Số người chết do thảm họa động đất/sóng thần Indonesia tăng lên 832 người
Các nhân chứng của trận động đất và sóng thần kinh hoàng đổ bộ vào đảo Sulawesi cho biết thảm họa tự nhiên diễn ra quá nhanh chóng và thảm khốc, vốn cướp đi sinh mạng của 832 người tính tới ngày 30/9. Nhiều người hiện không rõ số phận của những thân nhân mất tích cũng như phải sống ra sao trong những ngày tới khi đã mất tất cả.
Toàn cảnh mức độ tàn phá kinh hoàng của thảm họa động đất ở Malaysia (Ảnh: Reuters)
Ngày 28/9, trận động đất mạnh 7,5 độ richter kèm theo sóng thần đã xảy ra trên đảo Sulawesi, đông bắc Indonesia. Theo số liệu cập nhật gần nhất từ hãng tin BBC, đã có tới 832 người xác nhận đã thiệt mạng, hàng trăm người khác bị thương trong thảm họa tự nhiên được coi là một trong những trận động đất thảm khốc nhất trong lịch sử Indonesia.
Nhiều người vẫn đang trong tình trạng mất tích, một số được cho là nằm dưới đống đổ nát của các công trình bị sập do động đất. Thi thể của những người thiệt mạng đặt trên các con phố trong khi những người bị thương được chữa trị trong các căn lều vì bệnh viện đã bị phá hủy. Mức độ thiệt hại về người vừa của cải vật chất cho tới lúc này vẫn chưa thể thống kê.
Một cây cầu bị sóng thần cuốn phăng (Ảnh: Reuters)
Giới chức Indonesia đã yêu cầu những người sống sót, hiện đang trong cảnh “màn trời, chiếu đất” tạm thời không trở về những căn nhà đã bị “san phẳng” bởi thảm họa tự nhiên.
Trả lời BBC, một người đàn ông nói: “Tôi biết là tôi đã mất đi 3 người thân, 2 trong số đó là là những người lớn tuổi và một thanh niên đang làm cha”. Những thành viên khác vẫn chưa rõ số phận.
“Khi động đất xảy ra, chúng tôi đều hoảng loạn và chạy ra khỏi nhà. Mọi người ở đây cần đồ ăn, thức uống, và nước sạch. Chúng tôi không biết sẽ ăn gì vào tối nay”, anh Anser Bachmid, 39 tuổi, một người sống sót kể với hãng tin AFP.
“Tôi chỉ biết chạy khi nhìn thấy những con sóng đang quét qua nhà cửa ở khu vực ven biển”, cư dân Palu tên là Rusidanto, cho biết.
Video đang HOT
Thi thể người thiệt mạng được đặt trên phố do các bệnh viện đã bị tàn phá nghiêm trọng (Ảnh: Reuters)
Dwi Haris, người đến hòn đảo này để tham dự dám cưới, đã ở cùng vợ và con gái trong thời điểm động đất diễn ra. “Không có đủ thời gian để chúng tôi tự cứu lấy nhau. Tôi bị đống đổ nát từ những bức tường đè lên người. Tôi nghe thấy vợ tôi khóc lớn sau đó hoàn toàn im lặng. Tôi không rõ chuyện gì đã xảy ra với vợ con mình. Tôi chỉ mong họ an toàn”, anh Haris nhớ lại.
Do vai và lưng bị chấn thương, Haris được chữa trị bên ngoài bệnh viện quân sự Palu.
Những người sống sót khác không quên lại khung cảnh mọi đồ đạc trong nhà đều rung lắc mạnh và họ nhanh chóng chạy ra ngoài trong khung cảnh vô cùng hỗn loạn khi trận động đất xảy ra.
Người dân Indonesia tới các khu vực tập kết thi thể xác nhận danh tính người nhà (Ảnh: Reuters)
Hiện thời, Cơ quan địa vật lý Indonesia (BMKG) đang vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ dư luận nước này khi họ dỡ bỏ cảnh báo sóng thần trước khi nó tấn công bờ biển đảo Sulawesi do số liệu không chính xác. Vào thời điểm đó, con sóng thần có thời điểm cao tới 6m đã “tấn công” hàng trăm người dự lễ hội ven biển, sau đó, nó quét sạch toàn bộ những vật cản trên đường đi bao gồm xe hơi, nhà cửa.
Indonesia đã huy động các nguồn lực tới thực hiện nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn, cũng như kiếm tìm nạn nhân dưới đống đổ nát. Theo truyền thông địa phương, chính phủ đã bắt đầu giải ngân 37 triệu USD để hỗ trợ các hoạt động hỗ trợ nạn nhân từ động đất, sóng thần. BBC cho hay, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã đi tới khu vực bị ảnh hưởng bởi động đất và sóng thần để xem xét tình hình.
Indonesia nằm trên Vành đai Lửa Thái Bình Dương nên thường chứng kiến các trận động đất. Thảm họa khủng khiếp nhất xảy ra vào năm 2004, khi trận động đất mạnh 9,5 độ richter gây sóng thần cực lớn, khiến khoảng 226.000 người thiệt mạng dọc các bờ biển ở Ấn Độ Dương, trong đó có hơn 126.000 người tại Indonesia.
Khung cảnh đổ nát từ trận động đất, sóng thần (Ảnh: Reuters)
Nhiều người dân Indonesia đã rơi vào cảnh “màn trời, chiếu đất” sau thảm họa tự nhiên (Ảnh: Reuters)
Đức Hoàng
Theo Dantri/BBC
1.200 người thiệt mạng vì động đất/sóng thần, Indonesia chôn cất tập thể các nạn nhân
Số người thiệt mạng vì thảm họa kép động đất, sóng thần ở đảo Sulawesi của Indonesia cuối tuần trước đã vượt 1.200 người và được dự báo sẽ tiếp tục tăng. Trong bối cảnh này, giới chức địa phương quyết định bắt đầu hoạt động chôn cất tập thể nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Cảnh đổ nát trên đảo Sulawesi sau thảm họa kép. (Ảnh: Reuters)
Straits Times dẫn thông tin từ Cơ quan giảm nhẹ thiên tai Indonesia ngày 30/9 cho biết, số người thiệt mạng vì thảm họa động đất, sóng thần ở đảo Sulawesi của nước này đã vượt 1.200 người. Tuy nhiên, giới chức địa phương cảnh báo con số thương vong sẽ còn tăng khi công tác tìm kiếm cứu hộ các nạn nhân mất tích, bị chôn vùi trong các đống đổ nát vẫn tiếp tục.
Sutopo Purwo Nugroho, phát ngôn viên Cơ quan giảm nhẹ thiên tai quốc gia Indonesia, cho biết: "Số người thiệt mạng sẽ còn tăng. Hôm nay, chúng tôi sẽ bắt đầu chôn cất tập thể các nạn nhân để tránh dịch bệnh lây lan".
Lực lượng cứu hộ ở Sulawesi đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm, cứu hộ những người mất tích, mắc kẹt trong các đống đổ nát, trong đó có tới 60 người có thể đang bị chôn vùi trong đống đổ nát của một khách sạn ở Palu. Các nhân viên cứu hộ cho biết, họ đã nghe thấy những tiếng gào thét và tiếng khóc của trẻ con trong đống đổ nát này.
Nhiều người có thể vẫn còn bị chôn vùi trong các đống đổ nát. (Ảnh: EPA)
Trận động đất mạnh 7,5 độ Richter tấn công đảo Sulawesi của Indonesia hôm 28/9 kéo theo nhiều dư chấn mạnh và sóng thần cao tới 6m. Theo Cơ quan giảm nhẹ thiên tai Indonesia, gần 17.000 người rơi vào tình trạng mất nhà cửa, trong khi khoảng 2,4 triệu người ở khu vực Donggala và Palu cần cứu trợ nhân đạo. Phó Tổng thống Indonesia Jusuf Kalla cho rằng, số người thiệt mạng có thể lên tới hàng nghìn người, phần lớn trong đó là các nạn nhân ở Palu.
"Nước uống, thuốc men, nhiên liệu, lều tạm, điện, thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác đang là những nhu cầu cấp bách", Sutopo Purwo Nugroho, người phát ngôn Cơ quan giảm nhẹ thiên tai Indonesia cho biết.
Theo lời giới chức năng địa phương, các nhà bếp tạm thời đã được dựng lên tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi động đất, sóng thần để cung cấp lương thực và chỗ trú cho các nạn nhân ở Palu và Donggala. Mỗi bếp ăn tạm có thể cung cấp 6.000 suất ăn mỗi ngày.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo hôm qua đã đích thân tới thăm vùng bị ảnh hưởng bởi động đất và sóng thần. Trước khi tới đây, chính quyền của ông đã thông qua khoản ngân sách 560 tỷ rupiah (hơn 51 triệu USD) để phục vụ cho công tác cứu hộ.
Trong khi đó, công tác cứu hộ gặp rất nhiều khó khăn do đảo Sulewesi tiếp tục xảy ra các dư chấn, sân bay chính ở đây đã bị phá hủy sau động đất, nhiều khu vực bị cô lập sau thảm họa.
Hàng triệu người ở Sulawesi cần cứu trợ sau thảm họa kép. (Ảnh: AFP)
Đảo Sulawesi bị tàn phá nặng nề nhìn từ trên cao. (Ảnh: Reuters)
Minh Phương
Theo Dantri/Straits Times, AFP
Indonesia: Cứu hộ gặp khó sau động đất TP Palu và khu vực xung quanh đã hứng chịu ít nhất 100 dư chấn theo sau trận động đất mạnh 7,5 độ Richter hôm 28-9 Một trận động đất mạnh 7,5 độ Richter gây sóng thần hôm 28-9 đã khiến ít nhất 405 người thiệt mạng trên đảo Sulawesi - Indonesia và con số này có thể tiếp tục tăng khi nhiều...