Sở Y tế xin lỗi vụ tiêm nhầm cho 60 trẻ em
Sáng 27/10, ông Đoàn Tấn Bửu, Phó GĐ Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp cho VietNamNet biết thông tin mới nhất về hướng xử lý “sự cố” nhân viên y tế tiêm nhầm nước cất cho cho 60 trẻ ở Trường mầm non Sao Mai xảy ra vào sáng 14/10.
Sau khi để xảy ra sự cố tiêm nhầm nước cất thay vì tiêm vắc xin xảy ra ở Trường mầm non Sao Mai. Hiện sở đã có hướng xử lý và khắc phục sự cố đó như thế nào?
Việc xảy ra sai sót do chính hệ thống giám sát của ngành phát hiện được. Ngay sau đó, chúng tôi đã đình chỉ công tác nhân viên y tá để xảy ra sự cố. Tiếp đến bố trí cán bộ khác thay thế và tiếp tục đợt tiêm chủng cho các em còn lại.
Ông Đoàn Tấn Bửu – Phó GĐ Sở Y tế Đồng Tháp – Ảnh: Gia Nin
Điểm trường mầm non này có 170 em, trong đó phát hiện 60 em tiêm nước cất mà không có vắc-xin. Còn 110 em khác vẫn tiêm bình thường, chuyển biến tốt. Ngay sau khi biết tin về sự cố, lãnh đạo Sở Y tế đã triệu tập cuộc họp có các bên liên quan để làm rõ sai sót và thống nhất hướng xử lý tiếp theo…
Ngày 17/10 chúng tôi triển khai cuộc họp xử lý. Đến ngày 21/10, Sở phối hợp với chính quyền địa phương, ban ngành đoàn thể và phụ huynh của 60 em công bố công khai những sai sót xảy ra.
Chúng tôi đã nghiêm túc nhìn nhận trách nhiệm trước các bà mẹ, gia đình phụ huynh và chân thành xin lỗi họ…
Ngoài giải thích các thắc mắc, chúng tôi cam kết tổ chức lại đợt tiêm vào ngày 11/11 tới đây. Hôm đó tôi sẽ trực tiếp tham gia giám sát để đảm bảo quy trình an toàn trong đợt tiêm chủng này.
Thưa ông, trước khi tiêm vắc xin phòng dịch sởi rubella, Sở Y tế có tổ chức tập huấn cho các nhân viên cũng như đội ngũ bác sĩ hay không?
Trước khi tiêm chủng các đơn vị đều được tập huấn lập về kế hoạch; quy trình an toàn tiêm chủng, bảo quản vắc xin, làm sổ sách báo cáo…Việc này còn có Viện Pasteur TPHCM hỗ trợ trực tiếp.
Video đang HOT
Từ tỉnh đến huyện đều tổ chức giám sát chặt chẽ các bước. Tuy nhiên xảy ra sai sót là do cô nhân viên trình độ tay nghề còn yếu…
Nữ nhân viên tiêm nhầm tên là gì vậy?
Cái này xin phép không nêu tên. Cô là nhân viên Trạm y tế phường 3 (TP.Cao Lãnh). Chúng tôi đã họp kiểm điểm, phê bình nghiêm khắc và cô ấy cũng bị tổn thương. Kíp tiêm tại trường mầm non Sao Mai có tổng cộng 5 nhân viên y tế.
Sức khỏe của các cháu bị tiêm nhầm hiện nay như thế nào? Phụ huynh có hoang mang không, thưa ông?
Chúng tôi cho theo dõi liên tục, từ khi tiêm đến nay không có cháu nào có biểu hiện bất thường. Ngày 21/10, chúng tôi có gặp các bậc phụ huynh hỏi thăm thì các cháu đều bình thường. Bởi đây là dung dịch (nước cất) để pha vào lọ vắc-xin dạng bột, tiêm cho các cháu.
Trường mầm non Sao Mai nơi có 60 trẻ tiêm không có vắc-xin – Ảnh: Báo Lao Động
Cô nhân viên thực sự sơ suất, nhưng tiêm không có vắc-xin thì cũng không có phản ứng gì.
Lúc đầu các bậc phụ huynh nghe thông tin cũng lo lắng. Sau khi nghe giải thích, các bậc cha mẹ đã yên tâm hơn…
Trước sự cố sai sót ở trên, nhiều người nhận định đội ngũ y tế ở Đồng Tháp kém về chuyên môn. Ông nghĩ sao về đánh giá này?
Tôi thấy để xảy ra việc này là điều đáng tiếc, nhưng xảy ra ở một phạm vi cá nhân là nhân viên y tế. Khi xảy ra, chính hệ thống của mình giám sát phát hiện và được xử lý, khắc phục tích cực. Việc này chúng tôi đã công khai nhận thiếu sót, xin lỗi rõ ràng theo đúng quy định.
Hiện chúng tôi đã tổ chức kiểm điểm, phê bình nghiêm khắc cô nhân viên y tế và rút kinh nghiệm trong trạm y tế. Trường hợp này bố trí làm công tác khác, không bố trí chuyên môn tiêm chủng nữa.
Ngoài ra trong toàn ngành y tế của tỉnh phải nhìn đó để rút kinh nghiệm.
Xin hỏi để xảy ra sự cố trên, trách nhiệm của Sở Y tế ở mức độ nào?
Tôi thấy rằng việc tổ chức tập huấn là tốt, đầy đủ…nhưng để xảy ra sai sót như vậy là đáng tiếc. Tôi xin thay mặt lãnh đạo Sở Y tế nghiêm túc nhận thiếu sót và trách nhiệm. Tôi cũng gửi lời xin lỗi đến các bậc phụ huynh, chính quyền địa phương, giáo viên ở Trường mầm non Sao Mai về sơ suất nêu trên.
Xin cám ơn ông!
Trên toàn tỉnh Đồng Tháp, việc tiêm vắc-xin được thực hiện làm 2 đợt. Lần đầu tiêm cho khoảng 123.000 trẻ, từ 1 đến 5 tuổi. Tập trung chủ yếu các trường mầm non và đã thực hiện tiêm được cho 99.481 trẻ (đạt 80,49%). Lần thứ 2 tiêm chủng cho khoảng 90.000 trẻ, từ 6 đến 9 tuổi. Sẽ thực hiện từ ngày 11/11 tới. Mỗi điểm tiêm được bố trí 5 đến 6 cán bộ y tế cùng với hệ thống giám sát.
Theo Quốc Huy – Gia Nin
Vietnamnet
60 trẻ bị tiêm nhầm nước cất thay cho văcxin
Thấy ống dung dịch hồi chỉnh, cán bộ tiêm chủng lại tưởng là văcxin mới nên tiêm cho trẻ. Rất may đây chỉ là nước cất nên không ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
Sự việc xảy ra tại điểm tiêm chủng của Trường mầm non Sao Mai, phường 3, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp vào giữa tháng 10 vừa qua. Văcxin được tiêm là dạng phối hợp sởi-rubella.
Văcxin sởi-rubella phải được pha hồi chỉnh trước khi sử dụng. Ảnh: N.Phương.
Phó giáo sư Trần Đắc Phu, Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin, Viện Pasteur TP HCM đã xuống và giải quyết sự việc. Sở Y tế tỉnh thừa nhận có thiếu sót trong chiến dịch tiêm chủng sởi- rubella tại Trường mầm non Sao Mai.
Theo đó, cán bộ tiêm chủng khi lấy văcxin chỉ thấy các ống dung dịch hồi chỉnh, không để ý các lọ văcxin nằm ở đáy phích nên lầm tưởng các ống này là loại văcxin mới. Vì thế, cán bộ đã tiêm nước hồi chỉnh mà không có văcxin. Khi cán bộ giám sát phát hiện thiếu sót thì 60 cháu đã được tiêm. Ngay sau đó, số cháu trên đã được tiêm văcxin sởi-rubella dưới sự giám sát của các phòng chuyên môn của Sở Y tế.
Lọ văcxin sởi-rubella và lọ dung môi. Ảnh:Moh.
"Đây là sự việc lần đầu tiên xảy ra. Rất may đó là dung dịch hồi chỉnh nên không nguy hiểm. Ngoài ra, việc tiêm luôn văcxin sởi-rubella cũng không ảnh hưởng đến sức khỏe các cháu" , phó giáo sư Phu nói.
Cán bộ tiêm chủng này ngay sau đó đã bị điều chuyển công tác. Dự kiến tháng 11, tỉnh Đồng Tháp sẽ tiếp tục thực hiện tiêm chủng mở rộng.
Từ sự việc này, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương tăng cường công tác an toàn tiêm chủng để đảm bảo chất lượng và tỷ lệ tiêm chủng, đồng thời tập huấn cho tất cả cán bộ tiêm chủng, tham gia khám sàng lọc, sơ cấp cứu phản ứng sau tiêm chủng, phó giáo sư Phu cho biết.
Văcxin sởi-rubella để phòng đồng thời hai bệnh sởi và bệnh rubella. Đây là văcxin sống, giảm độc lực, được đóng gói dạng bột đông khô, có màu vàng trắng kèm theo lọ dung dịch pha hồi chỉnh. Văcxin này phải được pha hồi chỉnh trước khi sử dụng, được đóng gói dưới dạng lọ thủy tinh 10 liều/lọ. Dung môi được đóng 5 ml/lọ.
Chiến dịch tiêm chủng mở rộng văcxin sởi-rubella được tổ chức thành 3 đợt; đợt một cho các cháu 1- 5 tuổi, thời gian tháng 9-10/2014; đợt 2 tiêm cho trẻ 6-10 tuổi thời gian tháng 11-12/2014 và đợt 3 sẽ tiêm cho trẻ 11-14 tuổi thời gian tháng 1-2/2015. Việc tiêm chủng sẽ được thực hiện tại các trạm y tế hoặc các trường học. Khoảng 5 triệu trẻ đã được tiêm, kết quả cho thấy văcxin đảm bảo an toàn, hiệu quả, chỉ một số ít trường hợp bị sốt nhưng sau một ngày là khỏi.
Nam Phương
Theo VNE
Sắp có huyết thanh điều trị Ebola Theo tin của BBC, huyết thanh được chiết xuất từ máu của các bệnh nhân nhiễm Ebola đã bình phục sẽ có trong một vài tuần nữa ở Liberia, một trong những quốc gia bị dịch Ebola ảnh hưởng nặng nề nhất, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết. Virus Ebola đang là nỗi kinh hoàng ở châu Phi. Ảnh SPL...