Số người nghèo đói tại Nga giảm đáng kể
Nhờ các biện pháp thiết thực của Chính phủ nhằm cải thiện phúc lợi của người dân, từ năm 2017 đến nay, tại Nga đã có khoảng 3,6 triệu người vượt qua ngưỡng nghèo đói.
Người dân mua sắm tại một siêu thị ở Moskva, Nga. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, phát biểu ngày 29/3, Phó Thủ tướng Liên bang Nga, bà Tatyana Golikova, nhấn mạnh trong năm ngoái, thu nhập của 10% số dân nghèo nhất cả nước cũng đã tăng lên nhờ các biện pháp hỗ trợ có mục tiêu. Cụ thể tính đến quý IV/2022, thu nhập của những người này đã tăng 41% về giá trị danh nghĩa so với cùng kỳ năm trước đó.
Phó Thủ tướng Nga khẳng định thành tích này đạt được là nhờ chính sách hỗ trợ của các trung tâm việc làm, theo đó trên 1 triệu người đã có việc làm, trong đó có tới trên 250.000 người từng đăng ký thất nghiệp. Ngoài ra, năm 2022, Nga cũng có sự phân phối lại thu nhập giữa các nhóm xã hội.
Video đang HOT
Phó Thủ tướng Golikova cho biết thêm Chính phủ Nga đang làm việc với các chủ thể nhằm xác định mục tiêu giảm nghèo đói của từng khu vực đến năm 2030.
Cùng ngày, Ngân hàng Trung ương Nga thông báo nợ nước ngoài của nước này trong năm 2022 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2007. Cụ thể, nợ nước ngoài của Nga trong năm 2022 đã giảm 21,1% xuống 380,5 tỷ USD. Đây là mức giảm lớn nhất kể từ năm 2014.
Ngân hàng Trung ương Nga nhấn mạnh lý do khiến nợ nước ngoài của Nga giảm mạnh là nước này hoàn tất trả nợ, bao gồm cả trong khuôn khổ quan hệ đầu tư trực tiếp và nợ trái phiếu quốc tế chính phủ. Thặng dư tài khoản vãng lai của Nga trong cán cân thanh toán năm 2022 lên tới 233 tỷ USD, tăng gần gấp đôi so với năm 2021.
Lạm phát giá lương thực ở Anh tăng cao kỷ lục
Tình trạng khan hiếm trái cây và rau củ đã đẩy lạm phát giá lương thực của Anh lên mức cao kỷ lục trong tháng 3/2023, cho thấy cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ở nước này vẫn chưa lắng dịu.
Người dân mua sắm tại một siêu thị ở Walthamstow, Anh. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại London, Hiệp hội Bán lẻ Anh (BRC) cho biết, trong tháng 3, lạm phát giá thực phẩm tính theo năm tại Anh đạt 15%, tăng từ mức 14,5% trong tháng 2 và là mức cao nhất kể từ năm 2005. Mặt hàng tăng giá mạnh nhất là thực phẩm tươi sống, với mức tăng 17%.
Bà Helen Dickinson, Giám đốc điều hành của BRC, nhận định sản lượng thu hoạch kém ở châu Âu và Bắc Phi khiến tình trạng khan hiếm trái cây và rau quả ở Anh trở nên tồi tệ hơn, trong khi đồng bảng Anh yếu hơn đẩy chi phí nhập khẩu lên cao. Giá trái cây và rau trồng trái vụ trong nhà kính ở Anh và các nước Bắc Âu khác cũng bị ảnh hưởng do chi phí năng lượng cao.
Bà Dickinson cũng cho biết chi phí sản xuất đường tăng cao cũng dẫn đến giá sôcôla và các loại đồ ngọt khác cao hơn, khi kỳ nghỉ lễ Phục sinh đến gần. Lạm phát giá lương thực ảnh hưởng nặng nề nhất đến các hộ gia đình nghèo nhất vì việc mua sắm thực phẩm chiếm phần lớn hơn trong chi tiêu của họ.
Ông Mike Watkins, người đứng đầu bộ phận bán lẻ và kinh doanh Insight tại NielsenIQ, cho biết áp lực lạm phát đã buộc người tiêu dùng phải thay đổi thói quen. Theo ghi nhận của các nhà bán lẻ, người tiêu dùng mua ít thực phẩm hơn và có xu hướng tìm kiếm mức giá thấp nhất.
Dữ liệu của BRC cũng cho thấy tốc độ tăng giá của thực phẩm và đồ uống không cồn tiếp tục tăng trong tháng 3. Vào tháng 2, lạm phát giá lương thực của Anh đạt 18,2%, mức cao nhất trong 45 năm qua, theo dữ liệu của Văn phòng Thống kê quốc gia Anh công bố tuần trước. Dữ liệu cho thấy lạm phát tại Anh tăng vọt lên 10,4% trong tháng 2, từ mức 10,1% của tháng 1. Ngân hàng trung ương Anh, vốn đặt mục tiêu lạm phát 2%, sau đó đã tăng lãi suất thêm 25 điểm phần trăm lên 4,25% trong nỗ lực kiềm chế áp lực tăng giá.
Bà Susannah Streeter, người đứng đầu bộ phận tiền tệ và thị trường tại công ty dịch vụ tài chính Hargreaves Lansdown, cho biết cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt "không có mấy dấu hiệu lắng dịu".
Chuyên gia dự báo kinh tế Mỹ suy thoái, lạm phát vượt mục tiêu Theo kết quả một cuộc thăm dò định kỳ của Hiệp hội Kinh tế Kinh doanh quốc gia Mỹ (NABE), đa số chuyên gia kinh tế dự báo Mỹ sẽ bước vào suy thoái trong năm nay và đối mặt với lạm phát cao kéo dài đến năm 2024. Người dân mua sắm tại một siêu thị ở Georgia, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN Hơn...