Sốc với công nghệ ‘vượt thời gian’ 3.000 tuổi bên bờ sông Nile
Những cấu trúc bằng đá cổ đại nằm rải rác dọc sông Nile ở Sudan có thể đại diện cho một công nghệ cực kỳ quan trọng đối với con người, được sử dụng phổ biến trong thời hiện đại.
Nhóm nghiên cứu từ Anh và Úc đã khám phá ra những cấu trúc gọi là “groyne”, làm bằng vật liệu cứng, đặt vuông góc với bờ sông Nile mà con người ngày nay vẫn sử dụng để điều khiển dòng nước và phù sa.
Những tàn tích cổ đại của groyne thời đồ đá lộ ra bên bờ sông Nile, với một số khác vẫn còn ẩn nấp trong các khu vực đang ngập nước – Ảnh: Geoarchaeology
Trước đây, người ta tin rằng các groyne lâu đời nhất được phát minh ra ở Trung Quốc, đặt bên bờ sông Hoàng Hà, có niên đại khoảng 500 năm trước.
Nhưng kỷ lục mới đã bị phá vỡ bởi những thứ cổ xưa bên bờ sông Nile, thuộc về đế chế cổ đại Nubia cai trị khu vực phía Bắc Sudan ngày nay.
Thay vì làm bằng kim loại như các cấu trúc tương tự của người hiện đại, người Nubia 3.000 năm trước đã thể hiện công nghệ đặc biệt này bằng đá. Nhưng điều quan trọng là nó đáp ứng những công dụng tương tự và cực kỳ hiệu quả.
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Geoarchaeology cho biết công dụng của các cấu trúc dạng tường đá này được hé lộ bởi việc chúng nằm ở những vùng từng ngập nước trong quá khứ, hầu hết tiếp giáp với những khu vực nước dâng mang theo phù sa.
“Công nghệ thủy lực cực kỳ lâu đời này đóng vai trò quan trọng cho phép các cộng đồng trồng trọt lương thực và phát triển trong những cảnh quan đầy thách thức của Nubia trong hơn 3.000 năm” – nhà khảo cổ học Mathew Dalton từ Đại học Tây Úc cho biết.
Các cuộc phỏng vấn nông dân Nubia ở Sudan cho thấy họ vẫn tiếp tục duy trì công nghệ này đến ngày nay và vẫn trồng trọt trên đúng những mảnh đất của 3.000 năm trước, cho dù lầm tưởng rằng các groyne cũ nhất chỉ mới được xây vào thế kỷ XIX.
Các groyne có vai trò rất lớn trong việc duy trì các cộng đồng sống ven bờ sông Nile một cách ổn định, trải qua những giai đoạn dòng chảy con sông này suy yếu.
Phát hiện hàng nghìn 'sợi dây' bí ẩn ở trung tâm dải Ngân hà
Các nhà thiên văn học đã phát hiện ra một số lượng rất lớn cấu trúc hình dạng giống như những 'sợi dây' kỳ lạ ở trung tâm Dải Ngân hà, vốn có thể những gì còn sót lại sau một đợt bùng phát dữ dội của siêu lỗ đen ở trung tâm thiên hà cách đây hàng triệu năm.
Theo nghiên cứu mới được công bố vào 2/6 trên Tạp chí Vật lý thiên văn, mỗi cấu trúc hình sợi chưa từng được phát hiện trước đây này có chiều dài từ 5 đến 10 năm ánh sáng — gấp hàng nghìn lần khoảng cách giữa mặt trời và Sao Diêm Vương. Tuy nhiên, chúng chỉ có thể nhìn thấy ở bước sóng vô tuyến , cho thấy các cấu trúc này có khả năng được tạo ra bởi sự bùng phát của các hạt năng lượng cao mà mắt thường không nhìn thấy được, trang Live Science đưa tin.
Cụ thể, nhóm nghiên cứu xác định chúng được tạo ra từ các electron tia vũ trụ đang di chuyển từ trường với tốc độ gần bằng tốc độ ánh sáng.
Theo các quan sát được thực hiện, hàng trăm hoặc hàng nghìn cấu trúc hình sợi đều dường như hướng thẳng vào lỗ đen siêu nặng ở trung tâm thiên hà, gợi ý rằng chúng có thể là những 'vết sẹo chưa lành' của một vụ nổ lỗ đen với mức năng lượng phát ra cực cao, đủ để xé toạc các đám mây khí xung quanh.
Các quan sát vô tuyến về trung tâm Dải Ngân hà cho thấy hàng trăm cấu trúc hình sợi mới được phát hiện (Ảnh: Farhad Yusef-Zadeh/Đại học Tây Bắc)
Lỗ đen siêu nặng ở trung tâm Dải Ngân hà, vốn nằm cách Trái Đất 26.000 năm ánh sáng, được đặt tên là Sagittarius A* (hay Sgr A*). Nó được coi là một 'quái vật vũ trụ' với khối lượng lớn hơn 4 triệu lần khối lượng Mặt trời. Lực hấp dẫn cực mạnh của nó liên kết thiên hà của chúng ta lại với nhau — nhưng sự 'thèm ăn' khủng khiếp của nó cũng dẫn đến một số trường hợp...khó tiêu nghiêm trọng.
Các quan sát vô tuyến trước đây về Sgr A* do nhóm của Yusef-Zadeh, giáo sư vật lý và thiên văn học tại Đại học Tây Bắc ở Illinois thực hiện, đã phát hiện ra hai bong bóng năng lượng khổng lồ rộng 50.000 năm ánh sáng, trải dài ở hai mặt phẳng Bắc và Nam của lỗ đen trung tâm Ngân hà. Song song đó là 1000 cấu trúc hình sợi dạng thẳng đứng, cũng tỏa ra từ lỗ đen Sgr A*, cùng hàng trăm sợi đứng kết đôi hoặc kết thành chùm với nhau tại cùng một khu vực.
Các bong bóng khổng lồ ở trung tâm thiên hà của chúng ta (màu xanh lam) có khả năng là bằng chứng của một vụ bùng phát của lỗ đen hàng triệu năm trước. (Ảnh: NASA/MEERKAT)
Theo nhóm nghiên cứu, cả hai hiện tượng bí ẩn này đều có khả năng liên quan đến hoạt động của lỗ đen Sgr A* khoảng 6 triệu năm trước đây, thay vì các vụ nổ siêu tân tinh mà họ từng suy đoán trước đó.
Được biết, các nhà nghiên cứu phát hiện ra cấu trúc trên bằng cách phân tích các hình ảnh từ kính thiên văn MeerKAT của Đài Quan sát Thiên văn Vô tuyến Nam Phi, vốn tập hợp 64 ăng ten vô tuyến cao gần 20 mét và kết nối với nhau trong một khu vực thưa dân trải dài 8km.
Bất ngờ trước các cấu trúc bí ẩn được phát hiện trong Dải Ngân hà Một nhóm các nhà vật lý thiên văn đã phát hiện ra hàng trăm cấu trúc bí ẩn ở trung tâm Dải Ngân hà. Cấu trúc này, bao gồm hàng trăm sợi phát sáng với các chiều hướng khác nhau, có thể có nguồn gốc từ cách đây một vài triệu năm khi Sagittarius A* - hố đen siêu nặng ở trung tâm...