Sợ Tết, ngán Tết
Ngoảnh đi ngoảnh lại, thế là một năm đã trôi vèo như nước chảy dưới chân cầu mà chẳng làm được tích sự gì.
- Thời gian thường được ví như ‘bóng câu qua cửa’, vút nhanh lắm không thể nắm giữ, níu kéo được.
Thế nhưng, cứ mỗi năm được chứng kiến cả nhân loại náo nức đón năm mới, tự dưng tôi cứ thấy ‘tủi thân’, hình như dân ta đi chậm bước hơn thiên hạ.
- Tết cổ truyền tồn tại hàng ngàn năm rồi cho nên tâm trạng và tâm lý hầu hết mọi người vẫn mặc nhiên chờ đợi Tết Nguyên đán mới chính thức bước sang năm mới.
Video đang HOT
Ảnh minh họa
- Nói vậy chứ thực ra các bộ, ngành, các lĩnh vực sản xuất kinh doanh đã bước… một chân sang năm mới 2014 rồi. Còn chân kia thì vẫn chưa nhấc ra khỏi năm cũ.
- Đó chính là điều tôi muốn nói. Công việc thì đòi hỏi phải bắt tay ngay từ ngày đầu tháng, đầu năm. Song đầu óc, tâm trạng vẫn để hết vào chuyện Tết nhất. Mệt cả người, tốn cả tiền.
- Chuyện đó ai cũng biết, cũng thấm cả, nhưng chẳng mấy ai dám nói thẳng ra.
Nếu có một cuộc điều tra xã hội, thăm dò ý kiến hoặc trưng cầu dân ý, tôi cam đoan rằng đại đa số đều sợ Tết, ngán Tết.
- Giá như mà cứ 5 năm mới có một cái Tết thì thật là sướng… như Tết.
- Thế nhưng ông quên mất rằng, có bao nhiêu trẻ con háo hức chờ Tết để được mừng tuổi, bao nhiêu ‘ông nọ bà kia’ cũng mong đến Tết để được nhận quà cáp, biếu xén.
Đại đa số thì bạc mặt lo Tết, hết cả hơi, chỉ có thiểu số vẫn ‘đỏ mắt’ ngóng trông Tết đến nhanh.
Theo Datviet
"Chán như Tết": Buồn tủi gái muộn chồng
"Bao giờ được ăn cỗ?", cái câu hỏi xưa như trái đất, chắc trai thanh gái tú nào cũng từng được nghe ấy lại khiến mình dị ứng kinh khủng.
Thế nên mình ngại thăm nhà lắm, vì về nhà là sẽ phải nghe suốt ngày.... Nhưng trong năm thì còn có cớ để lười, chứ Tết, trốn đi đâu được mà chẳng phải vác xác về! - Đàm Lan (30 tuổi, Hoàng Quốc Việt, Hà Nội) tâm sự.
"Bao giờ được ăn cỗ?"
Nếu như những người có gia đình sợ ngày Tết bởi phải lo toan quá nhiều thứ, bởi những mâu thuẫn vợ-chồng, mẹ chồng-nàng dâu... thì điều khiến Lan chỉ muốn cái Tết biến mất luôn đi là vì nỗi... muộn chồng.
Dù tự đánh giá hay người ngoài nhìn vào cũng thấy, Lan là một cô gái có ngoại hình khá dễ thương, gia đình cơ bản, công ăn việc làm đàng hoàng, sống chừng mực... thế mà không hiểu sao đã đến tuổi băm, Lan vẫn lẻ bóng một mình, chưa gặp được mối duyên lành nào.
Những ngày bình thường, cuốn mình vào công việc, Lan chẳng có thời gian nghĩ đến chuyện mình bị gọi là " gái ế". Đôi khi, sau những ngày làm việc, mẹ có điện thoại lúc tối sắp đi ngủ, khi thì tỉ tê tâm sự, khi thì khóc lóc kêu la... thì Lan cũng nghe tai này rồi bỏ ra tai nọ, vì chỉ cần tắt điện, chùm chăn chìm vào giấc ngủ, mai mở mắt ra lại là một ngày mới tươi vui.
Điều khiến Lan chỉ muốn cái Tết biến mất luôn đi là vì nỗi... muộn chồng. (ảnh minh họa)
Nhưng Lan bảo, chị sợ nhất những ngày lễ tết. Nhìn người ta dập dìu lứa đôi, chồng con dắt díu nhau về quê hay đi du lịch, bạn bè mình cũng chẳng còn đứa nào cô đơn nữa, thành ra mình lại một mình. Nhớ nhà, nhớ bố mẹ, nhớ các cháu, nhưng Lan cũng ngại về, về là bị hỏi bao giờ lấy chồng, có người yêu chưa?....
Chẳng phải năm nay, khi đã chính thức bước sang ngưỡng cửa 30 Lan mới "được" quan tâm đến thế, mà từ khi chị 25-26 ở nhà đã sốt ruột lắm rồi. Lần nào nghỉ Tết, khi Lan alo báo ngày này ngày kia con về, mẹ chị cũng có câu kèm theo "có đưa thằng nào về không". Và khi nhận câu trả lời từ con gái cưng là "không" thế nào bà cũng thở dài thườn thượt.
Lan ngao ngán: "Về nhà mấy năm nay, với mình, thực sự là bị tra tấn tinh thần kinh khủng. Chỉ vừa bước tới đầu ngõ thôi, gặp 10 người là 9 người hỏi "sắp được ăn cỗ chị Lan chưa nhỉ?", người thứ 10 thì bảo "sao lâu đưa người yêu về ra mắt thế?".
Bố mẹ, anh chị thì kêu rên bất cứ khi nào, dù đang ngồi nhặt rau, nấu cơm, hay giữa bữa ăn, thậm chí cả lúc chui vào giường định nằm ngủ. Nào thì con gái có thì, không lấy chồng đi thì sau chết già, mà có ma nào nó rước thì cũng chả con cái được nữa, lại thành osin cho nhà chồng; nào thì đàn bà con gái, có hơn ai đâu, kén gì thì kén vừa thôi....
Nhưng kinh nhất là những giọt nước mắt mặn mòi của mẹ, tiếng thở dài trong đêm hay lúc lầm rầm đứng khấn trước bàn thờ tổ tiên. Tết nào mẹ cũng chỉ cầu quẻ cho năm nay mình lấy được chồng. 5 năm rồi - Lan bảo, thế mà mình ế vẫn hoàn ế, mẹ rầu rĩ lắm, hôm trươc mẹ đã gọi điện sụt sịt, bảo "con đừng kén nữa, có ai cũng được, đưa về mẹ gặp mặt Tết này. Con mà không chồng thì mẹ chết không nhắm mắt, thế là con bất hiếu đấy!"
.... Đi xem mặt thôi!!!
Chị Lan tâm sự: Biết là bố mẹ quan tâm đến mình, hàng xóm thì có khi cũng chỉ là tiện miệng thì hỏi, nhưng mọi người không hiểu cho là cứ hỏi mãi thế, mình thấy mệt mỏi ra sao, và bản thân mình cũng buồn chứ.
Ngày Tết, đáng lẽ là ngày vui, ngày xum họp thì tự dưng mình lại sợ mọi cuộc gặp gỡ, mọi lúc đông người. Cái cảm giác ai cũng chăm chăm hỏi khiến mình thấy trong mắt mọi người, hoặc mình đáng thương hại quá, hoặc mình "có vấn đề". Thế là trong khi người ta xúng xính đi chúc Tết, đi chơi bạn bè thì mình cứ làm sao trốn được càng kỹ càng tốt, bữa ăn cũng nhoáng nhoàng cho nhanh, vì ngồi lâu, thế nào.... cũng lại bị hỏi.
Mà nào có phải chỉ hỏi, chỉ nói cho xong đâu, cho rằng con gái muộn duyên khi không xấu xí, không hâm hấp thì chỉ có là do còn nợ duyên âm. Thế là thôi đủ cả, nào thì làm lễ cắt tiền duyên, nào thì mò mẫm đi xin bằng được cây giao về trồng cạnh cây quỳnh, nào thì chọn người xông nhà phải tốt duyên, mắn con.... Làm lễ gì cũng bắt chị đi theo chắp tay xì xụp...."
Thế mà đã 5 cái Tết trôi qua như thế, nào hỏi han, nào tâm sự, nào mai mối, nào bắt ép... cuối cùng Lan vẫn một mình một bóng. (ảnh minh họa)
"Việc âm đã làm hết, muốn có duyên sớm còn lại là việc dương" - quan niệm thế nên cứ mỗi đợt con gái về là mẹ chị, chị gái chị, hàng xóm láng giềng, bạn bè của gia đình chị, thậm chí là bạn bè của chị, đua nhau giới thiệu. Khách ra khách vào nhà chị cứ gọi là tơi tới như công chúa ngày xưa tuyển chồng. Bởi thế, cái kế hoạch "trốn kỹ" của chị chẳng bao giờ thành hiện thực.
Mà chán hơn nữa một nỗi, những anh đàn ông thế kỷ 21 này còn cần được dẫn đi mai mối nếu không "đụn" quá thì hoặc là nghề nghiệp có chút đặc biệt khiến các chị em sợ lấy làm chồng, hoặc gia đình có chuyện... bởi thế, mấy năm nay, đủ kiểu mai mối, Lan cũng vẫn chưa ưng ai. Đã không có cảm tình, lại cứ phải ngồi tiếp chuyện kiểu à ơi, Lan bảo, lắm lúc nghĩ thời trung cổ tra tấn cũng không khổ bằng.
Đấy là phần mai mối tại nhà, oải, mệt, nhưng dù sao cũng còn là nhà mình, Lan còn có chút chủ động. Nhưng mẹ Lan không thấy hiệu quả nên hai năm nay, bà chuyển sang bắt chị đi chúc Tết cùng. Sang nhà bạn bè của mẹ chúc Tết, Lan bị bắt phải ăn mặc đẹp, đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên. Nhà bạn mẹ mà mời ở lại ăn cơm thì phải cùng vào bếp thể hiện là cô gái đảm đang cho "anh chàng nào đó" chứng kiến. Vốn là một cô gái mạnh mẽ, năng động, chỉ để chiều lòng mẹ mấy ngày Tết, Lan thấy khốn khổ cho cái thân mình vô cùng.
Thế mà đã 5 cái Tết trôi qua như thế, nào hỏi han, nào tâm sự, nào mai mối, nào bắt ép... cuối cùng Lan vẫn một mình một bóng. Lan bảo tôi: thực sự đến tuổi này, bản thân mình cũng mong có một tấm chồng cho yên ổn, nhưng chưa thấy hợp ai, có lẽ chưa đến số. Các cụ thì cứ ép, hết Tết nào trước khi lên Hà Nội cũng được nghe bài ca ai oán, giận hờn, doạ dẫm của mẹ, mà chỉ biết vừa thương vừa giận, vì chính mình cũng chẳng thể làm gì hơn, chẳng nhẽ lại lấy chồng chỉ cho vừa lòng mẹ?
Đấy là những Tết trước, chỉ nghỉ có 3-4 ngày, đã muốn ốm lắm rồi. Tết này, Nhà nước cho nghỉ những 9 ngày, cơ quan lại cho nghỉ thêm hai ngày nữa, Lan lo chẳng biết mình chiều mẹ được mấy ngày. Chị cũng chưa tưởng tượng được hết, mẹ sẽ vận dụng những chiêu gì để con gái có một tấm chồng nữa.
Theo Eva
Nỗi sợ ngày Tết của những người tuổi "băm" Thêm một cái Tết, các cô nàng, anh chàng "ế" lại thở dài ngao ngán: Đợt này về quê, lại rát tai với các cụ!. Hình thức không tệ, công việc ổn định cũng chẳng phải thuộc dạng "kén cá chọn canh" nhưng hiện nay, nhiều người bước qua tuổi 30 vẫn trong tình trạng phòng không. Thêm một cái Tết, các cô...