Sốc với chuyện Thỏ đi thi
Gia đình Rùa và Thỏ vốn không phải là những gia đình khoa bảng nhưng luôn có sự cạnh tranh pha lẫn đố kỵ.
Ảnh minh họa
Từ xa xưa, cụ tổ của hai bên đã từng thi chạy với nhau, các đời sau cũng thế, ganh đua được với nhau thứ gì là cả hai bên gia đình đều không ngần ngại, bất chấp thủ đoạn để giành thắng lợi. Đời này cũng vậy, Rùa và Thỏ vốn là hai học sinh chuẩn bị bước vào kỳ thi THPT cấp quốc gia, hai họ nhà Rùa – Thỏ “độ” với nhau xem đứa nào đỗ điểm cao hơn.
Rùa có chút tự tin vì nghĩ mình có học lực trung bình, còn Thỏ chỉ có học lực yếu, trong lớp Thỏ học kém hơn Bò và viết chữ còn xấu hơn cả Gà, đến môn Tập Đọc còn phải nhờ bạn Vẹt ngồi cạnh nhắc cho nên Rùa nghĩ thế nào mình cũng thắng.
Mặc dù vậy, với tính cẩn thận “chậm mà chắc”, Rùa quyết tâm chuẩn bị “phao thi” một cách rất bài bản, nào là phao ruột mèo ở các túi quần, túi áo; phao buộc dây chun thụt ra thụt vào ở các cổ tay; phao chép cả ở đùi và mặc quần soóc ống rộng đi thi để vén lên “quay” cho dễ. Ngoài ra Rùa còn chuẩn bị một điện thoại loại siêu gián điệp rất nhỏ cực khó phát hiện để phòng có sự cố.
Trong khi đó, Thỏ vẫn nhởn nhơ chơi game, lướt phây búc, chẳng chuẩn bị gì sất. Rùa trông thấy vậy đắc ý lẩm bẩm: “Nếu thằng Thỏ mà qua được kỳ thi này thì tao gọi mày là… Thần thi!”.
Phao thi, sơ đồ phao, phao chỉ huy… chuẩn bị đã xong hết từ lâu, Rùa dài cổ chờ ngày… thi đấu. Rồi ngày thi cuối cùng cũng đến. Bước vào phòng thi, Rùa hơi sốc vì bất ngờ năm nay lại thi kiểu trắc nghiệm, đề thi gần cả trăm câu, có quay được thì cũng chả kịp giờ. Rùa đành ngồi cặm cụi “tích” vào các ô vuông, chỗ nào khó quá thì “tích” theo kiểu sấp ngửa may rủi, tung một cục giấy vo viên lên, nó rơi vào gần ô nào thì Rùa “tích” vào ô đó.
Video đang HOT
Làm mệt nhoài mãi mới được “tích” được gần hai chục câu, liếc sang Thỏ thấy nó đã có vẻ đã “tích” đến câu thứ 60, quá choáng, Rùa soi kỹ hơn một chút thì thấy hình như câu nào Thỏ cũng “tích” vào ô số 1. Rùa bất giác cười khẩy vì biết chắc thằng Thỏ nó còn làm bài thi… bừa bãi hơn mình.
Sắp hết giờ thi, mặc dù nhiều chỗ chẳng cần tung viên giấy nữa, Rùa cứ “tích” đại, vậy mà vẫn còn hơn mười mấy câu, Rùa móc điện thoại siêu gián điệp nháy máy cho bố, bố Rùa hiểu ý ngay, lập tức gọi cho bác bảo vệ kiêm đánh trống trường (bác này vốn là con nợ tiền lô đề của nhà Rùa) đề nghị đánh trống thu bài muộn gần 10 phút.
Rùa hí hoáy thêm một lúc rồi cũng hết, bên kia Thỏ đã làm xong từ đời tám hoánh nào, đang ngồi vẽ bậy, khuôn mặt dương dương tự đắc. Rùa chợt nghĩ: “Hay thằng Thỏ biết đề trước nhỉ, nó “tích” nhanh như… máy khâu thế kia cơ mà. Không thể nào, rõ ràng nó làm láo, mình sẽ cao điểm hơn nó, nhất định thế, có tận đến 5 câu mình chắc chắn đúng cơ mà!”.
Tùng… tùng…. tùng… Tiếng trống thu bài vang lên tuy hơi chậm trễ nhưng cũng làm thỏa mãn nhiều thí sinh như Rùa. Rùa nộp bài rồi bước ra khỏi phòng thi trong sự hân hoan đón chào của cả họ, ông bà nội ngoại, cha mẹ, rồi các cô chú thím bác, cậu mợ thông gia… đầy ắp trên 7 xe công nông trước cổng trường làm tắc hết cả đường, mọi người đến để ủng hộ tinh thần đứa cháu giỏi giang nhất họ, một mặt biểu dương lực lượng cho phía nhà thằng Thỏ khiếp vía.
Sau đó ít hôm, có kết quả thi, thật ngoài sức tưởng tượng, như có một David Copperfield nào đó nhúng tay vào, không chỉ hơn điểm, thằng Thỏ còn đỗ thủ… khoa kỳ thi THPT cấp quốc gia, môn nào nó cũng được 9 điểm rưỡi hoặc 9 điểm, còn Rùa chỉ được tổng 7 điểm cho tất cả các môn. Lần này thì cả họ nhà Rùa mất mặt thực sự.
Tất nhiên có một điều mà họ nhà Rùa không bao giờ biết được, thí sinh Thỏ có một ông… bác bí mật tên là VT.. Lươn ngồi trong “hội đồng xử lý và điều chế kết quả thi” đã điều chỉnh điểm… không trong sáng cho Thỏ.
Đúng là cách học không bằng cách thi, cách thi không bằng cách chấm, cách chấm không bằng cách mô-đi-phê điểm thi. Không biết được điều này, họ nhà Rùa không bao giờ ngước mặt lên với đời được, và tất nhiên không bao giờ có được những thế hệ… vàng như họ nhà Thỏ.
Theo Dân Việt
Sơn La: Trường nói gì về nghi vấn điểm thi THPT cao bất thường?
Thời gian gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin điểm thi THPT quốc gia của một số thí sinh ở Sơn La có dấu hiệu bất thường. Để rộng đường dư luận, phóng viên Dân Việt đã có cuộc trao đổi với Ban Giám hiệu Trường THPT chuyên Sơn La, nơi có 2 học sinh có điểm thi một số môn cao ngất ngưởng trong kỳ thi THPT Quốc gia vừa qua.
Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Bình Long - Hiệu phó Trường THPT chuyên Sơn La cho biết, nhà trường rất vui và hãnh diện khi có học sinh đạt điểm cao trong kỳ thi THPT Quốc gia vừa qua. 2 học sinh N.D và B.N đều trong top những học sinh học tốt của nhà trường.
"Nhà trường cảm thấy bình thường, chứ hoàn toàn không bất ngờ trước điểm thi của 2 em học sinh N.D và B.N. Đây không phải kỳ thi đầu tiên nhà trường có những học sinh đạt điểm cao như vậy trong kỳ thi THPT Quốc gia", thầy Long cho biết.
Ông Nguyễn Bình Long - Hiệu phó Trường THPT chuyên Sơn La (phải) trả lời phóng viên Dân Việt về kết quả thi THPT Quốc gia.
Em N.D là học sinh lớp 12 chuyên Văn Trường THPT chuyên Sơn La. Trong kỳ thi THPT Quốc gia vừa qua, N.D có điểm thi cụ thể từng môn như sau: Toán: 9,6; Văn: 9,0; Sử: 10; Địa: 8,25; Giáo dục công dân: 7,5, Tiếng Anh: 10. N.D có điểm trung bình cả năm học lớp 12 là 8,1, trong đó môn Toán là 8,8, Văn là 8,0.
Trong danh sách các thí sinh đạt điểm cao nhất cả nước, em N.D đứng thứ 10. Ảnh: I.T
Tuy nhiên, trong đợt thi thử do nhà trường tổ chức trong tháng 3.2018, N.D có số điểm các môn thi chỉ ở mức trung bình, cụ thể là: Toán: 6,4; Văn: 6,5; Tiếng Anh: 5,8; Sử: 5,5; Địa: 4,25; Giáo dục công dân: 5,5.
Liên quan đến những nghi vấn xung quanh vấn đề điểm thi THPT bất thường tại Sơn La, trao đổi với báo chí, ông Hoàng Tiến Đức - Giám đốc Sở GDĐT Sơn La cho hay: "Điểm cao là việc của các thí sinh làm bài, bài của học trò làm thì đương nhiên đó là điểm của học trò. Làm sao có chuyện vì thấy điểm cao nên tôi nói đó không phải điểm của học trò được.Còn việc coi thi và chấm thi Sở GD-ĐT Sơn La thực hiện đúng theo quy trình mà Bộ GD-ĐT quy định".
Lý giải vì sao giữa điểm thi thử và điểm thi thật có sự chênh lệch cao như vậy, thầy Long cho hay: "Nhà trường dự kiến tổ chức thi 3 lần nhưng thực tế chỉ tổ chức thi một lần vào tháng 3. Mục đích là để các em làm quen là chính nên có thể các em chưa cố gắng hết sức. Ngay trong lần thi đó, nhà trường nhận thấy, có nhiều em chưa biết cách tô, tô bằng bút mực, tô sai mã đề, tô 2 đáp án... Nhà trường tổ chức chấm bằng máy và không chấm lại để các em rút kinh nghiệm".
Tương tự như N.D, em B.N, học sinh lớp 12 chuyên Sử Trường THPT chuyên Sơn La, cũng được xem là có dấu hiệu bất thường về điểm thi trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua. Số điểm cụ thể từng môn của B.N như sau: Toán: 9,8; Văn: 8,75; Sử: 7,5; Địa: 8,25; Giáo dục công dân: 8,0; Tiếng Anh: 9,8.
Trong khi đó, điểm thi thử các môn của B.N chỉ đạt: Toán: 5,0; Văn: 4,0; Tiếng Anh: 1,2; Sử: 6,5; Địa: 6,5; Giáo dục công dân: 5,25.
Từ chỗ thi thử, môn Tiếng Anh của B.N chỉ được 1,2 điểm, đến khi thi thật, điểm thi môn này đã gần đạt mức điểm tuyệt đối là 9,8 điểm.
Thông tin với Dân Việt, một phụ huynh xin giấu tên có con học tại Trường THPT chuyên Sơn La bức xúc: "Nhiều phụ huynh có con học giỏi đặt câu hỏi với tôi rằng: Tại sao đề thi Toán năm nay khó như vậy, các cháu nó đã cố gắng hết sức mà vẫn đạt điểm không cao như bạn D?".
Thầy giáo Lò Thanh Sơn - Giáo viên chủ nhiệm lớp 12 chuyên Văn Trường THPT chuyên Sơn La lý giải: "Từ lúc thi thử đến khi thi thật, các em đã có sự phấn đấu. Thêm vào đó là sự động viên của gia đình và nhà trường nên các em mới đạt được điểm cao như vậy trong kỳ thi THPT Quốc gia vừa rồi. Tôi không bất ngờ lắm khi thấy các em đạt được điểm cao như vậy".
GS Nguyễn Văn Tuấn, Viện Garvan (Australia) đã thông tin, kết quả phân tích điểm thi của Sơn La cho thấy quả thật có bất thường, tuy mức độ không nghiêm trọng như ở Hà Giang. Điểm thi chênh lệch tập trung ở các môn Lý, Toán. Phân tích phổ điểm của 8 môn học có thể thấy: Tính trung bình, điểm thi môn Toán, Lí, Hóa và Sinh học của Sơn La đều thấp hơn so với cả nước. Chẳng hạn như môn toán, điểm trung bình [độ lệch chuẩn] của Sơn La là 3.43 (1.33), so với cả nước là 4.88 (1.44). Điểm đáng chú ý là độ lệch chuẩn của Sơn La (1.33) thấp hơn so với cả nước (1.44). Phân tích cụ thể hơn bằng bảng số liệu, đối với môn Toán, có thể thấy quả thật Sơn La có vẻ có số thí sinh điểm 9.0 đến 9.8 cao bất thường. Nếu theo phân bố quốc gia, chúng ta kì vọng Sơn La có 6 thí sinh, nhưng trong thực tế thì có đến 30 thí sinh, tức cao hơn 5 lần so với kì vọng.Đối với môn Lý, thấy có sự bất thường ở ngưỡng điểm cao (trên 9). Tính trung bình, điểm môn Lí của Sơn La là 4.03, thấp hơn so với trung bình quốc gia là 4.96. Ở đây, độ lệch chuẩn không khác nhau đáng kể, chứng tỏ phân bố có cùng dạng. Nhưng phân tích kì vọng cho thấy một lần nữa, số học sinh có điểm 9.0 trở lên là 13 em, trong khi đó theo kì vọng quốc gia thì chỉ có 1 thí sinh. Nói cách khác, số thí sinh có điểm Vật lí cao ở Sơn La chênh lệch gấp 12 lần so với phân bố quốc gia.
Theo Danviet
Trước Hà Giang, Việt Nam từng chấn động với những vụ lùm xùm trong thi cử nào? Vụ việc đang khiến dư luận bức xúc tại Hà Giang một lần nữa lại gióng lên hồi chuông báo động tình trạng tiêu cực trong vấn đề thi cử ở Việt Nam. 2018: Sai phạm nghiêm trọng trong chấm thi ở Hà Giang Sự việc điểm thi bất thường ở Hà Giang đang là tâm điểm chú ý của dư luận cả...