So sánh sức mạnh pháo binh Triều Tiên, Hàn Quốc
Triều Tiên sở hữu lực lượng pháo binh cực kỳ hùng hậu trong khi đó Hàn Quốc lại có những khẩu pháo rất tinh vi.
M1985 là biến thể của pháo M1955 (còn gọi là D-20 152 mm) do Liên Xô sản xuất vào giữa những năm 1950. Ban đầu, loại pháo này do Liên Xô cung cấp cho Triều Tiên, sau đó nước này đã tự sản xuất. M1985 có tầm bắn khoảng 24 km, tốc độ bắn 5-6 viên/phút, ê kíp vận hành 8 người. Cơ quan tình báo quốc phòng Mỹ cho biết, Triều Tiên đã cải tiến M1985 thành pháo tự hành. Ảnh: Wikipedia
Video đang HOT
M114 155 mm là loại lựu pháo kéo xe do Mỹ sản xuất và đưa vào sử dụng từ chiến tranh thế giới thứ 2 đến nay. Lựu pháo này có tầm bắn tối đa 15 km, tốc độ bắn tối đa 4 viên/phút, kíp vận hành 11 người. Quân đội Hàn Quốc có khoảng 1.000 khẩu M114 đang lưu trữ trong kho để sử dụng khi cần thiết. Ảnh: Wikipedia
M-1975 là một biến thể của pháo kéo xe M-46 130 mm do Triều Tiên cải tiến. Nó được đặt trên khung gầm xe tăng Type-59 để tăng khả năng cơ động. M-1975 hoạt động với vai trò pháo tự hành. Ưu điểm của pháo M-46 là tầm bắn xa, khả năng bán gián tiếp rất tốt. M-46 có tầm bắn 27 km với đạn pháo thông thường, 38 km với đạn pháo tăng tầm, tốc độ bắn 6-8 viên/phút. Trong chiến tranh Việt Nam, pháo M-46 đã chứng minh sức mạnh vượt trội so với các loại pháo của Mỹ lúc đó, kể cả “Vua chiến trường M107. Ảnh: S9.postimg
M-1981 122 mm là loại pháo tự hành do Triều Tiên sản xuất. Nó sử dụng pháo kéo xe D-74 122 mm do Liên Xô sản xuất lắp trên khung gầm sửa đổi từ xe tăng Type-59 để nâng cao khả năng cơ động. Pháo D-74 có tầm bắn khoảng 24 km, tốc độ bắn 8-10 viên/phút, ê kíp vận hành 7-9 người. Triều Tiên đang tích cực cải tiến các pháo kéo xe thành pháo tự hành để tăng khả năng cơ động chiến thuật. Ảnh: .Postimg
K55/K55A1 là biến thể sản xuất theo giấy phép tại Hàn Quốc của lựu pháo tự hành M109 do Mỹ chế tạo. Về cơ bản nó hoàn toàn giống so với pháo M109 của Mỹ, chỉ khác về hệ thống điện tử do liên doanh Samsung-Thales sản xuất. K55 có tầm bắn 18 km với đạn pháo thông thường, 30 km với đạn pháo tăng tầm, tốc độ bắn 6 viên/phút. K55A1 là biến thể nội địa hóa từ K55. Quân đội Hàn Quốc hiện có khoảng 1.040 khẩu pháo tự hành K55, trong đó khoảng 100 khẩu là phiên bản K55A1. Ảnh: Far-maroc.forumpro
M-1992 còn gọi là Chuch’e-Po một lựu pháo tự hành do Triều Tiên phát triển vào khoảng những năm 1990. Chuch’e-Po có ít nhất 4 biến thể sử dụng các loại pháo D-30 122 mm, D-74 122 mm, M-46 130 mm và ML-20 152 mm. Tất cả các biến thể đều sử dụng khung gầm xe bánh xích ATS-59. Có rất ít thông tin về đặc tính kỹ chiến thuật của loại pháo tự hành này. Người ta tin rằng nó vẫn giữ đặc tính kỹ thuật vốn có của các loại pháo mặt đất kết hợp với khả năng cơ động cao nên hiệu quả tác chiến cao hơn. Ảnh: Juche-songun
K-9 Thunder 155 mm là loại pháo tự hành hiện đại nhất quân đội Hàn Quốc, nó cũng là một trong những pháo tự hành hiện đại nhất thế giới. K-9 sử dụng pháo chính 155 mm với nòng dài bằng 52 lần đường kính nòng. Nó có hệ thống điều khiển hỏa lực rất hiện đại, đặc biệt là chế độ bắn loạt nhiều đạn ở quỹ đạo khác nhau và có cùng 1 điểm chạm MRSI. Trong chế độ MRSI, K-9 có thể bắn 3 đạn pháo chỉ trong 15 giây và cả 3 đạn pháo sẽ rơi xuống mục tiêu gần như cùng lúc. K-9 có tầm bắn tiêu chuẩn 30 km, 38-52 km với đạn pháo tăng tầm. Nó có xe tiếp đạn tự động đi kèm có thể tiếp 12 đạn pháo mỗi phút cho phép duy trì hỏa lực liên tục. Quân đội Hàn Quốc có khoảng 600 khẩu pháo tự hành K-9 trong biên chế. Ảnh: Armyrecognition
M-1978 Koksan là loại pháo tự hành mạnh nhất của quân đội Triều Tiên. Nó sử dụng pháo chính 170 mm lắp trên khung gầm sửa đổi từ xe tăng Type-59 của Trung Quốc. M-1978 được công khai lần đầu vào năm 1985. Biến thể hiện đại hóa M-1989 sử dụng khung gầm mới hiện đại hơn có thể chứa 12 đạn pháo. Pháo tự hành Koksan có tầm bắn 40 km với đạn pháo thông thường, lên đến 60 km với đạn pháo tăng tầm. Nó là loại pháo tự hành có tầm bắn xa nhất thế giới hiện nay. Nhược điểm của M-1978 là tốc độ bắn quá chậm 1-2 viên/5 phút nên mật độ tập trung hỏa lực không cao.
Theo Tri Thức