Số phận ông Assad lâm nguy khi giải pháp ngoại giao NgaMỹ đổ bể?
Số phận Tổng thống Assad đang ở thế “chỉ mành treo chuông” nếu giải pháp ngoại giao Nga – Mỹ liên quan tới Thỏa thuận ngừng bắn cho Syria đổ bể.
Ngày 6/10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói rằng giữa Nga và Mỹ vẫn có một thỏa thuận ngăn chặn xung đột ở Syria sau khi Washington hủy kênh đối thoại với Moscow.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói Nga – Mỹ vẫn còn thỏa thuận ngăn xung đột ở Syria. (ảnh: Sputnik)
Song diễn biến trên chiến trường lại cho thấy thực tế việc ngăn chặn bạo lực cũng như triển vọng giải quyết cuộc khủng hoảng Syria đang phức tạp hơn nhiều khi cả Nga và Mỹ đang tồn tại những toan tính riêng. Thậm chí nó còn ảnh hưởng rõ tới số phận của ông Bashar al-Assad.
Lò lửa Syria bùng lên dữ dội
Ngày 5/10, chiến sự tiếp tục diễn ra ác liệt giữa quân đội Syria được không quân Nga yểm trợ và các tay súng chống chính quyền Trung ương ở Aleppo, thành phố lớn nhất khu vực bắc Syria.
Chiến sự tại Syria bùng phát trở lại với cường độ ác liệt sau khi lệnh ngừng bắn toàn diện do Nga và Mỹ bảo trợ đổ vỡ.
Theo Aljazeera, không quân Syria và máy bay chiến đấu của Nga đã oanh tạc hàng chục mục tiêu khác nhau tại các quận phía đông Aleppo, khu vực vẫn nằm dưới sự kiểm soát của phe nổi dậy. 21 người đã thiệt mạng cùng hàng chục người khác bị thương trong cuộc không kích này.
Ngoài Aleppo, chiến sự ác liệt cũng đã diễn ra tại ngoại ô thủ đô Damascus khiến 5 người thiệt mạng và hơn 20 người khác bị thương. Truyền hình Aljazeera cho rằng, toàn bộ đều là dân thường, trong đó có cả phụ nữ và trẻ em.
Chiến sự tại Syria đã bùng phát trở lại với cường độ ác liệt sau khi lệnh ngừng bắn toàn diện do Nga và Mỹ bảo trợ đổ vỡ ngày 19/9 vừa qua.
Trong khi đó, hôm 4/10, Đại sứ quán Nga tại thủ đô Damascus, Syria đã bị bắn phá bằng súng cối.
Video đang HOT
Sputnik dẫn thông báo của Bộ Ngoại giao Nga cho biết, trong số những quả đạn cối bắn vào Đại sứ quán Nga tại Damascus, một quả phát nổ ở gần khu nhà bên trong khu vực đại sứ quán và hai quả khác phát nổ ngay bên cạnh.
Phía Nga cho biết quả đạn cối được phóng từ khu vực do phiến quân Jabhat Fateh al-Sham trước đây là nhóm Mặt trận al-Nusra và Faylaq al-Rahman kiểm soát. Vụ tấn công không gây ra thương vong.
Sau vụ tấn công, Nga khẳng định sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để đem lại hòa bình và an ninh cho Syria.
Nga – Mỹ với những toan tính riêng
Đúng lúc chiến sự ở Syria bùng lên dữ dội, Nga lên tiếng xác nhận triển khai hệ thống tên lửa phòng không S-300 đến một căn cứ hải quân tại Syria khiến việc giải quyết cuộc khủng hoảng tại quốc gia Trung Đông trở nên bế tắc.
Các chuyên gia của Mỹ lo ngại rằng, việc Nga điều các tên lửa S-300 đến Syria có thể sẽ gây phức tạp lớn cho các hoạt động đường không của Mỹ và đồng minh.
Về phía Mỹ, theo Washington Post, giới chức nước này đã tính đến khả năng cao nhất là không kích vào những vị trí của quân đội Syria mà không cần Hội đồng Bảo an LHQ cho phép.
Một gia đình Syria đang rời khỏi khu vực bị không kích ở Aleppo. (ảnh: CNN)
Nhà Trắng đã tổ chức một cuộc họp với sự tham gia của các đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ, Cơ quan tình báo Trung ương Mỹ (CIA) cùng Ủy ban lãnh đạo cấp cao những cơ quan đầu não của quân đội để thảo luận về vấn đề liên quan tới việc tiến hành hoạt động không kích vào những căn cứ của quân đội chính phủ Syria.
Việc thảo luận dự kiến sẽ được tiếp tục trong cuộc họp của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ do Tổng thống Barack Obama chủ trì. Cuộc họp có thể sẽ diễn ra vào cuối tuần này.
“Đang có một đề xuất về khả năng tấn công vào chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad mà không cần một nghị quyết của Hội đồng Bảo an. Các cuộc tấn công đó sẽ được thực hiện một cách bí mật”, Washington Post dẫn lời một quan chức Mỹ.
Mỹ bắt đầu tính toán đến các lựa chọn khác trong đó có giải pháp quân sự, sau khi nước này tuyên bố hủy kênh đối thoại với Nga trên chiến trường Syria.
Bộ Ngoại giao Nga khẳng định đây là một quyết định rất đáng thất vọng, đồng thời kêu gọi Mỹ nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá và cân nhắc lại về quyết định này.
Nga nói rằng khi giải pháp chung không còn, Moscow sẽ giải quyết cuộc khủng hoảng Syria theo cách của mình.
Theo nhận định của giới chuyên gia, việc Nga – Mỹ ai đi đường nấy trong vấn đề Syria đã “đổ thêm dầu” vào chảo lửa xung đột. Điều này đồng nghĩa với việc số phận của ông Assad cũng có thể lâm nguy nếu như Mỹ chính thức can thiệp quân sự vào quốc gia Trung Đông này./.
Theo Ngân Giang/ VOV.VN
Quan hệ Nga - Mỹ "vỡ vụn" trước cú sốc kép hạt nhân, hòa bình Syria?
Quan hệ Nga - Mỹ gần như "vỡ vụn" sau khi Nga tuyên bố đình chỉ thỏa thuận hạt nhân với Mỹ, còn Mỹ đình chỉ đàm phán với Nga về Syria.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký một sắc lệnh đình chỉ thỏa thuận với Mỹ về việc tiêu hủy plutonium được làm giàu ở cấp độ có thể chế tạo vũ khí.
Ảnh minh họa: AP
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, đây là một biện pháp bắt buộc vì Mỹ đã có những hành động "không hữu nghị, đe dọa đến sự ổn định chiến lược".
Sắc lệnh nêu rõ, Nga sẽ chỉ xem xét nối lại thỏa thuận khi nào Mỹ chấp nhận một số điều kiện, trong đó có việc giảm sự hiện diện quân sự của Mỹ trong NATO gần biên giới với Nga, hủy tất cả các lệnh trừng phạt đối với Nga và bồi thường tổn thất mà những lệnh trừng phạt đó gây ra.
Chỉ một trong những điều kiện này đã là "bất khả thi" với Mỹ nên có thể nói rằng, cánh cửa mà Nga để ngỏ cho Mỹ "có cũng như không".
Chính phủ Mỹ lấy làm tiếc về quyết định của Nga khi đơn phương đình chỉ thỏa thuận hạt nhân, đồng thời khẳng định vẫn duy trì cam kết theo thỏa thuận này vì lợi ích của cả 2 nước.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Elizabeth Trudeau cho rằng: "Tôi lưu ý rằng đây là bước đi mới nhất trong hàng loạt hành động của Nga nhằm chấm dứt sự hợp tác lâu nay trong vấn đề an ninh và giải giáp hạt nhân. Trước đó là quyết định của Nga khi không tham gia Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân 2016. Chúng tôi cũng lưu ý rằng, việc Nga cáo buộc Mỹ đe dọa đến sự ổn định chiến lược làm cái cớ cho quyết định này là không đúng."
"Sự kiên nhẫn của mọi người đối với Nga đã cạn kiệt". Đó là tuyên bố của người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest sau khi Nga đình chỉ thỏa thuận hạt nhân với Mỹ.
Nhà Trắng đáp trả bằng thông báo rằng, Mỹ sẽ đình chỉ đàm phán song phương với Nga về hòa bình Syria. Mỹ cáo buộc Nga đang cản trở cuộc chiến chống tổ chức IS khi ném bom vào dân thường, bệnh viện ở Syria.
Ông Earnest nêu rõ: "Ngoại trưởng John Kerry là người nhận nhiệm vụ làm trung gian cho thỏa thuận ngoại giao với Nga về lệnh ngừng bắn ở Syria. Ông ấy đã rất kiên trì và bền bỉ nỗ lực.
Tổng thống dựa vào lời khuyên của ông ấy để cân nhắc khi nào không còn ích lợi gì nữa khi tiếp tục đối thoại với Nga. Và tôi nghĩ mọi người đều có thể đưa ra kết luận sau khi thấy những gì Nga đã làm trong những tuần qua."
Trong khi đó, Nga cáo buộc Mỹ đã hậu thuẫn các tay súng Nhà nước Hồi giáo tự xưng ném bom vào quân đội Syria hồi tháng trước dù phía Mỹ cho rằng đây là một vụ tai nạn.
Nga cũng nhiều lần chỉ trích Mỹ không thể phân biệt rạch ròi giữa phe đối lập mà họ cho là ôn hòa với những tay súng có liên quan đến mạng lưới khủng bố al-Qaeda.
Giám đốc phụ trách quan hệ với Nga tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) Olga Oliker cho rằng, quan hệ Nga - Mỹ trở nên vô cùng tồi tệ trong vòng 2 năm qua và những diễn biến mới nhất chỉ là biểu hiện của thực tế đó.
Bà Oliker cho rằng, Nga chưa bao giờ là người quá nhiệt thành với thỏa thuận hạt nhân với Mỹ, do đó việc đình chỉ thỏa thuận này không phải là một cái giá quá lớn đối với Moscow nhưng lại là đòn ngoại giao mạnh nhằm vào Mỹ.
Quan hệ Nga-Mỹ trong lịch sử trải qua nhiều thăng trầm. Đã có lúc dư luận quốc tế kỳ vọng Nga và Mỹ có thể phối hợp về mặt quân sự ở Syria để cùng chống tổ chức IS. Nhưng mối quan hệ Nga-Mỹ đang xấu đi nghiêm trọng vào những tháng cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Dù vậy, 2 cường quốc từng đứng đầu thế giới 2 cực này sẽ không thể ngừng hợp tác vì lợi ích của mỗi bên. Giới quan sát và phân tích cho rằng, đây có thể là một giai đoạn khó khăn trước khi 2 nước nhấn nút "tái khởi động" một chu trình mới trong quan hệ song phương, điều mà Tổng thống Obama đã tìm kiếm từ 7 năm trước, khi mới lên nắm quyền nhưng thất bại vì xuất hiện những vấn đề gây tranh cãi như xung đột ở Ukraine, khủng hoảng Syria./.
Theo Diệu Hương/ VOV-Trung tâm Tin ( Tổng hợp)
Syria: Vì sao thỏa thuận ngừng bắn đổ vỡ? Lệnh ngừng bắn có hiệu lực từ ngày 12-9 theo đề xuất của Nga và Mỹ đã chính thức đổ vỡ sau một tuần thực thi. Sự thiếu tin tưởng giữa Washington và Moskva luôn là nguyên nhân khiến bao thỏa thuận trước đó về Syria cũng như về Ukraine đổ vỡ. Bộ trưởng Quốc phòng Syria hôm 19-9 thông báo chấm dứt...