Số phận người đưa tàu sân bay Liêu Ninh về Trung Quốc
Chuyện về tàu sân bay Liêu Ninh không chỉ dừng lại ở thương vụ trị giá 20 triệu USD mà còn cả chặng đường khó khăn để đưa nó về Trung Quốc. Xu Zengping phải tự bỏ ra rất nhiều tiền và không nhận được hỗ trợ nào từ chính phủ, theo South China Morning Post (SCMP).
Tàu sân bay Liêu Ninh – Ảnh: Reuters
Đưa tàu về Đại Liên
Thương vụ hoàn thành và xưởng đóng tàu Ukraine không có trách nhiệm đưa con tàu từ Biển Đen tới Trung Quốc. Ông Xu Zengping đã phải xoay xở để đưa tàu sân bay mới mua vượt Đại Tây Dương để tới được Đại Liên, Liêu Ninh.
Thời điểm đó, ông Xu đã hợp tác với Nhà thầu Vận tải quốc tế (ITC) của Hà Lan để đưa con tàu đi bằng mọi cách. Vào ngày 14.6.1999, thủy thủ đoàn và chiếc tàu kéo Sable Cape của ITC đã nhổ neo. Chuyến hành trình thuận buồm xuôi gió cho tới khi đoàn đến eo biển Bosphorus, biên giới trên biển của Thổ Nhĩ Kỳ – giữa phương Đông và phương Tây.
Thời điểm này, quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ đã xấu đi. Vào ngày 7.5.1999, Mỹ đã ném bom vào đại sứ quán Trung Quốc tại Belgrade trong cuộc không chiến của NATO tại Nam Tư. Sự kiện này được Mỹ lý giải là nhầm lẫn, tuy nhiên, Trung Quốc cho rằng cách giải thích đó không thuyết phục, nhiều cuộc biểu tình chống Mỹ đã nổ ra ở Trung Quốc.
Trong bối cảnh đó, Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh của Mỹ đã không cho phép con tàu đi qua eo biển. Đoàn tàu đã chờ trong 1 tháng nhưng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn giữ nguyên quyết định, buộc con tàu phải quay trở lại Ukraine. “Tôi cảm thấy bất lực khi con tàu phải chờ 1 tháng ở eo biển Bosphorus. Có lúc, tôi đã chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất. Chúng tôi thà để con tàu khổng lồ này chìm xuống biển còn hơn là để nó rơi vào tay kẻ thù của Bắc Kinh, như Nhật Bản”, SCMP dẫn lời ông Xu.
Xu và đoàn tàu lại rơi vào bế tắc và phải chờ thêm 15 tháng, mãi đến khi lãnh đạo Trung Quốc bắt đầu xem xét lại dự án tàu sân bay được hải quân nước này đề xuất trước đây. Vấn đề quốc phòng được đưa trở lại chương trình nghị sự sau vụ đánh bom đại sứ quán và việc có một tàu sân bay để đối phó với Mỹ trở nên cấp thiết.
Hành trình đưa tàu sân bay Liêu Ninh về Trung Quốc – Ảnh: chụp màn hình SCMP
Tháng 4.2000, Chủ tịch Giang Trạch Dân đã tới thăm thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ. Ông hứa hẹn sẽ khuyến khích du khách Trung Quốc tới thăm nước này, đồng thời mở cửa thị trường đối với hàng hóa Thổ Nhĩ Kỳ. Cuối cùng, ngày 25.8.2001, Thổ Nhĩ Kỳ quyết định cho phép tàu sân bay Liêu Ninh đi qua Địa Trung Hải.
Video đang HOT
Hải trình tới Trung Quốc của tàu Liêu Ninh lại bắt đầu. Lần này, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đã tạo điều kiện cho Liêu Ninh và đội tàu hộ tống gồm 11 tàu kéo và 15 tàu đi qua.
Thế nhưng, khó khăn chưa dừng lại, bão trên biển đã làm đứt dây nối giữa tàu Liêu Ninh và các tàu kéo. Có lúc, tàu sân bay này đã bị trôi dạt trong 4 ngày liên tiếp tại Aegean. Đoàn tàu đã phải “nhích” dần qua Địa Trung Hải, qua eo biển Gibraltar rồi ra Đại Tây Dương. Đoàn đi vòng quanh mũi Hảo Vọng của châu Phi, vượt qua eo biển Malacca. Đến ngày 3.3.2002, 5 tàu khác kéo chiếc tàu sân bay vào Đại Liên.
Chia sẻ về hành trình gian nan đó, ông Xu nói rằng điều đó như thể tôi đang nhìn thấy “đứa con trai thất lạc tìm được đường về nhà”, theo SCMP.
Ngọt ngào và cay đắng
Mặc dù cảm thấy hài lòng khi chinh phục được chuyến hành trình nhiều khó khăn ấy và đưa về chiếc tàu sân bay được ông ví như “con trai” mình, thế nhưng ông Xu còn nhận được cả những đắng cay. Số tiền không dừng lại ở 20 triệu USD mà còn rất nhiều chi phí khác.
Ông Xu cho biết: “20 triệu USD chỉ là giá bán của tàu sân bay. Trong thực tế, tôi còn phải trả ít nhất 120 triệu USD cho thương vụ này kể từ năm 1996 đến năm 1999. Thế nhưng, tôi vẫn chưa nhận được một đồng nào từ chính phủ. Tôi đã bàn giao nó cho hải quân”, theo SCMP.
Xu Zengping, người được xem là đã mua chiếc tàu sân bay đầu tiên cho Trung Quốc – Ảnh: chụp màn hình SCMP
Một nguồn tin thân cận liên quan đến thương vụ này cho biết Xu đã phải gánh những chi phí này vì nhiều người trong số các quan chức hải quân đã tiếp cận ông đều đã chết hoặc bị bỏ tù.
Doanh nhân Hồng Kông này đã phải bán nhà, cầm cố đất đai để có tiền chi trả. Thế nhưng, do chậm trễ và phát sinh các chi phí khác, đi kèm, ông Xu đã phải thanh lý nhiều tài sản cá nhân. Ông cũng đã phải từ bỏ việc kinh doanh riêng và vay mượn những người quen biết ở Hồng Kông để xoay xở.
Ông Xu nói: “Tôi đã dành 18 năm để trả hết nợ, cả gốc lẫn lãi”. Thế nhưng, không may, ông đã dính vào vòng lao lý do nợ nần.
Theo cuốn China’s Carrier do China Development Press, Xu đã thỏa thuận với Hội đồng Nhà nước trong nhiều năm về việc bồi thường nhưng Bắc Kinh chỉ trả 20 triệu USD giá đấu thầu, và chỉ trả các chi phi khác nếu ông Xu có thể trình ra hóa đơn.
Một nguồn tin liên quan đến thương vụ nói: “Điều này thật vô lý và bất công. Làm thế nào mà phía Ukraine có thể cung cấp biên lai cho các bữa ăn, quà tặng và hàng đống hóa đơn đô la Mỹ? Rồi còn những thiệt hại trong việc huy động tiền sẽ giải quyết thế nào?”. Chưa kể việc Xu đã trả cho chính quyền Ma Cao 700.000 USD để tạo ra câu chuyện về sòng bạc nổi để lấy cớ mua tàu.
Ông Xu cho biết chính phủ trung ương đã từ chối trả tiền cho ông vì “hải quân không có ngân sách vào cuối những năm 1990 do nền kinh tế nghèo nàn của Trung Quốc thời điểm đó”, thế nhưng theo ông, đó không phải là lý do chính đáng.
Sau tất cả những điều đó, ông Xu tự an ủi: “Một số chuyên gia hải quân nói với tôi thương vụ này đã giúp đất nước tiết kiệm ít nhất 15 năm nghiên cứu khoa học. Tôi đã không nản lòng và ý chí của tôi đã giúp tôi hoàn thành sứ mệnh. Cuối cùng, nó cũng gián tiếp khiến chính phủ trung ương thay đổi chính sách quốc phòng”, theo SCMP.
Ngọc Mai
Theo Thanhnien
Sự thật thương vụ tàu sân bay Liêu Ninh: Động cơ nguyên vẹn
Xu Zengping, người mua tàu sân bay Liêu Ninh, không chỉ cho báo giới biết sự thật về nhiệm vụ và chi tiết thương vụ mà còn tiết lộ những bí mật ít ai biết về động cơ của tàu Liêu Ninh, theo South China Morning Post (SCMP).
Ông Xu Zengping (phải) và người đã thiết kế tàu sân bay Liêu Ninh - Ảnh: chụp màn hình SCMP
Lần đầu tiên, ông Xu Zengping tiết lộ động cơ quân sự của con tàu thực chất vẫn còn nguyên khi Ukraine bán cho Xu vào năm 1998. Điều này trái với những gì mà Bắc Kinh nói với thế giới vào thời điểm đó, theo SCMP.
Ông Xu cho biết 4 động cơ vẫn nguyên vẹn, phủ kín dầu mỡ, sau khi con tàu này ngừng vận hành vào năm 1992, và trở thành món hời lớn cho Trung Quốc.
Đây là lần đầu tiên những người liên quan công khai xác nhận động cơ của con tàu vẫn còn nguyên vẹn tại thời điểm diễn ra vụ mua bán. Trong khi đó, các tin tức trước đây lại khẳng định hệ thống phát điện của tàu cùng các thiết bị điện tử và vũ khí đã bị xưởng đóng tàu Nikolayev của Ukraine tháo dỡ tại Biển Đen trước khi Xu mua nó vào năm 1998 với giá 20 triệu USD.
Ông Xu nói: "Khi tôi được kỹ sư trưởng của xưởng đóng tàu đưa tới phòng máy của con tàu, tôi nhận thấy cả 4 động cơ đều còn mới và được bôi dầu mỡ cẩn thận, mỗi chiếc đều có giá ban đầu là 20 triệu USD". Ông cũng cho hay một đợt tân trang vào năm 2011 đã phục hồi cả 4 động cơ để con tàu có thể vận hành.
Tiêm kích J15 trên tàu sân bay Liêu Ninh - Ảnh: Reuters
Một nguồn tin thân cận trong thương vụ này tiết lộ với SCMP: "Phía Trung Quốc đã cố tình đưa ra thông tin sai lệch về việc tháo bỏ các động cơ để Xu và xưởng đóng tàu dễ dàng thương lượng hơn".
Nguồn tin này cũng cho biết truyền thông phương Tây đã đưa tin việc Mỹ gây áp lực cho Ukraine để nước này tháo bỏ mọi thứ bên trong con tàu và chỉ bán thân tàu cho thương gia Trung Quốc.
Một đại tá nghỉ hưu của hải quân Trung Quốc thậm chí còn cho rằng rất có thể tàu sân bay Liêu Ninh vẫn sử dụng những động cơ gốc của Ukraine. "Công nghệ động cơ của Ukraine tốt hơn so với Trung Quốc. Theo như tôi biết, hải quân của chúng tôi đã nhờ tới sự giúp đỡ của Ukraine để có được các động cơ đó. Chúng được bảo dưỡng trong nhiều năm và vẫn đang hoạt động", SCMP dẫn lời vị đại tá này.
Tàu sân bay Liêu Ninh - Ảnh: Reuters
Bên cạnh đó, ông Antony Wong Dong, một nhà quan sát quân sự tại Ma Cao cho biết sau nhiều năm đàm phán, xưởng đóng tàu Biển Đen cũng đã chuyển giao công nghệ động cơ cho Công ty Turbine Barbin (công ty chuyên sản xuất nồi hơi quân sự, tua tin và thiết bị hơi nước của Trung Quốc).
Tuy vậy, theo ông Antony Wong Dong, "các hệ thống động cơ đẩy ban đầu được thiết kế cho tàu Liêu Ninh giống với tàu sân bay lớp Kuznetsov của Nga với tốc độ lớn nhất là 32 hải lý. Nhưng tàu Liêu Ninh nặng hơn 6.000 tấn, vì vậy, theo lý thuyết nó sẽ đi chậm hơn. Thế nhưng các cuộc chạy thử nghiệm trên biển gần đây cho thấy tốc độ lớn nhất của tàu Liêu Ninh đạt hơn 32 hải lý. Điều này cho thấy hệ thống động cơ đẩy của nó đã được nâng cấp".
Vậy là lại thêm một bí mật nữa về chiếc tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc - chiếc tàu do Xu mua được với cớ xây dựng khách sạn và sòng bạc lớn nhất thế giới - nay được dùng để huấn luyện và phục vụ công tác nghiên cứu cho quân đội nước này.
Tuy những bí mật này cho thấy Trung Quốc đã có món hời lớn từ thương vụ, nhưng cũng không phải câu chuyện chỉ là mua tàu. Trung Quốc phải mất 4 năm mới đưa tàu sân bay này từ Ukraine về Liêu Ninh và mất hơn 1 thập kỷ để trang bị và hoàn thiện. Số hiệu 16 của tàu Liêu Ninh cũng bằng số năm từ khi Trung Quốc thực hiện thương vụ đến khi hoàn thành.
Ngọc Mai
Theo Thanhnien
Trung Quốc sẽ xây căn cứ tàu sân bay tương lai ở đâu? Các chuyên gia cho rằng Trung Quốc cần ít nhất 4 căn cứ tàu sân bay tương lai, trong đó có 2 căn cứ chính và 2 căn cứ hỗ trợ. Tàu sân bay Liêu Ninh. Ảnh: Kyodo Thời gian gần đây, cư dân mạng Trung Quốc đang sôi nổi thảo luận địa điểm mà chính phủ của họ sẽ lựa chọn để...