Sở GTVT Hà Nội đánh giá như thế nào về mô hình G7 taxi?
Mới đây, thị trường taxi Hà Nội xuất hiện hãng taxi có tên là “ G7 taxi”- đây là hãng taxi truyền thống lớn nhất từ trước đến nay, với khoảng 3.000 xe. Sở GTVT Hà Nội đánh giá, mô hình này rất tốt, đem lại lợi ích cho khách hàng, lái xe và doanh nghiệp.
Sau một thời gian đàm phán, thảo luận, 3 hãng taxi Thành Công, Ba Sao, Sao Hà Nội đã tìm được tiếng nói chung để gia nhập vào G7 taxi. Với mô hình mới của G7 taxi, các hãng gia nhập G7 taxi đều là cổ đông, tham gia vào hội đồng quản trị và được quyết định các vấn đề quan trọng của công ty. Đây là cam kết rõ ràng nhất của G7 taxi với các hãng sáp nhập để đồng hành, bảo vệ lợi ích, hợp tác ổn định lâu dài cùng nhau.
G7 taxi chính thức lăn bánh phục vụ hành khách từ tháng 10/2018.
Theo các điều khoản ký kết vào chiều ngày 14/8, toàn bộ gần 3.000 xe taxi của 3 hãng taxi Thành Công, Ba Sao, Sao Hà Nội sẽ hoạt động dưới nhận diện thương hiệu và chung một hệ thống điều hành, quản lý của G7 taxi. G7 taxi sẽ chịu trách nhiệm đầu tư phát triển thương hiệu, thị trường và thu phí quản lý thương hiệu của các hãng taxi này.
Đánh giá về mô hình taxi nói trên, Sở GTVT Hà Nội cho biết, thời gian gần đây, hoạt động của các hãng taxi công nghệ nở rộ nhanh chóng, đến hết năm 2017, trên cả nước đã có khoảng 36.000 xe tham gia loại hình taxi công nghệ Uber/Grab (trong đó tại Hà Nội 16.000 xe, TPHCM khoảng 20.000 xe). Tại Hà Nội có đến 77 hãng taxi, nhưng hãng taxi nhiều xe nhất chỉ có gần 1.000 xe, rất khó để cạnh tranh với các hãng taxi công nghệ.
Sau khi học tập và tham khảo một số mô hình cạnh tranh với Uber/Grab tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, G7 taxi tại Việt Nam đã ra đời dưới sự hợp tác của 3 hãng taxi tại Hà Nội, cùng sự cam kết đầu tư mạnh mẽ vào việc nâng cao thương hiệu và phương pháp phát triển thị trường.
Video đang HOT
Sở GTVT Hà Nội cho rằng, mô hình taxi này sẽ đem lại nhiều lợi ích cho khách hàng, lái xe và doanh nghiệp. Cụ thể, khách hàng sẽ tiết kiệm thời gian và tiền bạc khi sử dụng G7 taxi vì giá cước ổn định (cạnh tranh), độ phủ phương tiện rộng khắp tại Hà Nội và các tỉnh nên gọi xe nhanh chóng và còn biết trước giá cước, lộ trình khi đặt xe qua app… Ngoài ra, khách hàng còn được phục vụ chuyên nghiệp, chế độ chăm sóc, hậu mãi tốt.
“G7 taxi có đường dây nóng giải quyết khiếu nại hoặc hỗ trợ khách hàng 24/7; Có các hình thức thanh toán linh hoạt, các chương trình khuyến mại ưu đãi; Được hưởng các chế độ bảo hiểm trong các trường hợp rủi ro, tai nạn” – Sở GTVT Hà Nội cho biết.
G7 taxi trở thành thương hiệu taxi lớn với việc sáp nhập 3 hãng taxi.
Cũng theo Sở GTVT Hà Nội, khi tham gia mô hình G7 taxi, cán bộ nhân viên và lái xe sẽ được tham gia đào tạo tập huấn về phục vụ khách hàng, vận hành phương tiện, bổ túc tay lái, các kỹ năng đảm bảo trật tự an toàn giao thông; Được các đơn vị thành viên thực hiện đầy đủ các chính sách đối với người lao động theo đúng quy định của pháp luật; Độ phủ phương tiện lớn nên sẽ giảm km chạy rỗng, giảm thời gian dừng xe, tiết kiệm chi phí vận hành, tăng hiệu quả kinh doanh, tăng thu nhập. Hình thức điều hành trực tiếp cho 1 xe bất kỳ gần nhất giúp chạy xe an toàn.
Đối với doanh nghiệp, mô hình G7 taxi tăng sức cạnh tranh trên thị trường nhờ độ phủ của phương tiện, giá cước ổn định – cạnh tranh, quản lý tốt chất lượng dịch vụ; Do độ phủ rộng, thị trường lớn nên sẽ giảm việc chạy rỗng, giảm chi phí điều hành, quản lý, chi phí xăng… qua đó giảm giá thành, giảm giá cước, nâng cao hiệu quả kinh doanh; Do sự hợp tác toàn diện của nhiều công ty, tạo sức mạnh tài chính để phát triển thị trường, phát triển thương hiệu, áp dụng công nghệ tiên tiến phục vụ công tác quản lý, điều hành nâng cao chất lượng dịch vụ; Cách thức điều hành mới giảm rủi ro do mất an toàn giao thông, tiết kiệm chi phí cho người lao động, doanh nghiệp và xã hội.
Đánh giá thêm về mô hình taxi này, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy – nguyên cán bộ chỉ đạo vận tải hành khách (Vụ Vận tải – Bộ GTVT) những năm 1980; nguyên Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Giao thông vận tải (Bộ GTVT), người đã có trên 30 năm nghiên cứu về tình hình giao thông đô thị ở Việt Nam – cho rằng: “Việc hợp nhất các đơn vị nhỏ lẻ sẽ tạo sự cạnh tranh mang tính quy mô hơn để đẩy mạnh hoạt động vận tải bằng taxi, nâng cao chất lượng dịch vụ. Đứng về người sử dụng dịch vụ, điều này đem lại sự tiện lợi, qua đó sẽ tạo được sự cạnh tranh mang tính công bằng, công khai”.
Theo Dantri
Thanh tra giao thông vận tải: Những cái khó không nói thành lời
Thời gian qua, tình trạng xe quá khổ, quá tải đã giảm rõ rệt trên địa bàn Hà Nội. Tuy nhiên, công tác xử lý vi phạm vẫn gặp không ít khó khăn, đặc biệt là với lực lượng thanh tra Sở GTVT Hà Nội.
Mỗi ngày là một cuộc chiến
Hà Nội đang trong thời kỳ đô thị hoá mạnh mẽ, các công trình xây dựng lớn, nhỏ mọc lên khắp nơi; nhu cầu về vật liệu xây dựng, vận chuyển phế liệu, bùn đất rất cao. Từ nhu cầu thực tế đó, vài năm qua, trên địa bàn Thủ đô xuất hiện không ít xe ô tô kinh doanh vận tải tự ý cơi nới thành thùng, chở quá tải, gây mất trật tự, ATGT, hư hại kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Với nỗ lực không ngừng nghỉ của các lực lượng chức năng của TP, trong đó có Thanh tra Sở GTVT, khoảng 2 năm trở lại đây, hiện tượng xe quá khổ, quá tải đã giảm đến 90%, đặc biệt là tại nội thành.
Lực lượng Thanh tra giao thông làm nhiệm vụ tại một trạm cân ở huyện Thanh Trì. Ảnh: Chiến Công
Đội phó Đội Thanh tra GTVT huyện Đông Anh Đỗ Việt Hải cho biết, sau một thời gian truy quét gắt gao, xe quá khổ, quá tải đã giảm mạnh. Nhưng đồng thời, các DN, tài xế xe tải cũng ngày càng nghĩ ra nhiều chiêu trò tinh vi, phức tạp hơn để đối phó với lực lượng chức năng. "Nào là thuê người dò chốt; bỏ chạy bạt mạng hoặc cố tình chây ì, không chấp hành kiểm tra; tụ tập đông người gây sức ép với Thanh tra GTVT. Thậm chí là cố tình ghi hình, chụp ảnh, tung lên mạng xã hội với nội dung phiến diện, bôi nhọ, hạ uy tín lực lượng chức năng nhằm gây sức ép" - ông Hải nói, đồng thời cho biết, có lần xử lý xe quá tải về, đêm đến có nhiều tin nhắn hoặc cuộc gọi tới gia đình, người thân "vu" cho cán bộ Thanh tra GTVT có lối sống không lành mạnh...
Phó Chánh thanh tra Sở GTVT Hà Nội Lê Xuân Tiến thẳng thắn chia sẻ: "Với chúng tôi, mỗi ngày là một cuộc chiến với các loại vi phạm trong lĩnh vực GTVT, đặc biệt là với xe quá khổ, quá tải. Khó khăn rất nhiều nhưng không phải ai cũng biết và cảm thông".
Hà Nội hiện có 7.472 DN, hộ cá thể kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô với 25.038 phương tiện gồm: 3.848 xe container, 1.833 xe đầu kéo, 19.357 xe tải. Từ ngày 1/1 đến nay, lực lượng Thanh tra GTVT đã kiểm tra, xử lý 7.343 trường hợp, phạt tiền 19.969.400.000 đồng, tạm giữ 85 phương tiện, tước GPLX 870 trường hợp.
Nhọc nhằn không ai thấy
Đội trưởng Đội Thanh tra GTVT đường bộ, Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Quang Lượng cho hay: "Lực lượng hầu như ứng trực 100% quân số vào tất cả các ngày lễ, Tết, ngày nghỉ. Anh em đi làm có hôm đến 2 giờ sáng mới về, 6 giờ đã lại ra chốt phân luồng giao thông. Có người thì địa bàn công tác cách nhà đến trên 60km, đi sớm về khuya thường xuyên, gia đình lục đục". Nhiều trường hợp, Thanh tra GTVT còn bị đe doạ hành hung, quấy rối cuộc sống gia đình khi thẳng tay xử lý xe quá khổ, quá tải.
Nhiều cán bộ Thanh tra GTVT có thâm niên trong ngành chia sẻ, việc kiểm tra, xử lý xe quá khổ, quá tải trên đường không thể chỉ dùng các biện pháp mạnh, cứng rắn mà còn phải khéo léo. Lãnh đạo Đội Thanh tra GTVT quận Bắc Từ Liêm phân tích, có nhiều tuyến đường nhỏ hẹp hoặc mật độ giao thông cao, mỗi khi dừng xe để kiểm tra, xử lý, nếu để kéo dài sẽ gây UTGT, ảnh hưởng đến toàn tuyến. Không ít tài xế "bắt bài" được lo ngại này nên cố tình chây ì, câu giờ. Mỗi khi gặp trường hợp như vậy, nếu không kiên quyết, linh hoạt có khi mất cả ngày chỉ phạt được 1 - 2 xe. Thậm chí còn bị người dân hiểu lầm, thể hiện thái độ phản cảm.
Ông Lê Xuân Tiến chia sẻ thêm, kết quả xử lý xe quá khổ, quá tải thời gian qua là rất tích cực. Thế nhưng có đôi lúc, bên cạnh những dư luận tích cực vẫn có khá nhiều đồn đoán phiến diện, thiếu căn cứ. "Chúng tôi vẫn luôn nỗ lực không ngừng nghỉ để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Nhưng những khó khăn khách quan còn rất nhiều. Điều chúng tôi luôn mong muốn là bên cạnh những ý kiến góp ý xác đáng, thẳng thắn, người dân cũng chia sẻ phần nào nỗi nhọc nhằn, nhìn nhận kết quả mà lực lượng chức năng nói chung, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội nói riêng đã đạt được trong lĩnh vực xử lý xe quá khổ, quá tải trên địa bàn TP thời gian qua" - ông Tiến nói.
Theo kinhtedothi
Cấm ô tô trên phố Phương Liệt, phương tiện di chuyển hướng nào? Từ ngày mai (25/9), Sở GTVT Hà Nội sẽ cấm ô tô đi một chiều trong giờ cao điểm trên phố Phương Liệt. Hà Nội cấm ô tô đi một chiều trong giờ cao điểm trên phố Phương Liệt - Ảnh internet Sở GTVT Hà Nội vừa thông báo điều chỉnh tổ chức giao thông trên tuyến phố Phương Liệt (đoạn từ hồ...