Sợ COVID-19, người đàn ông trốn vào sống trong sân bay suốt 3 tháng
Một người đàn ông đã sống trong khu vực an toàn trong sân bay Chicago trong suốt 3 tháng vì lo sợ COVID-19.
Sân bay quốc tế O’Hare ở Chicago. Ảnh: Reuters
Giới chức Sở Hàng không Chicago (CDA) cho biết, Aditya Singh, 36 tuổi đã sống trong sân bay quốc tế O’Hare trong gần ba tháng. Người này không gây ra nguy cơ nào đối với sân bay và công chúng. Tuy nhiên, CDA cho biết cơ quan này vẫn đang phối hợp với lực lượng thực thi pháp luật để điều tra vụ việc.
Singh tới sân bay O’Hare hôm 19/10/2020, với điểm xuất phát là Los Angeles, California. Đến ngày 16/1 vừa qua, mọi chuyệnvỡ lở khi hai nhân viên sân bay bắt gặp Singh và yêu cầu anh này xuất trình giấy tờ tùy thân. Singh trưng ra một thẻ làm việc ở sân bay, nhưng thực chất đây là biển tên của một viên chức quản lý tại sân bay bị đánh cắp ngày 26/10/2020.
Khai báo với cảnh sát, Singh nói rằng, lý do khiến anh quyết định sống trong sân bay là vì không muốn trở lại nhà ở California vì sợ COVID-19. Singh có bằng thạc sĩ, nhưng thất nghiệp và sống chung phòng với vài người bạn ở quận Cam, California.
Cảnh sát bắt giữ Singh, cáo buộc người này phạm tội xâm nhập vào khu vực hạn chế sân bay và đánh cắp đồ. Tòa án đã đưa ra mức bảo lãnh 1.000 USD để Singh được tại ngoại.
Cộng đồng làm nail gốc Việt ở Mỹ chật vật giữa Covid-19
Tiệm nail bị đóng cửa dài ngày vì Covid-19 và nạn phân biệt chủng tộc với người châu Á khiến nhiều người gốc Việt ở Mỹ chồng chất khó khăn.
Kathy Phạm mới 18 tuổi khi từ Việt Nam đến San Rafael, California năm 1989. Để kiếm sống, bà bước chân vào ngành công nghiệp mà nhiều phụ nữ Việt Nam thế hệ thứ nhất và thứ hai ở California tìm đến: làm móng. Bà ghi danh vào trường dạy làm đẹp và theo nghề nail từ đó.
Làm nail lương không cao, lại đi kèm nhiều vấn đề như giờ làm việc dài, tiếp xúc với hoá chất độc hại và một số khách hàng thô lỗ, nhưng Kathy vẫn gắn bó với nó. Bà thậm chí ngày càng thích công việc này và cuối cùng đã mở một salon với những người đồng nghiệp tuyệt vời cùng những khách hàng coi họ như gia đình.
Video đang HOT
Kathy, một người mẹ đơn thân, làm việc 7 ngày/tuần để nuôi sống bản thân và 3 con. Rồi đại dịch Covid-19 bùng phát, đẩy bà vào cảnh thất nghiệp.
"Bây giờ tôi không làm được gì cả", bà nói.
Thợ làm móng gốc Việt biểu tình đòi tái mở cửa tiệm nail tại thành phố Westminster, California hôm 8/6. Ảnh: NBC News.
Kathy đã thất nghiệp hơn 5 tháng và từ khi Đạo luật CARES hết hạn hôm 25/7, trợ cấp thất nghiệp của bà giảm xuống chỉ còn 100 USD/tuần, hầu như không đủ sống.
Tiệm nail bị đóng cửa, thu nhập bị mất là điều đặc biệt khó khăn với những phụ nữ như Kathy, vốn là "xương sống" của ngành công nghiệp làm nail. Theo một nghiên cứu của Trung tâm Lao động đại học California tại Los Angeles (UCLA) và Liên minh Tiệm nail Lành mạnh California (CHNSC), 81% lao động trong ngành nail ở Mỹ là nữ giới và 79% sinh ra ở nước ngoài. Khoảng 3/4 thợ nail nhập cư là người gốc Việt.
Ngành công nghiệp nail đặc biệt quan trọng với kế sinh nhai của cộng đồng gốc Việt tại California, nơi 39% người nhập cư gốc Việt ở Mỹ sinh sống, theo Viện Chính sách Di trú. Gần 1/6 thợ nail của Mỹ tập trung ở California.
"Gánh nặng kinh tế của lệnh đóng cửa phần lớn dồn lên những phụ nữ và người da màu", nghị sĩ Ash Kalra viết trong thư gửi Thống đốc bang Gavin Newsom hôm 28/8. "Do lệnh đóng cửa, 3/4 lao động bày tỏ lo ngại họ sẽ không thể đủ tiền mua thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác trong tháng tới".
Bà Karla kêu gọi bang California tái mở cửa các tiệm nail một cách an toàn và xem xét lại những quy định hiện nay của bang, trong đó yêu cầu tiệm nail chỉ được hoạt động trong nhà ở những hạt có tỷ lệ lây nhiễm nCoV thấp. Ở những hạt có tỷ lệ lây nhiễm cao, họ chỉ được hoạt động ngoài trời.
Các chủ salon và nhân viên cho biết việc làm nail ngoài trời đòi hỏi những điều kiện mà hầu hết các cơ sở đều không đáp ứng được. Khi làm việc ngoài trời, các tiệm làm móng và spa chân không chỉ gặp khó khăn về đấu nối nguồn điện, mà còn gây nguy hiểm cho những người qua lại không đeo khẩu trang, vất vả giữ vệ sinh không gian chung, bên cạnh chịu đựng thời tiết nóng nực và chất lượng không khí kém do cháy rừng.
Quy định trên được áp dụng cả các dịch vụ chăm sóc cá nhân khác như triệt lông, cũng như các trung tâm thể hình, nhà hàng, những nơi thờ phụng. Tuy nhiên, các khách sạn và casino được phép hoạt động trong nhà, dù nơi đó có tỷ lệ lây nhiễm cao hay không.
Các nhà vận động cho ngành nail cho rằng điều này là không công bằng, khẳng định thợ làm móng là những lao động được đào tạo về vệ sinh nghiêm ngặt nhất trong lĩnh vực dịch vụ.
"Chúng tôi yêu cầu mở cửa trong nhà một cách an toàn. Chúng tôi yêu cầu mở cửa ngay lập tức", Tâm Nguyễn, đồng sáng lập Nailing It for America, nhóm đứng ra tổ chức biểu tình hồi tháng 6, cho biết. "Chúng tôi đã làm mọi thứ có thể để xứng đáng với điều đó".
Các tiệm nail không được chính quyền California đưa vào kế hoạch mở cửa trở lại của bang, ngay cả khi các tiệm làm tóc đã được cấp phép hoạt động.
"Điều đó rất khó hiểu và đau lòng", Tâm Nguyễn nói, đặc biệt là sau khi cộng đồng nail cùng nhau quyên góp hơn 1,2 triệu thiết bị bảo hộ cá nhân cho các nhân viên y tế hồi tháng 4.
Các thợ móng gốc Việt còn cảm thấy bức xúc khi Thống đốc Newsom đưa ra thông tin vẫn chưa có cơ sở rằng trường hợp lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng đầu tiên ở California xảy ra ở một tiệm nail. Thông tin này không chỉ khiến họ lo lắng về khả năng bị phân biệt chủng tộc mà còn có tác động lâu dài đến sinh kế của họ.
"Thật đau lòng với một ngành công nghiệp khi ông ấy tuyên bố như thế mà không đưa ra dữ liệu rõ ràng nào, không có bằng chứng khoa học rõ ràng nào. Nó làm lung lay niềm tin của khách hàng", Tâm Nguyễn nói.
Nhân viên đo thân nhiệt cho khách tại tiệm Captivate Nail & Spa ở thành phố Fullerton, bang California, hôm 19/6. Ảnh: LA Times.
Phần lớn California bị áp các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt nhất, trong đó có các quận Cam, Santa Clara và Los Angeles, nơi có ba cộng đồng người Việt lớn nhất trong bang, khiến hầu hết các tiệm nail phải đóng cửa. Tình trạng này cũng diễn ra tại hạt Marin nơi Kathy sống và bà đang không biết khi nào công việc của mình được nối lại. Bà đã cố gắng tìm việc ở các tiệm khác, nhưng vô ích. Càng lâu không có việc làm hoặc trợ cấp thất nghiệp, bà càng lo lắng.
Kathy nằm trong số 91% thợ nail đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong thời kỳ đại dịch, theo khảo sát UCLA và CHNSC. Nghiên cứu cũng cho thấy rằng vì rào cản ngôn ngữ, thiếu nhận thức và các trở ngại khác, hơn 40% lao động như Kathy cần được hỗ trợ để nộp đơn.
Kathy hy vọng bà có thể sớm kiếm được thu nhập trở lại, nhưng những nguy cơ vẫn đè nặng: "Tôi sợ quay lại làm việc. Tôi muốn có tiền trả hoá đơn, tiền thuê nhà, đồ ăn, mọi thứ. Tôi muốn quay lại làm việc nhưng tôi lo lắng".
Winnie Kao, cố vấn chung tại tổ chức phi lợi nhuận Luật Châu Á Caucus, cho biết sức khỏe và sự an toàn vẫn là mối quan tâm lớn của những người làm móng. Phần lớn sự e ngại của họ bắt nguồn từ nỗi lo lắng liệu khách hàng có tuân thủ các quy tắc giữ an toàn hay không, nhất là khi có những người vẫn từ chối đeo khẩu trang.
75% thợ nail đã bị giảm thu nhập xuống dưới 600 USD/tuần trước Covid-19, thấp hơn mức lương thất nghiệp theo Đạo luật CARES đã hết hạn. Kao cho biết những người lao động không có giấy tờ không đủ điều kiện tham gia các chương trình này bị mắc kẹt mà không có bất kỳ hỗ trợ nào.
Kathy sợ rằng ngành dịch vụ mà bà đã được đào tạo mọi kỹ năng sẽ không bao giờ phục hồi hoàn toàn. Nỗi sợ hãi của bà không phải là vô căn cứ, Tâm Nguyễn cho biết. Ước tính 30-50% tiệm nail ngừng hoạt động trong đại dịch sẽ đóng cửa vĩnh viễn.
"Ngành công nghiệp này sẽ không còn giống như trước đây", Kathy nói và thêm rằng bà không biết mình sẽ làm công việc gì khác để kiếm sống. "Tôi chỉ muốn một cuộc sống bình thường. Vậy thôi".
Những người Mỹ coi Covid-19 là 'trò bịp' Đối với Davey, cư dân thành phố Huntington Beach ở nam California, quy định đeo khẩu trang để kiềm chế nCoV không phải là điều người Mỹ cần tuân thủ. "Đó là một trò lừa bịp", người đàn ông 51 tuổi nói khi rời một cửa hàng, đề cập đến quy định bang California đã áp đặt là người dân phải che mặt...