Sở hữu một khẩu súng tại Mỹ dễ đến mức nào?
Dư luận Mỹ từng nhiều lần chấn động trước những vụ xả súng của các phần tử cực đoan, gần đây nhất là vụ một tay súng thảm sát tại nhà thờ ở hạt Charleston, bang Nam Carolina, khiến 9 người thiệt mạng. Trong khi đó, để sở hữu một khẩu súng tại Mỹ lại là điều dễ
Súng được bày bán tại rất nhiều cửa hàng, triển lãm ở Mỹ – Ảnh: Reuters
Có hàng trăm cửa hàng bán súng tại Mỹ, từ những chuỗi cửa hàng lớn như Walmart (WMT) đến một cửa tiệm gia đình tại Crescent, bang Oregon. Hoặc bạn cũng có thể tham dự hàng chục buổi triển lãm súng tổ chức trên cả nước vào mỗi dịp cuối tuần. Mọi người cũng thường mua súng từ hàng xóm hoặc người thân trong gia đình, theo CNN.
Việc kiểm tra lý lịch được thực hiện ngay tại cửa hàng. Người mua phải điền vào một mẫu của Cục quản lý rượu, thuốc lá, vũ khí và chất nổ Mỹ (ATF), trong đó có các thông tin cá nhân cơ bản và những câu hỏi như bạn đã từng phạm tội, hoặc có từng sử dụng trái phép cần sa hay các loại chất cấm hay chưa… Sau đó cửa hàng sẽ liên hệ với Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI), cơ quan quản lý việc kiểm tra lý lịch cá nhân bằng hệ thống NICS (hệ thống kiểm tra lý lịch hình sự quốc gia). Quá trình này chỉ mất vài phút.
NICS sẽ quét qua các cơ sở dữ liệu liên bang để tra cứu thông tin. Nếu người mua đã từng phạm tội với mức án hơn 2 năm hoặc bị tòa án tuyên bố là có “khiếm khuyết về tinh thần” thì sẽ không thể vượt qua cuộc kiểm tra lý lịch.
Tuy nhiên, những trường hợp này rất hiếm khi xảy ra, chỉ dưới 1%. Hơn 100 triệu cuộc kiểm tra như thế này đã được thực hiện trong một thập niên qua, và chỉ có hơn 700.000 trường hợp bị từ chối, theo thông tin trên trang web của FBI.
Video đang HOT
Tuy nhiên, người mua không cần phải kiểm tra lý lịch khi mua hàng tại các triển lãm, hội chợ. Hầu hết các triển lãm này đều không diễn ra tại các thành phố như New York, Chicago hay thủ đô Washington vì những nơi này có luật kiểm soát súng đạn rất gắt gao.
Năm 2013, thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Dianne Feinstein và Tổng thống Barack Obama đã cố gắng loại trừ các kẽ hở từ các buổi triển lãm súng bằng dự luật tăng cường kiểm tra lý lịch nhưng không được Quốc hội Mỹ thông qua. Nỗ lực này được đưa ra sau vụ xả súng tại trường cấp hai Sandy Hook ở bang Connecticut khiến 26 trẻ em và giáo viên thiệt mạng năm 2013. Và sau vụ xả súng tại nhà thờ ở hạt Charleston, bang South Carolina làm 9 người thiệt mạng tuần rồi, Tổng thống Obama đã để ngỏ khả năng rằng ông sẽ cố gắng một lần nữa.
Dylann Roof, nghi phạm trong vụ xả súng ở Charleston, đã mua khẩu súng ngắn hiệu Glock tại một cửa hàng ở Charleston. Theo đúng luật, Roof cũng sẽ bị kiểm tra các tiêu chuẩn như trên tại cửa hàng, có vẻ nghi phạm xả súng này đã vượt qua cuộc kiểm tra và mua được súng, dù Roof từng bị bắt vì lạm dụng và sở hữu ma túy, theo CNN.
Roof còn đăng tải những biểu tượng phân biệt chủng tộc trên Facebook, nhưng FBI cho rằng những thông tin như vậy không được tính vào cuộc kiểm tra lý lịch, và cơ sở dữ liệu chỉ có các thông tin về những người bị cấm được nêu ra trong Luật kiểm soát súng đạn.
Bảo Vinh
Theo Thanhnien
Bà Clinton kêu gọi thắt chặt việc sở hữu súng sau vụ Charleston
Bà Clinton đã lên tiếng kêu gọi cải cách việc sở hữu súng và chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc đang lan tràn trên khắp nước Mỹ.
Theo AP, phát biểu ngày 20/3- 3 ngày sau khi xảy ra vụ xả súng khiến 9 người thiệt mạng tại một nhà thờ dành cho người da đen ở Charleston, bà Clinton cho rằng, Mỹ cần phải tiến hành nhiều biện pháp để giữ súng xa tầm tay những tên tội phạm và những kẻ tâm thần.
Bà Hillary Clinton (Ảnh AP)
Theo bà Clinton, các quy định mới được đưa ra cần phải tôn trọng Tu chính án số 2 và "những người sở hữu súng đầy trách nhiệm".
"Các chính sách về vấn đề này đều đã lỗi thời nhưng chúng ta không thể từ bỏ được. Cái giá phải trả nếu chúng ta không làm là quá đắt và nỗi đau sau các vụ xả súng là quá lớn", bà Clinton nhấn mạnh trong cuộc Hội thảo với các Thị trưởng của Mỹ tại San Francisco.
Trước đó, năm 2013, Quốc hội Mỹ đã không thông qua một dự luật trong đó mở rộng việc điều tra kỹ lưỡng việc buôn bán súng cũng như cấm người dân sở hữu một vài loại súng bán tự động.
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chỉ trích Quốc hội Mỹ về vấn đề này và cho rằng, quyết định do Quốc hội Mỹ đưa ra là do áp k]jc từ Hiệp hội Súng trường Quốc gia Mỹ.
Dù chưa đề xuất bất kỳ một dự luật nào trong tuyên bố của mình, bà Clinton cho biết, bà đã từng lên tiếng ủng hộ việc giới hạn buôn bán súng cũng như cấm sở hữu các loại vũ khí tấn công.
Ngoài ra, bà Clinton cũng lên tiếng chỉ trích tệ nạn phân biệt chủng tộc ở Mỹ, một vấn nạn cũng nằm trong cương lĩnh tranh cử của bà. Bà Clinton gọi tệ nạn này là "một sai lầm kinh khủng của nước Mỹ" và rằng "hàng triệu người da màu tại Mỹ đang hằng ngày phải hứng chịu tệ phân biệt chủng tộc".
"Vấn đề phân biệt chủng tộc không chỉ giới hạn ở các băng nhóm tội phạm mà còn tồn tại dưới dạng những lời châm biếm nhằm vào người da màu, vào sự sợ hãi của người da trắng Mỹ với những thanh niên da đen và hơn hết là nỗi sợ không dám cất lên tiếng nói phản đối sự phân biệt này", bà Clinton nhấn mạnh.
Trước đó, trong những lần xuất hiện trước công chúng bà Clinton từng kêu gọi thay đổi hệ thống tòa án hình sự và thông qua các luật hỗ trợ các chủ doanh nghiệp nhỏ là người dân tộc thiểu số tại Mỹ.
Những lời kêu gọi này được coi là nhằm thu hút phiếu bầu của những cử tri là người thiểu số và những thanh niên có tư tưởng tiến bộ- những người đã hai lần giúp ông Obama trở thành ông chủ Nhà Trắng.
"Chúng ta không thể chạy trốn khỏi sự thật phũ phàng về tệ phân biệt chủng tộc và bất công tại Mỹ. Chúng ta phải chỉ đích danh từng vấn đề và tìm cách thay đổi", bà Clinton nhấn mạnh./.
Trần Khánh
Theo VOV
[Infographics] Lịch sử các vụ xả súng đẫm máu nhất ở Mỹ Vụ mới nhất: Ngày 18/6, giới chức thực thi luật pháp Mỹ cho biết hung thủ vụ thảm sát tối 17/6 Dylann Roof, một thanh niên da trắng 21 tuổi, đã bị bắt giữ cách nơi gây án khoảng 350 km sau gần một ngày săn lùng... Theo ( Vietnam )