Số người chết vì Ebola có thể lên đến 12.000
Các chuyên gia y tế quốc tế khẳng định số người chết vì đại dịch Ebola có thể lên tới 12.000 người.
Nhân viên y tế Mỹ tẩy trùng tại trạm giao thông ở Dallas, Texas sau khi một phụ nữ bị sốt và nôn mửa – Ảnh: AFP
Theo Reuters, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết hiện đã có 9.216 trường hợp nhiễm virút Ebola, chủ yếu ở Tây Phi, khiến 4.555 người thiệt mạng.
Một đợt bùng phát dịch Ebola ở Cộng hòa Congo đã cướp đi sinh mạng của 49 trên tổng số 68 người mắc bệnh. Tuy nhiên chủng virút Ebola ở Cộng hòa Congo khác với Tây Phi.
Nhưng cũng chính WHO và Tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF) thừa nhận ít nhất 50% các vụ lây nhiễm chưa được báo cáo. Với tỉ lệ tử vong 70%, các chuyên gia xác định số người chết thực tế do virút Ebola đã vượt qua 12.000 người.
Video đang HOT
Nhà làm phim tài liệu nổi tiếng ở Tây Phi Sorious Samura khẳng định điều tra của ông cho thấy sự thật về đại dịch Ebola đang bị che giấu. “Số người chết lớn hơn nhiều con số MSF và WHO công bố. Chính phủ một vài nước Tây Phi từ chối cung cấp số liệu vì càng ít người thiệt mạng, sự hoảng loạn càng giảm bớt” – báo Guardian dẫn lời ông Samura.
Hôm qua, WHO đã cam kết sẽ công bố một kết quả điều tra chính thức về đại dịch Ebola tại Tây Phi sau khi các nỗ lực dập dịch có hiệu quả. Trước đó, một báo cáo nội bộ của WHO khẳng định cơ quan này đã chủ quan khi dịch mới khởi phát ở Tây Phi, qua đó bỏ lỡ cơ hội ngăn chặn đại dịch bùng phát. Tổ chức cứu trợ Oxfam mô tả Ebola “có thể trở thành thảm họa nhân đạo của thế hệ chúng ta”.
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Jim Yong Kim chỉ trích thế giới đang “thất bại” trong cuộc chiến chống Ebola. Tại Mỹ, Tổng thống Barack Obama kêu gọi người dân không hoảng loạn trước thông tin về dịch Ebola. Ông Obama cũng bác bỏ những lời kêu gọi cấm đi lại tới Tây Phi. Hiện chính quyền bang Texas đang theo dõi 145 người đã tiếp xúc với các bệnh nhân Ebola trước đó.
Theo Tuổi Trẻ
Lập 4 đội phản ứng nhanh cấp quốc gia để phòng chống Ebola
Nhằm tăng cường các biện pháp phòng chống dịch Ebola, ngành y tế sẽ lập 4 đội phản ứng nhanh cấp quốc gia tương ứng với 4 khu vực Bắc, Trung, Nam và Tây Nguyên.
Sáng 19/10, giáo sư Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế đã đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh Ebola tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương (Hà Nội).
Báo cáo với Thứ trưởng Long, lãnh đạo bệnh viện cho biết, đã thành lập đội cấp cứu ngoại viện; thường xuyên tập huấn cho cán bộ nhân viên; có buồng cách ly áp lực âm di động để bảo vệ tối đa cho điều trị người bệnh.
Bệnh viện cũng đã cấp trang phục phòng hộ cá nhân chuẩn cho nhân viên và chuẩn bị tiếp nhận 1.000 bộ trang phục chuẩn theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để dự phòng lây chéo. Đặc biệt, nơi này đã xây dựng phòng xét nghiệm an toàn sinh học cấp 2, sẽ được Bộ Y tế và WHO thẩm định điều kiện xét nghiệm virus Ebola trong tuần tới.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long kiểm tra công tác phòng chống dịch tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: N.P
Thứ trưởng Long yêu cầu tất cả cơ sở y tế cần nâng cao mức độ cảnh giác và mức độ đáp ứng cao hơn nữa đối với dịch bệnh Ebola. Bên cạnh các đội phản ứng nhanh của mỗi tỉnh thành và quận huyện, ngành y tế sẽ thành lập 4 đội phản ứng nhanh ở cấp quốc gia tương ứng với 4 khu vực Bắc, Trung, Nam và Tây Nguyên nhằm tăng cường phòng chống dịch.
Theo GS Long, các bệnh viện phải chuẩn bị sẵn sàng khu vực cách ly để tiếp nhận, cách ly và điều trị hỗ trợ người bệnh nghi ngờ, đặc biệt chuẩn bị phương tiện phòng hộ cá nhân; đồng thời xem lại toàn bộ quy trình về xử lý chất thải y tế của bệnh nhân, mẫu bệnh phẩm, vệ sinh buồng bệnh; tập huấn cho cán bộ y tế tậm chí cả người làm hành chính, bảo vệ, vệ sinh...
Cục Quản lý Khám, chữa bệnh có trách nhiệm chỉ đạo các bệnh viện rà soát lại kế hoạch phòng, chống dịch do virus Ebola và tiếp tục tập huấn cập nhật kiến thức, kinh nghiệm của thế giới để tăng cường cho các cán bộ y tế. Trong tuần tới, Cục sẽ tổ chức diễn tập quy mô tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương và các bệnh viện được giao nhiệm vụ ở miền Trung, miền Nam.
Đại diện WHO và các tổ chức quốc tế cho biết, các nghiên cứu mới nhất cho thấy virus Ebola chưa có biến đổi gene và độc lực, cũng như chưa có bằng chứng rõ ràng về việc thay đổi đường lây truyền. Đường lây virus Ebola vẫn là qua tiếp xúc trực tiếp với chất tiết, tuy nhiên cũng lưu ý nếu người bệnh nôn, ho, hắt hơi với chất tiết có nồng độ virus cao mà người tiếp xúc lại có những trầy xước trên da hoặc niêm mạc tổn thương thì cũng có thể bị virus xâm nhập.
Hiện Senegal, Nigeria đã không phát hiện có ca nhiễm mới. Đến ngày 18/10, thế giới ghi nhận gần 9.300 trường hợp mắc, trong đó 4.604 người tử vong. Đặc biệt, có 431 trường hợp là cán bộ y tế, 247 ca tử vong.
Trong những ngày vừa qua dịch bệnh Ebola vẫn diễn biến phức tạp, tuy nhiên việc 3 y tá của Tây Ban Nha và Mỹ bị nhiễm virus này khi chăm sóc người bệnh là một sự cố về y tế công cộng. Điều này buộc tất cả quốc gia trên phải xem xét, kiểm tra và rà soát lại các biện pháp phòng, chống lây nhiễm để rút ra bài học kinh nghiệm.
Theo VnExpress
Tia hy vọng mới trong nỗ lực chống đại dịch Ebola ở Tây Phi Nỗ lực chống đại dịch Ebola của cộng đồng quốc tế đã xuất hiện những tia hy vọng mới. Senegal mới đây đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố thoát dịch do không có ca nhiễm mới trong vòng 42 ngày tính đến ngày 17/10. Một trường hợp duy nhất nhiễm virus Ebola ở nước này đã hồi phục...