Số phận cầu Long Biên: Hà Nội phản hồi
Sau những tranh luận gần đây về số phận cầu Long Biên, Hà Nội đã có thông báo chính thức bày tỏ quan điểm của mình.
Người phát ngôn của UBND Thành phố Hà Nội cho biết, theo Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội, có phương án làm cầu đường sắt vượt sông Hồng tại khu vực cầu Long Biên. Thành phố Hà Nội cùng với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng giao cơ quan tư vấn nghiên cứu, đề xuất phương án hướng tuyến và vị trí cầu đường sắt vượt sông Hồng.
Theo người phát ngôn của UBND Thành phố, các phương án cụ thể do cơ quan tư vấn đề xuất vừa qua sẽ còn được bàn bạc và thảo luận. “Thành phố Hà Nội luôn có quan điểm nhất quán về việc phải giải quyết hài hòa giữa bảo tồn và phát triển”, người phát ngôn của UBND Thành phố cho hay.
Thành phố Hà Nội sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ liên quan tổ chức hội thảo với sự tham gia rộng rãi của các nhà khoa học, nhà quản lý, các chuyên gia trên nhiều lĩnh vực để xem xét nhằm đề xuất phương án tối ưu.
Phương án sẽ đảm bảo gắn kết việc bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa cầu Long Biên – cầu đường sắt hiện có gắn với bảo tồn khu phố cổ, với mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, phát triển giao thông, đảm bảo tốt nhất yêu cầu cảnh quan kiến trúc và môi trường đô thị của Thành phố theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trên cơ sở kết quả thảo luận, Bộ Giao thông – Vận tải sẽ cùng với Thành phố Hà Nội báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Video đang HOT
Hà Nội sẽ lấy ý kiến các nhà khoa học, quản lý, chuyên gia… về “số phận” cầu Long Biên
Trước đó, sau khi có thông tin Bộ Giao thông – Vận tải và Thành phố Hà Nội đang tính toán xây một cầu đường sắt mới ngay tại vị trí cầu Long Biên hiện tại, nhiều chuyên gia và dư luận không đồng tình. Nguyên do bởi cầu Long Biên, công trình được xây dựng từ những năm cuối của thế kỷ 19, được cho là một trong những biểu tượng và công trình lịch sử có giá trị.
Trao đổi với Khampha.vn, ông Phan Đăng Long, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết, theo quy định của luật di sản, những hiện vật có tuổi thọ từ 100 năm trở lên sẽ được coi là di sản. Cầu Long Biên đã có hơn 100 năm, tuy nhiên, tới giờ vẫn chưa được xếp hạng di tích.
Theo ông Long, muốn công nhận là di sản, ngoài quy định tuổi thọ 100 năm, cũng cần có thủ tục hành chính để công nhận di sản. Thủ tục hành chính hiện nay đang có “vướng mắc” và sẽ sớm được giải quyết.
Mặc dù vậy, theo ông Long, bản thân cầu Long Biên hiện nay là một di sản. Do vậy, phải được bảo tồn và giữ gìn theo quy định luật di sản.
Ông Long cũng chỉ ra điểm khác biệt của “di sản cầu Long Biên” vừa là di sản vừa đang làm nhiệm vụ dân sinh. Trong khi đó, hầu hết các di sản khác không còn nhiệm vụ “quốc kế dân sinh”.
Hiện tại, cây cầu đang có biểu hiện xuống cấp. Ông nói: “Nếu cầu còn làm nhiệm vụ cho phương tiện giao thông đi lại thì việc bảo đảm an toàn người dân là điều tối quan trọng”.
Ông Long cũng cho rằng, các ý kiến trái chiều nhau về số phận cầu Long Biên thời gian qua là minh chứng thực tế giữa việc làm sao vừa bảo tồn vừa đáp ứng nhiệm vụ phát triển.
Theo Khampha
Cầu Long Biên: Chứng nhân vô giá của lịch sử
Cầu Long Biên (xây dựng 1899 - 1902) là một chứng nhân quan trọng trong suốt hơn một thế kỷ không chỉ của Hà Nội mà của cả nước.
Sau những tàu chiến và đại bác, cùng với Đường sắt Việt Nam (khởi công xây dựng 1881), nó là chứng tích quan trọng nhất của thành tựu kỹ thuật - công nghiệp châu Âu tràn vào Việt Nam.
Về mặt kiến trúc và kỹ thuật xây dựng, nó là một công trình tuyệt đẹp có giải pháp thiết kế kiểu giàn treo mà trên thế giới hiện chỉ còn 4 cái như vậy, trong đó có tháp Eiffel (có tài liệu ghi cầu Long Biên do chính kỹ sư Eiffel thiết kế), tức đã trở thành một di sản quý hiếm của nhân loại chứ chả riêng gì của Việt Nam và Hà Nội.
Hình dáng lên xuống, uốn lượn giống con Rồng của nó phù hợp một cách tuyệt vời với lịch sử Rồng bay nghìn năm văn hiến của đất Thăng Long.
Nhóm chiến sĩ đầu tiên qua cầu Long Biên tiến vào tiếp quản Thủ đô ngày 10/10/1954 (trái); Cầu Long Biên bị máy bay Mỹ làm hư hại năm 1972
Về công năng kinh tế - xã hội thì khó đánh giá hết được giá trị to lớn của nó trong sự phát triển của không riêng Hà Nội và các vùng phụ cận, không chỉ miền Bắc mà cả miền Trung, miền Nam, đặc biệt là trong giai đoạn rất dài khi nó là cái gạch nối liền duy nhất bằng đường bộ và đường sắt của phần còn lại của cả nước với Việt Nam phía Bắc sông Hồng và trong một thời gian là cả các nước xã hội chủ nghĩa.
Về lịch sử thì nó là chứng tích lịch sử quan trọng của nhiều giai đoạn: giai đoạn thuộc địa, giai đoạn chiến tranh giữ nước, giai đoạn hoà bình, kiến thiết. Lịch sử cầu Long Biên đặc biệt hào hùng trong chiến tranh giữ nước. Sử sách còn ghi cuộc rút lui bảo toàn lực lượng anh dũng của Trung đoàn Thủ đô và một bộ phận nhân dân qua gầm cầu Long Biên có lính Pháp gác ở trên vào đêm ngày 17 rạng sáng ngày 18/2/1947, sau 2 tháng chiến đấu cầm chân quân Pháp tại Hà Nội.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến thăm công trường khôi phục cầu Long Biên năm 1973
Cầu Long Biên vào những ngày lịch sử tháng 10 năm 1954 cũng ghi dấu chân những tên lính viễn chinh Pháp rút qua để xuống Hải Phòng vĩnh viễn rời Việt Nam và đón chào đoàn quân chiến thắng trở về tiếp quản Thủ đô. Những năm chiến tranh chống Mỹ, cầu Long Biên là điểm nóng trên tuyến vận tải chiến lược bị không quân Mỹ tập trung đánh phá và phòng không ta tập trung bảo vệ. Cầu vài lần bị địch đánh hỏng nặng và được khôi phục hoàn toàn vào năm 1973.
Trong những năm khó khăn, nó là một trong những biểu tượng của Hà Nội vất vả, lam lũ.
Về văn hoá, nó là chiếc cầu - ký ức, một phần hồn của Hà Nội, của người Hà Nội. Nó là một trong những cái mà nghĩ về Hà Nội, người ta thường nhớ đến. Nó đi vào văn, thơ, họa, ảnh... Nó là cái mà ngộ nhỡ một mai không còn thì giống như một mảnh hồn Hà Nội bị dứt đi.
Theo Lê Xuân Sơn (Tiền Phong)
Bảo tồn cầu Long Biên: Chuyên gia Pháp lên tiếng "Việc di chuyển cây cầu khỏi vị trí ban đầu của nó, dù có giữ nguyên trạng cấu trúc hiện tại, vẫn làm cho công trình mất đi rất nhiều giá trị lịch sử". Sự kiện Bộ Giao thông Vận tải đề xuất ba phương án cải tạo cầu Long Biên đang tạo ra nhiều cuộc tranh luận trong giới chuyên môn cũng...