạn, bệnh viện quy định chế độ trả tiền ngoài giờ cho khoa Ngoại, khoa Sản như sau: Mỗi ca phẫu thuật loại 1 được tính 4 giờ, loại 2 là 3 giờ và loại 3 được tính 2 giờ làm thêm. Chính vì cách tính không giống ai như vậy, nhiều bác sỹ có số giờ làm thêm vượt quá quy định của Nhà nước. Đặc biệt, năm 2011, chỉ tính riêng bác sỹ Đinh Xuân Mạnh và bác sỹ Lê Trung Thanh được thanh toán tiền làm thêm giờ lên đến hơn 2.100 tiếng đã gây bức xúc đối với tập thể cán bộ công nhân viên trong bệnh viện. Họ đang rất cần các cơ quan chức năng, đặc biệt là sở Y tế Hà Nội vào cuộc, kiểm tra và xử lý!
Xe cứu thương để cấp cứu người bị bệnh nhưng nó xuất hiện ở đám cưới, ở đám hỏi, nơi lễ hội như xe dân sự. Nó còn rú còi ủ làm nhiều người dân giật mình, tưởng có ca cấp cứu nghiêm trọng nào xảy ra. Thực tế, trên xe chẳng có bệnh nhân cần cấp cứu, còn “khổ chủ” – người sử dụng xe vào các việc trái quy định của ngành y tế thì giải thích đều là việc chung.
Theo laodong
Những công trình nghìn tỷ ở tỉnh nghèo
Không chỉ lãng phí hàng chục tỷ đồng tiền ngân sách mua xe công, đi nước ngoài mà Quảng Bình còn "mạnh tay" đầu tư những công trình nghìn tỷ trong bối cảnh cả nước "thắt lưng, buộc bụng" để lo cho an sinh xã hội.
Cây cầu nghìn tỷ
Ngày 31/8, bên dòng Nhật Lệ, thuộc TP. Đồng Hới, UBND tỉnh Quảng Bình long trọng tổ chức lễ khởi công xây dựng cầu Nhật Lệ II, nối trung tâm thành phố với bán đảo Bảo Ninh trước sự ngỡ ngàng của người dân.
Đây là cây cầu thứ hai bắc qua sông Nhật Lệ, được thiết kế nhịp chính cầu dây văng có chiều dài 515m, rộng 23,6m với 4 làn xe, trọng tải HL-93, với số vốn lên đến 936 tỷ đồng.
Lãnh đạo Quảng Bình cho rằng, cây cầu này sẽ tạo điểm nhấn cho không gian đô thị TP. Đồng Hới, đồng thời là cú hích để xã Bảo Ninh phát triển kinh tế du lịch.
Phải mất từ 400 đến 500 tỷ đồng để hiện thực hóa một trong nhiều phương án của trụ sở Tỉnh ủy Quảng Bình
Cây cầu Nhật Lệ II được khởi công trong bối cảnh thu ngân sách của Quảng Bình không đạt kế hoạch liên tục trong nhiều năm, cả nguồn thu của địa phương và nguồn Trung ương rót về vẫn không đủ bù chi.
Để xây cầu, Quảng Bình phải bán đất. Hàng loạt diện tích đất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản bị thu hồi để xây dựng cơ sở hạ tầng, bán đất lấy tiền xây cầu.
Một lãnh đạo sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Bình cho biết: "Chủ trương xây cầu Nhật Lệ II đã nằm trong Nghị quyết đại hội Đảng bộ của tỉnh vừa rồi nên phải làm. Nếu bán hết 4 khu đất hiện có cũng được vài ba trăm tỷ đồng để xây cầu, số còn lại chỉ biết mong chờ từ Trung ương thôi".
Nhiều người dân đi qua bị tai nạn chết và thương tích nhưng cây cầu ở xã Nam Trạch (Bố Trạch) này vẫn không được sửa chữa
Tuy nhiên, thực tế những khu đất nói trên xây dựng hạ tầng xong rồi chẳng ai mua trong bối cảnh chung bất động sản đóng băng.
Để bán đất, Quảng Bình thông báo giảm giá khởi điểm của các khu đất đến lần thứ ba vẫn không có khách hàng. Rồi sáng kiến bỏ đấu giá, mà chuyển sang cấp đất có thu tiền cũng không thành công.
Nhiều doanh nghiệp khó lại càng thêm khó khi không thể thu hồi vốn hạ tầng từ tiền bán đất, lấy đâu ra để xây cầu Nhật Lệ II?
Một lãnh đạo về hưu của Quảng Bình cho rằng, việc trên sông Nhật Lệ phải có cây cầu thứ hai, thứ ba... là chính đáng nhưng trong tương lai chứ không phải lúc này.
Sau lễ khởi công cầu Nhật Lệ II, nhà thầu chỉ để lại một ít máy móc trưng bày
Cũng theo vị cựu lãnh đạo tỉnh Quảng Bình, trong lúc cầu Nhật Lệ I vẫn chưa khai thác hết công năng thì cớ gì phải xây cầu Nhật Lệ II? Ngay đầu cầu Nhật Lệ I, phía Bảo Ninh, hàng loạt bãi "đất vàng" vẫn để trống, cây cỏ mọc um tùm, chưa ai đầu tư, thì làm gì phải làm cầu thứ hai để thu hút đầu tư? Còn nói, xây cầu Nhật lệ II là để tạo không gian đô thị, có nghĩa là làm đẹp, tô điểm cho TP. Đồng Hới thì càng chưa phải lúc. Thông thường người ta nghĩ đến làm đẹp khi "cơm no, áo ấm" chứ không phải lúc còn "giật gấu, vá vai".
Được biết, Quảng Bình đã bỏ ra 40 tỷ đồng để làm các thủ tục đầu tư, tổ chức lễ khởi công cầu Nhật Lệ II.
Sau lễ khởi công, các nhà thầu chỉ để lại một ít máy móc mang tính trưng bày rồi ra đi. "Không bột lấy gì gột nên hồ?" - một công nhân đang canh giữ máy móc tại công trường cầu Nhật Lệ II nói.
Trụ sở 500 tỷ
Câu chuyện về cầu Nhật Lệ II chưa nguôi, thì mấy ngày nay dư luận lại "nóng" lên khi những mẫu thiết kế được trưng bày trong cuộc thi thiết kế trụ sở làm việc của Tỉnh ủy Quảng Bình.
Ai cũng tấm tắc khen đẹp, hoành tráng, nhưng khi nghe đến số tiền để hiện thực hóa những mẫu thiết kế nói trên thì ai cũng giật mình.
Từ 400 đến 500 tỷ đồng cho trụ sở Tỉnh ủy mới, khoản đầu tư lớn nhất từ trước đến nay cho một trụ sở công ở Quảng Bình.
Lý do để xây mới trụ sở Tỉnh ủy được sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Bình giải thích, là do trụ sở cũ xuống cấp, chật chội.
Một cựu lãnh đạo Quảng Bình từng được mời trong buổi tham vấn cho trụ sở mới của Tỉnh ủy nói với phóng viên: "Nói trụ sở cũ chật chội cũng đúng, nhưng Tỉnh ủy mới nhận bàn giao 2 tòa nhà 5 tầng của Tòa án tỉnh để lại thì cũng đủ chỗ làm việc. Trong lúc khó khăn chung thì mọi người cùng nhau chịu khó một chút, chật chội một chút có sao!"
Trong lúc Quảng Bình bỏ hàng nghìn tỷ để xây dựng những công trình hoành tráng không phải là cấp thiết, thì ngay trên chính địa phương này, mỗi ngày có khá đông học sinh, người dân phải bơi qua sông để đến trường và kiếm kế sinh nhai như: ở xã Trọng Hóa (Minh Hóa), Trường Sơn (Quảng Ninh); Rồi hàng chục cây cầu dân sinh khác xuống cấp, hết hạn sử dụng khiến nhiều em học sinh và người dân gặp tai nạn chết một cách oan uổng như cây cầu bê tông ở xã Nam Trạch, cầu bê tông Cây Khế ở thị trấn Lão (Bố Trạch); 8/9 cây cầu treo trên địa bàn hết hạn sử dụng cần sửa chữa, làm mới; ...và nhiều công trình dân sinh khác đang cần những đồng vốn từ ngân sách để cải thiện đời sống của người dân.
(Còn nữa)
Theo 24h
Tỉnh nghèo "vung tay" sắm xe công Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, Chính phủ thắt chặt chi tiêu công nhưng tỉnh nghèo Quảng Bình lại "vung tay" với những khoản chi công mà theo dư luận đánh giá là: không đúng thời điểm, kém hiệu quả... Mua xe công hàng loạt Khoảng một tháng nay, trang quảng cáo của báo Quảng Bình số nào cũng tràn ngập nội...