Sở Giáo dục tìm hiểu về giáo viên “không nói gì” với học sinh
Chiều nay (ngày 27/3), lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM tìm hiểu thông tin về giáo viên bị học sinh phản ánh nói “không nói gì” trong một học kỳ tại buổi đối thoại giữa học sinh với lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM tuần qua.
Xác nhận với báo chí, thầy Bùi Minh Bình, hiệu trưởng Trường THPT Long Thới, huyện Nhà Bè cho biết, nhà trường đang làm việc với quản lý Sở GD-ĐT TP.HCM về sự việc một cô giáo bộ môn của trường bị học sinh phản ánh lên lớp chỉ viết bài mà không nói gì khiến hơn một học kỳ học sinh tự học.
Học sinh bật khóc tại đối thoại với lãnh đạo
Theo thầy Minh do có nhiều vấn đề chưa rõ ràng nên cần phải xác minh để làm rõ thêm.
Sự việc bắt đầu buổi đối thoại giữa lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM với học sinh diễn ra tuần trước. Tại đây, học sinh Phạm Song Toàn, lớp 11, Trường THPT Long Thới, Nhà Bè đã bật khóc khi kể về chuyện ở lớp mình.
Video đang HOT
“Hiện nay lớp con đang gặp vấn đề với giáo viên. Con muốn thầy cô có một biện pháp hợp lý trong quan hệ giữa học sinh với giáo viên. Chúng con mong giáo viên lên lớp nói gì với chúng con. Nhưng một giáo viên của con lên lớp chỉ viết bài lên bảng và không nói gì. Học sinh thấy cô im lặng nên cũng sợ và không nói gì. Con không hiểu vì sao cô không nói gì với chúng con”- Toàn nói.
Toàn đã không kìm được nước mắt khi nói tiếp: “Ba của con cũng là một giáo viên nên con hiểu nỗi lòng của nhà giáo. Nhưng con không hiểu sao cô giáo lên lớp chỉ viết bài mà không nói gì hết. Hơn một học kỳ nay, chúng con đã tự học. Chúng con biết cô cũng đã có sự cố gắng, nhưng khi cô không nói gì thì chúng con cũng không dám nói vì sợ”.
Toàn cho biết giáo viên chủ nhiệm của lớp đã cố gắng giải quyết nhưng vì những lý do tế nhị nên tình trạng vẫn như vậy.
Được biết cô giáo mà nữ học sinh này phản ánh đang dạy môn Toán tại Trường THPT Long Thới. Trước khi chuyển công tác về trường này cô từng có một thời gian khá dài dạy tại Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, Q.4. Trong quá khứ cô C, đã từng bị học sinh phản ánh có lời lẽ không đúng mực với học sinh cũng như phương pháp sư phạm không đúng đắn.
Vào đầu năm 2012, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Lê Hồng Sơn lúc đó đã ký quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với cô với lý do có ảnh hưởng tới môi trường sư phạm. Sau đó, Sở GD-ĐT đồng ý cho cô chuyển về Trường THPT Long Thới theo nguyện vọng.
Theo Tuệ Minh (Vietnamnet)
"Cô giáo lạnh lùng" từng hỏi học sinh: "Ai sủa trong lớp?"
Cô giáo mà nữ sinh Trường THPT Long Thới, Nhà Bè phản ánh với lãnh đạo ngành giáo dục TPHCM là lên lớp chỉ viết, không nói, không giao tiếp, kệ học sinh tự học... từng có "tiền sử" dạy học sinh bằng những lời lẽ hết sức phản cảm. Cô từng bị cảnh cáo, chuyển trường...
Trong buổi đối thoại với lãnh đạo ngành giáo dục TPHCM, nữ sinh Phan Song Toàn (học sinh Trường THPT Long Thới, Nhà Bè) đã bật khóc khi nói về trường hợp cô giáo dạy Toán lên lớp chỉ viết bài, không giảng, không nói chuyện, không giao tiếp... Cả nửa học kỳ qua, học sinh phải tự học, các em rất sợ hãi và căng thẳng. Ngay sau khi nắm bắt thông tin sự việc, ban giám hiệu Trường THPT Long Thới đã xác minh, tìm hiểu...
Em Phạm Song Toàn chảy nước mắt khi nói về cô C. dạy Toán trong buổi đối thoại với lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM
Cô giáo mà em Toàn phản ánh là cô T.T.M.C, giáo viên dạy Toán. Lãnh đạo Trường THPT Long Thới xác nhận, trước khi về dạy tại Trường THPT Long Thới vào năm 2012, cô C. dạy tại Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, Q.4.
Tại đây, học sinh, phụ huynh của trường đã từng phản ánh việc cô C. dùng những lời lẽ hết sức phản cảm trong giáo dục. Học sinh ở Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ mà cô C. phụ trách khi đó từng phản ánh, trong giờ giảng, khi có tiếng ồn, cô quay xuống hỏi: "Ai sủa trong lớp?" rồi chất vấn lớp trưởng : "Ai là người thường hay sủa trong lớp?". Sau đó, cô Châu đã đuổi một học sinh ở vị trí phát ra tiếng ồn và nhiều học sinh khác ra ngoài.
Ở nhiều tiết học khác, cô C. cũng thường xuyên đuổi học sinh ra ngoài hành lang, thậm chí có khi đuổi gần nửa lớp đến độ thời điểm đó ở trường còn gọi "lớp học ngoài hành lang". Thậm chí có trường hợp, học sinh ốm nghỉ học có xin phép, giám thị xác nhận cô C. vẫn đuổi ra ngoài, xé sổ liên lạc.
Thời điểm đó, phụ huynh có con theo học cô C. cũng phản ánh, con mình chỉ bài cho bạn liền bị cô chửi "Phân chó mà tưởng pa tê" và cô gọi con chị là "giống như chó dại", "mày về uống thuốc thần kinh" khi em thay mặt cả lớp xin nhà trường giữ lại giáo viên cô giáo cũ để không phải học cô C.
Cô C. cũng nổi tiếng với việc từng bắt nhiều học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ chép phạt 200 lần. Thấy cô đuổi học sinh ra khỏi lớp, bắt học sinh chép phạt nhiều, khi đó, hiệu trưởng nhà trường là ông Lê Xuân Giang can thiệp nhưng khi hiệu trưởng xuống lớp thì cô cho học sinh vào chỗ ngồi, sau đó hiệu trưởng quay đi, cô C. lại đuổi tiếp.
Việc cô C. hành xử phản giáo dục, vô văn hóa khi đó được học sinh, phụ huynh phản ánh lên Sở GD-ĐT TPHCM. Vào đầu năm 2012, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Lê Hồng Sơn đã ký quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với cô T.T.M.C vì vi phạm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đạo đức, tư cách nhà giáo, xâm hại môi trường sư phạm.
Sau đó, Sở GD-ĐT đồng ý cho cô C. chuyển về Trường THPT Long Thới theo nguyện vọng.
Được biết, chiều nay Sở GD-ĐT TPHCM sẽ làm việc với Trường THPT Long Thới về phản ánh của em Phạm Song Toàn về cô T.T.M.C.
Theo Lê Đăng Đạt (Dân trí)
Nhiều địa phương đề nghị kết nối dữ liệu hộ tịch Tại hội nghị triển khai công tác năm 2018 của Bộ Tư pháp, lãnh đạo nhiều địa phương đề nghị Bộ Tư pháp giải quyết vấn đề chia sẻ, kết nối dữ liệu hộ tịch để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ trên phạm vi cả nước. (Ảnh minh hoạ) Trong văn bản giải đáp đề nghị của ông Lê Hồng Sơn...