Số phận trái ngược của dàn sao từng chơi ở cả V.League và Thai League
Trong khi Kiatisuk Senamuang, Dusit Chalermsan hay Đặng Văn Lâm thành công thì Lương Xuân Trường hay Hoàng Vũ Samson lại thất bại khi tìm kiếm cơ hội ở nước ngoài.
Sakda Joemdee (Đoàn Văn Sakda) gắn bó với HAGL trong 10 năm, thi đấu 210 trận và cùng đội bóng phố núi giành chức vô địch V.League 2003. Cầu thủ có quốc tịch Việt Nam này khiến nhiều người bất ngờ bởi vốn tiếng Việt sành sỏi và thậm chí có thể sử dụng cả “tiếng lóng” để nói chuyện với các đồng đội. Ảnh: Getty Images.
Sau 5 mùa giải khoác áo CLB Bình Định, Nirut Surasiang (Đoàn Văn Nirut) gia nhập HAGL giai đoạn 2009-2010. Chia tay HAGL, Nirut khoác áo Navibank Sài Gòn thêm 2 mùa giải trước khi hồi hương, đầu quân cho CLB Bangkok Glass.
Datsakorn Thonglao tới HAGL khi đội bóng phố núi đã qua thời kỳ đỉnh cao và không giành bất cứ danh hiệu nào trong 3 mùa giải chơi bóng tại sân Pleiku. Tuy nhiên, cầu thủ này vẫn được nhớ tới như một trong những tiền vệ tấn công xuất sắc từng chơi tại V.League với thứ vũ khí lợi hại nhất chính là những quả sút phạt. Ảnh: Getty Images.
Với đẳng cấp của cầu thủ từng 4 lần vô địch SEA Games, 3 lần lên ngôi tại AFF Cup và 2 lần lọt vào nhóm “tứ đệ anh hào” của Asian Cup, Dusit Chalermsan không khó để chiếm suất đá chính trong đội hình HAGL dù gia nhập đội bóng khi đã 33 tuổi. Anh gắn bó với đội chủ sân Pleiku giai đoạn 2003 – 2007, chơi 79 trận và giành 4 danh hiệu. Cầu thủ này mới đây cũng có tên trong đội hình được yêu thích nhất mọi thời đại của CLB HAGL do các CĐV đội bóng này bầu chọn. Ảnh: Getty Images.
Kiatisuk Senamuang là người tiên phong cho trào lưu tới Việt Nam chơi bóng của các cầu thủ Thái Lan. “Zico Thái” gia nhập HAGL năm 2002 và là cái tên biểu tượng thời hoàng kim của đội bóng phố núi. Sau 4 năm, anh chơi 75 trận, ghi tới 59 bàn và giúp HAGL giành 2 V.League, 2 siêu cúp quốc gia vào các năm 2003, 2004. Ảnh: AFF.
Sau 10 năm chơi bóng ở Việt Nam, Huỳnh Kesley Alves có 3 mùa giải thi đấu tại Thái Lan trong màu áo Kasetsart (Thai League 2) và Krabi (Thai League 3). Cầu thủ gốc Brazil trở lại Việt Nam gia nhập CLB TP.HCM vào năm 2018, khoác áo đội bóng này trong hai mùa giải trước khi quyết định giải nghệ ở mùa giải năm nay. Ảnh: Kasetsart FC.
Sau 3 mùa giải khoác áo CLB Bình Dương, Michal Nguyễn chuyển sang CLB Air Force Central tại Thai League 2 và chơi 26 trận tại mùa giải 2018 cho đội bóng Thái Lan. Chia tay Air Force Central, cầu thủ Việt kiều thi đấu cho Selangor tại Malaysia thêm một mùa trước khi gia nhập CLB Hải Phòng. Tuy nhiên, Michal mới đây đã chia tay đội bóng đất cảng và hiện là cầu thủ tự do. Ảnh: Air Force Central FC.
Hoàng Vũ Samson là chân sút cự phách tại Việt Nam khi ghi tới 154 bàn thắng tại V.League trước khi chuyển sang Buriram United năm 2018. Tuy nhiên, tiền đạo gốc Nigeria không được Buriram trọng dụng và chỉ thi đấu 2 trận trước khi chia tay đội bóng Thái Lan. Trở về Việt Nam, Samson khoác áo CLB Hà Nội và Quảng Nam trước khi chuyển tới CLB Thanh Hóa ở mùa giải năm nay. Ảnh: Buriram United.
Giống Samson, Lương Xuân Trường là một trong những ngôi sao hàng đầu Việt Nam nhưng không thể cạnh tranh được vị trí trong đội hình toàn sao của Buriram United. Trong nửa mùa giải khoác áo đội chủ sân Thunder Castle, Xuân Trường ra sân 9 trận, có 1 bàn thắng, 1 kiến tạo trước khi trở về khoác áo HAGL từ giai đoạn 2 mùa giải 2019. Ảnh: Buriram United.
Đặng Văn Lâm là trường hợp hiếm hoi của bóng đá Việt Nam thành công tại Thai League. Thủ thành Việt kiều gia nhập Muangthong United đầu mùa giải 2019 và thi đấu trọn 30 trận cho đội bóng này tại Thai League. Tuy nhiên, mọi thứ đang khó khăn hơn với Văn Lâm khi anh sẽ phải cạnh tranh quyết liệt với Somyorn Pos cho vị trí thủ môn số một ở mùa giải năm nay. Ảnh: Thairath.
Hoàng Linh
Bầu Đức và HAGL nâng tầm Kiatisuk thành huyền thoại
Bản hợp đồng lịch sử của HAGL đầu những năm 2000 mang tên Kiatisuk Senamuang không chỉ giúp bầu Đức đưa thương hiệu mình sáng lập lên tầm cao mới. Nó còn giúp ngôi sao số 1 của bóng xứ Chùa Vàng khẳng định đẳng cấp của mình lên tầm cỡ mới.
Kiatisuk Senamuang với bản lý lịch quá hoành tráng nhưng chấp nhận đến HAGL, CLB khi đó đang chơi ở giải hạng Nhất Việt Nam chỉ đơn giản bởi nhiệt huyết cùng núi tiền của ông bầu Đoàn Nguyên Đức.
Chủ tịch CLB HAGL đã thực hiện bước đột phá mà ông từng thừa nhận "để đời" nâng tầm thương hiệu của mình, là niềm tự hào của bóng đá Gia Lai nói riêng và cả Việt Nam nói chung khi đó.
Kiatisuk là thần tượng lớn của không ít CĐV Việt Nam. Ảnh: HAGL
Sự có mặt của "Zico Thái" khiến giới truyền thông nước nhà "sôi sùng sục". Kiatisuk khi đó đang là ngôi sao số 1 bóng đá Đông Nam Á với hàng loạt thành tích vang dội cho bóng đá Thái Lan. Khi Kiatisuk đến Pleiku và tập luyện ở Hàm Rồng, người dân phố Núi đã rạo rực từng ngày để đến sân xem cầu thủ này tập luyện và những trận đấu của HAGL năm đó thực sự là ngày hội khi CĐV Gia Lai từ nhiều huyện trong tỉnh đã đổ về sân Pleiku mua vé, trực tiếp xem thần tượng thi đấu.
Cảnh tượng các CĐV chen lấn mua vé vào sân xem Kiatisuk chơi bóng ở giải hạng Nhất, khi đó sân Pleiku phải thi đấu lúc 15h00 chiều nắng chói chang, nhưng không ngăn nổi những CĐV đam mê bóng đá.
Người viết cũng may mắn được chứng kiến khoảnh khắc này, tương tự ngày Kiatisak chia tay HAGL với tư cách cầu thủ năm 2006, khi đó sân Pleiku "hot" đến nỗi bán sạch vé trước giờ bóng lăn.
Với Kiatisuk, bầu Đức đã chứng minh nước đi quá khôn ngoan của mình khi đưa về siêu sao Thái Lan. Và mức lương hơn 100 triệu đồng/tháng cho Kiatisak khi đó dẫu cao nhất làng bóng đá Đông Nam Á nhưng cũng không bõ bèn gì về thành quả thu được. Kiatisak chơi hay tới nỗi biến V-League thành "show" diễn của riêng mình. Những tài năng sáng giá nhất của bóng đá Việt Nam sau này như Văn Quyến, Công Vinh, Quốc Vượng... khi đó cũng chỉ là ánh đèn mờ khi đặt cạnh "Zico Thái".
HAGL đương nhiên lên hạng nhờ đẳng cấp siêu hạng của tiền đạo người Thái Lan năm 2003. Thậm chí ngay lập tức, "Zico Thái" đưa đội bóng phố Núi thống trị V-League hai mùa giải 2003 và 2004. Một thực tế khiến CĐV Gia Lai nức lòng. Và tài năng của Kiatisak thậm chí còn mở ra trào lưu đưa hàng loạt tuyển thủ QG Thái Lan đến Việt Nam chơi bóng.
Như Tawan Sripan, Dusit Chalermsan, Chukiat, Pipat, Issawa, Thonglao... Thời điểm đó, V-League là mảnh đất màu mỡ của cầu thủ xứ Chùa Vàng để duy trì phong độ đỉnh cao, vừa nhận mức lương lớn.
Lịch sử chỉ xoay chiều khoảng những năm 2010, khi người Thái quyết tâm làm lại nền bóng đá để tiến lên các bậc thang cao hơn, Thai-League mới vượt mặt V-League và không còn cảnh cầu thủ Thái sang Việt Nam chơi bóng.
Trở lại với Kiatisuk, người từng được người Gia Lai tôn sùng là "ông hoàng" với đầy đủ mọi danh hiệu quốc nội đem về cho HAGL, không có thế lực nào ở Hàm Rồng có thể đối đầu với "Zico Thái". Từ khi là cầu thủ đến lúc cầm sa bàn dẫn dắt HAGL, Kiatisuk mang quyền lực chỉ sau bầu Đức.
Sự cố ở HAGL nổi tiếng nhất mà nhiều người biết đến sau này là trường hợp của Lee Nguyễn năm 2009. Cầu thủ được bầu Đức đưa về từ Hà Lan đã bị bán đi sau đúng một mùa giải bởi va chạm với HLV Kiatisuk. Phải đến năm 2011, sau thất bại ở chung kết Cúp QG với SLNA, Kiatisuk quyết định rời phố Núi để trở về với bóng đá Thái Lan theo lời mời của FAT, vương triều của "Zico Thái" tại Pleiku mới chấm dứt. Và sự ra đi này cũng là tin buồn cho nhiều CĐV Gia Lai lẫn nhiều người yêu mến tiền đạo tài hoa bậc nhất khu vực.
Nhưng vốn dĩ cuộc đời của những con người sinh ra với phẩm cách tài năng thì luôn toả sáng ở bất cứ môi trường nào. Sự nghiệp HLV ở HAGL có thể không thành công với Kiatisuk, một phần bởi CLB của bầu Đức không có nhiều bước tiến trong thời điểm V-League thay đổi mạnh mẽ, nó cũng giúp "Zico Thái" vỡ ra nhiều điều cho bản thân.
Trở về Thái Lan năm 2013, Kiatisuk được bổ nhiệm làm HLV trưởng đội U23 Thái Lan và đến tháng 6 cùng năm, ông được giữ luôn vai trò HLV trưởng ĐTQG. Kiatisuk mau chóng khẳng định tài năng để giúp U23 Thái Lan vô địch SEA Games 27 trên đất Myanmar.
Sau đó, ông tiếp tục dẫn dắt đội tuyển U23 Thái Lan lọt vàn bán kết ASIAD 2014. Từ năm 2014 đến năm 2016, ông dẫn dắt ĐTQG Thái giành hai chức vô địch AFF Cup 2014 và AFF Cup 2016. Thái Lan cũng khiến cả khu vực bất ngờ khi có vé đến vòng loại cuối cùng World Cup 2018.
Dù xếp cuối bảng với vỏn vẹn 1 điểm, chỉ ghi được 3 bàn thắng và bị thủng lưới 19 bàn và sau đó bị sa thải năm 2017, nhưng thực tế đã chứng minh bóng đá Thái Lan đến hiện tại cũng không có HLV nào đạt thành tích tốt như Kiatisuk.
Cuộc phiêu lưu của Kiatisuk sau đó tiếp diễn với CLB Port FC nhưng không mấy thành công. Kiatisuk đang lui về hậu trường và vẫn giữ công việc liên quan đến đam mê. Tháng 3 vừa qua, tin vui đã đến cho Kiatisuk Senamuang khi HLV 47 tuổi được Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) tôn vinh là Huyền thoại bóng đá Đông Nam Á.
Với 130 trận khoác áo ĐTQG và ghi được 65 bàn thắng (con số chính thức của FIFA) và hai thành tích này đều là kỉ lục quốc gia của bóng đá Thái Lan, Kiatisuk xứng đáng được ghi nhận. Và nhắc tới cựu cầu thủ sinh năm 1973 này, chắc hẳn bóng đá Đông Nam Á chứ không riêng gì Việt Nam đều thán phục tài ba kiệt xuất của tiền đạo lẫy lừng này.
Bóng đá Việt Nam cũng may mắn được chứng kiến những bàn thắng được tạo ra từ đôi chân đầy mê hoặc của "Zico Thái". Sẽ không nhiều cầu thủ mang lại được cảm xúc trên sân cỏ Việt như huyền thoại người Thái Lan, đặc biệt thuở V-League còn chập chững mang trên mình chiếc áo chuyên nghiệp.
Bầu Đức, HAGL đã biến Kiatisuk từ lâu thành "huyền thoại" ở phố Núi lẫn bóng đá Việt Nam một thời và ngược lại. Nói thế có lẽ cũng không ngoa cho người vừa được AFC công nhận trong sự ủng hộ của tuyệt đại đa số người xem bóng đá khu vực.
Việt Hà
"Sát thủ" Hoàng Vũ Samson sẽ giải bài toán trung phong cắm cho Thanh Hóa? Thanh lý một số tiền đạo ngoại dù đã ký hợp đồng nhưng Thanh Hóa dưới thời Fabio Lopez vẫn loay hoay chưa tìm được gương mặt nào ưng ý. Điều này cho thấy triết lý của nhà cầm quân người Italia khá bảo thủ trong khi Hoàng Vũ Samson hoàn toàn có thể giải được bài toán này, thay vì phải sắm...