Số người chết do bão số 10 tăng lên, hơn 500 nghìn hộ dân vẫn mất điện
Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai (PCTT), tính đến 22h ngày 16/9, số người chết do bão số 10 là 9 người (tăng 5 người so với báo cáo lúc 5h sáng 16/9); số người mất tích là 4 người, bị thương là 112 người. Tính đến thời điểm báo cáo, vẫn còn gần 530 nghìn khách hàng bị mất điện.
Tính đến 22h ngày 16/9 vẫn còn hơn 500.000 khách hàng bị mất điện. (Ảnh minh họa: Xuân Sinh).
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, tính đến 22h ngày 16/9, bão số 10 đã làm 9 người chết (tăng 5 người so với báo cáo lúc 5h cùng ngày), trong đó: Hòa Bình: 3 người (tăng 3 người); Thanh Hóa: 2 người (tăng 1 người); Nghệ An: 1 người; Quảng Bình: 2 người (tăng 1 người); T.T. Huế: 1 người; 4 người vẫn còn mất tích tại tỉnh Quảng Bình.
Bão còn làm 112 người bị thương, tăng 91 người (Nghệ An: 1 người; Hà Tĩnh: 9 người; Quảng Bình: 89 người; Quảng Trị; 10 người; T.T.Huế: 3 người).
Ngoài ra, bão làm hơn 1.000 ngôi nhà bị sập tại các tỉnh (Thanh Hóa: 48 nhà; Quảng Bình: 1.065 nhà; Quảng Trị: 18 nhà; T.T. Huế: 54 nhà); Nhà bị tốc mái, hư hỏng: 152.599 nhà (tăng 31.310 nhà). Đến thời điểm báo cáo nước đã rút.
Thiệt hại về truyền thông và lưới điện: 1 cột truyền hình bị đổ tại thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh; 1.559 cột điện hạ thế bị đổ gãy (tăng 417 cột).
Tổng số khách hàng bị mất điện là 528.481, giảm 778.519 khách hàng.
Bão làm 7 tàu cá bị chìm; 183 thuyền nhỏ bị chìm, cuốn trôi.
Thiệt hại về nông, lâm, ngư nghiệp: Lúa bị ngập 4.473 ha. Hoa màu bị ngập: gần 8.300 ha, tăng hơn 6.000 ha. Cây trồng lâu năm bị gãy đổ, giảm năng suất: hơn 16.200 ha.
Video đang HOT
Về giao thông: 10.000 m đường quốc lộ; hơn 17.900 m đường giao thông địa phương; 5 cầu, 16 cống bị sạt lở, hư hỏng;
Về thủy lợi: 26.620m kênh mương bị sạt lở; 10 đập thủy lợi loại nhỏ bị sạt lở, hư hỏng; Về thủy sản: hơn 16.100 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại.
Công tác khắc phục hậu quả bão số 10: Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đến 15h ngày 16/9/2017 đã cấp điện trở lại cho một số khu vực bị ảnh hưởng nặng gồm: TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình; khu vực trung tâm các thành phố, huyện của tỉnh Nghệ An, tỉnh Hà Tĩnh (12/13 trung tâm huyện, còn lại huyện Kỳ Anh).
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp đã huy động lực lượng tìm kiếm người mất tích; khôi phục hệ thống điện, thông tin liên lạc; sửa chữa các công trình giao thông, thủy lợi, đê điều bị sạt lở và hư hỏng; giúp người dân sửa chữa nhà cửa, dọn dẹp cây đổ, vệ sinh môi trường.
Các tỉnh Bắc Bộ vận hành công trình thủy lợi tiêu nước cụ thể: 979 máy bơm/221 trạm để tiêu nước chống úng ngập (tình hình ngập lụt tại các tỉnh miền trung bị ảnh hưởng của bão số 10 đến ngày 16/9 đã cơ bản chấm dứt). Quốc lộ 1A, đường sắt Bắc-Nam đã thông tuyến sáng ngày 16/9.
Nguyễn Dương
Theo Dantri
Nghẹn ngào ngóng tin 10 ngư dân mất tích trong bão số 10
Kể từ khi con tàu cùng 10 thuyền viên của xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) bị mất liên lạc trong cơn bão số 10, gia đình các ngư dân ngày đêm mòn mỏi mong ngóng.
Những ngày qua, nhiều gia đình và người thân nơi vùng biển Ngư Lộc như "ngồi trên đống lửa" vì mất thông tin liên lạc với con tàu TH-9366-TS. Đây là con tàu vỏ thép được đóng theo Nghị định 67 của Chính phủ.
Người dân vùng biển Ngư Lộc thăm hỏi, động viên các gia đình có người thân đi trên con tàu mất liên lạc nhiều ngày nay
Đã 4 ngày nay, chị Hoàng Thị Xuyên vợ anh Nguyễn Văn Tuy, thôn Thành Lập, xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa gần như không ngủ. Từ thời điểm nhận được tin con tàu mất tích, chị Xuyên và những người thân trong gia đình ngày đêm thức trắng mong ngóng tin anh.
Một không khí đau thương như bao trùm lên căn nhà của gia đình chị. Đau đớn, nghẹn ngào không nói nên lời, suốt ngày, chị Xuyên gần như không trò chuyện với ai.
Trên tàu TH-9366-TS, ngoài anh Tuy là thuyền trưởng và chủ tàu, còn có 9 ngư dân khác, gồm: Anh Nguyễn Văn Duy (em trai anh Tuy), Nguyễn Mạnh Tuấn, Nguyễn Văn Duyên, Nguyễn Văn Hiếu (anh con bác của anh Tuy), Phạm Văn Đại, Nguyễn Văn Dương, Nguyễn Văn Đông, Đoàn Văn Toàn, đều ngụ tại các xã Minh Lộc và Ngư Lộc (huyện Hậu Lộc) và anh Phạm Văn Đồng (ở tỉnh Bình Thuận).
Được biết, vào ngày 9/9, tàu TH-9366-TS xuất bến từ cảng Quy Nhơn, tỉnh Bình Định cùng với đoàn đánh bắt cá của mình. Trước khi ra khơi đánh bắt hải sản, anh Tuy có liên lạc về cho gia đình.
Chị Nguyễn Thị Gấm có anh trai và em trai cũng đi trên tàu
Tuy nhiên, con tàu vừa ra khơi chưa được bao lâu thì cơn bão số 10 ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển nước ta. Trong khi hầu hết các tàu, thuyền đánh bắt hải sản trên biển đã vào nơi trú ẩn an toàn. Nhưng gia đình và người thân của các thuyền viên trên tàu TH-9366-TS không nhận được liên lạc, không rõ tàu trú ẩn ở vị trí nào.
Đến chiều ngày 14/9, gia đình nhận được tin anh Tuy có liên lạc với đài duyên hải tỉnh Phú Yên. Nhưng đó cũng là thông tin cuối cùng gia đình nhận được về con tàu và những người đi trên tàu.
Điều các gia đình lo lắng là đến nay, đã 4 ngày trôi qua, bão đã tan nhưng vẫn không hay tin con tàu cùng 10 ngư dân ở đâu. Nơi quê nhà, những người mẹ, người vợ và con của các ngư dân đi trên tàu đang trông ngóng từng giờ với nỗi lo âu, phấp phỏng. Mỗi giờ trôi qua, nỗi lo lắng của người thân nơi quê nhà càng nhân lên gấp bội khi các anh vẫn bặt vô âm tín.
Theo ngư dân địa phương cho biết, bình thường, một chuyến đi kéo dài cả tháng trời, nhưng cứ 7 đến 10 ngày, tàu sẽ vào đất liền nơi gần nhất để bán sản phẩm và các thuyền viên sẽ liên lạc về cho gia đình. Nếu tính ra đánh bắt trên biển từ ngày 9/9 đến nay đã 17/9, thì tàu đã phải vào bờ bán hải sản.
"Trời Phật ơi phù hộ cho các cháu nó. Vợ nó không có việc làm ổn định, 4 đứa con còn nhỏ, nếu có chuyện chẳng lành với nó thì không biết chúng tôi sẽ sống sao đây", bà Hoàng Thị Xuân, thôn Thành Lập, xã Ngư Lộc nghẹn ngào khi nghĩ đến cậu con trai Nguyễn Mạnh Tuấn của mình.
Bà Xuân đang ngày đêm mong ngóng tin con trai mình
Nỗi lo lắng bà Hoàng Thị Xuân cũng là nỗi lo lắng của hàng chục gia đình khác nơi xã nghèo ven biển xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc.
Ông Nguyễn Văn Ngữ, Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc, chia sẻ, theo kinh nghiệm, việc tàu anh Tuy mất liên lạc trước cơn bão, đến khi bão tan vẫn chưa có liên lạc trở lại là điều bất thường.
Về phía UBND xã đã báo cáo vụ việc với các cơ quan chức năng, đồng thời liên hệ với lực lượng biên phòng các tỉnh để phối hợp tìm kiếm. Xã đang tích cực phối hợp với các đơn vị chức năng thông tin rộng rãi đến các tàu cá gần khu vực và lực lượng tìm kiếm để tìm tàu.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa cũng đã có công văn gửi các tỉnh từ Quảng Bình đến Bà Rịa - Vũng Tàu, đề nghị các cơ quan chức năng hỗ trợ tìm kiếm tàu cùng 10 ngư dân đang mất liên lạc.
Duy Tuyên
Theo Dantri
"Trận địa bom" do lốc tại Huế Trong cả ngày 15/9 tại địa bàn thị xã Hương Thủy (tỉnh Thừa Thiên Huế) nơi có hơn 700 ngôi nhà bị lốc quét qua gây thiệt hại nặng nề, lực lượng bộ đội, công an đã khẩn trương giúp dân lợp lại mái. Công an tỉnh Thừa Thiên Huế khắc phục hậu quả do lốc xoáy tại Thị xã Hương Thủy trong...