Sở Xây dựng Hà Nội: ‘Đánh giá chung cư cũ bằng mắt cho đỡ lãng phí’
Để có cơ sở phân loại và tiến hành kiểm định, thành phố Hà Nội đã thành lập một đoàn đi khảo sát đánh giá 940 nhà chung cư bằng “mắt thường và kinh nghiệm”.
Tại buổi giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức chiều 15/12, Sở Xây dựng Hà Nội đã báo cáo kết quả công tác rà soát tổng thể việc kiểm định chất lượng, cải tạo xây dựng công trình chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội.
Trưởng phòng phát triển nhà, ông Vũ Ngọc Đạm thông tin, trong năm 2014, thành phố đã chỉ đạo Sở Xây dựng thành lập đoàn kiểm tra liên ngành khảo sát 940/1.516 chung cư cũ tại 4 quận nội thành cũ và 3 quận, huyện Thanh Xuân, Cầu Giấy, Đông Anh làm cơ sở xây dựng kế hoạch tổ chức kiểm định.
Lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho hay 100% chung cư cũ bị cơi nới. Ảnh: Quý Đoàn.
Ông Đạm cho hay, từ kết quả khảo sát, 42 chung cư cũ được đưa vào kiểm định trong năm 2015. Đây là những chung cư cũ bị lún, lún lệch ở mức độ lớn (hơn 1%), hoặc đã được xây dựng từ lâu, qua kiểm tra đánh giá chuyên gia xác định được mức độ hư hỏng nặng cần được kiểm định ngay để xác định những nhà nguy hiểm phải di dời, chống đỡ.
Theo lãnh đạo Phòng phát triển nhà, dự kiến năm 2016, 135 công trình chung cư cũ sẽ được kiểm định. Đây là những công trình đã có biểu hiện lún nghiêng, về tổng thể đã hư hỏng hoặc có bộ phận đã xuống cấp phải kiểm định để đưa vào kế hoạch sửa chữa, cải tạo hoặc xây lại.
Nói rõ hơn về kết quả khảo sát, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, ông Chí Dũng cho rằng việc “khảo sát đánh giá bằng mắt thường của các chuyên gia cho đỡ lãng phí”.
Video đang HOT
Phó giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Chí Dũng cho rằng việc khảo sát đánh giá chất lượng chưng cư bằng mắt thường và kinh nghiệm của chuyên gia cho đỡ lãng phí. Ảnh: Võ Hải.
Phó giám đốc Sở cho biết, đoàn công tác (các chuyên gia của Viện nghiên cứu Bộ Xây dựng, thành phố Hà Nội, các chuyên gia đầu ngành về kết cấu) đi kiểm tra, rà soát bằng mắt thường và trên cơ sở kinh nghiệm để xếp loại từ 1 đến 4 chứ không phải theo quy chuẩn của Bộ Xây dựng theo cấp độ A, B, C, D.
“Nếu đồng loạt đi kiểm định trên 900 chung cư thì rất khó khăn về nhân lực, chi phí. Nên trước mắt rà soát bằng mắt thường và chuyên môn. Trên cơ sở những chung cư xếp loại 4 thì đưa vào diện kiểm định năm 2015. Việc kiểm định 42 chung cư đã có kết quả nhưng chưa công bố vì chưa được thành phố phê duyệt”, ông Dũng nói.
Chia sẻ câu chuyện tại nhà C8 Định Công (Ba Đình), lãnh đạo Sở Xây dựng cho hay, thành phố đã tổ chức kiểm định và chuẩn bị quỹ nhà tái định cư di dời người dân để đảm bảo an toàn, nhưng người dân không đồng tình với lý do “không tin vào kết quả kiểm định”. Sau đó, thành phố phải mời Viện Khoa học công nghệ xây dựng (Bộ Xây dựng) kiểm định lại. Dù kết quả giống như Viện khoa học công nghệ của Hà Nội đã kiểm định, nhưng các hộ dân vẫn không di dời.
Từ thực tế trên, ông Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong 42 chung cư đã được kiểm định năm 2015 trên có 2 chung cư được xếp loại D (phải di dời người dân để đảm bảo an toàn). Sở đã thận trọng mời các đơn vị chuyên ngành thẩm định lại và chuẩn bị quỹ nhà tái định cư cho cư dân 2 chung cư này để khi thành phố thông qua kết quả kiểm định có thể di dời người dân đến nơi ở mới.
Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, toàn thành phố có khoảng 1.516 chung cư cũ có quy mô 2-5 tầng, chủ yếu được xây dựng từ năm 1960 đến cuối những năm 1980. Ngoài ra, còn một số nhà được xây dựng từ trước năm 1954. Riêng 4 quận nội thành cũ là Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng có 935/1.516 nhà chung cư cũ.
Chung cư cũ có 5 loại kết cấu chính là: Nhà xây, nhà lắp ghép tấm lớn, nhà khung bê tông cốt thép và một số ít nhà lắp ghép khung khớp, nhà hỗn hợp, nhà có kết cấu khác. Do những yếu tố khách quan, hầu hết móng chung cư cũ đều được xây dựng với giải pháp nông. Vì vậy, đã có không ít chung cư bị lún, lún lệch ở mức độ lớn như nhà E6-E7 Quỳnh Mai, nhà A-B Ngọc Khánh, nhà C1 Thành Công (đã phải tháo dỡ); nhà B7 Thành Công (đã phải xây dựng lại); nhà B Ngọc Khánh (Nhà B2 đã phải tháo dỡ và xây lại 3 tầng).
Các nhà chung cư cũ đều được cơi nới hoặc đã được các chủ nhà tháo dỡ xây lại (như E1, E2, E3 ngọc Khánh). Việc này đã ảnh hưởng đến việc thoát nạn khi xảy ra sự cố hỏa hoạn và làm tăng tải trọng công trình. Bên cạnh đó, việc cải tạo, sửa chữa tùy tiện đã dẫn đến thấm dột, ảnh hưởng đến khả năng chịu lực của kết cấu.
Việc duy tu bảo dưỡng chưa được quan tâm đúng mức dẫn đến hư hỏng, xuống cấp nhanh gây nguy hiểm và ảnh hưởng đến chất lượng sống. Đặc biệt, hầu hết chung cư cũ đều không có hệ thống phòng cháy chữa cháy.
Sau 10 năm kể từ khi HĐND TP Hà Nội có nghị quyết về cải tạo chung cư cũ đến nay mới cải tạo được 14 chung cư (đạt 1%).
Võ Hải
Theo VNE
Hà Nội: 104 chung cư hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng
Qua khảo sát, Viện khoa học công nghệ và kinh tế xây dựng Hà Nội đưa ra đánh giá trên địa bàn có 104 chung cư đã hư hỏng, xuống cấp đặc biệt nghiêm trọng, cần phải kiểm định chất lượng công trình.
Viện Khoa học công nghệ và kinh tế xây dựng Hà Nội cho biết, trên toàn Thủ đô hiện có 1.516 chung cư cũ với quy mô từ 2 đến 5 tầng, được xây dựng từ năm 1960 đến năm 1990, một số nhỏ nhà được xây dựng trước năm 1954.
Nhiều chung cư trên địa bàn Hà Nội bị xuống cấp nghiêm trọng
Hơn 1.500 chung cư cũ trên được xây dựng tập trung ở các quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Thanh Xuân, Hoàng Mai. Trải qua hơn nửa thế kỷ, các chưng cư trên đã hết niên hạn sử dụng, xuất hiện tình trạng nguy hiểm cần cải tạo, xây dựng lại.
Qua khảo sát, đánh giá, Viện khoa học công nghệ và kinh tế xây dựng Hà Nội nhận thấy 104 chung cư đã hư hỏng, xuống cấp đặc biệt nghiêm trọng cần phải đưa vào diện kiểm định năm 2015 và năm 2016.
Trước đó, Sở Xây dựng Hà Nội cũng đã đưa ra cảnh báo mức độ nguy hiểm cua cac chung cư cũ trên địa bàn. Điển hình trong đó là chung cư C8 Giảng Võ và E6 Thành Công có nhiều kết cấu bị lún lệch, trong đó đơn nguyên III (C8 Giảng Võ) phải di dời ngay toàn bộ cư dân.
Theo đánh giá của Sở Xây dựng Hà Nội, đơn nguyên I và đơn nguyên II của chung cư C8 Giảng Võ bị lún lệch, tuy nhiên chưa tới mức độ lớn, mức độ nghiêng lệch tổng thể vẫn nằm trong giới hạn cho phép.
Một số tấm sàn, lan can của hai đơn nguyên trên thường xuyên bị ẩm; cốt thép bị han rỉ, ăn mòn, bê tông bị nứt vỡ, tình trạng các mối nối không đảm bảo chất lượng nên khả năng chịu lực của công trình đã bị suy giảm. Kết quả đánh giá mức độ nguy hiểm của hai đơn nguyên này ở cấp B (công trình vẫn đáp ứng được yêu cầu sử dụng bình hường).
Đơn nguyên III của chung cư C8 Giảng Võ cũng bị lún lệch theo cả 2 phương với mức độ lớn. Mức độ lệnh của khối nhà bên phải cầu thang theo đánh giá của Sở Xây dựng đã vượt quá giới hạn cho phép.
Theo đánh giá của Sở Xây dựng, do bị lún lệch nên các liên kết của đơn nguyên III ở khu vực cầu thang (dầm, sàn chiếu tới, chiếu nghỉ, sàn mái) vào các tường ngang đã bị phá hoại; các tấm sàn mái và một số cấu kiện ở tầng 4 và 5 đã tụt khỏi gối đỡ tường ngang...
Với mức độ nguy hiểm trên, Sở Xây dựng cho rằng sự cố sập khu vực cầu thang đơn nguyên III Giảng Võ có thể xay ra, đặc biệt trong mùa mưa bão. Vì vậy, Sở Xây dựng cảnh báo phải tổ chức di dời ngay toàn bộ số dân đang sống trong đơn nguyên này.
Đôi vơi chung cư E6 Thành Công, Sở Xây dựng cũng cho biết, đơn nguyên I ở mức độ lún lệch tương đối lớn, biến dạng lún theo phương dọc nhà thay đổi, lún mạnh tại khu vực cầu thang và khối nhà bên trái cầu thang. Đơn nguyên này đang ở tình trạng nguy hiểm cục bộ.
Đơn nguyên II E6 Thành Công có mức độ lún lệch nhỏ hơn đơn nguyên I, cũng được đánh giá tình trạng nguy hiểm cục bộ.
Quang Phong
Theo Dantri
Tổng kiểm tra các loại nhà cũ trong cả nước Ngày 3.10, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết đang khẩn trương lập dự thảo để gửi lãnh đạo Bộ xem xét, trình Thủ tướng ban hành chỉ thị về việc tổ chức tổng kiểm tra, rà soát, kiểm định và xây dựng lộ trình sử dụng nhà cũ, hết niên hạn sử dụng trong khu vực các đô thị...