Sở Y tế TP.HCM lên tiếng vụ bác sĩ bị đánh ở khoa cấp cứu
Sau hai vụ việc bác sĩ bị đánh liên tiếp xảy ra, Sở Y tế TP.HCM khẳng định việc hành hung nhân viên y tế là vi phạm pháp luật, cần được xã hội lên án và pháp luật xử lý nghiêm minh.
Chiều 7/12, Sở Y tế TP.HCM cho biết đã cử tổ công tác đến Bệnh viện quận 7 làm việc ngay sau khi có văn bản báo cáo về 2 vụ hành hung bác sĩ đang làm nhiệm vụ.
Tại đây, ông Nguyễn Anh Dũng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, đã động viên tập thể khoa Cấp cứu và nhân viên y tế bị hành hung. Ông Dũng yêu cầu bệnh viện rà soát và củng cố quy trình báo động “Code grey” về an ninh trật tự. Trong đó, lưu ý thời gian kích hoạt đến công an địa phương để kịp thời hỗ trợ lực lượng bảo vệ bệnh viện đảm bảo an ninh, trật tự trong bệnh viện.
Phó giám đốc Sở Y tế cũng yêu cầu bệnh viện triển khai thêm các giải pháp như phân luồng tiếp nhận, quy trình sàng lọc, nhận diện được các nguy cơ tiềm ẩn gây rối an ninh trật tự, tăng cường phân bổ nhân viên bảo vệ tại các điểm nóng. Đồng thời, ông mong muốn Công an phường Tân Phú và Công an quận 7 quan tâm, tăng cường hỗ trợ trong vấn đề an ninh trật tự bệnh viện.
Người nhà bệnh nhân đánh vào mặt bác sĩ cấp cứu vào tối 22/11. Nguồn: BVCC.
Trước đó, Bệnh viện quận 7 cho biết chỉ trong nửa tháng, nhân viên của bệnh viện đã gặp 2 vụ hành hung liên quan đến các đối tượng sử dụng rượu bia.
Vào 17h ngày 3/12, Bệnh viện quận 7 nhận được cuộc gọi cấp cứu 115 đến quán nhậu trên đường 47, phường Tân Quy. Khi đến nơi, nạn nhân say nên ngã trong nhà vệ sinh, bất tỉnh. Theo bác sĩ, do nhà vệ sinh chật hẹp, nhân viên y tế nhờ người cùng nhậu hỗ trợ để đưa bệnh nhân vào băng ca chuyển đi. Người này nói “ sao không tự làm mà bắt hỗ trợ”, dùng chân đạp mạnh vào lưng bác sĩ.
Một trường hợp khác xảy ra vào 23h15 ngày 22/11. Thời điểm này, tua trực đêm của Bệnh viện quận 7 tiếp nhận bệnh nhân N.T.T (sinh năm 1973), có vết thương hở do té ngã. Nhân viên y tế tiếp nhận và tư vấn khâu vết thương, nhận được sự đồng thuận từ người bệnh. Tuy nhiên, người thân bệnh nhân không chịu ra ngoài để y bác sĩ làm việc.
Theo bác sĩ, người này còn có lời nói, hành vi chửi bới, nhục mạ khiến bác sĩ buộc phải tạm ngưng công việc và rời khỏi phòng tiểu phẫu. Đối tượng sau đó đuổi theo đánh vào vùng mặt trái bác sĩ.
Sở Y tế TP cho biết Công an quận 7 đã tiến hành mời làm việc đối tượng có liên quan và sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.
Hai bệnh viện trắng đêm ghép tạng xuyên Việt
Các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã phối hợp thực hiện ghép ca tim, 2 ca ghép thận và ca ghép da từ người hiến chết não là nam bệnh nhân 35 tuổi.
Rạng sáng 26.2 các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) đã thực hiện các ca ghép tạng xuyên Việt thành công.
Trước đó, ngày 24.2, trực tiếp chứng kiến sự nỗ lực bất thành của ê kíp điều trị trước tình trạng quá nặng của con mình, mẹ bệnh nhân M. (bệnh nhân M. 35 tuổi, ngụ An Giang) đã quyết định hiến tặng các tạng còn chức năng hoạt động của anh M. cho những bệnh nhân đang chờ được ghép tạng.
Các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy thực hiện ghép da cho bệnh nhân bỏng xăng từ da hiến của người bệnh chết não. Ảnh DUY TÍNH
Tuân thủ và cẩn thận áp dụng đầy đủ các quy trình chẩn đoán chết não, ngay khi tiếp nhận thông tin, ê kíp hiến ghép tạng của Bệnh viện Chợ Rẫy lập tức được kích hoạt.
Sau khi kiểm tra và đánh giá tình trạng của bệnh nhân, để có thể tiếp nhận trọn vẹn các tạng hiến, Bệnh viện Chợ Rẫy đã báo cáo Trung tâm Điều phối quốc gia tiếp nhận đa mô tạng của trường hợp hiến chết não này.
Do trong danh sách chờ tại Bệnh viện Chợ Rẫy không có người chờ ghép tim nhóm máu B, Trung tâm Điều phối quốc gia đã điều phối tim của người hiến đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội); Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận 2 thận, 2 giác mạc và da của người hiến. Đồng thời Bệnh viện Chợ Rẫy phối hợp hỗ trợ tiếp nhận và vận chuyển quả tim hiến để ghép tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Những chuyến bay trong đêm
Do bệnh nhân được chỉ định ghép tim ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đang ở xa, việc ê kíp ghép tạng phải chờ đợi đến lúc bệnh nhân đến ở bệnh viện để lấy máu xét nghiệm có thể làm ảnh hưởng đến việc tiếp nhận các tạng hiến. Do đó, Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia đã trao đổi và đề xuất Bệnh viện Chợ Rẫy hỗ trợ nhân sự đưa máu của người hiến ra Bệnh viện Việt Đức để thực hiện kỹ thuật này.
Trong tình huống đó, lần đầu tiên trong lịch sử ghép tạng, Bệnh viện Chợ Rẫy thực hiện hỗ trợ các kỹ thuật an toàn nhất để đảm bảo thời gian an toàn cho "trái tim" của người hiến được tiếp nhận trong tình trạng khỏe mạnh.
Nhân sự của Bệnh viện Chợ Rẫy đã lên chuyến bay 22 giờ đêm 25.2, mang mẫu máu của người hiến ra Hà Nội để thực hiện phản ứng chéo, kết quả xét nghiệm này giúp các bác sĩ đánh giá sự phù hợp giữa người cho tạng và ghép tạng, trước khi ghép cho người nhận.
Cũng cùng thời điểm này, ê kíp ghép tạng của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cũng lên máy bay vào TP.HCM ngay trong đêm để chuẩn bị cho việc tiếp nhận và vận chuyển "trái tim" hiến về Hà Nội.
Liên tục theo dõi tình trạng của người hiến cũng như cập nhật chuyến bay của hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines, sau khi thống nhất với Hội đồng, được sự chấp thuận của ban lãnh đạo bệnh viện, ekip ghép tạng của Bệnh viện Chợ Rẫy đã quyết định tiến hành nhận tạng sớm để kịp vận chuyển trái tim hiến trên chuyến bay sớm nhất từ TP.HCM ra Hà Nội.
Ngay lập tức, quá trình tiếp nhận tạng được tiến hành. 1 giờ 30 sáng 26.2 ê kíp hiến ghép tạng đã cúi đầu dành 1 phút để đọc lời mặc niệm tri ân tấm lòng cao thượng của anh M. cùng gia đình.
Đến 4 giờ sáng ngày 26.2, ê kíp ghép tạng của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã rời Khoa Phẫu thuật Gây mê hồi sức Bệnh viện Chợ Rẫy vận chuyển tim của người hiến ra sân bay về Hà Nội.
E kíp ghép tạng của Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận 2 quả thận và 2 giác mạc cùng da của người hiến. Đến 6 giờ sáng 26.2, sau khi hoàn tất các quá trình tiếp nhận và chăm sóc thân thể cho người hiến, đại diện Phòng Công tác xã hội đã cùng gia đình anh N. đưa người hiến về nơi tổ chức tang lễ.
Bệnh nhân được ghép hồi phục sức khỏe
Tim của người hiến được vận chuyển từ Bệnh viện Chợ Rẫy ra Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức trong đêm 25.2. Ảnh DUY TÍNH
Song song đó, tại phòng ghép thận của Bệnh viện Chợ Rẫy, các bác sĩ đã hoàn thành 2 ca ghép thận, tình trạng bệnh nhân đã ổn định và có nước tiểu sau vài giờ ghép.
Hai bệnh nhân được ghép thận là 2 nữ bệnh nhân trẻ và đều có hoàn cảnh khó khăn, bị suy thận là P.T.L.T, 16 tuổi và bệnh nhân L.T.A.T, 27 tuổi.
Trong đó, bệnh nhân P.T.L.T có hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Nhà bệnh nhân T. có 2 chị em đều bị suy thận, cha mắc bệnh nan y. Hơn 3 năm nay, 3 mẹ con thuê nhà trọ ở TP.HCM để người mẹ đi làm thuê kiếm tiền cho 2 con chạy thận nhân tạo.
Ghép da cho bệnh nhân bỏng lửa xăng
Tiếp nhận da từ người hiến vừa xong thì ê kíp ghép da của Bệnh viện Chợ Rẫy cũng khởi động ghép cho nữ bệnh nhân N.T.C.N (24 tuổi, ngụ Kiên Giang) và đã hoàn thành trong buổi sáng cùng ngày. Đây là bệnh nhân bị bỏng lửa xăng, mất da diện rộng (khoảng 30% diện tích cơ thể), tình trạng nhiễm khuẩn nặng, nếu không được ghép da che phủ thì bệnh nhân có thể rơi vào tình trạng suy mòn, nhiễm khuẩn huyết, nguy cơ tử vong rất cao.
Riêng 2 giác mạc của người hiến được bảo quản chờ người nhận đang trên đường đến Bệnh viện Chợ Rẫy để ghép vào ngày 27.2.
Hai giác mạc sẽ được ghép cho nữ bệnh nhân C.N.B.T (20 tuổi, ngụ Đà Lạt) bị loạn dưỡng giác mạc, và nam bệnh nhân H.V. N (30 tuổi, ngụ TP.HCM) bị sẹo giác mạc.
Thông tin từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, trái tim của người hiến đã được ghép thành công bước đầu và đã đập trong lồng ngực người nhận sau 8 giờ ghép, với sự tham gia của hơn 40 y bác sĩ thuộc nhiều đơn vị của bệnh viện. Sau ghép, bệnh nhân nhận tim ổn định, đã được được đưa đến phòng hồi sức và tiếp tục theo dõi.
Cảnh tượng chưa từng thấy ở Bệnh viện Chợ Rẫy Bệnh viện hạng đặc biệt chỉ còn 2 máy CT, nhiều thiết bị y tế hư hỏng không được sửa chữa, người bệnh phải sang viện khác chụp chiếu, y bác sĩ làm việc đến rạng sáng. Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho hay bệnh viện thường xuyên trong trạng thái thiếu trang thiết bị...