Số phận 5 người trong “bộ 7 quyền lực” bên lãnh đạo Triều Tiên
Khi lên nắm quyền ở Triều Tiên vào năm 2010, xung quanh ông Kim Jong-un là những cố vấn gấp đôi hoặc gấp 3 tuổi ông. Hầu hết đã có hàng chục năm kinh nghiệm trong Đảng, quân đội. 2 người là người nhà ông Kim. Nhưng nay chỉ còn 2 người.
Ông Jang đã bị đưa ra xét xử hôm qua 12/12.
Thay vì dựa vào nhóm cố vấn này, ông Kim đã dần dần loại bỏ họ, trong động thái mà giới phân tích quốc tế cho rằng là nhằm tự thâu tóm toàn bộ quyền lực. Vào ngày thứ sáu vừa qua, Triều Tiên đã công bố xử tử cố vấn nổi bật nhất của ông Kim Jong-un, ông Jang Song-Thaek, đồng thời cũng là chú dượng của ông vì đã phản đối ông Kim nắm quyền, âm mưu lật đổ ông.
Tốc độ cũng như mức độ cương quyết trong hành động của ông Kim đã vượt xa dự đoán của giới phân tích và theo các nhà quan sát chắc chắn sẽ có tác động mạnh tới khu vực và Mỹ. Theo họ, nếu ông Kim thâu tóm hết được quyền lực, thì Triều Tiên vẫn là một trong những nước bí ẩn và khép kín nhất thế giới, như trong nhiều thập niên qua. Nếu cuộc thâu tóm không thành công, thì quốc gia hạt nhân Triều Tiên có thể bị rơi vào hỗn loạn.
Tuy nhiên, cho tới giờ, không hề có dấu hiệu nào cho thấy có sự bất ổn ở Triều Tiên. Cũng chưa rõ liệu vụ xử tử ông Jang, được đăng tải trên trang nhất của báo Triều Tiên, cho thấy chương cuối về uy thế của ông Kim hoặc cũng là dấu hiệu đầu tiên của sự phản kháng trong nước này. Một số nhà phân tích nhìn nhận vụ việc là dấu hiệu cảnh báo cho các đối thủ tiềm năng, những người có thể nghĩ ông Kim chưa được tôi luyện hoặc không đủ năng lực điều hành đất nước.
Ông Kim được cho là khoảng 30 tuổi. Nếu đúng, ông nằm trong số những nguyên thủ quốc gia trẻ tuổi nhất thế giới. Một số nhà nghiên cứu về Triều Tiên cho rằng, chính do tuổi tác, nên ông Kim cảm thấy cần phải nhanh chóng loại những cố vấn nhiều tuổi trên, những người đã trung thành với cha ông, Kim Jong-il. Ttrước vụ thanh lọc ông Jang, ông Kim đã loại bỏ nhân vật thứ hai và thứ ba trong đảng Lao động Triều Tiên và quân đội, trong cuộc thay thế nhân sự lớn nhất Triều Tiên trong nhiều thập niên.
Và dấu hiệu thay đổi rõ ràng nhất, là ông Kim đã phế truất hoặc giáng chức 5 trong số 7 quan chức lớn tuổi, những người đã đi bên cạnh ông bên linh cữu cha ông tại đám tang 2 năm trước đây. Những quan chức này lúc đó được báo chí Hàn Quốc mô tả là “bộ 7 quyền lực”, là xương sống trong chính quyền của ông Kim Jong-un. 7 người trong nhóm đã biết ông Kim từ ngày còn đi học hoặc thậm chí trước đó. Độ tuổi trung bình của họ vào thời điểm diễn ra tang lễ là 73.
“Bộ 7 quyền lực” hỗ trợ ông Kim (từ số 1 -8): Kim Jong-un, Jang Song-Thaek, Kim Ki-nam, Choe Tae-bok, Ri Yong-ho, Kim Yong-chun, Kim Jong-gak và U Dong-chuk.
Trong số những người trong “bộ 7″, U Tong Chuk, người chịu trách nhiệm giám sát cảnh sát mật của Triều Tiên, đã không xuất hiện trước công chúng từ tháng 3/2012. Sự vắng mặt của ông không có một lời giải thích.
Ri Yong Ho, một tướng lĩnh quân sự cấp cao, đã được cho thôi chức và theo Triều Tiên công bố là do ốm yếu.
Video đang HOT
2 quan chức khác đã bị giáng cấp.
Vụ phế truất ông Jang cho đến nay là vụ được công khai rõ nhất.
Và chỉ còn có 2 người vẫn đang được “yên vị”, đó là Choe Tae Bok và Kim Ki Nam. Cả hai đều đã ở độ tuổi giữa 80, hầu như không còn tạo ra nguy hiểm gì nữa.
“Ông Kim Jong-un đã chứng minh cho đất nước và người dân của mình thấy rằng ông có khả năng loại bỏ những người thậm chí là thân cận nhất với ông”, Suh Choo-suk, một chuyên gia thuộc Viện phân tích quân sự Hàn Quốc ở Seoul cho hay. Ông Suh cho biết thêm, vụ phế truất ông Jang đã gợi nhớ tới những vụ tương tự những năm 1950 và 1960. Khi đó, ông nội của ông Kim Jong-un, lãnh đạo sáng lập Triều Tiên Kim Nhật Thành, đã thanh lọc một nhóm những người chống đối có mối quan hệ gần gũi với Liên Xô và Trung Quốc. Lãnh đạo sáng lập đã cho lưu đày hoặc giết họ, thay thế họ bằng nhóm tham gia du kích, từng chiến đấu bên cạnh ông ở đông bắc Trung Quốc.
Giới phân tích cho rằng tới tận năm 1972, 24 năm sau khi ông Kim Nhật Thành lập quốc, ông mới củng cố hoàn toàn được quyền lực. Khi đó Triều Tiên ra hiến pháp cho phép ông nắm quyền tối cao. Con trai và người kế nhiệm ông Kim Nhật Thành, ông Kim Jong-il, cũng cần khoảng chừng đó thời gian để củng cố quyền lực của mình. Ông Kim Jong-il được cha ông dìu dắt từ giữa những năm 1970 và đã giành được kiểm soát hoàn toàn mọi cơ quan quan trọng vào năm 1998, 4 năm sau khi cha ông qua đời.
Còn với ông Kim Jong-un, cuộc chuyển giao quyền lực rõ ràng là chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng. Khi ông Kim Jong-il qua đời vào năm 2011, tiến trình kế nhiệm mới chỉ bắt đầu lại và ông Kim Jong-un được cho là chưa xây dựng được mạng lưới các phụ tá của riêng mình.
Theo nhiều nhà phân tích bên ngoài và các quan chức Mỹ, kết quả, ông Jang và những người khác, trong đó có cả cô của ông, bà Kim Kyong Hui, sẽ phải đóng vai trò làm người “bảo trợ” trong hệ thống được cho là “chia sẻ quyền lực” ở Triều Tiên. Nhưng điều đó đã không xảy ra. Vài tháng sau khi ông Kim Jong-il qua đời, ông Kim Jong-un đã đảm nhận một loạt vị trí lãnh đạo, rõ ràng là đặt ông vào vị trí chỉ huy tối cao. Mặc dù ông Kim có thể vẫn phải dựa dẫm vào sự hướng dẫn của cô mình, nhưng bà được cho là đang mắc bệnh gan, hiếm khi xuất hiện trước công chúng.
Động thái “thoát xác” khỏi các cố vấn cấp cao của ông Kim có tác động như thế nào, hiện vẫn chưa rõ. Song nhiều nhà phân tích và học giả ở Bắc Kinh hôm thứ sáu vừa qua lo sợ mối quan hệ Trung-Triều có thể bị ảnh hưởng. Lý do bởi ông Jang là một người đối thoại chủ chốt với giới chức Trung Quốc.
Một số chuyên gia khác, như Bruce Klingner, nhà nghiên cứu cấp cao tại Quỹ Di sản, cho rằng ông Kim có khả năng không “ôn tính” và có thể hành xử quyết liệt hơn.
Vụ xử tử ông Jang cũng gây lo ngại ông Kim có thể hành xử nóng vội, vượt qua giới hạn mà thậm chí cha ông, ông nội ông không vượt qua. Ví dụ các thành viên gia đình ông Kim từ nhiều thập niên qua đều được miễn dịch với án tử.
“Cách ông Kim Jong-un đối xử với chú mình rất mạnh tay”, ông Cheng Xiaohe, một chuyên gia về Triều Tiên tại trường Nghiên cứu quốc tế, thuộc đại học Renmin ở Bắc Kinh, Trung Quốc nhận xét. “Ông ta đã quyết quay lưng với cả máu mủ, ruột rà của mình”.
Theo Dantri
Chân dung Jang Song-thaek - ông chú của Kim Jong-un
Jang Song-thaek, chú của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, được coi là một nhân vật quan trọng trong chính quyền trước khi ông bị sa thải vào tháng 12.2013. Việc sa thải ông Jang báo hiệu một sự rung động lớn trong giới lãnh đạo Triều Tiên.
Là Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng quốc gia (NDC) đầy quyền lực, ông đã ngồi ở trung tâm lãnh đạo của nhà nước cộng sản.
Quan hệ gia đình của ông - và mối quan hệ chặt chẽ với nhà lãnh đạo quá cố Kim Jong-il được cho là nguyên nhân tạo ra ảnh hưởng đáng kể của ông đối với nhà lãnh đạo trẻ của Triều Tiên. Một số nhà quan sát đánh giá ông nắm quyền lực đằng sau ngai vàng, tư vấn cho người cháu còn thiếu kinh nghiệm của mình.
Cần được "giáo dục lại"
Jang Song- thaek, một đảng viên và quản trị viên kì cựu, đã vượt qua rất nhiều trở ngại để đảm bảo vị trí của mình trong trung tâm của giới lãnh đạo.
Khi người đàn ông trẻ tuổi đầy lôi cuốn gặp em gái Kim Jong-il là Kyung-hee tại trường đại học, cả hai đã bắt đầu quen nhau.
Chủ tịch quá cố Kim Il-sung (Kim Nhật Thành) đã chống lại công đoàn vì hai người đến từ hai đảng xã hội khác nhau và ông đã buộc Jang thay đổi trường đại học. Nhưng ông đã nhượng bộ sau khi con gái cầu xin và sau đó đã cả hai được phép kết hôn. Họ có một người con gái nhưng được cho là đã chết.
Ông Jang gia nhập hàng ngũ quản lý của Đảng Lao động Triều Tiên (KWP) vào đầu năm 1970 và thăng tiến nhanh chóng. Năm 1992, ông được bầu vào Ủy ban Trung ương Đảng. Một thập kỷ sau đó, ông tiếp tục giữ những cấp bậc cao trong cơ cấu quyền lực, là giám đốc của một bộ phận giám sát tất cả các cơ quan chính phủ và quân sự trong đảng.
Lúc đó ông được xem như một trong những nhân vật quyền lực nhất trong cả nước. Nhưng vận may của ông đã thay đổi vào giữa năm 2004, bất chấp vị trí của mình trong gia đình họ Kim, ông bắt đầu biến mất khỏi công luận.
Một báo cáo trích dẫn thông tin tình báo Hàn Quốc cho biết, ông bị quản thúc tại nhà ở Bình Nhưỡng. Những người khác đề nghị ông cần được gửi đi "giáo dục lại".
Không có nguyên nhân rõ ràng cho việc ông Jang bị sa thải, mặc dù các nhà phân tích cho rằng ông đã tạo dựng ảnh hưởng quá lớn. Dù lý do là gì, ông cũng đã không xuất hiện trở lại cho đến tháng 1.2006. Tuy nhiên sau đó, sự phục chức của ông đã diễn ra nhanh chóng.
Ai sẽ khiến Kim Jong-un lắng nghe?
Vào cuối năm 2007, ông Jang trở thành người đứng đầu bộ phận giám sát cảnh sát và tư pháp. Truyền thông nhà nước đưa tin ngày càng nhiều về sự hiện diện của ông bên cạnh Kim Jong-il trong các chuyến thăm láng giềng.
Các nhà quan sát cũng cho rằng ông Jang đã đóng một vai trò nổi bật hơn khi Kim Jong-il suy yếu vì đột quỵ vào năm 2008.
Với việc bổ nhiệm ông vào NDC năm 2009, vị trí lãnh đạo chủ chốt của ông Jang đã được thiết lập. Và vị trí của ông tiếp tục được nâng lên vào 2010 khi ông được bổ nhiệm làm phó chủ tịch cơ quan quân sự hàng đầu.
Vào thời điểm đó, động thái này được xem như là việc sắp đặt nhân sự chủ chốt để đảm bảo một quá trình chuyển đổi trơn tru từ cha sang con trong trường hợp Kim Jong-il chết. Khi ông Kim chết gần 2 năm sau (2011), ông Jang trở thành nhân tố xuất chúng trong lễ tưởng niệm quốc gia vì nhà lãnh đạo đã mất.
Vài tháng sau, như một dấu hiệu của quyền lực rõ ràng, ông Jang đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào vào tháng 8.2012.
Chuyến thăm của ông đến Bắc Kinh tập trung vào các vấn đề kinh tế - một dấu hiệu cho thấy ông muốn cải cách nền kinh tế trì trệ của Triều Tiên. Ông Jang đã "làm rất nhiều việc vĩ đại để phát triển quan hệ láng giềng hữu nghị giữa Trung Quốc và Triều Tiên", truyền thông quốc gia Trung Quốc trích lời ông Hồ Cẩm Đào. Sau đó hai bên đã ký một loạt thoả thuận kinh tế.
Nhưng vào tháng 12.2013 truyền thông quốc gia Triều Tiên cho biết ông Jang đã bị sa thải vì "những hành vi phạm pháp". Một cuộc họp của Bộ Chính trị Ủy Ban Trung ương Đảng Lao động cầm quyền kết tội ông đã "phạm tội chống phá đảng, hành vi phe phái phản cách mạng như đục khoét sự thống nhất và gắn kết của đảng".
Bên cạnh tín hiệu thay đổi lớn trong giới lãnh đạo Triều Tiên, sự miễn nhiệm ông Jang cũng đặt ra câu hỏi về việc ai có thể khiến cho nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un lắng nghe.
Theo Vũ Thành
Một thế giới/BBC
Triều Tiên bình yên trong mắt khách Tây Triều Tiên là nơi mà các du khách có thể để chiếc balo chứa đầy tiền mặt, hộ chiếu và đồ dùng cá nhân ở bất cứ đâu và biết rằng nó vẫn sẽ ở đó khi họ quay lại. Người Triều Tiên bày tỏ lòng kính trọng trước tượng của Kim Nhật Thành (trái) và Kim Jong-il (phải) ở Bình Nhưỡng. Ảnh:...