Số phận bí hiểm của Bạc Hy Lai
Cựu uỷ viên Bộ Chính trị Trung Quốc đang ở đâu, khi nào thì sẽ bị kết luận về mức độ kỷ luật, là những câu hỏi mà giới quan sát đang đặt ra, sau khi vợ ông Bạc Hy Lai và cánh tay phải của ông là Vương Lập Quân đều đã ra toà.
Các tội danh mà cựu giám đốc công an Trùng Khánh, từng là cánh tay phải của ông Bạc Hy Lai, bị buộc gồm đào tẩu, nhận hối lộ và lạm quyền. Tội danh mà vợ ông Bạc nhận là giết người có chủ ý và mức án tử hình có ân hạn.
Vậy còn ông Bạc?
Cựu uỷ viên Bộ Chính trị, cựu bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai. Ảnh: AP
Trong phiên toà xử vợ ông, bà Cốc Khai Lai, tháng trước, tên của Bạc không một lần được nhắc đến. Dù ông Bạc đã bị tước mọi chức vụ trong đảng và đang bị điều tra vì “vi phạm nghiêm trọng kỷ luật đảng”, hiện chưa rõ ông có bị buộc tội danh nào hay không.
Một số chuyên gia nhận định rằng bộ máy lãnh đạo Trung Quốc có thể sẽ khoan dung đối với ông Bạc. Việc tên của ông không bị nhắc đến trong toà cho thấy rằng ông ta có thể không bị tố cáo dính líu trực tiếp vào vụ sát nhân.
Theo Bonnie Glaser, một nhà phân tích về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS), sự im lặng bấy lâu quanh số phận ông Bạc cho thấy ban lãnh đạo Trung Quốc vẫn chưa đi đến quyết định nào về tương lai của cựu uỷ viên Bộ Chính trị này.
“Số phận ông Bạc chưa được định đoạt”, Glasser nói. “Chúng ta sẽ phải chờ mới biết được liệu ông ta có bị định tội không, có bị công khai định tội, hay sẽ được xử lý nội bộ trong hệ thống đảng. Và dự đoán của tôi rơi vào khả năng là xử lý nội bộ”.
Video đang HOT
Bà Glasser lấy ví dụ trường hợp cựu thủ tướng Trung Quốc Triệu Tử Dương, người bị ban lãnh đạo đảng cầm quyền không ưa sau sự kiện Thiên An môn năm 1989. Ông Triệu sống âm thầm tại gia cho đến cuối đời. Nhà phân tích Glasser cho rằng ông Bạc cũng sẽ có một tương lai tương tự.
Hiện cũng chưa thể đoán được khi nào Bắc Kinh sẽ công bố biện pháp kỷ luật đối với ông Bạc. Theo Glasser, đảng Cộng sản Trung Quốc đương nhiên muốn khép lại vụ việc tai tiếng này trước khi quá trình chuyển giao quyền lực, bắt đầu từ đại hội đảng cuối năm nay, diễn ra.
“Tôi nghĩ đây là vấn đề mà ban lãnh đạo Trung Quốc muốn giải quyết xong trước khi khai mạc đại hội 18. Có lẽ đại hội sẽ diễn ra vào giữa tháng 10″, bà nói.
Tuy nhiên các nhà phân tích khác không chắc như vậy. Baogang He, chủ tịch ban nghiên cứu quốc tế của Đại học Deakin, Australia, nói ông không hy vọng được nghe nhiều tin tức về ông Bạc trước khi đại hội diễn ra.
“Tất nhiên họ cũng muốn xét xử ông Bạc trước đại hội 18. Nhưng khả năng đó rất ít”. Theo Baogang, khó có chuyện ông Bạc sẽ được xử kín hoặc kỷ luật nội bộ, bởi điều đó sẽ làm phương hại đến uy tín của hệ thống pháp lý Trung Quốc.
Xoay quanh số phận ông Bạc hiện có nhiều câu hỏi hơn câu trả lời, nhưng truyền thông nhà nước Trung Quốc dường như đã hé lộ một chút ít dấu hiệu tích cực trong cả vụ bê bối nghiêm trọng này. Một bài xã luận đăng trên báo đảng Global Timesmới đây nhận định rằng việc buộc các tội danh đối với Vương Lập Quân là minh chứng của công lý. Bài xã luận cũng nói rằng “sự lùm xùm đang lắng xuống”.
Theo VNE
"Vấn đề Trung Quốc" làm nóng bầu cử Mỹ
Đại hội toàn thể của Đảng Cộng hòa (GOP) vừa qua đã cho thấy một thái độ cứng rắn bất ngờ từ Mỹ đối với Trung Quốc.
Mặc dù chúng ta còn phải đợi xem liệu Mitt Romney và đảng của ông có thực hiện đúng như những gì đã hứa hay không nhưng việc thể hiện những quan điểm chống Trung Quốc mạnh mẽ như vậy đã khiến cho mối quan hệ giữa hai nước được dự báo sẽ khó khăn hơn.
Cương lĩnh tranh cử của những người Cộng hòa rõ ràng đại diện cho tầng lớp chính trị bảo thủ Mỹ chống Trung Quốc một cách mạnh mẽ dưới vỏ bọc bảo vệ cho những lợi ích của quốc gia. Tuy nhiên, cần phải chú ý một điều rằng nền kinh tế Mỹ đang phải vật lộn trong cơn bão của cuộc khủng hoảng tài chính và việc tranh thủ lá phiếu cử tri trong lúc này không gì hay hơn công kích chính Trung Quốc, một mối đe dọa tiềm tàng, một địch thủ đáng sợ đối với nền kinh tế và vị trí bá chủ của Mỹ.
Washington khó đưa ra biện pháp mạnh tay
Thực sự thì những lời công kích mạnh mẽ của GOP có lẽ cũng sẽ giống như một lời hứa như bao lời hứa khác. Sự khăng khít giữa hai nền kinh tế sẽ khiến cho Washington khó có thể đưa ra những biện pháp mạnh tay. Bắc Kinh thừa hiểu điều đó, cộng thêm một sự thật éo le rằng Trung Quốc hiện đang là chủ nợ lớn nhất của Mỹ. Đe dọa hay những lời nói suông sẽ chẳng có tác dụng gì nhiều một khi Trung Quốc vẫn cứ khăng khăng với việc định giá thấp đồng nhân dân tệ (NDT). Và nó cũng sẽ chẳng có tác dụng gì nếu ai đó muốn dùng các sức nặng kinh tế để ép Trung Quốc lùi bước tại biển Đông. Nên nhớ các lời hứa bầu cử tại Mỹ luôn luôn được coi là lời hứa và so với thực tế thì hoàn toàn khác xa.
Nên nhớ rằng Mỹ chỉ là đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc trong năm 2011, đứng thứ hai sau EU với một tỉ lệ thâm hụt thương mại lớn do chính sách NDT yếu của Bắc Kinh. Chính phủ Trung Quốc cũng đang lên kế hoạch đa dạng hóa thị trường xuất khẩu của mình cũng như thực hiện những cải cách tương đối về vấn đề sở hữu trí tuệ. Tăng thuế có thể sẽ tác động đến một số mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc, tuy nhiên Mỹ cũng không thể lạm dụng biện pháp này với tất cả mặt hàng và nếu không cẩn thận, một cuộc chiến tranh thương mại mới có thể sẽ xảy ra. Với Trung Quốc, các hành động mang tính thực chất sẽ mang lại hiệu quả nhiều hơn và chúng ta vẫn chưa dám khẳng định chắc chắn rằng GOP và Mitt Romney có thể làm được điều đó hay không.
Ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa Mitt Romney đã không ngần ngại khẳng định rằng nếu đắc cử sẽ dạy cho Trung Quốc bài học về nhân quyền, tăng cường sức mạnh quân sự để kiềm chế Bắc Kinh. Ảnh: MSNBC
Thế cờ biển Đông có thay đổi?
Trong bài phát biểu của mình, Mitt Romney đã không ngần ngại khẳng định rằng nếu đắc cử sẽ "dạy cho Trung Quốc bài học về nhân quyền, tăng cường sức mạnh quân sự để kiềm chế Bắc Kinh... đồng thời thực thi chiến lược khiến tham vọng bá chủ khu vực của Trung Quốc phải trả giá đắt hơn nhiều so với việc trở thành thành viên có trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế". Điều này thể hiện Mitt Romney coi các hành động gây hấn của Trung Quốc trên biển Đông là sự thể hiện của tham vọng bá quyền và điều cần phải làm chính là kiềm chế và khóa chặt Trung Quốc.
Vì vậy, đối với vấn đề tranh chấp biển Đông, có thể phần nào tin rằng nếu Đảng Cộng hòa thắng cử, rất có thể nước Mỹ sẽ tăng cường giúp đỡ Philippines và các nước khác có tranh chấp với Trung Quốc, thậm chí nước Mỹ sẽ tăng cường hơn nữa hiện diện quân sự, đẩy nhanh quá trình "xoay trục" và can thiệp mạnh tay hơn vào biển Đông nhằm kiềm chế Trung Quốc và thể hiện sức mạnh của cường quốc số một thế giới, từ đó khẳng định lại vị thế dẫn đầu, cũng như vai trò tự phong "người bảo vệ thế giới" vốn đã bị lung lay do khủng hoảng kinh tế và các hành động thiếu kiên quyết thời gian qua. Không chỉ luôn lên tiếng phản đối các hành động gây hấn của Bắc Kinh trên biển Đông mà các thành viên chủ chốt của Đảng Cộng hòa còn luôn cho rằng Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất với nước Mỹ cả về kinh tế và quân sự.
UNCLOS cũng đang được sự ủng hộ của Hội đồng Thương mại Mỹ, một "liên minh" khá đặc biệt giữa Viện Dầu khí quốc gia Hoa Kỳ và Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF), các công ty năng lượng lớn, đặc biệt trong lĩnh vực khai thác dầu. Theo phe ủng hộ, các lợi ích mà nước Mỹ đạt được là lớn hơn so với những lợi ích có thể bị mất đi.
Mặc dù không đề cập nhiều về UNCLOS và một số thành viên Đảng Cộng hòa đã phản đối thông qua, trong đó có Paul Ryan - ứng cử viên phó tổng thống Mỹ. Thế nhưng Henry Kissinger, Condoleezza Rice và một số thành viên chủ chốt khác của Đảng Cộng hòa lại cho rằng nước Mỹ cần phải gia nhập UNCLOS để bảo vệ các lợi ích của mình. Vấn đề gia nhập UNCLOS đang được ủng hộ từ chính quyền đương nhiệm khi ngoại trưởng và bộ trưởng Bộ Quốc phòng đều đang thúc giục Thượng viện thông qua. Hiện nay, có 34 thượng nghị sĩ của Đảng Cộng hòa phản đối UNCLOS ở Thượng viện khiến công ước này không được thông qua nhưng lý lẽ họ đưa ra lại chỉ dựa vào sức mạnh Mỹ, chứ không vì lợi ích lâu dài, chưa kể đến có một số thượng nghị sĩ chỉ bị lôi kéo và có thể thay đổi quan điểm. Chính những điều này khiến chúng ta có thể tin rằng nếu Đảng Cộng hòa thắng cử, rất có thể họ sẽ thay đổi và thông qua UNCLOS vì họ không muốn UNCLOS được hoàn thành như một thắng lợi của Đảng Dân chủ.
Trung Quốc sẽ phải điều chỉnh hành động
Chưa cần biết kết quả bầu cử ra sao nhưng có lẽ Trung Quốc sẽ phải điều chỉnh hành động của mình ngay từ bây giờ vì nếu đúng như những gì hai đảng đã hứa hẹn, sẽ khó để Trung Quốc có thể hành động như hiện nay khi Đảng Dân chủ đã thể hiện quan điểm chắc chắn sẽ sử dụng UNCLOS nhằm can thiệp biển Đông và thúc ép Trung Quốc theo luật, trong khi Đảng Cộng hòa lại thể hiện mong muốn sử dụng vũ lực và trừng phạt kinh tế để kiềm chế Trung Quốc. Mỹ luôn muốn thực hiện "ba mũi giáp công" ở châu Á-Thái Bình Dương nhằm tăng cường ảnh hưởng và khóa chặt Trung Quốc. Do đó, dù là UNCLOS, trừng phạt thương mại hay hiện diện quân sự thì hậu quả sẽ không vui cho Trung Quốc nếu tiếp tục biến mình thành kẻ đối đầu với Mỹ.
Biển Đông được Trung Quốc coi như là vấn đề sống còn. Nguồn tài nguyên thiên nhiên cũng như con đường máu năng lượng là nhân tố quan trọng nhất giúp Bắc Kinh duy trì được đà tăng trưởng cao. Mà tăng trưởng cao sẽ giúp cho xã hội ổn định và Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ duy trì được địa vị quyền lực của mình, chưa kể đến thứ chủ nghĩa dân tộc nước lớn khó lòng kiểm soát. Liệu một vài thứ thuế cũng như những sức ép "chưa chắc đã được thực hiện" có thể ngăn cản được Bắc Kinh kiểm soát biển Đông hay không? Tuy nhiên, việc Đảng Cộng hòa tỏ thái độ cứng rắn cộng với truyền thống sử dụng vũ lực của đảng này có thể sẽ khiến Trung Quốc thực sự lo ngại nếu Mitt Romney thắng cử và sẽ làm cho tình hình biển Đông bất lợi với Trung Quốc, xét về mặt chính trị và luật pháp.
Theo VNN
Cảnh sát Mỹ nhảy múa chỉ huy giao thông Một cảnh sát điều khiển giao thông trong dịp đại hội của đảng Dân chủ Mỹ đã khiến các tài xế thích thú bởi những động tác nhảy điêu luyện xen lẫn tiếng còi. Viên cảnh sát vui tính trên làm nhiệm vụ ở con phố tấp nập người qua lại quanh Time Warner Cable, địa điểm tổ chức đại hội toàn quốc...