Số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng cao nhất trong 4 năm qua
4 tháng đầu năm 2021, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2020, tăng cao nhất trong các năm 2017-2020 và tăng ở tất cả các ngành kinh tế .
Một doanh nghiệp dệt may trong Khu Công nghiệp Đình Trám, Bắc Giang. Ảnh: TTXVN
Tổng cục Thống kê cho biết, trong tháng 4/2021, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng cả về số lượng và vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2021, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2020, tăng cao nhất trong các năm 2017-2020 và tăng ở tất cả các ngành kinh tế; vốn đăng ký tăng 41%. Đây là những tín hiệu tích cực về triển vọng phát triển doanh nghiệp trong thời gian tới.
Cụ thể, trong tháng 4/2021, cả nước có gần 14,9 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 179,9 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký 94,6 nghìn người, tăng 33,1% về số doanh nghiệp, tăng 59,1% về vốn đăng ký và tăng 30% về số lao động so với tháng 03/2021.
Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 12,1 tỷ đồng, tăng 19,6% so với tháng trước và tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước.
Trong tháng, cả nước còn có 5.745 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 26,8% so với tháng trước và tăng 50,8% so với cùng kỳ năm trước.
Video đang HOT
Tuy nhiên, trong tháng có 4.598 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 107,8% so với tháng trước và tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước; 5.608 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 62,2% và tăng 158,9%; 1.541 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 4,2% và tăng 57,2%.
Tổng cục Thống kê cho biết, tính chung 4 tháng đầu năm 2021, cả nước có gần 44,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 627,7 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 340,3 nghìn lao động, tăng 17,5% về số doanh nghiệp, tăng 41% về vốn đăng ký và tăng 7,8% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 4 tháng đạt 14,2 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.
Nếu tính cả 792,9 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 14,9 nghìn doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 4 tháng đầu năm 2021 là 1.420,6 nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh đó, còn có gần 19,3 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 4 tháng đầu năm 2021 lên 63,4 nghìn doanh nghiệp, trung bình mỗi tháng có gần 15,9 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Cũng trong 4 tháng đầu năm nay, có 51,5 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 23,3% so với cùng kỳ năm 2020.
Cụ thể, có hơn 28,3 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm trước; 16,4 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 17,5%; 6,7 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 32,2%. Trung bình mỗi tháng có gần 12,9 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Để tạo đà cho doanh nghiệp phát triển, ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng, Tổng cục Thống kê cho rằng, trong năm 2021 cần kích cầu đầu tư trong khối doanh nghiệp sản xuất cho xuất khẩu để chủ động nguồn hàng khi thị trường các nước trên thế giới mở lại bình thường và tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU; đồng thời, nhanh chóng phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, gồm cả ngành sản xuất sản phẩm phải nhập khẩu hiện nay và ngành sản xuất sản phẩm xuất khẩu có giá trị gia tăng cao để giảm áp lực nhập khẩu yếu tố đầu vào.
Theo đó, cần “tăng cường xuất khẩu nông sản đã qua chế biến, áp dụng và đổi mới công nghệ trong nuôi trồng, chế biến để tăng năng suất và nâng cao chất lượng, tăng tính cạnh tranh đối với những mặt hàng nông sản xuất khẩu,” ông Thúy nhấn mạnh.
Về phía doanh nghiệp, doanh nghiệp mong Chính phủ ưu tiên đầu tư hệ thống giao thông bảo đảm kết nối các khu vực sản xuất trọng điểm đến các cửa khẩu quốc tế; phát triển hệ thống logistics.
Ở trong nước, Chính phủ hỗ trợ thiết lập các trung tâm kỹ thuật nhằm hướng dẫn doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, như kiểm tra chất lượng hàng hóa miễn phí hoặc phí ưu đãi theo tiêu chuẩn của nước nhập khẩu.
Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp đang kỳ vọng môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ, với trọng tâm là cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp…/.
Khắc phục bất cập tại khu công nghiệp
Bên cạnh những đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế - xã hội, xuất khẩu và thu hút đầu tư, theo Bộ KH&ĐT, hoạt động của các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) vẫn bộc lộ những tồn tại, hạn chế cần sớm được khắc phục.
Đóng góp 55% kim ngạch xuất khẩu
Hiện, cả nước đã thành lập được 335 KCN với tổng diện tích 97,84 nghìn ha, trong đó 260 KCN đã đi vào hoạt động và 75 KCN đang trong quá trình xây dựng cơ bản. Tỷ lệ lấp đầy các KCN đạt 53,5%, riêng các KCN đã đi vào hoạt động có tỷ lệ lấp đầy đạt hơn 76,10%. Bên cạnh đó, cả nước hiện có 17 KKT được thành lập với tổng diện tích mặt đất và mặt nước gần 850 nghìn ha. Trong các KKT, có 38 KCN với tổng diện tích 15,2 nghìn ha; trong đó 17 KCN đang hoạt động và 21 KCN đang xây dựng.
Các KCN, KKT trên cả nước đã thu hút được 9.784 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký đạt 194,69 tỷ USD, vốn thực hiện 109,79 tỷ USD; 1.387 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đăng ký 1.461 tỷ đồng, vốn thực hiện 533 tỷ đồng. Các dự án đầu tư trong KCN, KKT đóng góp khoảng 55% tổng kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2016 - 2020; đóng góp 11,7% tổng thu ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2016 - 2018...
Công tác quy hoạch còn hạn chế
Dù đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế - xã hội, song lãnh đạo Bộ KH&ĐT cho rằng, các KCN, KKT thời gian qua vẫn bộc lộ những tồn tại, hạn chế. Cụ thể, tính đồng bộ, gắn kết giữa quy hoạch KCN, KKT với các quy hoạch hạ tầng xã hội, nguồn nhân lực, xây dựng, sử dụng đất và đô thị chưa cao. Việc phát triển KCN, KKT theo định hướng bền vững, hài hòa giữa công nghiệp, đô thị và dịch vụ, tạo liên kết, hợp tác, hình thành chuỗi giá trị giữa các doanh nghiệp trong và ngoài KCN, KKT chưa được chú trọng. Đặc biệt, hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường (BVMT) KCN tại một số địa phương chưa đồng bộ. Việc vận hành các công trình BVMT chưa nghiêm túc, chưa tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật về môi trường. Một số địa phương chưa quy hoạch địa điểm lưu giữ, xử lý chất thải nguy hại, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Hạ tầng xã hội, bao gồm nhà ở công nhân, các thiết chế văn hóa, thể thao, phúc lợi phục vụ người lao động chưa được gắn kết, đồng bộ với phát triển KCN, KKT.
Một số khu công nghiệp chưa tuân thủ đầy đủ quy định về bảo vệ môi trường
Nguyên nhân của những hạn chế trên là do công tác xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển KCN, KKT còn bất cập, thiếu tầm nhìn tổng thể, dài hạn trong mối tương quan với các ngành kinh tế khác và với xã hội. KCN, KKT được quy hoạch khá dàn trải, chưa bám sát yêu cầu thực tiễn, định hướng và khả năng thu hút đầu tư, lợi thế cạnh tranh của địa phương và hiệu quả sử dụng nguồn lực. Đặc biệt, nguồn vốn ngân sách hỗ trợ phát triển hạ tầng KCN, KKT còn thấp so với nhu cầu, trong khi đó, việc huy động nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển còn hạn chế, đặc biệt địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
Thừa nhận những bất cập trên, ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI - cho rằng: Đây cũng là một trong những lý do khiến Việt Nam chưa thu hút được những dự án FDI lớn, có chất lượng đến từ các quốc gia châu Âu. Nhằm khắc phục hạn chế, Bộ KH&ĐT đang xây dựng dự thảo Đề án Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ giai đoạn 2021 - 2030 thực hiện đột phá chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước theo tinh thần Nghị quyết số 13-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương, trong đó đưa ra những giải pháp cụ thể nhằm tăng hiệu quả hoạt động của các KCN, KKT trong giai đoạn tới.
Dòng tín dụng vào bất động sản chưa đến mức rủi ro Chiều 22/4, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) cho biết, dòng tín dụng vào bất động sản hiện chưa đến mức rủi ro, mới chiếm khoảng 19,8% tổng dư nợ. Từ nay tới cuối năm, NHNN tiếp tục kiểm soát chặt tín dụng trong lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất...