Số ca mắc tay chân miệng tại tỉnh Ninh Bình tăng đột biến
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Ninh Bình cho biết, bệnh tay chân miệng trong 6 tháng đầu năm có xu hướng tăng mạnh, tăng hơn cả số mắc cả năm của 3 năm trước đây.
Bác sỹ thăm khám cho trẻ mắc tay chân miệng tại bệnh viện Sản nhi tỉnh Ninh Bình. (Ảnh: Thùy Dung/TTXVN)
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Ninh Bình, từ đầu năm 2020 đến ngày 27/7, toàn tỉnh ghi nhận 186 trường hợp mắc tay chân miệng tại 8/8 huyện, thành phố. Tính từ đầu tháng 6 đến nay, số ca mắc tay chân miệng tăng đột biến với 185 trường hợp, cao hơn 149 trường hợp so với cùng kỳ năm 2019, tỉnh không ghi nhận trường hợp tử vong. Số ca mắc cao nhất tại huyện Yên Mô với 87 trường hợp, thành phố Ninh Bình 30 trường hợp.
Ông Lê Hoàng Nam, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Ninh Bình cho biết, bệnh tay chân miệng trong 6 tháng đầu năm có xu hướng tăng mạnh, tăng hơn cả số mắc cả năm của 3 năm trước đây ở hầu hết các huyện, thành phố.
Các trường hợp mắc tay chân miệng có xu hướng mắc nhiều vào tháng 6 và tháng 7, muộn hơn thời điểm đỉnh dịch các năm thường vào tháng 3 đến tháng 5.
Nguyên nhân một phần do ảnh hưởng của dịch COVID-19, trẻ em nghỉ học từ đầu năm và đỉnh điểm là cách ly toàn xã hội trong tháng 4 vì vậy đặc điểm dịch cũng có sự thay đổi.
100% các trường hợp mắc tay chân miệng được ghi nhận đều có biểu hiện lâm sàng ở mức độ nhẹ với các biểu hiện sốt, phát ban dạng phỏng nước ở bàn tay, bàn chân, xung quanh miệng đầu gối, mông, loét miệng, quấy khóc, chán ăn. Một số trẻ có biểu hiện giật mình nhẹ khi ngủ.
Số trường hợp mắc ở phân độ 1 là 85 trường hợp (chiếm 45,7%); ở phân độ 2a là 100 trường hợp (chiếm 54,3%) và không có trường hợp mắc ở phân độ 2b trở lên.
Video đang HOT
Trước tình hình trên, ngành Y tế tỉnh Ninh Bình đẩy mạnh công tác giám sát chặt chẽ những trường hợp nghi mắc và đã mắc bệnh tay chân miệng, kịp thời có phương pháp xử lý, phòng chống lây lan ra cộng đồng.
Ngành cũng đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền như sản xuất, phân bổ 9.000 tờ rơi và 500 áp phích về phòng chống bệnh tay chân miệng; trong quá trình điều tra, giám sát đồng thời tiến hành truyền thông nói chuyện trực tiếp tại cộng đồng và cơ sở điều trị.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tăng cường phối hợp với các cơ sở điều trị trong việc điều tra giám sát, tổ chức cách ly điều trị, hạn chế tối đa hiện tượng lây chéo trong bệnh viện; rà soát, bổ sung số lượng thuốc, vật tư, hóa chất cho các cơ sở y tế nhằm chủ động phòng chống khi có dịch xảy ra.
Ngành Y tế phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tại trường học, nhất là tại các nhà trẻ, trường mầm non.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện Sản nhi tỉnh Ninh Bình cho biết, khoảng 2 tháng gần đây, số lượng bệnh nhân mắc tay chân miệng đến khám và điều trị tại bệnh viện tăng cao. Hàng ngày, bệnh viện đón khoảng từ 10 đến 20 bệnh nhân nhập viện do mắc tay chân miệng. Tại phòng khám, mỗi ngày có trên 50 bệnh nhân đến khám nghi ngờ có các triệu chứng tay chân miệng.
Bác sỹ Nguyễn Thị Thu Hà khuyến cáo, trong những giai đoạn có dịch bệnh tay chân miệng tốt nhất nên hạn chế đưa trẻ đến khu tập trung đông người. Người dân cần tăng cường vệ sinh cá nhân, nơi sinh hoạt cho trẻ, bổ sung chất dinh dưỡng cần thiết để tăng sức đề kháng. Khi trẻ có các biểu hiện như sốt, xuất hiện nốt phỏng ở lòng bàn tay, bàn chân, trong miệng cần đưa đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời./.
Người phụ nữ mắc ung thư gan điều trị 8 năm đã ổn định: "Bí quyết" thành công là gì?
Ung thư gan hiện nay vẫn là nỗi ám ảnh với nhiều người vì tiên lượng khó hơn các bệnh ung thư khác và đặc biệt đây là căn bệnh đang gia tăng ở Việt Nam.
Đau tức hạ sườn đi khám ra ung thư
Bà Nguyễn T. T., nữ 60 tuổi, quê ở huyện Gia Viễn - Ninh Bình đã chiến đấu với ung thư gan 8 năm nay. Bà là một trong những bệnh nhân của Trung tâm y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai.
Từ tháng 03 năm 2012, bà T. vào viện vì lý do đau tức bụng. Lúc đó, bệnh nhân đau tức bụng vùng hạ sườn phải khoảng 4 tháng, không sốt, không nôn, ăn uống kém, gầy sút cân 2kg/4 tháng. Khi bệnh nhân thấy đau tức vùng hạ sườn phải tăng lên đã vào viện Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai.
Khi khám lâm sàng bác sĩ thấy bình thường, xét nghiệm máu mọi chỉ số đều bình thường chỉ riêng có chỉ số AFP: 2837ng/ml (tăng cao, bình thường dưới 7ng/mL). Siêu âm ổ bụng: có hình ảnh khối u ở gan phải, kích thước 3x4 cm, không có dịch ổ bụng, không có huyết khối tĩnh mạch cửa.
Ung thư gan nguy hiểm thế nào?
Chụp cắt lớp vi tính ổ bụng thấy 1 khối tổn thương tại gan phải đường kính 70x50 mm, sau tiêm không ngấm thuốc. Không phát hiện tổn thương thứ phát.
Bà T. được chẩn đoán là ung thư biểu mô tế bào gan giai đoạn T3N0M0. Lúc đó, bác sĩ chỉ định đốt sóng cao tần khối u gan.Sau đó 2 tháng bệnh nhân đi khám được làm xét nghiệm có kết quả chất chỉ điểm khối u: AFP: 11ng/ml, sau đó giảm dần chỉ còn AFP: 2,56ng/ml vào tháng 10/2012.Bệnh nhân được đánh giá lại sau điều trị với lâm sàng ổn định, không còn đau tức vùng hạ sườn phải, ăn uống tốt hơn. Kết quả chụp cắt lớp vi tính ổ bụng cho thấy tổn thương cũ, không tăng sinh mạch, không có tổn thương mới.
Sau đó bà T. về nhà và thường xuyên theo dõi bệnh. Đến năm 2014, bệnh nhân được siêu âm ổ bụng cho thấy dọc gan trái 95 mm, dọc gan phải 110 mm, nhu mô hạ phân thùy VII sát vòm hoành có khối tăng âm không đều, ranh giới rõ, bờ đều, kích thước 29x33 mm, xung quanh khối này có viền xơ hóa tăng âm, trên Doppler không có khối tăng sinh mạch. Nhu mô còn lại không thấy khối mới
Năm 2015 bệnh nhân khám lại cho thấy, chụp cắt lớp vi tính thấy khối tổn thương gan phải kích thước 29x33 mm, không sinh mạch, không xuất hiện khối mới. Xét nghiệm máu: AFP: 2,47ng/mL. GOT: 40, GPT: 43 U/L. Hiện tại lần tái khám gần đây nhất, bà T, đi khám định kì theo hẹn, hiện tại bệnh nhân khỏe mạnh.
Phát hiện sớm để chữa thành công
Theo PGS.TS. Phạm Cẩm Phương - Giám đốc Trung tâm y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai trường hợp của bà T. bệnh nhân đến khám sớm, chưa di căn hạch, khối u chưa lan xa điều trị cũng thành công hơn.
Ung thư gan là một trong các bệnh ung thư phổ biến, có tỷ lệ mới mắc và tỷ lệ tử vong hàng đầu tại Việt Nam. Theo thống kê năm 2018 của Cơ quan nghiên cứu ung thư Quốc tế (International Agence on Cancer Research) ung thư gan có tỷ lệ số ca mới mắc 25.335 chiếm 15,4%, có tỷ lệ tử vong 25.404 chiếm 22,1% cao nhất trong các loại ung thư hiện nay tại Việt Nam. Nguyên nhân chủ yếu là do Xơ gan, Viêm gan virus B, C...
Các dấu hiệu của ung thư gan
PGS Phương cho biết chẩn đoán và điều trị ung thư gan hiện nay đã phát triển hơn rất nhiều. Đối với các ung thư tế bào gan nguyên phát phát hiện sớm/rất sớm khi chức năng gan vẫn còn tốt (Child - Push: A - B) thì có khả năng điều trị triệt căn bằng các phương pháp phẫu thuật, tiêm cồn, đốt sóng cao tần hay ghép gan có thể đem lại hiệu quả và tác động lên thời gian sống sót sau điều trị cao trên 5 năm.
Trong đó, các phương pháp có ưu nhược điểm khác nhau, nhưng với các khối u đơn độc kích thước lớn trong gan thì phương pháp đốt sóng cao tần cho thấy ưu điểm an toàn và hiệu quả khi bệnh nhân không có chỉ định phẫu thuật đồng thời đem lại tác dụng hoại tử có thể tiên lượng tốt hơn và hiệu quả vượt trội hơn so với tiêm cồn.
Nguyên nhân gây bệnh ung thư gan đến nay vẫn chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh như giới tính (thường gặp ở nam giới nhiều hơn nữ giới), những người mắc bệnh gan mãn tính (xơ gan), gan nhiễm mỡ, viêm gan B, viêm gan C, béo phì, nhiễm độc tố aflatoxin do nấm mốc.... Ngoài ra, nguyên nhân gây ung thư gan có thể liên quan đến các yếu tố môi trường, chế độ ăn uống lạm dụng rượu bia, thuốc lá...
PGS Phương cho biết ung thư gan ở giai đoạn đầu thường rất khó phát hiện. Phần lớn người bệnh đến khám khi bệnh đã tiến triển đến giai đoạn muộn gây khó khăn cho việc điều trị. Ở giai đoạn sớm của ung thư có thể gặp các triệu chứng của viêm gan mạn tính hoặc xơ gan tiến triển như chán ăn, đau, nặng tức vùng hạ sườn phải, trướng bụng, vàng da, củng mạc mắt,...
Cách tốt nhất để phòng ngừa, phát hiện ung thư gan là khám sức khỏe định kỳ siêu âm gan 6 tháng/lần, đặc biệt là những bệnh nhân có yếu tố nguy cơ cao như xơ gan, viêm gan mạn tính do rượu, viêm gan virus B, C,... Ngoài ra tiêm đầy đủ vacxin phòng viêm gan B, tránh tiếp xúc với các hóa chất độc hại dễ làm tổn thương gan để giảm nguy cơ mắc bệnh.
Tăng nhanh bệnh tay - chân - miệng với biến chứng nguy hiểm Ở Hà Nội đã xuất hiện nhiều ổ dịch tay-chân- miệng trong trường mầm non và khu chung cư, bệnh bắt đầu tăng nhanh trong những ngày gần đây, có nguy cơ bùng phát mạnh do tốc độ lây lan "chóng mặt" của loại virus gây bệnh này. Các bác sĩ cảnh báo, thời tiết nắng nóng bất thường khiến trẻ em mắc...