Sốc với ‘kiểu phí’ của chủ nhà trọ sinh viên
Mỗi tháng Đức Anh phải đóng cả phí an ninh, phí vệ sinh… tính sơ sơ mỗi tháng cũng hơn 200 nghìn. Nhưng nực cười nhất là loại phí… tiếp khách, tức là mỗi khi có bạn bè đến chơi, cậu phải trả 10 nghìn cho mỗi người.
Trong lúc giá cả leo thang tới mức chóng mặt như hiện nay, việc sinh viên ngoại tỉnh phải chịu thuê nhà trọ với những mức giá trên trời đã là điều quá đỗi bình thường.
Tuy nhiên, ở nhiều khu vực trên địa bàn Hà Nội, cũng như các thành phố lớn khác, ngoài tiền thuê phòng, các chủ trọ còn nghĩ ra “trăm phương, nghìn kế” để thu lợi thêm từ đủ loại phí phát sinh khác.
Ảnh minh họa
Hoàng Tuấn (sinh viên năm III, HV Ngân hàng) hiện đang trọ ở Chùa Bộc cho biết do khu trọ của cậu gần bốn trường Đại học lớn là Y Hà Nội, Ngân hàng, Công đoàn và Thủy Lợi nên việc sinh viên có nhu cầu thuê trọ là không bao giờ thiếu, vậy nên bà chủ nhà cứ thoải mái đặt yêu sách để kiếm lợi.
Do có khá nhiều sinh viên mang xe máy ở quê lên nên bà đặt ra khoản phí trông giữ xe 200 nghìn đồng mỗi tháng cho một chiếc xe, với lí do là: “Nhiều xe, khó quản lí, lỡ mất thì biết kiếm ai mà đền?”. Ngoài ra, ai có bạn đến mà mang theo xe thì phải đóng thêm 10 nghìn đồng mỗi lần gửi.
Vì khu trọ cách xa bãi đỗ xe nên các vị khách trọ đành “cắn răng” chấp nhận. Đã vậy, tiền điện trong 50 KW đầu thì tính theo giá “thị trường” là 3000đ/ KW, nhưng từ KW thứ 51 trở lên thì giá tăng “phi mã” lên… 5000đ/ KW!
Sinh viên sinh hoạt trong nhà trọ.
Video đang HOT
Thùy Dung (SV năm II, ĐH Ngoại Thương) thì bức xúc cho biết: “Tớ hiện đang trọ ở gần đường Láng, mặc dù đa phần sinh viên chỗ tớ đều đã thuê phòng được hơn một năm rồi nhưng chị chủ thì chẳng nể mặt gì ai hết. Ngoài tiền trọ hàng tháng và tiền điện nước, bọn tớ còn phải đóng những khoản phát sinh như tiền điện hành lang (tức là điện thắp sáng ở hàng lang buổi tối và trong các phòng vệ sinh), phí bảo vệ an ninh, phí dọn dẹp hàng lang. Mà khoản ít nhất cũng 20 nghìn, cao nhất thì đến hơn trăm nghìn mỗi tháng.”
Cũng là sinh viên trọ học như Tuấn và Dung, nhưng có lẽ hoàn cảnh của Đức Anh (SV năm III, ĐH Xây Dựng) là “tiến thoái lưỡng nan” nhất. Do có xích mích với chỗ trọ cũ và phải chuyển nhà gấp nên Đức Anh đành chấp nhận thuê nhà ở khu Phương Mai với giá… 1.500.000đồng/tháng, chưa kể điện nước cho một căn phòng chưa đến 7 m2!
Những tưởng sẽ yên ổn ở phòng trọ mới, nào ngờ chỉ sau vài tháng mà anh chàng đã phát hoảng lên vì những khoản phí phát sinh vô lí của bà chủ nhà. Mỗi tháng cậu phải đóng thêm những khoản phát sinh như phí an ninh, phí vệ sinh… tính sơ sơ mỗi tháng cũng hơn 200 nghìn. Nhưng nực cười nhất là loại phí… tiếp khách, tức là mỗi khi có bạn bè đến chơi, cậu phải trả 10 nghìn cho mỗi người. Có lần bạn Đức Anh sau khi đến thăm cậu bạn bị ốm đã phải nhận xét rằng: “Giá vé phòng Đức Anh gấp mấy lần giá vé vào công viên Thủ Lệ!”.
Mặc dù những khoản chi phí phát sinh được các chủ trọ tự đặt ra một cách vô tội vạ và đều rất vô lí, nhưng đa phần các sinh viên thuê trọ đều không dám có thái độ phản đối nếu không muốn bị… “tống cổ sớm”. Bởi lẽ, mỗi lần chuyển phòng đều rất tốn kém, thậm chí là đến tiền triệu. Đấy là còn chưa kể đến công sức đi tìm nhà mới, mà cũng chưa biết ở chỗ mới có tốt hơn phòng trọ hiện tại hay không. Đúng là trong hoàn cảnh “nhà trọ thiếu chứ người thuê trọ không thiếu” như bây giờ thì chỉ có sinh viên và những người lao động là khổ chứ còn các chủ trọ thì cứ “hô phong hoán vũ” mà chẳng sợ thiếu khách thuê.
Theo VTC
Sinh viên khốn đốn với sổ quản lý SV ngoại trú
Hiện nay, các trường ĐH, CĐ phải có sổ quản lý sinh viên (SV) ngoại trú nhằm quản lý tốt hơn. Nhưng chính quyển sổ này đã khiến nhiều SV phải bao phen khốn đốn.
Những bạn SV không ở ký túc xá đều thuộc diện ngoại trú và được cấp một quyển sổ có tên là: Sổ quản lý SV ngoại trú để nhà trường và địa phương tiện theo dõi, quản lý. Tuy nhiên, có không ít rắc rối xung quanh cuốn sổ này.
Hành trình xin dấu xác nhận
Vào đại học, SV ngoài ký túc xá đã gặp nhiều phiền phức khi xin xác nhận vào Sổ quản lý SV ngoại trú - (Ảnh minh họa)
Năm học mới đối với Phạm Thị Ngọc Hoa (tên SV đã được thay đổi), SV Học viện Báo chí và Tuyên truyền mới bắt đầu hơn ba tuần. Nhưng với Hoa, đó là khoảng thời gian thật kinh khủng. Theo quy định của nhà trường, các SV ngoại trú đều phải nộp sổ quản lý SV, hạn cuối là ngày 19/8, nếu không sẽ bị trừ vào điểm học tập của học kỳ trước.
Hoa là SV ngoại tỉnh, lên Hà Nội học, Hoa phải trọ ngoài và nghiễm nhiên được xếp vào diện SV ngoại trú. Hoa đã kể về hành trình đi xin dấu xác nhận của phường Dịch Vọng Hậu, nơi Hoa sinh sống.
Lúc đầu Hoa có hỏi rõ cán bộ phụ trách về các vấn đề về tạm trú, tạm vắng và quản lý SV ngoại trú của phường rằng khi chưa có dấu của trường có xin được dấu ở phường không thì Hoa nhận được câu trả lời là có. Hoa vui vẻ ra về, chắc mẩm mai ra là lấy được sổ.
Hai ngày sau, Hoa ra hỏi quyển sổ của mình thì người cán bộ cho biết phải về xin dấu của nhà trường trước. Hoa lại về trường, trình bày với phòng công tác chính trị. Khi đó cũng là ngày hạn cuối cùng nộp sổ. Nhưng rất may Hoa được phép nộp muộn hai ngày vì còn đợi xin dấu nhà trường.
Khi có dấu của trường, ngay lập tức Hoa đến Công an phường để xin xác nhận. Hoa bức xúc kể lại: "Lúc đó mình được hẹn 7 giờ tối mai đến lấy sổ. Cẩn thận hơn mình còn gọi điện hỏi trước. Thế nhưng bác ấy bảo còn ăn cơm, mai đến lấy".
Cứ hết lần hứa này đến lần hứa khác, lúc thì bác ăn cơm, lúc khác lại bận này, bận nọ... phải gần 5 ngày sau Hoa mới lấy được sổ. Khi cuốn sổ đến được với Hoa cũng là lúc chốt danh sách xuống khoa chủ quản. Hoa lại phải chạy ngược xuôi, bỏ cả tiết học để xuống trình bày lại và nộp sổ.
Với bạn Nguyễn Thảo Lý, SV Đại học Lao động và Xã hội lại hoàn toàn khác. Cũng phải lên phường nhiều lần nhưng mọi giấy tờ đều không được xác nhận. Lý sang xã Mễ Trì xin dấu xác nhận thay vì phường Trung Hòa, nơi bạn đang sinh sống.
"Để có được dấu xác nhận dễ dàng thì SV phải là người Hà Nội, hoặc chí ít có người quen làm ở xã, phường. Người này hỏi người kia làm thế nào để xin được dấu dễ dàng, tránh gặp phiền phức thì cần có mối quan hệ hoặc tốt nhất là nhờ bố mẹ xin cho dễ. Còn đối với những SV từ tỉnh khác đến trọ học thì bị quay như chong chóng." Lý chia sẻ.
Không có dấu thì bị phạt
Theo quy định chung của pháp luật, học sinh, SV không thực hiện tốt nội quy, quy định về việc quản lý SV ngoại trú sẽ bị xử phạt ở các khung mức khác nhau. SV nhập học sau 1 tháng mà không khai báo tạm trú, sẽ bị khiển trách với 2 lần vi phạm, 3 lần vi phạm thì bị cảnh cáo.
SV trộm cắp, gây rối trật tự, vi phạm pháp luật ...thì bị phạt từ mức cảnh cáo cho đến đình chỉ học tập.
Các trường Đại học và Cao đẳng cũng rất khác nhau về mức phạt. Mức phạt chủ yếu là trừ điểm học tập của SV và đánh giá quá trình rèn luyện. Đối với trường Đại học Lao động và xã hội, SV không nộp sổ quản lý SV ngoại trú sẽ bị trừ 20 điểm/100 điểm của học kỳ trước. Còn Học viện Báo chí và Tuyên truyền thì trừ 0,2 điểm vào điểm học kỳ.
Thảo Lý cho biết:" Ở lớp mình đã có nhiều bạn bị trừ điểm rồi. Mình sợ bị trừ điểm nên cố gắng có dấu xác nhận. Dù SV có kêu ca phàn nàn thế nào nhà trường cũng mặc kệ.
"Đó là trách nhiệm của SV. Hơn nữa tại các em không nhiệt tình đi xin dấu thôi", một cán bộ của phòng công tác chính trị đã phát biểu như vậy khi nghe SV trường mình giãi bày.
Nhiều bạn SV phàn nàn về cung cách làm khó dễ của các xã phường khi xin dấu cũng nhiều. Nhưng cũng không ít SV chưa nắm rõ được quy định của Thông tư số 27/2009/TT-BGDĐ của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Luật cư trú. Chính những thiếu hiểu biết đó đã dẫn đến việc các bạn tự rước phiền phức cho mình khi chuyển đến chỗ ở mới không đăng ký tạm trú.
Ngọc Hoa chia sẻ:" Mình ở nhà của một cán bộ trong trường nhưng chủ nhà không đi đăng ký, khai báo cho mình. Họ còn bảo mình phải tự làm mọi thủ tục thôi."
Với Thảo Lý, do chưa đăng ký tạm trú tại phường Trung Hòa nên cũng không xin được dấu xác nhận.
Thông tư số 27/2009/TT-BGDĐ của Bộ Giáo dục và Đào tạo ra đời nhằm tạo điều kiện cho học sinh, SV ngoại trú có môi trường ăn, ở, sinh hoạt lành mạnh, học tập và rèn luyện tốt, đồng thời tạo điều kiện cho học sinh, SV tham gia và phát huy được năng lực của mình trong việc xây dựng đời sống văn hoá, nền nếp, kỷ cương, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội trong học sinh, SV ở nơi cư trú. Đồng thời, thông tư cũng tạo cơ sở pháp lý để nhà trường phối hợp với chính quyền địa phương trong việc quản lý, hỗ trợ cho học sinh, SV ngoại trú. Trong Thông tư cũng quy định rõ vai trò, trách nhiệm của nhà trường và cơ quan Công an cấp xã, phường.
Theo Vietnamnet
Mùa tuyển sinh: quán cà phê, karaoke cũng thành... phòng trọ Mặc dù phải thuê phòng với giá "cắt cổ" nhưng nhiều thí sinh đã không thể có được một nơi "tá túc" tạm ổn trong khi chỉ còn chưa đầy một tuần nữa, kỳ thi tuyển sinh ĐH - CĐ đợt I sẽ diễn ra. Thời giá chạy đua với thời gian Nhiều thí sinh phải chấp nhận ở phòng trọ. Tại khu...