Số ca tử vong do COVID-19 tại Đức và Bỉ lần lượt vượt ngưỡng 40.000 ca và 20.000 ca
Bất chấp chương trình tiêm chủng vaccine phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang được đẩy mạnh, tình hình dịch bệnh dường như chưa có dấu hiệu cải thiện khi các nước châu Âu tiếp tục ghi nhận số ca mắc và tử vong tăng mạnh.
Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Aachen, miền Tây Đức. Ảnh: THX/TTXVN
Ngày 10/1, viện dịch tễ Robert Koch (RKI) của Đức thông báo kể từ khi dịch bùng phát tới nay, nước này đã ghi nhận trên 40.000 ca tử vong. Theo đó, trong 24 giờ qua, Đức ghi nhận thêm 465 ca tử vong, nâng tổng số trường hợp không qua khỏi lên 40.343 người. Cho tới nay đã có tổng cộng trên 1,9 triệu ca mắc được ghi nhận tại Đức, với gần 17.000 ca mắc mới từ ngày 9/1.
Trong thông điệp hằng tuần, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng số liệu thống kê trên chưa phản ánh đầy đủ tác động của việc người dân gặp gỡ, giao lưu trong dịp lễ Giáng sinh và Năm mới. Bà cảnh báo những tuần tới sẽ là “giai đoạn khó khăn nhất của đại dịch”, khi nhiều bác sĩ và nhân viên y tế đều trong tình trạng làm việc quá tải.
Đức được xem là một trong số ít quốc gia châu Âu chống dịch hiệu quả trong làn sóng dịch COVID-19 đầu tiên vào mùa xuân năm ngoái, song đã bị “hụt hơi” trong việc ứng phó làn sóng dịch thứ hai. Quốc gia với khoảng 83 triệu dân này đã áp đặt thêm các biện pháp chống dịch, theo đó hạn chế các tiếp xúc xã hội và hỗ trợ các bệnh viện ứng phó với sự gia tăng số bệnh nhân nhập viện. Hiện có trên 5.000 bệnh nhân mắc COVID-19 đang được điều trị tại các bộ phận chăm sóc tích cực trên toàn quốc.
Đức đã đóng cửa các trường học và cửa hàng kinh doanh mặt hàng không thiết yếu, các cơ sở văn hóa và giải trí cho tới ít nhất ngày 31/1 với hy vọng khống chế được đà lây lan của dịch bệnh.
Tương tự các nước khác trong Liên minh châu Âu (EU), Đức đã bắt đầu triển khai tiêm đại trà vaccine phòng COVID-19 của hai hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) vào cuối tháng 12 năm ngoái. Tới nay đã có trên 500.000 người được chủng ngừa. Thủ tướng Merkel thừa nhận chiến dịch tiêm phòng vaccine khởi đầu chậm, song sẽ tăng tốc. Chính phủ cam kết sẽ đảm bảo có đủ vaccine cho mọi người tại Đức.
Video đang HOT
* Trong khi đó, Viện Y tế quốc gia Bỉ (Sciensano) thông báo số ca tử vong do COVID-19 tại nước này cũng đã vượt 20.000 ca trong ngày 10/1, với hơn một nửa số ca tập trung tại các cơ sở dưỡng lão. Tới nay, quốc gia với 11,5 triệu dân này đã ghi nhận tổng cộng 662.694 ca mắc và 20.038 ca tử vong.
Đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại bến xe buýt ở Brussels, Bỉ. Ảnh: THX/TTXVN
Số ca tử vong do COVID-19 tại các cơ sở dưỡng lão ở Bỉ đã lên tới 10.270 ca vào ngày 18/12/2020. Trong làn sóng dịch đầu tiên, Sciensano đã báo cáo trên 250 người tử vong mỗi ngày với mức đỉnh điểm 322 người vào ngày 8/4/2020. Số ca tử vong có chiều hướng giảm vào mùa hè song sau đó đã bắt đầu tăng trở lại vào tháng 10/2020 với 218 ca tử vong được ghi nhận vào ngày 10/11/2020. Tuần trước, số ca tử vong trung bình được ghi nhận ở mức 58 ca/ngày với khoảng 1.780 ca mắc.
* Tại Anh, Bộ trưởng Y tế nước này Matt Hancock cùng ngày cho biết nước này đã thực hiện tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho 200.000 người/ngày và đang hướng tới mục tiêu chủng ngừa 2 triệu người/tuần. Ông cũng cho biết trong tuần này, Anh sẽ mở cửa các trung tâm tiêm chủng hàng loạt. Theo trang worldometers.info, tới nay, Anh đã ghi nhận 80.868 ca tử vong trong tổng số 3.017.409 ca mắc.
* Nga ngày 10/1 thông báo có thêm 22.851 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 4.216 ca tại thủ đô Moskva, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 3.401.954 ca, cao thứ tư thế giới. Ngoài ra, nước này cũng ghi nhận thêm 456 ca tử vong do COVID-19 trong 24 giờ qua, đưa số trường hợp không qua khỏi lên 61.837 trường hợp.
Thế giới ghi nhận trên 89,4 triệu ca mắc, 1,9 triệu ca tử vong do COVID-19
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h00 ngày 9/1 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 89.480.121 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 1.924.550 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 64.129.754 người.
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới trung tâm y tế ở New York, Mỹ, ngày 8/1/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 378.228 ca tử vong trong tổng số 22.463.747 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 150.850 ca tử vong trong số 10.433.549 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 201.542 ca tử vong trong số 8.015.920 bệnh nhân.
Xét tỷ lệ dân số, Bỉ là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 172 người tử vong. Tiếp đến là Slovenia với 142 người và Bosnia-Herzegovina với 131 người.
Xét theo khu vực, châu Âu đang là tâm dịch của thế giới với hơn 28,5 triệu người mắc COVID-19, trong đó có hơn 613.700 ca tử vong. Tiếp đến là các nước Mỹ Latinh và Caribe, với hơn 526.000 ca tử vong trong hơn 16,3 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ có hơn 385.500 ca tử vong trong hơn 22,5 triệu ca nhiễm. Châu Á ghi nhận hơn 224.600 ca tử vong trong hơn 14,2 triệu ca nhiễm. Trung Đông có hơn 91.700 ca tử vong, châu Phi có hơn 71.400 ca tử vong, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại Dương là 945 người.
Số liệu của Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) cho thấy biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đã được phát hiện tại 8 bang của nước này, trong đó California và Florida là những bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Ngoài ra, các bang Colorado, Texas, New York, Georgia, Connecticut và Pennsylvania cũng "góp mặt" trong danh sách 63 trường hợp bệnh nhân nhiễm biến thể mới.
Theo số liệu thống kê của trường Đại học John Hopkins, trong vòng 24 giờ qua, nước Mỹ ghi nhận gần 290.000 trường hợp mắc COVID-19 mới. Trước đó, trong ngày 7/1, nước này cũng đã ghi nhận con số cao kỷ lục về số ca tử vong do COVID-19 trong vòng một ngày - gần 4.000 trường hợp.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc, ngày 6/1/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Tại châu Á, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) thông báo Trung Quốc đại lục có thêm 33 ca nhiễm mới, trong đó có 16 ca nhập cảnh và 17 ca lây nhiễm trong cộng đồng, không có ca tử vong trong ngày 8/1. Trong số 17 ca lây nhiễm trong cộng đồng có 14 ca ở Hà Bắc (Hebei) và 3 ca ở Liêu Ninh. Riêng tại tỉnh Hà Bắc, toàn bộ các ca nhiễm mới đều ở thành phố Thạch Gia Trang. Từ ngày 8/1, tỉnh Hà Bắc đã điều chỉnh mức độ cảnh báo rủi ro thêm 9 khu vực thành khu vực có nguy cơ trung bình. Quận Cảo Thành, thành phố Thạch Gia Trang vẫn là khu vực có nguy cơ cao. Trung Quốc sẽ triển khai thêm nhiều biện pháp kiểm soát và ngăn chặn đại dịch COVID-19 chặt chẽ hơn trong bối cảnh xuất hiện nguy cơ cao hơn về việc lây nhiễm virus SARS-CoV-2 trong giai đoạn cuối Đông đầu Xuân, nhất là trong dịp Tết Nguyên Đán sắp tới.
Kể từ ngày 9/1, Nhật Bản sẽ siết chặt hơn các quy định kiểm soát biên giới bằng cách yêu cầu tất cả những người nhập cảnh trình kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 thực hiện trong vòng 72 giờ trước khi khởi hành đến Nhật Bản. Biện pháp này sẽ được áp dụng đối với những người nhập cảnh vào nước này từ ngày 13/1 và sẽ có hiệu lực cho tới khi lệnh tình trạng khẩn cấp thứ hai, được công bố hôm 7/1, được dỡ bỏ. Lệnh tình trạng khẩn cấp tại Nhật Bản sẽ có hiệu lực đến ngày 7/2. Tính đến tối 9/1, Nhật Bản ghi nhận tổng cộng 281.992 trường hợp mắc COVID-19, tăng 7.109 người so với một ngày trước đó. Trong khi đó, số ca tử vong do căn bệnh này là 4.020 người, tăng thêm 44 trường hợp.
Chính phủ Ấn Độ cho biết nước này sẽ bắt đầu triển khai công tác tiêm chủng ngừa COVID-19 vào ngày 16/1 tới. Các nhân viên y tế và những người hoạt động ở tuyến đầu phòng chống dịch bệnh (ước tính khoảng 30 triệu người) sẽ là những đối tượng được ưu tiên tiêm phòng, tiếp đó là những người trên 50 tuổi và các nhóm dân số dưới 50 tuổi có tiền sử bệnh lý.
Tại châu Âu, Thủ tướng Pháp Jean Castex dự kiến sẽ mở rộng quy mô áp đặt lệnh giới nghiêm đối với 8 khu vực hành chính của nước này. Ông nêu rõ đây là biện pháp "cứng rắn và cần thiết" nhằm đáp lại những ý kiến phản đối các lệnh hạn chế ở nhiều thành phố. Trước đó, Pháp đã áp đặt lệnh giới nghiêm sau 6 giờ tối tại 15 trong tổng số 101 khu vực hành chính của nước này, trong khi những khu vực còn lại áp dụng lệnh giới nghiêm sau 8 giờ tối.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Copenhagen, Đan Mạch, tháng 5/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Đan Mạch cũng đã quyết định hạn chế nhập cảnh từ tất cả các quốc gia và khuyến cáo người dân không đi ra nước ngoài nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Đan Mạch chỉ cho phép hạ cánh đối với những chuyến bay mà tất cả hành khách đều có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 được thực hiện trong vòng 24 giờ trước khi lên máy bay. Quy định này áp dụng với cả người nước ngoài cũng như công dân Đan Mạch, và có hiệu lực từ 17h chiều 9/1. Theo đó, các hãng hàng không phải có trách nhiệm kiểm tra giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm của hành khách. Trong khi đó, các chuyến bay nội địa cũng như những chuyến bay từ các đảo Greenland và Faroe sẽ được miễn. Những hành khách nhập cảnh vào Đan Mạch bằng đường bộ và đường biển cũng phải xuất trình giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 và có lý do hợp lý.
Chính phủ Hy Lạp đã quyết định gia hạn lệnh phong tỏa toàn quốc thêm một tuần đến ngày 18/1 tới, nhằm ngăn chặn làn sóng dịch bệnh mới. Theo quyết định trên, chỉ có trường tiểu học và mẫu giáo trên cả nước Hy Lạp được phép mở cửa trở lại. Học sinh các cấp bậc còn lại phải học trực tuyến. Trong khi đó, các cửa hàng bán lẻ, tiệm làm tóc, hiệu sách và những địa điểm tín ngưỡng vẫn phải đóng cửa. Hy Lạp cũng tiếp tục áp đặt lệnh giới nghiêm ban đêm từ 21h tối hôm trước đến 5h sáng hôm sau. Người dân nước này được phép ra khỏi nhà vì lý do công việc hoặc sức khỏe...
Hiện Hy Lạp ghi nhận tổng cộng 143.494 ca nhiễm, trong đó 5.195 ca tử vong do bệnh COVID-19. Nước này ban hành lệnh phong tỏa toàn quốc từ ngày 7/11/2020 và đã được gia hạn 4 lần do số ca nhiễm và tử vong mới tiếp tục gia tăng.
Trong khi đó, Thụy Điển cũng ban hành quy định hạn chế số người tham gia các sự kiện tư nhân sau khi số ca nhiễm mới tăng vọt. Theo đó, các sự kiện tư nhân chỉ được phép tập trung tối đa 8 người. Tại các không gian kín như phòng tập gym, nhà tắm công cộng hay cửa hàng vẫn phải hạn chế nghiêm ngặt số người có mặt cùng lúc. Tuy nhiên, việc đóng cửa các cửa hàng bách hóa lớn hay trung tâm thương mại có thể được áp đặt nếu nguy cơ lây nhiễm cao và các biện pháp hạn chế hiện nay là chưa đủ để kiềm chế dịch bệnh. Thụy Điển hiện ghi nhận tổng số 489.471 ca nhiễm, trong đó 9.433 người không qua khỏi do bệnh COVID-19.
Đan Mạch, Hy Lạp và Thụy Điển tăng cường các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 Do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp ở châu Âu, nhiều nước ở khu vực này đã tăng cường các biện pháp hạn chế nhằm kiềm chế dịch bệnh. Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Copenhagen, Đan Mạch, tháng 5/2020. Ảnh: AFP/TTXVN Đan Mạch quyết định hạn...