Số phận hệ thống THAAD tại Hàn Quốc được định đoạt
Sau nhiều đồn đoán về việc Hàn Quốc mua hệ thống tên lửa đánh chặn THAAD của Mỹ, Seoul vừa có câu trả lời chính thức về thông tin này.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Kim Min-seok cho biết: “Chúng tôi thừa nhận rằng từng đề nghị Mỹ cung cấp tài liệu liên quan đến hệ thống THAAD nhưng mục đích của chúng tôi là nhằm thu thập tài liệu để tự lực phát triển hệ thống phòng thủ nội địa, chứ không phải là tiền để để nhập khẩu hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối THAAD”.
Để khẳng định cho tuyên bố trên của ông Kim Min-seok, Cục trưởng Cục chính sách hệ thống phòng thủ tên lửa thuộc Bộ quốc phòng Mỹ Bureaux Davis cho biết, chính phủ Hàn Quốc đã đề nghị chính phủ Mỹ cung cấp tài liệu liên quan đến hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Tập đoàn Lockheed Martin.
Thông tin này khiến báo giới cho rằng phía Hàn Quốc đang nghiên cứu khả năng nhập khẩu các loại vũ khí kể trên, đặc biệt là hệ thống THAAD.
Hệ thống tên lửa đánh chặn THAAD
Trước đó, các phương tiện truyền thông đại chúng đưa tin nói rằng Mỹ đã tiến hành khảo sát thực địa tại Hàn Quốc về những địa điểm có khả năng đặt hệ thống THAAD, song vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng.
Video đang HOT
Tuy nhiên, thực tế câu chuyện về hệ thống tên lửa phòng không tầm cao của Hàn Quốc với Mỹ phức tạp hơn những gì Yonhap đưa tin. THAAD với khả năng tiêu diệt mục tiêu ở độ cao từ 40-150 km từng là ứng viên đầy tiềm năng giúp Hàn Quốc tăng cường hệ thống phòng thủ tên lửa.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Kwan-jin nhiều lần từ chối tham gia hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu của Mỹ và khẳng định Hàn Quốc không xem xét tới việc mua THAAD cũng như các tên lửa SM-3 phóng từ biển.
Các tuyên bố kiểu này từ Seoul được giới phân tích đánh giá nhằm xoa dịu lo ngại từ phía Nga, Trung Quốc và Triều Tiên, những nước vốn phản đối kịch liệt chương trình NMD của Mỹ.
Trong khi đó hãng tin Yonhap dẫn lời ông Kim Kwan-jin nhiều lần cho biết, nước này sẽ tự phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa riêng để đánh chặn các tên lửa ở tầm cao hơn thay vì tiếp nhận Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ.
Theo đó, quân đội Hàn Quốc đã quyết định tự phát triển tên lửa đất đối không tầm xa (L-SAM) tương thích với hệ thống THAAD do tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ sản xuất, dựa trên một nghiên cứu thử nghiệm do Cơ quan Quản lý chương trình mua sắm quốc phòng (DAPA) tiến hành.
Nguồn tin giấu tên trong Bộ Quốc phòng Hàn Quốc khẳng định qua điện thoại rằng “thông tin này là có thật”, đồng thời chỉ rõ những kế hoạch chi tiết sẽ được công bố sau cuộc họp của ủy ban dự án quốc phòng diễn ra vào ngày 11/6 tới.
Dự kiến, phải mất khoảng 7 năm để phát triển hệ thống L-SAM và hệ thống này sẽ được triển khai trong khoảng thời gian từ năm 2023 tới 2024. L-SAM sẽ có khả năng đánh chặn các tên lửa ở tầm cao trên 40 km, qua đó lấp chỗ trống mà PAC-2 và PAC-3 để lại do không thể bắn hạ các tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân được phóng từ Triều Tiên.
Ngoài ra, nguồn tin cũng cho biết Hàn Quốc sẽ nâng cấp các tổ hợp tên lửa PAC-2 của nước này lên bằng PAC-3 của Lockheed Martin để bắn hạ các tên lửa có khả năng phóng từ Triều Tiên ở tầm cao không quá 40 km.
Mỹ thử nghiệm hệ thống đánh chặn PAC-3 thế hệ mới
THAAD là viết tắt của cụm từ Terminal High Altitude Area Defense (hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối).
Đây là hệ thống tên lửa được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung. Ngoài ra, nó cũng có khả năng hạn chế trong việc đánh chặn tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).
THAAD được thiết kế và phát triển bởi Lockheed Martin. Mỗi khẩu đội THAAD bao gồm: 4 xe phóng mang tên lửa (8 ống phóng/xe), radar tìm kiếm mục tiêu và điều khiển hỏa lực AN/TPY-2 cùng một xe trung tâm điều khiển di động và 2 trung tâm hoạt động chiến thuật TOC (“trái tim” của mỗi trung tâm là hệ thống xử lý dữ liệu Hewlett-Packard HP-735).
Trong đó, AN/TPY-2 là một radar mạng pha hoạt động ở băng tần X, có khả năng phát hiện các mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo tầm ngắn, tầm trung ở cự ly 1.000km.
Khi chiến đấu, “mắt thần” AN/TPY-2 sẽ thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm và phát hiện mục tiêu (các mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo chiến thuật, tên lửa đạn đạo tầm trung).
Nó cũng có thể tiếp nhận thông số về mục tiêu từ các hệ thống radar phòng thủ tên lửa đạn đạo khác. Sau đó, hệ thống dữ liệu chiến đấu sẽ tính toán các thông số về mục tiêu và kích hoạt tên lửa đánh chặn.
THAAD được trang bị công nghệ đánh chặn “hit-to-kill” (truy đuổi – tiêu diệt) tương tự như công nghệ được trang bị trên hệ thống tên lửa phòng không Patriot.
Đạn tên lửa có chiều dài 6,17m, sử dụng động cơ nhiên liệu rắn điều khiển bằng lực đẩy vector. Tên lửa có khả năng đánh chặn mục tiêu ở cự ly từ 150-200km, tầm cao 25km.
Giai đoạn tiếp cận tên lửa địch, THAAD sử dụng module đánh chặn được trang bị đầu tự dẫn hồng ngoại để truy theo mục tiêu. Tên lửa tiêu diệt mục tiêu bằng động năng từ vụ va chạm tốc độ cao, không sử dụng đầu đạn chứa thuốc nổ như tên lửa thông thường.
Trong những lần thử nghiệm, THAAD đã chứng minh khả năng tương thích dữ liệu mục tiêu cùng với hệ thống đánh chặn Aegis và Patriot PAC-3.
THAAD cùng với Aegis, Patriot PAC-3 tạo nên hệ thống đánh chặn 3 tầng. Trong đó, hệ thống Aegis chống mục tiêu ở tầm cao, THAAD ở tầm trung và PAC-3 ở tầm ngắn.
Chúng thiết lập nên “cái ô che chắn” cho Mỹ và các đồng minh khỏi mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo của đối phương.
Theo Đất Việt