Số phận những nhà ngoại cảm đầu tiên ở Mỹ
Phong trào ngoại cảm từng một thời nở rộ ở nước Mỹ và lan sang cả các nước châu Âu bắt đầu từ một căn nhà tồi tàn ở một vùng quê.
Trong lịch sử loài người, thế giới tâm linh luôn là một điều bí ẩn khiến con người vừa sợ hãi vừa khao khát muốn khám phá. Với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, chúng ta vẫn chưa giải thích được thấu đáo về việc có hay không thế giới tâm linh. Chính bởi thế, những nhà ngoại cảm, những người được cho là có khả năng giao tiếp với thế giới đầy bí ẩn này đã luôn được coi là những nhân vật đặc biệt, từ những nước đang phát triển như Brazil cho tới những nước có nền khoa học kỹ thuật phát triển cao như Nga, Mỹ, Anh… Tiếp loạt bài về ngoại cảm trên thế giới, chúng tôi xin giới thiệu với bạn đọc về số phận ly kỳ của những người đã khai sinh ra phong trào ngoại cảm ở Mỹ và châu Âu cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.
Một hình thức ngoại cảm phổ biến ở nhiều nước kém phát triển trên thế giới, đặc biệt là ở các nước Nam Mỹ như Brazil, chính là “gọi hồn”. Đây là một nghi lễ được các nhà ngoại cảm và các ông đồng bà cốt thực hiện với niềm tin rằng họ có thể nói chuyện được với linh hồn của những người đã chết, nhằm giúp họ giao tiếp với những người đang sống.
Tuy nhiên, ít ai biết rằng phong trào “gọi hồn” đã bắt nguồn và phát triển cực thịnh ở nước Mỹ từ những năm 1840, và sau đó lan sang các nước nói tiếng Anh ở châu Âu với tốc độ nhanh khủng khiếp. Đến năm 1897, phong trào “gọi hồn” này đã thu hút được khoảng 8 triệu tín đồ đến từ Mỹ và các quốc gia châu Âu, trong đó phần lớn xuất thân từ tầng lớp trung lưu và thượng lưu trong xã hội. Chỉ đến những năm đầu thập niên 1920, phong trào này mới bắt đầu lắng xuống và dần dần suy thoái.
Tuy nhiên, phong trào gọi hồn giao tiếp với người chết rầm rộ một thời này lại có một khởi đầu rất tầm thường từ một căn nhà tồi tàn ở làng Hydesville, thành phố New York, Mỹ vào ngày 31/3/1848. Ngày hôm đó, hai chị em gái Kate và Maggie Fox trong ngôi nhà này đã tuyên bố với bà mẹ mê tín và những người hàng xóm của mình rằng họ có thể nói chuyện được với một linh hồn của người chủ nhà bị sát hại trước đây.
Ba chị em nhà Fox, những người khai sinh phong trào gọi hồn ở nước Mỹ
Hình thức liên lạc giữa chị em nhà Fox với linh hồn này là thông qua những tiếng gõ bí ẩn, mỗi kiểu gõ tượng trưng cho một ký tự trong bảng chữ cái giống như mã Morse. Những người hàng xóm đến nói chuyện với “linh hồn” này đều được kể những chuyện khiến họ tin sái cổ, và những người nông dân trong làng dần dần tin vào khả năng “ngoại cảm” của hai cô gái này. Tiếng đồn vang xa, hai chị em nhà Fox trở nên nổi tiếng khắp nước Mỹ với khả năng “ngoại cảm” kỳ diệu của mình.
Sau đó, hai chị em Maggie và Kate tuyên bố rằng họ có năng lực “cầu hồn” và thông tin về khả năng nói chuyện với người chết của hai chị em này nhanh chóng lan xa. Đến tháng 11/1849, cả hai chị em đều tổ chức những buổi cầu hồn công khai nhằm thể hiện khả năng của mình, đánh dấu sự ra đời của phong trào “cầu hồn” nở rộ như nấm sau mưa ở nước Mỹ.
Rất đông người Mỹ đã kéo đến làng quê hẻo lánh này diện kiến hai chị em nhà Fox với mong ước được nói chuyện với những người thân đã khuất của mình. Hai chị em này tiếp tục xuất hiện tại nhiều địa điểm trên khắp nước Mỹ để làm lễ “cầu hồn”. Lúc đó, người chị cả của họ tên là Leah Fox vốn bị chồng bỏ và đang sống trong nghèo túng cũng đã gia nhập với 2 cô em tham gia vào phong trào cầu hồn.
Một số tờ báo và phương tiện thông tin trên nước Mỹ đã tỏ ra nghi ngờ rằng đây là trò lừa đảo của chị em nhà Fox, tuy nhiên điều đó không ngăn cản được dòng người đổ về đây để gặp gỡ họ, thậm chí nhiều người còn sẵn sàng bỏ ra rất nhiều tiền để được ưu tiên diện kiến các “cô đồng” này.
Dưới sự quản lý của bà chị cả Leah, hai chị em Maggie và Kate đi tới các thành phố của nước Mỹ, nơi họ được coi như những ngôi sao nổi tiếng và được chào đón nồng nhiệt. Các buổi lễ cầu hồn của họ ngày càng trở nên phức tạp hơn với những chiêu trò như các vật thể bay vòng quanh, sự xuất hiện của các linh hồn và bàn ghế bay lơ lửng.
Bỗng nhiên nước Mỹ xuất hiện một loạt các “nhà ngoại cảm” mới cũng tuyên bố rằng họ đã khám phá ra năng lực siêu nhiên tiềm ẩn của mình, và phong trào tổ chức các buổi cầu hồn trở nên không thể kiểm soát nổi. Một nhà ngoại cảm nổi tiếng khác trong thời kỳ này là Cora L. V. Scott, một phụ nữ xinh đẹp có khả năng “ nói chuyện với linh hồn” khiến các quý ông mê mẩn.
Video đang HOT
Một nhà ngoại cảm khác nổi tiếng không kém là Achsa W. Sprague, người tuyên bố rằng mình có khả năng nói chuyện với linh hồn sau một trận ốm thập tử nhất sinh và đã đi khắp nước Mỹ tổ chức các buổi thuyết giảng về cầu hồn cho đến khi mất vào năm 1861.
Tuy nhiên, các nhân vật này vẫn không thể nào sánh được về mức độ nổi tiếng với chị em nhà Fox. Ba chị em này nhận được sự ủng hộ của nhiều nhân vật nổi tiếng trong xã hội Mỹ thời đó, trong đó có chủ bút Horace Greeley, người dành hẳn một phần trong tòa biệt thự của mình cho chị em nhà Fox.
Greeley rất đau lòng khi con trai ông đột ngột qua đời đúng vào thời điểm tờ báo của ông đang điều tra về chị em nhà Fox. Và ý nghĩ được nói chuyện với linh hồn của đứa con trai đã khuất khiến Greeley thay đổi thái độ từ hoài nghi sang tin tưởng tuyệt đối vào các nhà ngoại cảm này. Ông này còn đề nghị chu cấp tiền ăn học cho chị em nhà Fox, và chị cả Leah đã nhất trí để cô em út Kate đi học nhưng kiên quyết giữ lại Maggie, người tỏ ra có năng lực “cầu hồn” thuyết phục hơn cả.
Nhiều người đã nghi ngờ rằng những tiếng gõ xuất hiện trong các buổi cầu hồn của chị em nhà Fox là do tiếng kêu phát ra từ ngón tay, khớp gối và mắt cá của họ, hoặc được sự hỗ trợ của một loại máy móc nào đó. Nhiều ủy ban điều tra đã được lập ra để khám phá bí mật này, nhưng thông qua kiểm tra bằng mắt thường họ vẫn không phát hiện ra bất cứ sự gian dối nào.
Một buổi cầu hồn được tổ chức ở Mỹ
Thậm chí trong một cuộc kiểm tra, người ta đã trói chặt khớp mắt cá chân của chị em nhà Fox, tuy nhiên họ vẫn tìm cách tạo ra được những tiếng gõ đầy bí ẩn. Các ủy viên kiểm tra nữ còn kiểm tra đồ lót của họ để chắc chắn rằng không có thiết bị nào được giấu bên trong, và cuối cùng các ủy ban này đều phải thừa nhận rằng họ không phát hiện ra trò lừa đảo nào.
Tuy nhiên, hành vi của chị em nhà Fox cũng khiến nhiều người tỏ ý hoài nghi. Người ta thỉnh thoảng bắt gặp chị cả Leah tìm cách moi thông tin cá nhân của những người tham gia lễ cầu hồn của hai cô em nhằm giúp “linh hồn” đưa ra câu trả lời chính xác. Họ cũng tỏ ra xuất sắc trong việc nói chuyện với linh hồn của những người đã chết, tuy nhiên những lần “cầu hồn” này không phải lúc nào cũng trơn tru như họ mong đợi.
Trong một buổi cầu hồn cựu Tổng thống Mỹ Benjamin Franklin, một người tham gia thắc mắc rằng linh hồn của Franklin bỗng nhiên ăn nói sai ngữ pháp tùm lum, và Maggie Fox đã đạp mạnh vào bàn cầu hồn và trả lời cụt lủn: “Các người biết là ta không bao giờ hiểu ngữ pháp!” Thế nhưng những buổi cầu hồn đầy mập mờ này vẫn thuyết phục được rất nhiều người tin vào tài năng của các “nhà ngoại cảm” này, và việc làm ăn của họ ngày càng nở rộ.
Một thời gian sau, Maggie tuyên bố từ bỏ nghề ngoại cảm để đi theo tiếng gọi của tình yêu. Cô đến chung sống với nhà thám hiểm Bắc Cực Elisha Kent Kane, nhưng họ vấp phải sự phản đối của gia đình nên không được chính thức kết hôn. Tuy nhiên, Kane đột ngột qua đời vào năm 1857, để lại Maggie đau khổ trong tình trạng không một xu dính túi. Cô bắt đầu quay trở lại với nghề gọi hồn, rồi trở nên nghiện rượu, và tình trạng sức khỏe thể chất và tinh thần của cô ngày một suy sụp.
Về phần mình, cô em Kate cũng bắt đầu phải trả giá cho sự nổi tiếng bằng nghề ngoại cảm của mình. Kate bắt đầu uống rượu, và thói quen này đã hủy hoại những buổi cầu hồn của cô. Năm 1871, cô tới nước Anh và truyền bá nghi thức cầu hồn cho rất nhiều tín đồ người Anh, rồi sau đó kết hôn với HenryJencken và có 2 đứa con trai.
Đến năm 1885, phong trào cầu hồn bắt đầu có dấu hiệu đi xuống, và những cuộc điều tra về dấu hiệu lừa đảo được tổ chức ngày càng nhiều. Đây cũng là năm khởi đầu cho nhiều bi kịch cho chị em nhà Fox. Maggie bị một ủy ban điều tra ở New York triệu tập để chứng tỏ khả năng của mình và cô đã thất bại một cách thảm hại. Còn Kate sau khi trở lại New York vào năm 1888 đã bị bắt giữ vì tội nghiện rượu và lười nhác, còn 2 đứa con của cô bị tống vào trại mồ côi.
Cũng trong năm này, một Maggie tàn tạ vì nghiện rượu, cô đơn và đau khổ đột ngột xuất hiện trước công chúng và tuyên bố rằng phong trào gọi hồn mà chị em nhà họ khởi xướng chỉ là trò lừa đảo. Cô bước lên sân khấu Học viện Âm nhạc New York và tuyên bố với mọi người rằng cô và Kate đã tự tạo ra những tiếng gõ bí ẩn trong ngôi nhà của họ ở Hydesville bằng cách tự bẻ ngón chân. Cô cũng nói rằng bà chị cả Leah đã ép họ phải thực hiện những buổi cầu hồn trước công chúng.
Maggie thú nhận: “Tôi đã chứng kiến quá nhiều sự lừa dối tồi tệ. Đó là lý do tôi sẵn sàng khẳng định rằng phong trào gọi hồn là trò lừa đảo tồi tệ nhất.” Ngồi trên khán đài nhìn xuống sân khấu, cô em Kate cũng lặng lẽ xác nhận lời thú nhận của chị mình.
Bà chị cả Leah sau đó đã kết hôn với một doanh nhân giàu có và chiếm đoạt toàn bộ số tiền mà các em mình kiếm được để tiêu xài riêng. Cô hoàn toàn quay lưng với Maggie và Kate, những cô em mà cô coi là nỗi xấu hổ của gia đình.
Cuộc đời tuyệt vọng của Kate chấm dứt vào tháng 7/1892 khi bà uống rượu tới chết ở tuổi 56. Thi thể của bà được một người con trai của mình phát hiện. Còn Margaret qua đời ở tuổi 59 vào tháng 3/1893 trong nhà một người bạn ở khu ổ chuột Brooklyn khi trong túi không còn một xu.
Theo Khampha
Tình báo Anh nhờ ngoại cảm đọc ý nghĩ Hitler
Cơ quan tình báo Anh MI5 đã mời một nhà ngoại cảm nổi tiếng nhằm "đọc ý nghĩ" của Hitler để giúp họ đánh bại phát xít Đức.
Trong lịch sử loài người, thế giới tâm linh luôn là một điều bí ẩn khiến con người vừa sợ hãi vừa khao khát muốn khám phá. Với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, chúng ta vẫn chưa giải thích được thấu đáo về việc có hay không thế giới tâm linh. Chính bởi thế, những nhà ngoại cảm, những người được cho là có khả năng giao tiếp với thế giới đầy bí ẩn này đã luôn được các quốc gia trên thế giới, từ những nước kém phát triển cho tới những nước có nền khoa học kỹ thuật phát triển cao như Nga, Mỹ, Anh... coi là những đối tượng đặc biệt cần nghiên cứu để phục vụ cho mục đích riêng của mình. Chúng tôi xin giới thiệu với bạn đọc những dự án nghiên cứu về khả năng ngoại cảm của các quốc gia này từng rất thịnh hành trong thế kỷ 20.
Khi cuộc chiến tranh thế giới lần thứ 2 nổ ra, nước Anh trở thành một mục tiêu mà trùm phát xít Đức Adolf Hitler luôn muốn thâu tóm. Nhờ ưu thế tách biệt hoàn toàn với phần còn lại của châu Âu và có lực lượng hải quân mạnh, Anh tạm thời không chịu sự tấn công dữ dội của quân đội phát xít Đức, song Hitler vẫn luôn là nỗi ám ảnh của người Anh.
Để ngăn chặn nguy cơ bị Đức xâm lược, người Anh đã nảy ra một ý tưởng độc đáo, đó là sử dụng năng lực siêu nhiên để đọc được ý nghĩ trong đầu óc vốn rất khó lường của trùm phát xít Hitler, từ đó đề ra được những biện pháp đề phòng thích đáng.
Để thực hiện được ý định này, các điệp viên Anh đã nhờ đến một "nhà ngoại cảm" nổi tiếng thời kỳ đó sử dụng khả năng ngoại cảm của mình để đọc được ý nghĩ của Hitler, đồng thời tìm cách thay đổi "cung hoàng đạo" của Hitler và những lãnh đạo đầu sỏ của phát xít Đức.
Hồ sơ được lưu trữ tại Cục Lưu trữ Quốc gia Anh vừa mới được giải mật cho thấy tình báo Anh đã mời "nhà ngoại cảm" Louis de Wohl tham gia vào một chiến dịch "tình báo ngoại cảm" được chuẩn bị công phu nhằm đánh bại phát xít Đức từ xa.
De Wohl (trái) và chiến dịch ngoại cảm bí mật của tình báo Anh nhắm vào Hitler
De Wohl là một người Đức chính gốc, sinh ra ở Berlin vào năm 1903 và chạy tới Anh vào năm 1935 nhằm thoát khỏi chiến dịch truy lùng người Do Thái của phát xít Đức. Bà vợ có tên là Alexandra của ông ta chạy tới Santiago, Chile, nơi bà này tự tuyên bố mình là một công chúa Rumania và được biết đến với cái tên "La Baronessa".
Ở London, de Wohl cũng tự quảng bá mình là một nhà quý tộc người Hungari, có họ với một công tước người Áo, là cháu trai của một ông trùm ngành ngân hàng ở Anh và là người thân của Thị trưởng London. Với những danh hiệu "nổ vang trời" này, de Wohl tha hồ giao du đi lại với tầng lớp thượng lưu trong xã hội Anh ở thủ đô London.
Bước ngoặt trong cuộc đời của de Wohl xảy ra trong một bữa tiệc tại đại sứ quán Tây Ban Nha, khi một nữ công tước người Tây Ban Nha yêu cầu de Wohl tiết lộ về "số mệnh" của trùm phát xít Hitler cho Ngoại trưởng Anh thời đó là ngài Halifax.
Quá ấn tượng với những lời khoa trương của de Wohl, Ngoại trưởng Halifax đã tiến cử "tài năng" của ông này với các cơ quan trong chính phủ Anh. Thế là ngài Charles Hambro, người đứng đầu cơ quan Chiến dịch Đặc biệt của Anh nhanh chóng tuyển mộ de Wohl tham gia vào mạng lưới tình báo rộng lớn khắp châu Âu của nước Anh.
Thế là nhà ngoại cảm de Wohl trở thành một phần trong Cục Nghiên cứu Tâm linh thuộc Tổng cục An ninh Anh MI5. Tình báo Anh đã mạnh tay thuê hẳn một căn hộ khách sạn sang trọng tại khu Park Lane nhộn nhịp của thủ đô London làm nơi "tác nghiệp" cho nhà ngoại cảm này. Tại đây, de Wohl tiến hành các lễ "nhập tâm" để đọc ý nghĩ của Hitler và viết ra những lá số tử vi cho các lãnh đạo của cả phe Đồng minh lẫn Phát xít.
Tuy nhiên những lời tiên đoán của de Wohl thường không rõ ràng và nhiều khi là ngớ ngẩn. Tháng 12 năm 1942, nhà ngoại cảm này đưa ra một lời tiên đoán: "Các nhà chiêm tinh Đức phải cầu nguyện rằng hành động của kẻ thù không buộc Quốc trưởng phải đưa ra những quyết định quan trọng trong vòng 8 ngày đầu tiên của tháng 7 vì điều này sẽ dẫn tới thảm họa lớn."
Các điệp viên Anh thì kêu ca rằng cách xử sự quá ư đồng bóng của de Wohl đã "phá nát" những vỏ bọc được xây dựng rất đỗi công phu của họ rằng căn hộ xa hoa của ông ta là do một quý bà giàu có bảo trợ, và rằng điệp viên phụ trách liên lạc là một người hầu của ông. Các điệp viên này cũng cho biết de Wohl thường xuyên khoe khoang về những mối quan hệ với Phòng Chiến tranh và Bộ Chỉ huy Hải quân Anh.
Các tài liệu giải mật cho thấy điệp viên Dick White, người sau này trở thành người đứng đầu của Cục An ninh MI5 vào thập niên 1950 đã từng than phiền về de Wohl: "Tôi chưa bao giờ ưa Louis de Wohl. Ông ta khiến tôi có ấn tượng về một gã lang băm và lừa đảo."
Tuy nhiên, những lời than phiền này không ngăn cản được việc de Wohl được phong quân hàm đại úy trong quân đội Anh. Thủ tướng Anh Winston Churchill đã quyết định cử nhà ngoại cảm này sang Mỹ để thuyết phục người Mỹ rằng phát xít Đức chắc chắn sẽ thua trong vài tháng nếu nước Mỹ chịu tham chiến.
Nhiệm vụ của de Wohl tại Mỹ là đập tan luận điệu của một nhóm nhà chiêm tinh ủng hộ phát xít Đức ở Mỹ đã dự đoán rằng Hitler sẽ chiến thắng trong cuộc chiến tranh này. De Wohl đã tự tuyên bố mình là một "nhà tiên tri Nostradamus hiện đại" và phán rằng các sao trên trời đã cho thấy điều ngược lại, rằng Hitler sẽ thua.
Tuy nhiên cuối cùng chính trận tấn công của quân Nhật vào Trân Châu Cảng ngày 7/12/1941 mới khiến Tổng thống Franklin Roosevelt quyết định đưa nước Mỹ tham gia cuộc chiến này chứ không phải những lời đảm bảo của nhà ngoại cảm de Wohl rằng nước Mỹ sẽ chiến thắng.
Với việc Mỹ quyết định tham chiến, tình báo Anh nhận thấy vai trò của de Wohl đã không còn cần thiết nữa nên đã triệu hồi de Wohl về London vào tháng 2/1942. Khi trở về nước, nhà ngoại cảm ngớ người ra khi nhìn thấy căn hộ sang trọng của mình đã bị dọn dẹp sạch sẽ và "phòng nghiên cứu" của mình đã bị giải tán.
Lúc này, các nhân viên tình báo Anh đang đau đầu tìm giải pháp "từ bỏ" người đàn ông tự gọi mình là "nhà ngoại cảm quốc gia" của nước Anh này. Theo các tài liệu được giải mật của MI5, các quan chức tình báo cấp cao đã đề xuất một loạt giải pháp để "loại bỏ" de Wohl, trong đó có ý kiến đề nghị đưa ông này vào trại giam hoặc chuyển tới một khu vực "khỉ ho cò gáy" của nước Anh. Tuy nhiên hai đề xuất này đều bị lãnh đạo MI5 bác bỏ.
Mặc dù rất hối hận vì đã tuyển mộ "nhà ngoại cảm" đầy đồng bóng và hay khoe khoang khoác lác này nhưng MI5 lại sợ rằng nếu bị ruồng bỏ, de Wohl có thể sẽ hủy hoại hình ảnh và danh tiếng của cơ quan tình báo này. Bởi vậy, MI5 quyết định vẫn để cho nhà ngoại cảm này được vui vẻ và tiếp tục sử dụng ông ta vào những công việc vô thưởng vô phạt.
Nhưng đến nước này thì ngài Charles Hambro, người đứng đầu cơ quan Chiến dịch Đặc biệt của Anh cũng đã quá mệt mỏi với nhà ngoại cảm này. Trong cuốn hồi ký của mình, ngài Hambro đã viết về de Wohl: "Tôi tin rằng nếu tôi kiểm tra các thành tích của ông ta, tôi sẽ nhận thấy rằng ông ta còn có số lần thất bại nhiều hơn, nhưng tôi không đủ kiên nhẫn hay thời gian để làm điều đó."
Theo Khampha
Chương trình ngoại cảm tối mật của Liên Xô Ngay từ đầu thế kỷ 20, Liên Xô đã phát triển một chương trình nghiên cứu tuyệt mật về năng lực ngoại cảm của con người nhằm cạnh tranh với Mỹ. Trong lịch sử loài người, thế giới tâm linh luôn là một điều bí ẩn khiến con người vừa sợ hãi vừa khao khát muốn khám phá. Với sự phát triển như...