So sánh Toyota Hilux 2016 và Ford Ranger 2016
Xe bán tải của Toyota thay đổi nhiều ở thiết kế, công nghệ nhằm tăng sức cạnh tranh với cái tên đang đứng đầu phân khúc tại thị trường Việt Nam.
Theo_Zing News
Toyota Hilux 3.0G AT sẵn sàng thách thức mọi đối thủ
Toyota Hilux thế hệ mới đã chứng minh được sự vượt trội của mình so với thế hệ trước và có thể cạnh tranh "sòng phẳng" hơn với các mẫu bán tải khác trên thị trường.
Xuất hiện lần đầu vào năm 1968, kể từ đó tới nay mẫu xe bán tải Toyota Hilux đã trở thành một trong những dòng xe quan trọng nhất và đã gắn liền với hình ảnh của hãng xe Nhật này, bên cạnh những Corolla, Camry hay Land Cruiser. Thành công của Hilux có được là nhờ khả năng địa hình vượt trội, động cơ mạnh mẽ, bền bỉ và độ tin cậy cao.
Đó là lý do chúng ta có thể thấy hình ảnh của những chiếc Hilux xuất hiện khắp mọi nơi: từ các thảo nguyên Australia, đường phố Bangkok, sa mạc châu Phi tới các vùng chiến sự đổ nát ở Trung Đông. Thậm chí, chương trình Top Gear nổi tiếng của Anh sau khi cố tình phá chiếc xe bằng nhiều cách khác thường như ngâm xuống biển hay đập bằng tạ phá nhà cũng không thể khiến một chiếc Hilux "chết" hoàn toàn".
Toyota Hilux mới đã được thiết kế lại hoàn toàn so với thế hệ trước.
Với độ bền gần như "vô biên", Hilux đã được coi là "chiếc xe không thể bị phá hủy" trở thành lựa chọn của hơn 5,8 triệu khách hàng tại 170 quốc gia và khu vực trong suốt thập kỷ qua. Chính vì vậy, áp lực đặt lên vai Toyota khi thiết kế mỗi thế hệ Hilux mới là rất lớn. Trên thực tế, chiếc Hilux mới nhất, thuộc thế hệ thứ 8 đã được hãng bắt đầu phát triển từ năm 2009.
Tuy nhiên trong quá trình phát triển, trước sự xuất hiện của các đối thủ ưu việt như Ford Ranger hay Mazda BT50, Toyota đã quyết định thiết kế lại Hilux mới để đảm bảo rằng nó sẽ giúp hãng đạt được thành công trong nhiều năm tới. Vậy chính xác thì Toyota đã thay đổi những gì trên Hilux thế hệ mới? Câu trả lời là gần như mọi thứ!
Phần đầu xe với lưới tản hiệu mạ chrome cao cấp.
Mục tiêu của Toyota với Hilux thế hệ mới đó là giữ lại được những đặc tính đã gắn liền với dòng xe trong nhiều năm qua, trong khi khiến nó trở nên tiện nghi, sang trọng và gần với xe du lịch hơn. Điều này được thể hiện ngay từ ngoại hình mới của chiếc xe. Trên Hilux 2016, Toyota đã áp dụng ngôn ngữ thiết kế "Keen Look" mới, đã từng được áp dụng trên Corolla trước đó.
Video đang HOT
Đèn pha projector cùng đèn chiếu sáng ban ngày LED.
Kết quả là lần đầu tiên trong lịch sử, Hilux đã có một "bộ mặt" đầy vẻ cao cấp và hiện đại với cặp đèn pha bóng projector kèm đèn LED ban ngày, cùng với lưới tản nhiệt mạ chrome 3 nan lớn.
Trong khi đó, sự khỏe khoắn và vững chãi của chiếc xe được thể hiện qua các đường nét nổi đầy "cơ bắp" ở cản trước, các vòm bánh hay nắp ca-pô. Để bổ sung thêm sự sang trọng cho xe, Toyota cũng không quên trang trí cho Hilux bằng một số chi tiết mạ chrome bóng bẩy như ốp gương, tay nắm cửa hay cản sau.
Thùng sau của xe rộng và có thể chứa được nhiều đồ hơn.
Trên thế hệ mới nhất này, Toyota đã tiếp tục tăng thể tích thùng sau của Hilux để khiến chiếc xe có thể chở được lượng hàng lớn hơn. Cụ thể hơn, chiều dài thùng xe đã tăng thêm 19 mm, rộng hơn 79 mm và sâu hơn 20 mm, đạt lần lượt 1569, 1645 và 481 mm. Bên cạnh đó, tải trọng của xe cũng tăng lên từ 835 thành 925 kg.
Cuối cùng, Hilux mới cũng có khả năng địa hình vượt trội hơn so với thế hệ cũ nhờ một loạt các cải tiến mới. Khoảng sáng gầm xe nay đã tăng thêm 25% (đạt 279 mm), trong khi góc thoát trước và sau của Hilux mới lần lượt là 31 và 23 độ và khả năng lội mực nước tối đa 700 mm.
Khả năng lội nước của xe thấp hơn Ranger hay BT-50 100 mm.
Đặc biệt, gầm Hilux 2016 cũng được trang bị những tấm bảo vệ bên dưới, khiến chủ xe có thể yên tâm "offroad" qua những địa hình khắc nghiệt như những bãi đá lớn hay bùn lầy. Theo điều tra của Toyota Australia, 100% số người sở hữu Hilux đều sẽ ít nhất một lần offroad với chiếc xe, chính vì vậy hãng đã thử nghiệm chiếc xe qua hơn 650.000 km địa hình khác nhau trong 6 năm để bảo đảm khả năng việt dã cùng sự bền bỉ của nó.
Nếu như đã từng sở hữu hoặc ngồi trên Hilux thế hệ trước, chắc chắn bạn sẽ cảm thấy ấn tượng với cabin của chiếc xe mới. Giống như ngoại thất của chiếc xe, nội thất trên Hilux mới cũng đã được thiết kế lại hoàn toàn. Đúng như lời hứa của Toyota, cabin trên Hilux mới đem tới cảm giác gần với xe du lịch và SUV hơn nhờ có những chi tiết đẹp mắt và hiện đại như vô-lăng 3 chấu đa chức năng hay bảng táp-lô "uốn lượn".
Cabin thiết kế lại, trông khá gần với SUV của Hilux. Tuy nhiên các chi tiết nhựa khiến nội thất xe mất đi vẻ cao cấp.
Đặc biệt, các ghế ngồi của Hilux bản cao cấp nhất 3.0G AT mà chúng tôi thử nghiệm được bọc da thay vì nỉ kết hợp da như đối thủ Ford Ranger 3.2 Wildtrak. Bề mặt da của Hilux "ăn đứt" mặt ghế nỉ khá thô ráp của Ranger. Ghế lái của Hilux còn có khả năng điều chỉnh điện 8 hướng.
Tuy nhiên với hệ thống thông tin giải trí đơn giản gồm đầu CD và kết nối USB/AUX/Bluetooth, Hilux lại kém hiện đại và tiện nghi hơn nhiều so với hệ thống SYNC 2 trên Ranger Wildtrak. Và mặc dù đã cố thiết kế nội thất của xe cao cấp hơn các thế hệ trước nhưng cabin Hilux vẫn hơi gợi lên cảm giác kém cao cấp do nhiều chi tiết sử dụng chất nhựa cứng hoặc ốp sơn bóng màu đen khá dễ xước dăm.
Hàng ghế sau trên Hilux thế hệ mới.
Hàng ghế sau trên xe có khoảng không gian cho người ngồi sau lớn hơn so với thế hệ trước, đồng thời bản thân từng ghế ngồi cũng được thiết kế lại để trở nên thoải mái hơn. Toyota cũng đã tích hợp một số tiện ích giá trị dành cho hàng ghế sau như cửa gió độc lập, bệ tì tay gấp gọn có khay giữ cốc hay móc treo đồ có khả năng gập gọn vào lưng ghế trước.
Tại Việt Nam, Hilux thế hệ mới sẽ được bán với 2 lựa chọn động cơ dầu khác nhau. Các phiên bản G được trang bị động cơ diesel 1KD FTV (3.0L) và phiên bản E là 2KD FTV (2.5L) 4 xy lanh thẳng hàng, 16 van DOHC, phun nhiên liệu trực tiếp sử dụng đường dẫn chung, turbo tăng áp VNT với bộ làm mát khí nạp. Về động lực, xe sử dụng hộp số tự động 5 cấp (3.0 G AT), hoặc hộp số sàn 6 cấp mới (3.0G MT và 2.5E) gọn nhẹ hơn, cho cảm giác lái êm ái và linh hoạt ở tất cả các dải tốc độ.
Những cung đường núi phía Bắc không phải là trở ngại lớn với Hilux.
Trên phiên bản Hilux 3.0G AT cao cấp nhất được chúng tôi trải nghiệm, động cơ của Hilux có công suất và mô-men xoắn thấp hơn so với đối thủ tương đương Ford Ranger Wildtrak do kém hơn tới 1 xi-lanh và 0.2l. Tuy nhiên, khi trải nghiệm trên các cung đường núi phía Bắc, Hilux không tỏ ra "hụt hơi" nhiều so với đối thủ.
Khối động cơ 3.0l hoạt động một cách êm và mượt mà hơn thế hệ cũ lúc mới khởi động và trong khi tăng tốc. Hộp số tự động 6 cấp của xe cũng tỏ rõ ưu thế của mình trên đường, có thể nhanh chóng tự chuyển số khi người lái giảm tốc độ và thậm chí còn tự "nhồi ga" nhẹ để tránh bị "hụt đà" trong một số trường hợp. Chuyển sang chế độ lái S thể thao của hộp số, Hilux đem tới trải nghiệm lái khá kích thích với chân ga nhạy hơn, khiến xe "vọt" hơn. Tuy nhiên ở chế độ này, bạn sẽ phải tự chuyển giữa các cấp số của Hilux.
Nhờ có hệ thống hỗ trợ leo dốc cùng hệ dẫn động 4 bánh, Hilux có thể vượt dốc một cách ổn định và không bị trượt hay trôi về sau.
Thử nghiệm qua hệ thống dẫn động 4 bánh ở trên dốc cao với bề mặt bùn đất, Hilux tỏ rõ ưu thế của mình, đặc biệt khi nó được trang bị thêm hệ thống hỗ trợ khởi hành ngang dốc. Ngay cả khi dừng giữa dốc, chiếc xe cũng đứng vững mà không bị trôi. Chỉ một cú đạp ga, hệ thống dẫn động 4 bánh ngay lập tức truyền tải sức mạnh xuống 4 bánh xe một cách hiệu quả; Hilux nhanh chóng "bò" qua dốc mà không xảy ra hiện tượng trượt bánh. Với khoảng sáng gầm lớn, những bãi đá cũng không phải là trở ngại quá khó khăn với chiếc xe.
Hệ thống gài cầu điện tử trên các bản (3.0G AT & MT) có công tắc gài cầu điện, giúp việc điều khiển xe trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn rất nhiều. Chức năng khóa vi sai cầu sau giúp tăng khả năng truyền lực, hỗ trợ xe vượt qua những địa hình lầy lội. Mặc dù không dám "liều" thử nghiệm tối đa khả năng lội nước của Hilux, nhưng chiếc xe cũng không gặp vấn đề nào khi chúng tôi thử đưa nó băng qua một suối cạn với độ sâu khoảng 30 cm.
Trên đường bộ bình thường, Hilux là một mẫu xe du lịch tốt hơn so với thế hệ trước.
Mặc dù vẫn chưa trang bị cho Hilux mới hệ thống lái trợ lực điện tử, tuy nhiên Toyota đã cải tiến trợ lực lái thủy lực của xe để hướng tới sự dễ điều khiển. Chính vì vậy, cảm giác tay lái nặng trên Hilux đời cũ đã bị loại bỏ, khiến việc đánh lái trong những góc hẹp dễ dàng hơn và cảm giác tay lái chính xác hơn khi vào cua ở tốc độ cao.
Ở các chế độ dẫn động 4 bánh 4H và 4L, tay lái của xe tỏ ra rất chính xác và nhẹ - một ưu điểm đáng ghi nhận khi vượt qua những địa hình hiểm trở - đòi hỏi phản ứng nhanh của người lái.
Cảm giác điều khiển ấn tượng của Hilux có được còn nhờ vào hệ thống treo mới được cải tiến lại.
Cảm giác điều khiển ấn tượng của Hilux có được còn nhờ vào hệ thống treo mới được cải tiến lại ở giảm xóc sau dạng nhíp và được gắn vào chassis ở những điểm bắt thiết kế mới. Khi vào cua gấp ở tốc độ cao trên những cung đường đèo, do có trọng tâm cao nên Hilux vẫn đem tới cảm giác hơi "gợn".
Tuy nhiên, so với thế hệ trước, hệ thống treo đã làm việc rất tốt để hạn chế sự nghiêng và giữ cho thân xe được ổn định. Đồng thời, kết hợp với cabin được cách âm tốt hơn, Hilux đem tới trải nghiệm trong không gian nội thất rất thoải mái, với độ ồn và rung được "triệt tiêu" khá nhiều. Chúng tôi chỉ có đôi chút phàn nàn về tiếng ồn của gió khi xe chạy với tốc độ lớn trên đường cao tốc.
Phiên bản Hilux 3.0G AT được thử nghiệm có giá niêm yết 877 triệu đồng.
Với những gì đã thể hiện, Hilux thế hệ mới đã chứng minh được sự vượt trội của mình so với thế hệ trước và có thể cạnh tranh "sòng phẳng" hơn với các mẫu bán tải khác trên thị trường hiện nay như Ford Ranger, Mazda BT-50 hay Mitsubishi Triton.
Nếu như đang tìm kiếm một mẫu bán tải và ưu tiên tới sự bền bỉ, khả năng vượt địa hình tốt và cảm giác lái thú vị, Hilux sẽ là sự lựa chọn tốt cho bạn. Hiện tại, chiếc xe được Toyota Việt Nam nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan và phân phối chính thức với mức giá cụ thể 693, 809 và 877 triệu đồng lần lượt cho các phiên bản 2.5E MT (2x4), 3.0G MT (4x4) và 3.0G AT (4x4).
Theo_Kiến Thức
Ford Ranger - Xe bán tải "đắt hàng" nhất châu Âu Lần đầu tiên trong lịch sử, Ford đã vượt qua doanh số của Toyota Hilux để trở thành mẫu xe bán tải bán chạy nhất tại châu Âu. Ford Ranger thế hệ hiện tại đã được ra mắt tại châu Âu từ năm 2011. Về doanh số, chỉ trong 11 tháng đầu năm 2015, Ford đã bán được tổng cộng 25.500 chiếc Ranger...