Sở Y tế Hà Nội yêu cầu làm rõ về vụ bệnh nhi tử vong tại Bệnh viện Vân Đình
Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu Bệnh viện Đa khoa Vân Đình tổ chức họp Hội đồng chuyên môn để làm rõ nguyên nhân bệnh nhi tử vong, đồng thời kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân vi phạm (nếu có).
Tối 25-6, Sở Y tế Hà Nội có báo cáo về trường hợp bệnh nhi T.H.M. (10 tuổi ở xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Vân Đình (từ ngày 22-5 đến ngày 24-5), sau đó chuyển tuyến điều trị và tử vong tại Bệnh viện Nhi trung ương ngày 8-6.
Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu Bệnh viện Đa khoa Vân Đình tổ chức họp Hội đồng chuyên môn để làm rõ nguyên nhân, đồng thời kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân vi phạm (nếu có).
Ngoài ra, Sở cũng yêu cầu bệnh viện rà soát lại toàn bộ quy trình khám bệnh, chữa bệnh, đặc biệt là việc chuyển tuyến điều trị. Bệnh viện phải phối hợp với các phòng chức năng của Sở Y tế để làm việc với Bệnh viện Nhi trung ương về quá trình điều trị của người bệnh, đồng thời tổ chức thăm hỏi, động viên tinh thần gia đình người bệnh.
Video đang HOT
Trước đó, mẹ cháu bé là Mai Thị Th. P. bức xúc cho rằng, con chị tử vong do sự tắc trách của bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Vân Đình. Theo phản ánh của gia đình bệnh nhi, khoảng 12h ngày 22-5, bệnh nhi T.H.M. được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Vân Đình với biểu hiện đau bụng, nôn, đi ngoài phân lỏng. Tại đây, bệnh nhi được các bác sĩ chẩn đoán bị rối loạn tiêu hóa nên truyền dịch và cho uống men tiêu hóa.
Sau 1 ngày điều trị, tình trạng bé M. không tiến triển, gia đình xin cho bệnh nhi chuyển tuyến, nhưng bác sĩ Khoa Nhi cho rằng, bệnh đơn giản không cần chuyển viện. Đến ngày 24-5, bệnh nhi có biểu hiện phù mặt, gia đình quyết tâm cho bé M. chuyển viện, nên buộc bệnh viện phải đồng ý.
Sau khi được chuyển đến Bệnh viện Nhi trung ương, tại đây, các bác sĩ kết luận, bệnh nhi bị viêm cơ tim, suy đa tạng do không được cấp cứu kịp thời. Đến ngày 8-6, bệnh nhi tử vong.
Về sự việc này, ông Nguyễn Văn Đông, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Vân Đình thừa nhận, bác sĩ điều trị cho bệnh nhi M. hạn chế về chuyên môn. Vì biểu hiện của bệnh viêm cơ tim rất nghèo nàn, nên việc chẩn đoán chính xác rất khó, đòi hỏi bác sĩ phải có nhiều kinh nghiệm.
“Ở bệnh viện tuyến huyện như chúng tôi, kinh nghiệm trong chẩn đoán các ca bệnh này chưa nhiều vì rất ít gặp. Do thiếu kinh nghiệm dẫn đến chưa lường hết được diễn biến nguy hiểm của bệnh. Hiện tại, bệnh viện đã họp Hội đồng thi đua và chắc chắn sẽ có hình thức kỷ luật đối với bác sĩ điều trị cho bệnh nhi”, ông Đông cho biết.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Đông, sau khi cháu M. qua đời tại Bệnh viện Nhi trung ương, bệnh viện đã đến chia buồn với gia đình cháu bé. Ban lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Vân Đình và sau đó là cán bộ của Khoa Nhi đã đến thắp hương, chia sẻ với gia đình. Trên tinh thần trách nhiệm, thẳng thắn, Bệnh viện cũng có hẹn ngày làm việc với gia đình người bệnh để giải thích, trao đổi rõ hơn và chia sẻ với mất mát của gia đình.
Theo afamily
Hội đồng chuyên môn đánh giá về trường hợp cô bé tử vong sau tiêm ComBE Five
Ngày 16-1, Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức họp Hội đồng chuyên môn đánh giá về trường hợp cô bé Kiều Hải Y (hơn 2 tháng tuổi ở xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất) tử vong sau khi tiêm vắc xin ComBE Five.
Sau cuộc họp, trao đổi với phóng viên Báo Hà nội mới, PGS.TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, tham gia Hội đồng chuyên môn gồm có các chuyên gia hàng đầu về lâm sàng, về dịch tễ học và nhi khoa đến từ các bệnh viện gồm Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Bệnh viện Thanh Nhàn và các cơ quan chức năng của Sở Y tế Hà Nội như: Thanh tra Sở Y tế, Phòng Nghiệp vụ y, dược...
Do trẻ tử vong trước khi được cấp cứu vào Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất nên các chuyên gia không thu thập được những biểu hiện lâm sàng ban đầu. Điều tra tại Trạm Y tế xã Cần Kiệm sáng 9-1, ngoài bé Kiều Hải Y còn có 38 trẻ khác cũng được tiêm vắc xin ComBE Five nhưng không ghi nhận phản ứng bất thường.
Qua kiểm tra tại trạm y tế này, đây là cơ sở đủ điều kiện thực hành tiêm chủng theo đúng quy định của Bộ Y tế. Tất cả các cán bộ tham gia tiêm chủng thường xuyên tại trạm y tế đều đã được tập huấn và cấp giấy chứng nhận an toàn tiêm chủng. Quy trình tiếp nhận, vận chuyển và bảo quản vắc xin đúng quy định. Vắc xin có nguồn gốc rõ ràng, có đầy đủ sổ sách, hoá đơn và phiếu xuất kho. Hiện, Sở Y tế Hà Nội chưa phát hiện sai sót trong quá trình tiêm chủng tại đây.
Theo PGS.TS Nguyễn Nhật Cảm, sau khi xem xét lại toàn bộ sự việc, Hội đồng chuyên môn nghĩ nhiều tới nguyên nhân trẻ tử vong do sốc phản vệ. Đây là một trường hợp phản ứng nặng sau tiêm chủng. Tuy nhiên, nguyên nhân cuối cùng phải chờ kết quả giám định pháp y sau khi thực hiện mổ tử thi. Kết quả này sẽ có trong khoảng một tháng nữa.
Trước đó, như Báo điện tử Hà nội mới đưa tin, khoảng 8 giờ ngày 9-1, bé Kiều Hải Y được đưa đến Trạm Y tế xã Cần Kiệm để tiêm chủng vắc xin ComBE Five mũi 1 và uống vắc xin phòng bại liệt lần 1. Đến tối cùng ngày, bé bị sốt. Đến 22h cùng ngày, khi thấy bé tiếp tục sốt, gia đình cho uống thêm thuốc hạ sốt. Đến khoảng 7h ngày 10-1, gia đình thấy trẻ ra máu mũi, người lạnh. Sau đó, gia đình đưa bé đến Bệnh viện Đa khoa Thạch Thất. Trên đường đi, bé có biểu hiện sùi bọt mép, mũi chảy ra thêm dịch màu hồng. Trước khi vào khoa Cấp cứu (Bệnh viện Đa khoa Thạch Thất), bé đã tử vong.
Theo hanoimoi
Hà Nội: Số ca mắc sốt xuất huyết tiếp tục tăng Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, từ ngày 17/6 đến 23/6, thành phố ghi nhận thêm 110 ca mắc sốt xuất huyết (tăng 33 ca so với tuần trước đó), nâng tổng số ca mắc sốt xuất huyết lên 658 người tính từ đầu năm. Ngành y tế đề nghị tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch...