Số phận người mẹ đằng sau bức chân dung buồn của đứa con tật nguyền
Bức chân dung về mẹ được cháu Long khởi bút trong khoảng thời gian 2-3 tuần của cuối năm 2019. Trong bức vẽ, mẹ cháu có mái tóc dài đen nhánh che khuất mắt bên trái, quàng trên cổ một chiếc khăn với khuôn mặt nghiêng, hơi cúi đầu.
Câu chuyện cảm động đằng sau bức chân dung buồn về mẹ của người con tật nguyền
Như lời hẹn từ trước, tôi đến gặp chị Hiếu từ rất sớm để tìm hiểu về bức tranh cháu Nam Long đã vẽ về mẹ, bức chân dung buồn mang số phận của một người vợ mất chồng, của một người mẹ đã vượt biết bao khó nhọc để nuôi hai con trên đất Hà Nội, trong đó con trai là trẻ khuyết tật câm điếc và bị liệt cơ chân bẩm sinh.
Số phận của mẹ đằng sau bức chân dung buồn của con
Điểm đặc biệt của bức tranh này là đôi mắt của mẹ Long, một đôi mắt sâu và buồn, ẩn chứa cả số phận của một người phụ nữ có chồng mất sớm, một mình trụ lại trên Hà Nội, làm biết bao nhiêu nghề, trong đó có nghề giúp việc để nuôi nấng 2 con ăn học.
Chia sẻ về câu chuyện của mình, chị Hiếu trải lòng, vợ chồng chị phát hiện cháu có khuyết tật câm điếc từ khi cháu hơn 1 tuổi. “Lúc phát hiện, mọi khoảng trời trong tôi đều sụp đổ, vì tôi biết rằng sự trớ trêu này sẽ theo cháu đến cuối cuộc đời, nhưng lúc ấy bản năng của mẹ đã kéo tôi trở về hiện thực, tôi dần vực lại tinh thần để đồng hành cùng cháu đi tiếp cuộc đời này.”, chị Hiếu xúc động nói.
“Lúc phát hiện cháu bị câm điếc, mọi khoảng trời trong tôi đều sụp đổ”
Hoàn cảnh của vợ chồng chị Hiếu khi ấy cũng rất khó khăn, vì cả hai anh chị đều từ những tỉnh thành khác đến Hà Nội để mưu sinh (chị Hiếu quê ở Hải Dương, còn chồng thì quê ở Vĩnh Phúc). Dẫu vậy, vì muốn cho Long có cuộc sống tốt hơn, anh chị đã quyết định trụ lại ở Hà Nội mà không về quê, vì nếu ở lại Hà Nội thì con chị sẽ có điều kiện để học tập, trong khi ở quê của anh chị không có trường dành cho trẻ khuyết tật mà chỉ có trung tâm bảo trợ xã hội.
Chị Hiếu và Long – hồi con con nhỏ
Số phận vẫn chưa thôi dừng nghiệt ngã ở đó, năm 2007, các bác sỹ chuẩn đoán Long có thêm chứng tăng động thể nặng. Lúc này, dẫu chị Hiếu đang làm công việc giữ kho và quản lý thu mua cho một nhà hàng với nguồn thu nhập tốt nhưng vẫn quyết định xin nghỉ việc, chuyển sang làm nghề giúp việc để có thời gian chăm sóc và đưa đón con đi học nhiều hơn.
Long học ở các trường giáo dục đặc biệt, các thầy cô phát hiện ra Long có một đặc điểm rất khác các bạn cùng lớp là rất thích vẽ, khi có cây bút trên tay Long dường như quên đi tất cả mà chỉ chăm chú vào những hình khối đang dần phác họa trên quyển vở ô ly.
Nhận thấy điều này, bên cạnh việc học ở trường, năm Long lên 11 tuổi, chị Hiếu có đưa con đi học vẽ bài bản ở một trung tâm. Tuy nhiên, khi Long vừa học được 1 buổi, việc học phải dừng lại, vì bố Long không may bị tai nạn giao thông rồi mất, khi ấy vợ chồng chị Hiếu đã có cháu thứ hai (2 tuổi).
Và lại một lần nữa, số phận lại đem đến cho chị Hiếu những tai ương nặng nề, khi người chồng là trụ cột gia đình mất, chị trở thành người cha vừa lo tiền trọ, tiền học của các con và tiền chữa bệnh cho Long. Dẫu vậy, chị Hiếu vẫn quyết định bám trụ lại ở Hà Nội, vì chị biết ở đây mặc dù vất vả nhưng con chị sẽ có tương lai, thời điểm này hoàn cảnh của gia đình hai bên nội ngoại cũng khó khăn nên cũng không giúp được ba mẹ con chị gì nhiều.
Để tiếp tục việc học vẽ của Long, chị Hiếu thường tìm những chỗ học vẽ có giá thấp hoặc những nơi được giao lưu vẽ miễn phí để đưa con đến học. Long có sở trường về phong cảnh, chủ yếu vẽ bằng màu acrylic trên chất liệu vải toan.
Một số bức tranh vẽ của Nam Long
Long hiện đang học lớp 6 tại trường dành cho trẻ đặc biệt (Cao đẳng Sư phạm Trung ương), do bị khuyết tật về chân (liệt cơ chân, thiếu hụt xương bẩm sinh ở bàn chân) nên khiến việc đi lại của Long khó khăn và không thể tự mình đi học được. Cho nên, chị Hiếu phải thường ngày đưa đón con đi học mỗi ngày, rồi lại đưa đón bé thứ hai hiện đang học lớp 3 ở một trường học gần nhà, và rồi mới tranh thủ thời gian có thể đi làm, với tổng quãng đường chị di chuyển mỗi ngày lên tới 70km.
“ Khi nào Long lớn lên, con sẽ bán tranh để mua nhà cho mẹ “
Trở lại về bức chân dung trên, bức tranh mô phỏng theo hình ảnh Long chụp mẹ bằng điện thoại vào một buổi tối mùa đông khi mẹ vừa đi làm về. Việc chụp này, giúp Long có tư liệu để vẽ về mẹ, vì một bức tranh này không phải trong vẽ 2-3 giờ để mẹ có thể đứng làm mẫu cho Long vẽ, mà đối với Long phải mất nhiều tuần, bởi Long cũng còn phải làm bài tập ở trường, chỉ khi nào rảnh mẹ mới cho phép Long vẽ.
Bức tranh chân dung Long vẽ về mẹ vào cuối năm 2019
Chia sẻ cảm xúc của mình về bức tranh này, chị Hiếu cho biết, “Khi Long vẽ xong, Long có diễn đạt bằng ngôn ngữ cứ ký hiệu rằng, ‘Long tặng mẹ’. Nghe con diễn đạt như vậy, nước mắt tôi tự dưng cứ chảy tràn ra, tôi nhìn con, rồi hai mẹ con cùng ôm nhau khóc. Dẫu rằng, đây không phải là bức tranh đẹp nhất của con, nhưng đây là bức tranh duy nhất cho đến bây giờ con vẽ về mẹ”.
Sau giây phút xúc động ấy, chị Hiếu mới bình tĩnh hỏi lại Long, “Tại sao con lại vẽ đôi mắt mẹ buồn thế?”. Nghe khẩu hình miệng mẹ như vậy, Long hiểu và trả lời, những lời nói tuy không rõ nghĩa nhưng đại thể là, “Vì mẹ vất vả nuôi Long nên đôi mắt của mẹ mới buồn như vậy. Nhưng mẹ ơi, về sau Long lớn lên, Long sẽ bán tranh để mua nhà cho mẹ!”.
Long nói mua nhà cho mẹ là bởi trước đó Long từng hỏi mẹ, “Mẹ ơi, tại sao gia đình mình không có nhà mà phải đi thuê?’, chị Hiếu có giải thích cho con rằng, “Vì mẹ có một mình, lại phải nuôi Long và em ăn học, công việc mẹ làm không kiếm được nhiều tiền để có thể dành dụm tiền mua nhà cho các con”.
Được biết, tuy rằng biết Long bị câm điếc bẩm sinh nhưng trong cuộc sống hàng ngày chị Hiếu vẫn thường trò chuyện với Long, mặc dù có những lúc mẹ con không hiểu ý nhau vì Long không nghe được tiếng mẹ nói, nhưng hiện giờ Long vẫn có thể nói được những câu ấp úng, không rõ nghĩa. Về sau, để việc giao tiếp với con được tốt hơn, chị Hiếu có tham gia một lớp học về ngôn ngữ ký hiệu, từ khi tham gia lớp học này việc giao tiếp của chị và Long cải thiện nhiều hơn.
Trong khoảng thời gian này, khi mà dịch bệnh Covid-19 đang hoành hành, hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, chị Hiếu có bán đấu giá bức tranh “Biệt thự 39 Tô Hiến Thành” được 25 triệu đồng, trong đó có một nửa số tiền chị ủng hộ chương trình “Chung tay phòng chống dịch Covid-19″, còn một số tiền còn lại dùng để góp thêm cho ca phẫu thuật khuyết xương bàn chân của Long sẽ được thực hiện sau khi dịch Covid-19 kết thúc (với chi phí khoảng 70 – 80 triệu đồng).
Ngoài bức tranh trên, tháng 11/2016, Long đã từng tham gia cuộc thi vẽ dành cho thiếu niên mang tên “Cảm xúc trong em”, bức tranh Long vẽ đã được giải đặc biệt và được bán đấu giá 100 triệu đồng để ủng hộ một quỹ từ thiện dành cho trẻ em.
Đi đẻ ở Úc: Mẹ Việt xúc động vì bác sĩ chu đáo, gây tê màng cứng nhẹ như không, chẳng mất viện phí còn được quà 7 triệu mang về
Mặc dù hành trình chuyển dạ không hề dễ dàng song chị Uyên đã có những trải nghiệm đáng nhớ tại bệnh viện.
Cả thai kỳ siêu âm 3 lần, bác sĩ luôn hỏi mẹ bầu có vui vẻ không, có được chồng hỗ trợ không?
Chị Uyên Vũ hiện đang sống ở Sydney, Úc đã sinh em bé được gần 4 tháng. Trải qua một thai kỳ và hành trình sinh con khá tuyệt vời khi có sự hỗ trợ tận tâm của đội ngũ y, bác sĩ chị đã chào đón thiên thần nhỏ của mình trong niềm vui, hạnh phúc tại bệnh viện Royal Prince Alfred Hospital (Sydney).
Cả quá trình mang thai và sinh nở, chị Uyên đều được thăm khám cẩn thận và kỹ lưỡng. Ở Úc, suốt cả thai kỳ sẽ chỉ được siêu âm 3 lần. Lần đầu tiên vào lúc mới mang thai, lần 2 là khi được 20 tuần tuổi và lần cuối là lúc 36 tuần, trước khi đẻ để xác định xem bé có quay đúng đầu không để chỉ định đẻ mổ hay đẻ thường.
Ngoài ra ở Úc có 1 xét nghiệm rất quan trọng đó là xét nghiệm tiểu đường thai kỳ vì tỷ lệ mắc tiểu đường thai kỳ ở Úc khá cao. Việc phát hiện sớm sẽ đưa ra biện pháp thích hợp cho mẹ và bé. Trong suốt thai kỳ bệnh viện sẽ tổ chức các lớp học miễn phí về cách chăm sóc bé để các mẹ tham gia.
Các bác sĩ cũng rất quan tâm đến tâm lý của người mẹ. Lần nào đi khám, y tá cũng hỏi rằng mẹ có cảm thấy vui vẻ không, có được chồng hỗ trợ không, có cảm thấy điều gì khác thường về tâm lý không, nếu có họ sẽ chỉ định gặp bác sĩ tâm lý luôn.
Tiêm gây tê màng cứng nhẹ như không, khâu tầng sinh môn mất 1 tiếng đồng hồ
Khi mang thai hơn 38 tuần, chị Uyên bắt đầu có dấu hiệu chuyển dạ song vì khá nhẹ nhàng nên chị tưởng rằng đó là cơn gò sinh lý. Buổi sáng chị Uyên còn bị rỉ ối nhưng lượng không đáng kể, các cơn gò chỉ hơi lâm râm nên bà mẹ trẻ vẫn tung tăng đi mua sắm, ăn uống tưng bừng.
Đến chiều thì các cơn gò bắt đầu mạnh và dồn dập hơn, chị Uyên bắt đầu cảm thấy đau nhưng khi đọc về các dấu hiệu chuyển dạ thì chị vẫn cứ chỉ nghĩ rằng mình đang trải qua những cơn gò sinh lý. Sau khi được bạn bè khuyên nên vào bệnh viện kiểm tra, chị Uyên mới quyết định đến bệnh viện.
Khi đến viện, chị Uyên miêu tả chính xác những gì mà mình vừa trải qua và được y tá cho dùng máy đo nhịp tim thai trong vòng 30 phút để theo dõi. " Các cơn co của mình bắt đầu dữ dội hơn, cứ 7-10 phút một lần nhưng vẫn ở mức chịu đựng được. Sau khi theo dõi và kiểm tra, y tá bảo mình mới mở được 2 phân nên họ không cho ở lại viện vì chưa đẻ ngay. Họ hẹn mình sáng hôm sau nếu chưa đẻ thì đến siêu âm.
3 giờ sáng hôm sau thì các cơn gò trở nên dồn dập hơn, khoảng 5 phút/lần và mình không thể chịu đựng được nên lại khăn gói vào viện. Vào khám vẫn chỉ mở 3 phân, bác sĩ lại cho về nhưng mình nhất định không về nữa.
Sau đó mình được khuyên nên đi bộ để cổ tử cung mở nhanh hơn, mình phải cố đi chứ lúc đó đau muốn chết đi sống lại rồi" - chị Uyên kể thêm.
Một tiếng sau quay trở lại, chị Uyên mới chỉ mở được 4 phân. Vì đã đau lả người đi, sợ không còn sức để đẻ nên chị Uyên xin được gây tê màng cứng, chọc ối và truyền kích sinh.
Chị Uyên tâm sự, tiêm gây tê màng cứng quả thực là một lựa chọn cực kỳ sáng suốt của mình. Sau khi có thuốc vào người, chị không cảm thấy đau nữa nhưng vẫn cảm nhận được cơn co. Không lâu sau thì chị Uyên vỡ ối, và được truyền kích sinh để kích thích thích chuyển dạ. Sau 6 tiếng thì cổ tử cung mở hoàn toàn và lên bàn sinh, chỉ 20 phút sau là chị nhìn thấy thiên thần nhỏ của mình chào đời.
" Do bé chưa thực sự quay đầu nên quá trình sinh nở của mình khó và lâu hơn bình thường. Cũng may mình gặp được ê-kíp đỡ đẻ cực kỳ tuyệt vời và mình rất biết ơn các bác sĩ, y tá ở đây. Ai cũng nhẹ nhàng, tận tình và chu đáo.
Đến lúc sinh xong, y tá ra ôm mình và chồng mình rồi chúc mừng cả nhà, khen mình đã làm rất tốt, rất giỏi. Bác sĩ tiêm gây tê màng cứng thì vô cùng nhẹ nhàng, vừa làm vừa hỏi chuyện, giải thích từng công đoạn để xoa dịu cơn đau nên mình không cảm thấy đau. Bác sĩ khâu thì làm rất kỹ, vết rách có 1 tí mà khâu trong 1 tiếng, vết rách tự nhiên nhưng khâu rất đẹp" - bà mẹ trẻ bày tỏ.
Đi sinh không mất đồng nào còn được nhận món quà trị giá 7 triệu đồng mang về
Không chỉ trong quá trình vượt cạn mà những ngày sau sinh chị Uyên và em bé cũng được chăm sóc chu đáo, cần gì chỉ ấn nút là 2 phút sau y tá đã có mặt. Nửa đêm em bé khóc, y tá cũng vẫn vào giúp dỗ bé và hướng dẫn cách làm thế nào cho bé nín trong tình huống như vậy.
"C hốc chốc y tá lại hỏi mình có đau tầng sinh môn không? Có đau lưng không? 3 ngày ở viện nhờ sự chăm sóc và hướng dẫn chăm bé của các y tá nên mình hồi phục rất nhanh và chăm bé thành thạo hơn.
Các bữa ăn của viện từ bữa sáng đến bữa trưa, bữa tối đều có đầy đủ dưỡng chất bao gồm sữa chua, nước hoa quả, bột yến mạch, bơ... Nhà bếp của bệnh viện lúc nào cũng có sẵn sữa và đồ ăn thức uống để khi đói mình có thể lấy bất cứ lúc nào. Tầm 11 giờ sáng và 4 giờ chiều sẽ là giờ phục vụ trà bánh cho các mẹ. Lúc ra về mình còn được tặng 1 gói quà của bệnh viện trị giá 300 USD (khoảng 7 triệu đồng). Toàn bộ chi phí khám thai từ lúc mang bầu và chi phí sinh con đều được bảo hiểm chi trả hoàn toàn" - chị Uyên nhớ lại những trải nghiệm của mình khi đi đẻ.
Đối với chị, trải nghiệm hành trình sinh con sinh con sẽ là ký ức đẹp của 2 mẹ con về những con người tốt bụng, tận tâm và đáng mến ở bệnh viện Royal Prince Alfred Hospital.
V.V.
Con trai 8 tuổi thấy mẹ cho em bé bú thì bất ngờ nói "Mẹ ơi, con cũng muốn bú", câu trả lời của người mẹ khiến ai nấy thán phục Vài ngày trước, khi con trai lớn nhìn thấy mẹ cho em bú, cậu bé bất ngờ sà vào và nói: "Mẹ ơi, con cũng muốn bú!". Trương Phương (32 tuổi) là một bà mẹ 2 con người Trung Quốc. Con trai lớn của cô lên 8 tuổi, năm ngoái cô vừa sinh đứa con thứ hai. Vài ngày trước, khi con trai...