Sở thích nuôi thú dữ: Hiểm họa khó lường
Thú chơi của đại gia Việt không dừng lại ở việc nuôi chó dữ mà còn thể hiện ở việc sở hữu nhiều động vật hoang dã quý hiếm.
Thời gian gần đây, dân nuôi chó cảnh có máu mặt ở Hà Nội, TP.HCM đua nhau săn lùng giống chó dữ làm vật nuôi và phòng thân. Nhiều đại gia khác còn đầu tư khoản tiền lớn để nuôi hổ, gấu để khẳng định đẳng cấp. Vấn đề đáng lo ngại là hiện nay khung pháp lý về vấn đề này chưa thực sự chặt chẽ. Một số đối tượng đã manh nha lợi dụng những kẽ hở về pháp lý để phục vụ cho những mục đích cá nhân đen tối. Bên cạnh đó, những thú dữ nuôi tại gia này luôn tiềm ẩn nguy cơ xổng chuồng gây hại.
Anh Phạm Huy Hoàng (Quảng Ninh) và con chó ngao Tây Tạng
Sở thích nuôi thú dữ của đại gia Việt
Hải Đồng, một dân chơi chó cảnh lâu năm ở đất Hà thành vừa đưa chúng tôi đi thăm những con chó mới tậu về đang nhốt trong lồng sắt ở góc vườn vừa kể: Hiện nay những người thích chơi chó cảnh chuộng nhất ngao Tây Tạng và Pitbull. Đây là những con chó hung dữ, rất đắt tiền – có khi lên tới hàng trăm triệu đồng.
Đồng cho biết, hiện trên toàn quốc có chừng 300 con chó ngao Tây Tạng và hơn 350 con Pit Bull, chủ yếu tập trung ở miền Bắc. Đáng nói nhất phải kể đến giống chó Pit Bull – giống chó được mệnh danh là “sát thủ máu lạnh”. Pit Bull nổi tiếng bởi khả năng chiến đấu “giáp lá cà”, kiên cường, không chịu đầu hàng, là dũng sĩ của những loài chó, được xếp ngang hàng với cả chó sói xám, linh cẩu, khỉ đột lưng bạc, trâu rừng châu Phi, sư tử… Giống chó Pit Bull được nhiều dân chơi chó săn lùng và đặt biệt danh là chó chiến binh. Điều đáng nói, khi đã lâm trận, loài chó này còn “cuồng” hơn cả chó điên.
Phạm Huy Hoàng (Quảng Ninh), một du học sinh từng học chuyên ngành điện tử và công nghiệp tại Hàn Quốc, cũng là một tay chơi chó ngao có hạng. Huy Hoàng cho biết đã nhân giống thành công hai lứa chó ngao Tây Tạng. Một trong những nguồn cung cấp chó cho trang trại của Huy Hoàng chính là các chợ chó ở Trung Quốc (Nam Ninh, Quảng Châu, Bắc Kinh).
Kể về một con chó ngao từng nuôi, Huy Hoàng tâm sự: “Khi bán ở Trung Quốc, người ta đã nói nó là một con chó ngao rất hung dữ. Khi chuyển về Việt Nam, người ta trừng phạt nó bằng cách cho nằm trong chiếc cũi có chiều cao thấp hơn chiều cao của thân hình để nó không thể đứng lên được”. Sau ba tháng thì Huy Hoàng thuần phục được nó và chuyển nó cho một người chủ mới. Từ ngày sang với chủ mới, con chó ngao lại tỏ ra hung dữ. “Nó tấn công nhiều người lắm rồi. Tiền lo viện phí thuốc thang cho người bị cắn nhiều hơn cả tiền mua chó” – người chủ mới than thở.
Một thực tế cho thấy, chó Pit Bull hiện nay đang được nhiều người nuôi dưỡng, huấn luyện sai cách, có thể sẵn sàng tấn công một người nào đó đến chết. Theo anh Tuấn Hùng, một người đam mê huấn luyện những giống chó dữ ở phường Đức Giang, quận Long Biên (Hà Nội), chủ nhân của những con chó Pit Bull phần lớn là dân chơi có máu mặt, bởi họ muốn coi Pit Bull như một thứ vũ khí để phòng thân. Sự nguy hiểm và ham mồi của giống chó này thể hiện ở chỗ: Đã ngoạm vật gì thì chỉ khi vật đó bị đứt lìa nó mới nhả ra và chuyển sang ngoạm vào chỗ khác. Vết thương để lại sẽ rất sâu và rộng, vì hàm răng của chúng rất dài, sắc nhọn, khi bị cắn, nhẹ có thể mang tật, nặng có thể mất mạng.
Video đang HOT
Thú chơi của đại gia Việt còn thể hiện ở việc sở hữu nhiều động vật hoang dã quý hiếm. Điển hình là một số đại gia ở miền Trung. Để sở hữu hai con tê giác nuôi trong trang trại, đại gia Lê Thanh Thản phải bỏ ra số tiền mua mỗi con là 500 tỷ đồng (?). Chuồng nuôi 2 chú tê giác được ngăn cách bằng một bức tường xây ngang người với các ống kim loại phi 100 bao quanh tựa như võ đài, phía trên được rào kín bằng lưới thép B40.
Ngoài 2 con tê giác trên, vị đại gia này còn sở hữu rất nhiều động vật hoang dã từ châu Phi như 01 cặp ngựa vằn, 01 cặp ngựa bạch và vài chục con hươu, linh dương, hai con đà điểu. Đặc biệt ông còn sở hữu hai con hổ vằn và 01 con gấu. Vì là loài thú dữ và hoang dã, nên khu chuồng này được làm kiên cố hơn. Dự kiến trong thời gian tới đại gia này sẽ tậu thêm hai con hổ bạch nữa.
Còn vị đại gia ở quận 12, TP.HCM tự tậu cho mình một hồ nuôi cá sấu ở trước nhà, với mục đích thư giãn đầu óc khi nhìn những con cá sấu đớp mồi. Phía sau vườn nhà của đại gia này còn có một khu chuồng nhốt 2 con trăn, 6 con rắn độc, 3 con gấu cùng 1 con tinh tinh. Tổng trị giá cho bộ “sưu tập” thú mini của đại gia địa ốc này ước tính lên đến hàng trăm triệu đồng.
Sở hữu những con thú “độc” phải đi kèm theo rất nhiều chi phí, chỉ riêng chuyện thức ăn hàng ngày cung cấp cho bầy thú “cưng” thôi cũng ăn đứt vài triệu đồng là chuyện bình thường. Ngoài ra cùng với đàn thú dữ là lực lượng người giúp việc hùng hậu chuyên lo chăm sóc cho bầy thú cưng.
GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh cho rằng cần phải có giải pháp cụ thể về việc nuôi thú dữ tại nhà
Tranh cãi quan điểm nuôi thú tư nhân
Nhiều nhà chức trách vẫn chưa đồng tình quan điểm việc cho sở hữu những loài động vật hoang dã, sự bất đồng quan điểm này khiến người dân có nhu cầu nuôi luôn lo sợ có vi phạm pháp luật hay không.
Theo quan điểm của ông Đỗ Quang Tùng, phó giám đốc CITES Việt Nam (thuộc cục Kiểm lâm, bộ NN&PTNT): “Nếu nuôi nhốt động vật hoang dã với mục đích để trưng bày thì không sao”. Ông Tùng lý giải: “Việc nhập về 2 con tê giác của đại gia Nghệ An là không trái Công ước Cites, tức là được nhập và được buôn bán quốc tế”.
Ngược lại, bà Nguyễn Phương Dung, phó giám đốc Trung tâm giáo dục Thiên nhiên (ENV) lại cho rằng: Không nên nuôi động vật hoang dã ở các cơ sở tư nhân. Việc nuôi dưỡng này nên dành cho các cơ sở của các cơ quan quản lý Nhà nước. Nếu các cơ sở tư nhân muốn nuôi cần có sự giám sát của Nhà nước để đảm bảo đúng tôn chỉ, mục đích đã được cấp giấy phép.
Việc 2 con tê giác được một tư nhân nuôi là chuyện bình thường, điều quan trọng là mục đích của người nuôi. Nếu họ có ý định nuôi vì sự bảo tồn và phát triển đa dạng của sinh học thì thực sự là điều rất đáng quý và cần phải trân trọng. Tuy nhiên, không ít người đã lợi dụng điều đó để nuôi động vật hoang dã với mục đích thương mại.
Bên cạnh đó, việc sở hữu động vật quý hiếm là sở thích của nhiều đại gia, nhưng nó cũng đi kèm nhiều rắc rối, thậm chí còn ảnh hưởng đến tính mạng người khác. Mới đây một cơ sở nuôi gấu tại xã Hiệp An, thị xã Thủ Dầu Một – Bình Dương bị sổng chuồng, trong lúc vây bắt, gấu bất ngờ tấn công làm ông Lộc – chủ nuôi gấu và 1 bác sĩ thú y bị thương nặng.
Cần có giải pháp dứt khoát về việc nuôi thú dữ
GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam cho biết: “Riêng về gấu, hổ đã thuộc vào danh mục quý hiếm cần bảo vệ, còn việc nuôi chó thế nào vẫn phụ thuộc vào người chủ nuôi, Nhà nước chưa quản lý chặt chẽ”. GS Huỳnh chia sẻ, nhiều người nuôi chó cũng nói chính quyền địa phương không mấy khi để mắt đến việc tồn tại của chó, dù là chó ngoại hay chó nội, chó dữ hay chó lành. Nếu ở Mỹ hoặc một số nước phương Tây họ có quy định rõ ràng về việc nuôi chó dữ: Nguồn gốc, gia chủ, sổ y tế, hộ chiếu xuất ngoại cùng với trách nhiệm của người chủ trực tiếp liên quan đến con chó, thì những con chó nhập lậu ở Việt Nam chưa có đơn vị nào quản lý. Theo GS Huỳnh, Nhà nước mới chỉ quản lý ở mặt phòng dịch, còn chó dữ hay không dữ thì Nhà nước chưa có quy định cấm nuôi.
Theo 24h
Cá sấu vô tư ra đường, vào nhà dân
Ở đồng bằng sông Cửu Long, lâu lâu người dân lại thấy cá sấu bò ra đường, mò vô nhà, lội trên kênh. Đây là nỗi lo của bà con nơi đây khi khu vực này có hàng ngàn trại cá sấu nhưng nuôi nhốt lại rất vô tư.
Các trại nuôi này hầu như không được quản lý chặt chẽ, dẫn đến sự cố cá sấu sổng chuồng và "ngao du" khắp nơi.
Khuya 12/10/2012, một nhóm thanh niên bất ngờ gặp con cá sấu đang bò trên quốc lộ 1. Qua xác minh, cơ quan chức năng khẳng định đây là con cá sấu của Công ty TNHH kinh doanh chế biến thủy sản và xuất nhập khẩu Quốc Việt (TP Cà Mau). Do mưa lớn nhiều ngày, tường bao bị sập, hàng chục cá sấu của công ty này đã sổng ra ngoài. Cho đến nay vẫn chưa bắt hết cá sấu sổng chuồng, hiện vẫn còn một con đang sống trong "bầu trời tự do".
Không chỉ vụ cá sấu sổng chuồng ở Cà Mau, trong những năm qua cũng từng có một số vụ cá sấu nuôi sổng chuồng tại Cần Thơ, Long An, Kiên Giang khiến người dân địa phương nhiều phen hú vía. Do đâu mà có tình trạng này?
Kiểm lâm chưa đến
Bạc Liêu là tỉnh nuôi cá sấu lớn nhất ĐBSCL. Tính đến hết tháng 8/2012, toàn tỉnh có trên 2.100 hộ nuôi với tổng đàn gần 163.000 con. Các huyện Phước Long, Giá Rai và Hồng Dân là những địa phương có nhiều hộ nuôi cá sấu của tỉnh.
Theo Chi cục Kiểm lâm Bạc Liêu, ở Bạc Liêu mới chỉ xảy ra một vài vụ sổng cá sấu con với số lượng ít. Chi cục Kiểm lâm đến kiểm tra, chuồng trại đều thấy đảm bảo diện tích 1m2/con cá sấu, tường rào xây ximăng cao 1,2m, bên trên có lưới B40. Thế nhưng khi chúng tôi đi thực tế tại huyện Giá Rai - giáp ranh với TP Cà Mau, nơi có đến 33.250 con cá sấu được thả nuôi theo hộ gia đình - thì hoàn toàn trái ngược với những gì mà cơ quan chức năng tỉnh này cho biết.
Ông Lộ Văn Thống (xã Phong Thạnh Đông A, huyện Giá Rai) nuôi cá sấu hơn một năm nay. Ông Thống cho biết chưa hề được cán bộ hướng dẫn về quy cách xây chuồng nuôi. Và từ đó đến nay chưa thấy có đoàn nào đến kiểm tra việc nuôi cá sấu. Thậm chí hồi giữa tháng 6 vừa qua, ông lên Sóc Trăng mua 42 con cá sấu con về nuôi, nhưng đến nay vẫn chưa đăng ký với cơ quan chức năng và cũng chẳng thấy cán bộ nào "hỏi thăm" chuyện này.
Ông Lộ Thanh Tùng, chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp 3 (xã Phong Thạnh Đông A), cho biết thêm từ khi xảy ra sự cố cá sấu sổng chuồng ở Cà Mau đến giờ không hề thấy chính quyền hay ngành nông nghiệp cảnh báo, khuyến cáo gì với nông dân về việc phải đảm bảo chuồng trại nuôi cá sấu.
Tương tự, bà Trần Thị Hoa, hộ nuôi cá sấu ở ấp Vĩnh Hòa (xã Vĩnh Thanh, huyện Phước Long), cũng cho biết như vậy. "Vừa rồi ba chuồng cá sấu cặp kinh Phước Long - Vĩnh Mỹ của tui đã bị trộm lấy đi 100 con khoảng 2 tháng tuổi. Sau vụ này, tui đã chuyển toàn bộ số cá sấu còn lại vào bốn chuồng nằm trong khuôn viên nhà. Lâu lâu mới có kiểm lâm viên xuống hỏi nuôi bao nhiêu con, nhìn quanh chuồng rồi thôi" - bà Hoa kể.
Một con cá sấu của Công ty Quốc Việt (Cà Mau) bị tóm sau một thời gian sổng chuồng đi "ngao du"
Cách nhà bà Hoa không xa là trang trại nuôi cá sấu Phương Tín rộng 3ha của ông Trương Thanh Mai. Có thể nói đây là trang trại có lượng cá sấu nuôi lớn nhất tỉnh Bạc Liêu (26.000 con). Mỗi năm trang trại này xuất bán 20.000 con cá sấu thương phẩm và cá sấu giống.
Ông Mai nuôi cá sấu từ năm 1997. Theo quan sát của chúng tôi, trang trại này được xây chắc chắn, đúng quy chuẩn. Tuy nhiên, theo lời ông Mai, thường là người nuôi "tự bơi" từ khâu xây chuồng trại đến đầu vào, đầu ra. Việc kiểm tra hay hướng dẫn hoặc thông tin thị trường của ngành chức năng thì lâu lắm mới có một lần.
Một con cá sấu của Công ty Quốc Việt (Cà Mau) bị bắt sau khi sổng chuồng (ảnh chụp ngày 15/10)
Nuôi tạm bợ, tự phát
Trại nuôi cá sấu của bà Trần Thị Hoàng (xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) có cả trăm con cá sấu trọng lượng khoảng 20kg chen chúc nhau lên bãi tắm nắng. Nhiều con nằm há miệng để lộ hàm răng nhọn hoắt. Chuồng cá sấu được xây dựng khá đơn giản: tường vây quanh xây từ mặt đất cao khoảng 1m, phần phía trên làm bằng lưới B40. Có lẽ do lâu ngày, phần tiếp giáp giữa tường và lưới B40 đã bị gỉ sét, có nguy cơ bong tróc.
Gần đó là một số trại nuôi cá sấu nhỏ lẻ (có hộ nuôi chỉ một con) cũng không khá hơn, hầu hết các chuồng nuôi tường xây chỉ cách mặt đất chừng 1m, xung quanh bên ngoài chuồng không có rào chắn dự phòng. Cá sấu rất dễ thoát ra ngoài khi chuồng bị ngập.
Qua tìm hiểu thực tế cho thấy ở huyện Thới Bình có không ít người nuôi cá sấu nhưng không đăng ký với cơ quan chức năng. Phân trần về chuyện này, chị Nguyễn Thanh Thoảng (xã Thới Bình) thản nhiên nói: "Để nuôi một thời gian rồi từ từ đăng ký cũng được". Còn ông Nguyễn Bá Sang (xã Thới Bình), người đang nuôi 100 con cá sấu, nói: "Cơ quan kiểm lâm ở xa quá nên tôi chưa có thời gian đi. Gần nhà tôi có một chú công tác ở ngành kiểm lâm, định hôm nào tôi lại nhờ chú ấy lo giấy tờ giùm".
Ông Hà Minh Trường - đội phó Đội kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng số 2, Chi cục Kiểm lâm Cà Mau - cho biết hiện trên địa bàn huyện Thới Bình có trên 50 hộ nuôi cá sấu có đăng ký với tổng cộng 2.925 con. Còn những hộ nuôi chưa đăng ký thì chưa nắm được số lượng cụ thể.
"Theo quy định, nuôi cá sấu phải đăng ký với cơ quan kiểm lâm. Khi chúng tôi kiểm tra chuồng trại nếu xây dựng đảm bảo thì mới cho nuôi. Tuy nhiên, hiện cũng có nhiều hộ nuôi cá sấu tới khi xuất chuồng mới đăng ký với chúng tôi. Đối với những trường hợp như vậy chúng tôi thường xử phạt hành chính" - ông Trường nói.
Trao đổi xung quanh vấn đề cá sấu sổng chuồng vừa mới xảy ra, ông Lê Văn Sử - giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau - cho biết Cà Mau là vùng sông nước, hộ nuôi cá sấu tự phát tương đối lớn, nếu để cá sấu sổng chuồng thoát ra sông rạch là nguy hiểm. Trong khi đó, việc kiểm tra, giám sát của ngành cũng gặp khó do quy định về điều kiện gây nuôi còn quá chung chung. Lực lượng kiểm tra chủ yếu dựa vào cảm quan, thấy chuồng trại xây kiên cố, lưới rào bảo vệ cẩn thận thì cho nuôi.
"Thời gian tới, sở sẽ siết chặt hơn việc quản lý, kiểm tra các hoạt động gây nuôi động vật hoang dã, đặc biệt là với loài nguy hiểm như cá sấu" - ông Sử nói.
(Còn tiếp)
Một số vụ cá sấu sổng chuồng ở Nam bộ
* Vĩnh Long: Ngày 17/10/2012, năm con cá sấu từ trại nuôi của ông Nguyễn Thành Quang (ở ấp Tân Hiệp, xã Tân Bình, huyện Bình Tân) sổng chuồng bò ra ngoài. Chủ trại tìm được ba con, trong đó có một con đã chết.
* Kiên Giang: Năm 2009, người dân ở dọc kênh Mương Đào (P.Pháo Đài, thị xã Hà Tiên) "bỗng dưng" phát hiện hai con cá sấu dưới kênh. Lực lượng kiểm lâm Kiên Giang phải phối hợp với đơn vị quân đội bắn chết cá sấu.
* Long An: Đêm 18/2/2007, hai con cá sấu trong đàn 101 con của ông Nguyễn Ngọc Trung (ở khu phố 3, thị xã Tân An) vượt rào lưới B40 bò ra ngoài. Nhờ phát hiện kịp thời nên sáng hôm sau cả hai con đều bị bắt lại.
* Đồng Nai: Đêm 22/9/2006, rào chắn bằng lưới B40 của trại nuôi cá sấu khu du lịch Câu lạc bộ Xanh (xã Phước Tân, huyện Long Thành) bị nước mưa cuốn trôi, làm hơn chục con cá sấu hoa cà nặng trên 30kg thoát ra ngoài. Mất nhiều ngày sau cơ quan chức năng mới truy bắt được tất cả.
Theo 24h
Thâm nhập "hang hùm" tại gia "Nhà" của hổ, cá sấu, beo, tê giác... lẽ ra là thiên nhiên hoang dã, nhưng bây giờ đã chuyển về sống chung nhà với người. Mở đầu loạt bài "Nuôi thú dữ tại gia", PV đến với xã Đô Thành (H. Yên Thành, Nghệ An). Đây là nơi mà có người đã nói vui: Ở đây nuôi hổ như nuôi lợn! Một...