“Số phận” của 1.000 khẩu pháo được triển khai tại biên giới Hàn – Triều
Hàn Quốc và Triều Tiên đang thảo luận các phương án liên quan tới việc di dời 1.000 khẩu pháo do Bình Nhưỡng triển khai tại khu vực biên giới và từng bị coi là mối đe dọa với Seoul.
Quân đội Triều Tiên tập trận pháo binh bên bờ biển (Ảnh: KCNA)
Trong bài phát biểu nhân kỷ niệm 68 năm ngày Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) nổ ra, Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak-yon cho biết “việc di dời các hệ thống pháo tầm xa của Triều Tiên ra khỏi khu vực biên giới đang được thảo luận”. Thủ tướng Lee cũng đã đề cập tới các động thái thiện chí của hai nước trong những tháng gần đây nhằm hạ nhiệt căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
Trước đó, Triều Tiên từng triển khai 1.000 khẩu pháo tới gần biên giới với Hàn Quốc. Hầu hết dàn vũ khí này được cho là nhắm mục tiêu tới thủ đô Seoul – nơi có khoảng 25 triệu người sinh sống và chỉ cách biên giới 40-50 km. Sách trắng Quốc phòng năm 2016 của Hàn Quốc từng mô tả dàn pháo của Triều Tiên là một trong những mối đe dọa lớn nhất, bên cạnh các chương trình hạt nhân và tên lửa.
Phát biểu của Thủ tướng Lee là xác nhận chính thức đầu tiên của chính quyền Hàn Quốc sau khi truyền thông đưa tin rằng Seoul đã yêu cầu Bình Nhưỡng di dời các khẩu pháo ra khỏi khu vực biên giới chung trong cuộc hội đàm quân sự liên Triều trong tháng này. Theo truyền thông Hàn Quốc, tại cuộc đàm quân sự, Triều Tiên cũng yêu cầu Hàn Quốc và Mỹ phải rút các hệ thống pháo của hai nước này khỏi khu vực biên giới như một động thái “có đi có lại”.
Các quan chức quân sự Hàn Quốc và Triều Tiên hôm nay 25/6 đã gặp mặt để thảo luận về việc khôi phục hoàn toàn đường dây nóng liên lạc ở vùng biển phía Đông và Hoàng Hải. Đường dây liên lạc ở vùng biển phía Đông đã bị phá hủy trong trận cháy rừng vào năm 2013 và cần được nối lại. Trong khi đó, đường dây liên lạc quân sự chạy qua Hoàng Hải hiện có một phần không hoạt động.
Cuộc hội đàm quân sự liên Triều diễn ra một ngày sau khi Hàn Quốc thông báo sẽ đình chỉ “vô thời hạn” hai cuộc tập trận thường niên quy mô nhỏ với Mỹ. Trước đó, Seoul và Washington cũng thông báo dừng cuộc tập trận quy mô lớn mang tên Người Bảo vệ tự do Ulchi để ủng hộ các biện pháp ngoại giao với Bình Nhưỡng.
Video đang HOT
Các dự án hợp tác liên Triều
Các tuyến tàu hỏa và đoàn xe tải chạy qua biên giới Hàn – Triều (Ảnh: Yonhap)
Giới chức Hàn Quốc cho biết Hàn Quốc và Triều Tiên đã nhất trí tổ chức một loạt các cuộc hội đàm để thảo luận về các dự án hợp tác kinh tế trong tuần này. Đây là một phần trong nỗ lực hòa hoãn liên Triều sau hội nghị thượng đỉnh song phương hồi tháng 4 nhằm mở rộng hợp tác giữa Seoul và Bình Nhưỡng trong các lĩnh vực ngoài quân sự và nhân đạo.
Theo Bộ Thống nhất Hàn Quốc, hai nước đang lên kế hoạch tổ chức cuộc họp tại Nhà Hòa Bình ở khu phi quân sự liên Triều vào ngày mai 26/6 để bàn về việc kết nối và hiện đại hóa tuyến đường sắt xuyên biên giới. Phía Hàn Quốc dự kiến cử một phái đoàn 3 người do Thứ trưởng Bộ Giao thông Kim Jeong-ryeol dẫn đầu. Đoàn Triều Tiên do Thứ trưởng Bộ Đường sắt Kim Yun-hyok dẫn đầu.
Hai miền Triều Tiên cũng dự kiến tổ chức các cuộc hội đàm riêng về hợp tác đường bộ vào ngày 28/6 tại Tongilgak – tòa nhà bên phía Triều Tiên ở khu phi quân sự liên Triều. Phái đoàn Hàn Quốc do ông Kim Jeong-ryeol dẫn đầu sẽ tham dự cuộc họp này với phái đoàn Triều Tiên do Thứ trưởng Bộ Bảo vệ Môi trường Pak Yong-ho dẫn đầu.
Ngoài ra, một cuộc gặp liên Triều về hợp tác lâm nghiệp sẽ diễn ra vào ngày 27/6, song địa điểm tổ chức cuộc họp vẫn chưa được quyết định. Ông Ryu Kwang-soo, Thứ trưởng Bộ Lâm nghiệp Hàn Quốc, sẽ dẫn đầu phái đoàn Seoul còn phái đoàn Triều Tiên sẽ do ông Kim Song-jun, quan chức cấp cao của Bộ Bảo vệ Môi trường, dẫn đầu.
Thành Đạt
Theo Dantri
Uy lực thực sự của không quân Triều Tiên
Triều Tiên có lực lượng không quân được đánh giá là mạnh về số lượng, song năng lực thực sự vẫn chưa theo kịp Mỹ và Hàn Quốc.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un ngồi trên một máy bay chiến đấu của Triều Tiên (Ảnh: KCNA)
Theo báo cáo mới được công bố gần đây của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) về quân đội Triều Tiên, Không quân Triều Tiên hiện có 110.000 quân nhân, bao gồm lực lượng nhân sự phụ trách gần 1.650 máy bay. Không quân Triều Tiên có khoảng 820 máy bay chiến đấu, 30 máy bay trinh sát và 330 máy bay vận tải.
"Khi xảy ra chiến tranh, lực lượng không quân Triều Tiên có khả năng tiến hành các cuộc không kích ném bom chiến thuật và chiến lược hạn chế trong ngắn hạn và tấn công bất ngờ", báo cáo của IISS cho biết.
Do các máy bay của Không quân Triều Tiên được bố trí rải khắp lãnh thổ nên Bình Nhưỡng có thể "tiến hành các cuộc không kích nhằm vào các căn cứ chỉ huy và kiểm soát, các cơ sở phòng không và công nghiệp mà không cần sắp xếp lại hoặc di dời vị trí của các máy bay".
Theo báo cáo của IISS, những máy bay tốt nhất của Triều Tiên gồm máy bay chiến đấu MiG-29 với số lượng vài chục chiếc, 46 máy bay chiến đấu MiG-23 và khoảng 30 máy bay tấn công mặt đất Su-25.
"Các máy bay còn lại cũ hơn và hoạt động kém hiệu quả hơn, gồm các máy bay chiến đấu MiG-15, MiG-17/J-5, MiG-19/J-6, MiG-21/J-7 và máy bay ném bom hạng nhẹ Il-28/H-5", IISS cho biết.
IISS nhận định tất cả các máy bay trên của Triều Tiên đều được sản xuất từ những năm 1980, do vậy chúng không đủ khả năng tham gia vào các cuộc chiến tranh điện tử trong môi trường gây nhiễu như hiện nay. Theo IISS, đây là điều mà Mỹ có thể sẽ tính đến nếu xảy ra xung đột với Triều Tiên.
Gần như tất cả các máy bay của Mỹ đều có khả năng gây nhiễu. Thậm chí các máy bay có khả năng tác chiến điện tử đặc biệt có thể được phóng từ tàu sân bay của Mỹ trong các cuộc xung đột. Ngoài ra, Mỹ và Hàn Quốc còn có khả năng giám sát máy bay qua vệ tinh và máy bay trinh sát không người lái, cho phép hai nước này ngăn chặn bất kỳ cuộc tấn công bất ngờ nào từ Triều Tiên.
Một điểm yếu nữa thậm chí còn nghiêm trọng hơn so với việc sở hữu các máy bay đời cũ là các phi công Triều Tiên không được huấn luyện đầy đủ. Do Triều Tiên phụ thuộc chủ yếu vào Trung Quốc về nguồn nhiên liệu máy bay trong khi đây lại là mặt hàng bị cấm theo lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế, nên Bình Nhưỡng buộc phải tiết kiệm số nhiên liệu ít ỏi mà họ có được hiện nay. Điều đó đồng nghĩa với việc các phi công Triều Tiên có ít thời gian bay và gần như không có nhiều cơ hội để thực hành kỹ năng đối phó với máy bay đối thủ.
Vì lý do trên, Triều Tiên đã xây dựng các hầm chứa máy bay dưới mặt đất, được gia cố chắc chắn để chống bom. Ngoài ra, Bình Nhưỡng cũng sử dụng các tên lửa đất đối không để đối phó với các cuộc không kích.
Báo cáo của IISS nhận định Không quân Triều Tiên có thể gây ấn tượng về quy mô, nhưng thực tế cho thấy họ vẫn không thể theo kịp năng lực của Không quân Mỹ và Hàn Quốc.
Thành Đạt
Theo Dantri
Sau hơn 60 năm, Đức mới được xem là nước tham gia Chiến tranh Triều Tiên Chính quyền Hàn Quốc đã bổ sung Cộng hòa Liên bang Đức vào danh sách những nước tham gia cuộc Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) vì đã hỗ trợ xây bệnh viện và cử đội ngũ y tế đến miền Nam. Bác sĩ người Đức khám bệnh tại bệnh viện ở Busan năm 1954 Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ngày 22.6 thông báo...