Sốc: Gần 3.700 xã có dịch tả lợn châu Phi, thiệt hại 3.600 tỷ đồng
Tính đến ngày 4/6, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 3.700 xã của 53 tỉnh với 2,2 triệu con lợn buộc phải tiêu hủy, thiệt hại ước tính 3.600 tỷ đồng. Con số thiệt hại lớn đến mức nhiều lãnh đạo địa phương “phát sốt”.
Theo báo cáo của Cục Thú y (Bộ NNPTNT), tính đến ngày 04/6, bệnh DTLCP đang xảy ra tại 3.682 xã, 357 huyện của 53 tỉnh, thành phố (gồm: Hà Nội, Hà Nam, Điện Biên, Ninh Bình, Nam Định, Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Yên Bái, Phú Thọ, Lào Cai, Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Hải Dương, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Bắc Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, TT Huế, Khánh Hòa, Quảng Nam, Đắk Nông, Đồng Nai, Bình Phước, Hậu Giang, Hà Giang, Vĩnh Long, Bình Dương, An Giang, Đồng Tháp, Tuyên Quang, Gia Lai, Kiên Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Đắk Lắk, Cà Mau, Bạc Liêu, Tiền Giang, Bình Định, Kon Tum, Trà Vinh).
Tiêu hủy lợn bị dịch tả lợn châu Phi tại Thái Bình. Ảnh: Phan Lợi.
Video đang HOT
Tổng số lợn bị bệnh buộc phải tiêu hủy là 2.223.765 con. Ngoài ra, đã có 125 xã thuộc 68 huyện của 23 tỉnh, thành phố đã qua 30 ngày không phát sinh thêm lợn mắc bệnh.
Số lợn mắc bệnh và bị tiêu hủy tại các ổ dịch cũ này là 33.400 con. Thời gian qua, đã có 47 xã thuộc 15 tỉnh có dịch bệnh đã qua 30 ngày nhưng sau đó lại phát sinh lợn bệnh.
Tốc độ lây lan nhanh chóng, mức độ tàn phá đàn lợn của bệnh dịch tả lợn châu Phi đang khiến nhiều địa phương lo lắng. Bà Hoàng Thị Tố Nga, Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Nam Định thừa nhận, dịch đã lan rộng khắp nơi ở tỉnh Nam Định. Thống kê đến thời điểm hiện tại, số tiền tỉnh này dự kiến hỗ trợ thiệt hại cho các hộ chăn nuôi lợn đã tiêu hủy lên tới 450 tỉ đồng. Trong khi đó, quỹ dự phòng của tỉnh chỉ có 100 tỉ đồng.
Bà Nga ví thiệt hại dịch tả lợn châu Phi tại Nam Định lớn chưa từng thấy ở địa phương, hơn cả bão gió, thiên tai từng xảy ra trong tỉnh. “Thiệt hại lớn đến nỗi lãnh đạo tỉnh phát sốt lên, khi trong đời làm quản lý tài chính chưa bao giờ thấy thiệt hại lớn đến thế” – bà Nga nói tại hội nghị đánh giá công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi do Bộ NNPTNT tổ chức ngày 4/6.
Tại tỉnh Thái Bình, gần 40% tổng đàn lợn đã buộc phải tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi.
Theo Danviet
Đồng Tháp phát hiện thêm ổ dịch tả lợn châu Phi
Sau khi Đồng Tháp phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên tại huyện Tân Hồng, đến chiều 26/5, Đồng Tháp ghi nhận thêm một ổ dịch mới xảy ra tại hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ở huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp.
Trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, ông Mai Quốc Hậu, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lai Vung, xác nhận dịch tả lợn châu Phi xuất hiện trên đàn lợn 9 con của hộ gia đình ông Phạm Văn Bảy ở ấp Long Thuận, xã Long Hậu, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp. Vào ngày 25/5, khi phát hiện đàn lợn trên bỏ ăn và có những biểu hiện bất thường nên ông Bảy báo ngành chức năng.
Ngay sau khi tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm gửi Chi cục Chăn nuôi và Thú y Vùng VII cho kết quả dương tính với vi rút gây bệnh dịch tả lợn châu Phi, cơ quan chức năng đã tiến hành tiêu hủy đàn lợn. Đồng thời, lực lượng thú y cũng tiến hành phát thuốc tiêu độc khử trùng chuồng nuôi cho các hộ chăn nuôi lân cận để hạn chế lây lan.
Toàn huyện Lai Vung hiện có tổng đàn lợn khoảng 13.000 con, đây là một trong những địa phương có số lượng lớn trong toàn tỉnh. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, UBND huyện cũng đã chỉ đạo thành lập 1 chốt kiểm dịch tạm thời trên tuyến Quốc lộ 54 và triển khai các giải pháp cấp bách, phòng, chống dịch tả lợn châu Phi để ngăn chặn dịch lây lan trên diện rộng.
Trước đó, ngày 24/5, Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Đồng Tháp ghi nhận 4 hộ chăn nuôi trên địa bàn ấp Chiến Thắng, xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng, Đồng Tháp có lợn mắc bệnh chết, với tổng đàn lợn là 187 con; trong đó có 117 con lợn rừng và 70 con lợn nhà.
Theo Chương Đài (TTXVN)
Vẫn hỗ trợ lợn dịch bị tiêu hủy bằng 80% giá thị trường và theo cân Sáng nay (4/6/2019), Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến đã chủ trì họp với đại diện 35 tỉnh, thành phố, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ để thống nhất cách thức và mức hỗ trợ người dân, doanh nghiệp một cách hợp lý, chính xác khi lợn bị bệnh dịch tả lợn Châu Phi, buộc phải tiêu hủy....