Số ca mắc mới tăng gấp đôi, Mỹ cảnh báo nguy cơ thêm 100 triệu ca nhiễm COVID-19
Nhà Trắng cảnh báo làn sóng lây nhiễm trong mùa thu và mùa đông tới đây có thể khiến khoảng 100 triệu người Mỹ nhiễm COVID-19.
Trẻ em chờ xét nghiệm nhanh COVID-19 tại Long Beach, California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Chính quyền Tổng thống Joe Biden cảnh báo Mỹ có thể phải ghi nhận thêm 100 triệu ca nhiễm COVID-19 vào mùa thu và mùa đông tới. Thông điệp được Nhà Trắng đưa ra tại thời điểm giới chức Mỹ nhấn mạnh Quốc hội cần sớm thông qua các gói hỗ trợ tài chính để sẵn sàng ứng phó trước dịch bệnh gắn với sự xuất hiện của các biến chủng tiềm tàng.
Về diễn biến dịch bệnh, số ca nhiễm mới tại Mỹ đã tăng gấp đôi chỉ trong thời gian ngắn, từ mức trung bình 29.312 ca/ngày trong tuần kết thúc hôm 30/3 lên trên gần 71.000 ca/ngày kết thúc hôm 6/5.
Hãng tin CNN dẫn nguồn một quan chức cao cấp tại Nhà Trắng cho biết con số dự báo 100 triệu ca nhiễm mới này được dựa trên các mô hình tính toán đang được nhà chức trách theo dõi sát. Số liệu dự báo này được đặt trong giả định không có nguồn lực tài chính bổ sung – nhất là các gói ngân sách từ Quốc hội, không có các biện pháp tăng cường được áp dụng để ngăn chặn dịch bệnh.
Nhà Trắng chia sẻ dữ liệu dự báo này, coi đây như là cách để tái khởi động nỗ lực chính thức nhằm thúc ép Quốc hội Mỹ duyệt chi bổ sung ngân sách cho hoạt động chống dịch, khi Mỹ đang tiến gần đến cột mốc buồn về 1 triệu ca tử vong do COVID-19.
Đầu tháng 3 vừa qua, Văn phòng Quản lý Ngân sách Mỹ (OMB) đã trình Quốc hội Mỹ đề nghị khoản ngân sách trị giá 22,5 tỷ USD để đáp ứng ngay lập tức các nhu cầu phục vụ cuộc chiến chống COVID-19. Khoản ngân sách này dự kiến sẽ được dùng phát triển các liệu pháp điều trị, thuốc phòng COVID-19 và hỗ trợ các cơ sở xét nghiệm trong nỗ lực kiểm soát dịch bệnh về lâu dài.
Tuy nhiên, Quốc hội Mỹ đã từ chối đề xuất này, không đưa vào dự luật chi tiêu chính phủ. Đến ngày 4/4, thành viên đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ tại Thượng viện Mỹ đã đạt được thỏa thuận về 10 tỷ USD tài trợ bổ sung cho chống dịch COVID-19, chưa bằng một nửa so với đề xuất ban đầu. Tuy nhiên, Quốc hội Mỹ vẫn chưa thể thông qua một dự luật lưỡng đảng về gói tài chính này, do bất đồng về điều khoản Title 42 liên quan đến chính sách nhập cư.
Đài Loan điều chỉnh chiến lược ứng phó với đại dịch COVID-19
Vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) thông báo sẽ điều chỉnh chiến lược ứng phó với đại dịch COVID-19, theo đó chuyển hướng giảm thiểu ca bệnh nặng thay vì tìm cách đưa số ca mắc mới trong cộng đồng về 0 (hay còn gọi là chiến lược "không COVID").
Hành khách đeo khẩu trang phòng tránh lây nhiễm COVID-19 tại một nhà ga ở Đài Bắc, Đài Loan. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Thông tin trên đã được người đứng đầu cơ quan y tế Đài Loan đưa ra ngày 7/4. Cụ thể, phát biểu trước cơ quan lập pháp vùng lãnh thổ Đài Loan, người đứng đầu cơ quan y tế Chen Shih-chung cho biết có thể nói rằng vùng này đang trong giai đoạn chuyển tiếp từ chiến lược "không COVID" sang sống chung với COVID-19. Vùng này sẽ không hoãn tiến trình mở cửa trở lại nhưng sẽ duy trì quản lý hiệu quả, với mục tiêu trọng tâm là giảm thiệu thiệt hại.
Kể từ khi dịch bùng phát, Đài Loan đã hạn chế đi lại, đồng thời áp dụng các quy định cách ly nghiêm ngặt, giúp hạn chế số ca mắc ở mức thấp. Tuy nhiên, trong đợt bùng phát dịch mới, chính quyền Đài Loan đã cho thấy những lựa chọn khác, theo hướng của một số nước từng áp dụng chiến lược "không COVID" nhưng nay đã mở cửa trở lại như Singapore, Australia và New Zealand.
Như vậy, hiện chỉ còn lại Trung Quốc đại lục và vùng lãnh thổ Hong Kong của Trung Quốc tiếp tục theo đuổi chiến lược "không COVID".
Trong tháng 3, số ca mắc mới COVID-19 mỗi ngày tại Đài Loan duy trì ở mức 1 con số nhưng sau đó tăng dần kể từ khi vùng lãnh thổ này ghi nhận 87 ca mắc mới vào ngày 31/3. Ngày 7/4, Đài Loan ghi nhận 382 ca mắc mới, mức cao nhất trong năm nay và là ngày thứ 7 liên tiếp số ca mắc mới ở vùng lãnh thổ này trên mức 100 ca/ngày.
Israel chi 1,37 tỷ USD hỗ trợ người dân Chính phủ Israel ngày 9/2 đã công bố một gói hỗ trợ tài chính trị giá 4,4 tỷ NIS (tương đương 1,37 tỷ USD) nhằm hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn do chi phí sinh hoạt đang tăng mạnh tại nước này. Người dân mua hàng tại một chợ ở Tel Aviv. Ảnh minh họa: timeout.com Theo phóng viên TTXVN tại...