Sợ mất trắng vì trộm, dân Bát Xát buộc phải thu thảo quả non
Những năm qua cây thảo quả đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, thay đổi diện mạo các thôn, bản vùng cao của huyện Bát Xát ( Lào Cai). Tuy nhiên, thời gian gần đây xuất hiện tình trạng mất trộm thảo quả ở khu vực giáp ranh khiến người dân ở một số thôn, bản phải thu hoạch thảo quả non, gây nhiều thiệt hại.
Thu non vì sợ mất trộm
Cây thảo quả gắn bó với đồng bào các dân tộc vùng cao của huyện Bát Xát hàng chục năm qua, giúp nhiều gia đình thoát nghèo, thậm chí làm giàu. Ông Sùng A Cở, Bí thư Đảng ủy xã Trung Lèng Hồ cho biết: Xã có khoảng 850 ha thảo quả. Những năm được mùa, được giá, cây thảo quả mang lại nguồn thu hàng chục tỷ đồng cho người dân địa phương. Thế nhưng, thời gian gần đây xuất hiện hiện tượng trộm thảo quả ở các khu vực xa dân cư, giáp ranh với các xã khác nên một số hộ phải thu hoạch thảo quả non.
Kiểm tra thảo quả ở xã Dền Sáng.
Ông Hạng A S. (ở xã Trung Lèng Hồ), có gần 10 ha thảo quả tâm sự: “Đang là thời điểm quả thảo quả tích tụ dưỡng chất, năng suất và chất lượng chưa ở mức cao nhất nhưng gia đình tôi buộc phải thu hoạch, bởi để thêm thời gian thì rất sợ bị mất trộm”.
Chỉ trồng gần 2 ha thảo quả nhưng mỗi năm gia đình ông Hầu A D. (xã Pa Cheo) cũng thu về gần 50 triệu đồng từ tiền bán thảo quả khô; có năm được mùa, được giá, con số này lên tới gần trăm triệu đồng. Tuy nhiên, cũng như gia đình ông Hạng A S., thời điểm này khi thảo quả mới chuyển sậm màu, gia đình ông Hầu A D. đã phải đến các vườn thảo quả của gia đình ở giáp ranh với các xã khác để thu hoạch.
Ông D. cho biết, vì gia đình neo người nên không trông coi nương thảo quả thường xuyên được, ông đành phải thu hoạch sớm ở những khu vực hay bị mất trộm, đặc biệt là những diện tích giáp ranh với xã khác. Vẫn biết việc này ảnh hưởng nhiều đến năng suất, chất lượng quả thảo quả, song để đến cuối năm có khi còn mất trắng.
Không chỉ ông Hạng A S. và ông Hầu A D., mà rất nhiều người trồng thảo quả ở Bát Xát có chung suy nghĩ như vậy. Điều này tạo nên một phong trào thu hoạch thảo quả non trong vài năm trở lại đây.
Video đang HOT
Thiệt hại từ thu hoạch thảo quả non
Xã Pa Cheo trồng gần 300 ha thảo quả, trong đó diện tích cây thảo quả mà người dân phải thu hoạch non khoảng 50 – 60 ha. Việc người dân thu hoạch quả thảo quả non sẽ khiến năng suất giảm khoảng 30% so với thu hoạch đúng mùa vụ (tháng 11 – 12).
Ông Lê Đức Minh, Bí thư Đảng ủy xã Pa Cheo cho biết, chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể, trưởng các thôn, bản đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân không nên thu hoạch thảo quả non để tránh ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng và sự phát triển bền vững của cây thảo quả. Tuy nhiên thời gian vừa qua, nhiều hộ trồng thảo quả trên địa bàn xã lo mất trộm nên đã thu hoạch thảo quả non.
Huyện Bát Xát hiện có khoảng 4.500 ha thảo quả, trong đó diện tích cây thảo quả ở khu vực giáp ranh giữa các xã trong và ngoài huyện ước tính hàng trăm ha. Như vậy, nếu người dân đều thu hoạch non ở tất cả các diện tích giáp ranh này thì sản lượng quả thảo quả sụt giảm và thiệt hại về kinh tế là rất lớn.
Được biết, nếu thu hoạch đúng thời điểm thì cứ 5 – 6 kg thảo quả tươi đem sấy sẽ được 1 kg thảo quả khô, còn nếu thu hoạch non thì 10 kg thảo quả tươi đem sấy mới thu được 1 kg thảo quả khô.
Không chỉ thiệt hại về năng suất, chất lượng, mà việc thu hoạch thảo quả non còn ảnh hưởng tới sinh trưởng, phát triển của những khu rừng già bởi khi sấy thảo quả non, người dân phải sử dụng một lượng lớn củi lấy từ rừng. Thông thường để sấy được 1 kg thảo quả khô từ quả thảo quả đã đủ độ chín cần 50 – 70 kg củi, như vậy để sấy được 1 kg thảo quả khô từ 10 kg thảo quả non thì lượng củi sẽ phải tăng gần gấp đôi.
Ông Sí Trung Kiên, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bát Xát cho biết: Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với các xã đến các thôn, bản tuyên truyền, vận động người dân thu hoạch thảo quả đúng thời gian quy định, đảm bảo năng suất, chất lượng.
Bên cạnh đó cũng yêu cầu các địa phương tăng cường tuần tra ở các khu vực giáp ranh, kịp thời phát hiện những trường hợp thu hái trộm thảo quả non để xử lý theo quy định.
Theo Trung Nguyên (Báo Lào Cai)
Đàn ông người Dao đỏ không qua lễ này đừng mong trưởng thành
Bao đời nay, đồng bào dân tộc Dao đỏ ở tỉnh Lào Cai luôn giữ gìn các bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình, trong đó phải nói đến lễ cấp sắc hay còn gọi là lễ trưởng thành. Đàn ông người Dao đỏ mỗi người ít nhất phải trải qua một lần lễ cấp sắc mới được coi là người trưởng thành.
Do tập quán canh tác và cuộc sống sinh hoạt gắn bó mật thiết với thiên nhiên, nên các nét văn hóa của cộng đồng người Dao đỏ có những nét riêng biệt. Đặc biệt người Dao đỏ rất coi trọng việc thờ cúng và làm nghi lễ truyền thống của dân tộc mình.
Nghi lễ cấp sắc của người Dao đỏ.
Trong câu chuyện với nghệ nhân Chảo Kim Sài, người dân tộc Dao đỏ sống ở bản Chu Cang Hồ (xã Tòng Sành, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai), một người rất am hiểu về phong tục tập quán, văn hóa sinh hoạt của người Dao, được biết. Cấp sắc là nghi lễ quan trọng không thể thiếu được trong văn hóa của người Dao đỏ. Đối với người Dao đàn ông mỗi người ít phải trải qua một lần lễ cấp sắc mới được coi là người trưởng thành.
Người Dao quan niệm rằng, khi trải qua các lễ cấp sắc thì con người mới thấu hiểu được các đạo lý ở đời, khi chết hồn mới về đoàn tụ với tổ tiên và được tham gia các công việc hệ trọng của bản làng của cộng đồng.
Trong lúc hành lễ cấp sắc đàn ông đứng vòng trong, còn phụ nữ đứng vòng ngoài.
Theo nghệ nhân Chảo Kim Sài: Lễ cấp sắc thường được tiến hành vào những tháng cuối năm. Trước khi hành lễ, người cấp sắc phải kiêng nói tục, chửi bậy, quan hệ vợ chồng hay để ý đến phụ nữ... trong một thời gian nhất định. Chủ nhà có con cháu cấp sắc phải nuôi 2 con lợn (1 đực 1, cái), chuẩn bị gà, rượu, gạo... để làm cỗ và vài trăm nghìn tiền mặt. Sau đó hẹn thời điểm tiến hành lễ cấp sắc.
Thường thì con cái trong nhà có độ tuổi từ 12 - 18 tuổi gia đình sẽ tổ chức cấp sắc lần đầu. Thời gian tiến hành lễ cấp sắc 3 đèn kéo dài từ 1 đến 2 ngày, cấp sắc 7 đèn kéo dài 3 đến 5 ngày. Nếu gia đình nào có điều kiện thì trong năm đó có thể tổ chức tiếp lễ 7 đèn cho con cháu, với điều kiện năm đó phải là năm nhuận. Năm nhuận là năm thuận lợi có thể mang lại nhiều may mắn cho gia đình cả về sức khỏe, công việc.
Trống, khèn là hai vật không thể thiếu trong buổi lễ cấp sắc.
"Khi gia đình nào định tiến hành lễ cấp sắc cho con cháu, công việc đầu tiên là đi mời các thầy về hành lễ, thông thường cấp sắc 3 đèn thì mời 3 thầy, 7 đèn mời 7 thầy, còn 12 đèn thì phải mời rất nhiều thầy. Ông thầy cả gọi là "chí chẩu sai", các thầy phụ gọi là "dần chái, tình mình, pá tạn, tông tàn". Sau đó, mời anh gọi anh em họ hàng và cộng đồng về dự. Một buổi cấp sắc có thể làm cho một hoặc vài người anh em họ hàng trong nhà, nhưng phải là số lẻ" ông Sài cho biết thêm.
Đặc biết người được cấp sắc 7 đèn trở lên phải là người đã có vợ. Thời gian diễn ra lễ cấp sắc, chủ nhà mổ lợn để cúng tổ tiên, trước khi hành lễ các thầy cúng phải tẩy uế xong mới đánh trống mời tổ tiên về dự. Sau đó, thầy cúng làm lễ khai đàn báo cho tổ tiên biết lý do của buổi lễ. Sau đó, đánh trống, khèn nhảy hành lễ trước bàn thờ tổ tiên.
Thổi khèn trong buổi lễ cấp sắc.
Tiếp đó, tại lễ thụ đèn, người được cấp sắc phải ăn mặc chỉnh tề ngồi trước bàn thờ, hai tay giữ một cây tre, nứa ngang vai có đục và xuyên một thanh ngang dài vừa tầm vai để thầy đốt đèn, đặt nến để làm lễ. Người thụ lễ được cấp đạo sắc với 10 điều cấm và 10 điều nguyện, tên của người thụ lễ cũng được ghi luôn trong đó để khi chết về được với tổ tiên.
Điều quan trọng nhất trong các buổi lễ này là cấp pháp danh cho người thụ lễ. Người thụ lễ lấy vạt áo để hứng gạo từ thầy cả và cha đẻ, sau đó quan sát và học một số điệu múa từ các thầy. Kết thúc nghi lễ, các thầy múa dâng rượu, lễ vật tạ ơn thần linh, gia đình, anh em, hàng xóm quây quần ăn cơm, uống rượu chúc mừng.
Ngoài việc có ý nghĩa là lễ trưởng thành, lễ cấp sắc còn có ý nghĩa cầu mong mọi người trong gia đình luôn khỏe mạnh, vợ chồng sống hạnh phúc, làm ăn thuận lợi, vươn lên.
Theo Danviet
Đào Sapa to mọng bán ở Sài Gòn và sự thật khiến ai cũng bất ngờ Nhiều chiếc xe tải chở đầy đào, trái nào cũng to mọng đậu ven Quốc lộ 1 (TP HCM) rao là đào Sapa với giá hàng trăm nghìn đồng/kg. Những ngày qua, doc tuyến QL1A (cửa ngõ TP HCM về Đồng Nai) xuất hiện nhiều xe đẩy tay, thậm chí có cả xe tải mang biển số các tỉnh phía Bắc chở đầy...