Số ca mắc cúm tăng mạnh tại Australia
Số ca mắc cúm tại bang Nam Australia (SA) ở Australia đang tăng mạnh khiến nhà chức trách lo ngại về áp lực đối với hệ thống y tế.
Số ca mắc cúm tăng mạnh tại bang Nam Australia ở Australia. Ảnh minh hoạ: AFP/TTXVN
Theo số liệu do Sở Y tế SA công bố ngày 1/6, số ca mắc cúm được xác nhận tại bang tăng từ 673 ca lên 1.868 ca trong 7 ngày qua. Tình trạng này khiến giới chức y tế cảnh báo sự gia tăng các ca mắc cúm và các ca mắc COVID-19 có thể khiến hệ thống y tế quá tải.
Chris Picton, Giám đốc Sở Y tế SA kêu gọi người dân tiêm vaccine ngừa cúm miễn phí và góp phần bảo vệ tính mạng của mọi người.
Tờ Guardian Australia ngày 2/6 đăng tải số liệu cho thấy số nhân viên nghỉ ốm trong nửa đầu tháng 5 cao hơn mức trung bình dài hạn 50%. Giới chuyên gia nhận định mức mắc bệnh trong cộng đồng đang cao bất thường.
Theo Báo cáo giám sát bệnh cúm Australia và Cập nhật hoạt động cập nhật lần cuối ngày 27/5, từ đầu năm đến nay, có 38.743 thông báo gửi đến Hệ thống giám sát các bệnh phải thông báo quốc gia (NNDSS), trong đó 26.193 thông báo có ngày chẩn đoán trong 2 tuần qua, cao gấp 3 lần số thông báo trong 2 tuần trước.
Báo cáo cũng cho biết từ giữa tháng 4, số thông báo hàng tuần về bệnh cúm được xác nhận tại Australia vượt mức trung bình trong 5 năm qua.
Về dịch COVID-19, Australia ngày 2/6 thông báo hơn 30.000 ca mắc mới COVID-19 và hơn 40 ca tử vong.
Iraq: Số ca mắc sốt xuất huyết Crimean-Congo tăng mạnh
Ngày 1/6, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết từ đầu năm tới nay, Iraq đã ghi nhận sự gia tăng mạnh về số ca mắc sốt xuất huyết Crimean-Congo (CCHF) với hơn 200 ca.
Theo một báo cáo được công bố trên trang web của WHO, trong khoảng thời gian từ ngày 1/1 đến 22/5, các cơ quan y tế của Iraq đã thông báo về 97 ca mắc CCHF được xác nhận và 115 ca bị nghi ngờ mắc bệnh. Cho đến nay đã có 27 người tử vong, trong đó 13 ca đã được xác nhận.
Cũng theo báo cáo trên, số ca mắc bệnh này cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2021 khi 33 ca được xác nhận trong phòng thí nghiệm. Báo cáo cảnh báo đợt bùng phát dịch bệnh lần này ở Iraq có thể gây thêm áp lực cho hệ thống y tế vốn đã quá tải.
Để phòng chống CCHF, cơ quan y tế Iraq đã ban hành các quy định nghiêm ngặt hơn về đảm bảo công tác vệ sinh tại các lò giết mổ gia súc, cấm giết mổ gia súc bên ngoài những nơi quy định. Hôm 28/6, chính quyền thủ đô Baghdad đã thông báo thành lập một nhóm công tác hỗn hợp để kiềm chế sự lây lan của virus gây bệnh, bao gồm triển khai các kế hoạch tuyên truyền khẩn cấp nhằm nâng cao nhận thức của người dân về phòng chống dịch bệnh.
CCHF là một bệnh do virus gây ra. Các triệu chứng của bệnh có thể gồm sốt, đau cơ, nhức đầu, nôn mửa, tiêu chảy và chảy máu vào da. Theo WHO, virus gây bệnh chủ yếu lây truyền qua vết cắn của ve hoặc qua tiếp xúc với máu hoặc mô của động vật bị nhiễm bệnh trong và ngay sau khi giết mổ, với tỷ lệ tử vong có thể lên tới 40%.
ASEAN, Mỹ hợp tác tăng cường hệ thống y tế Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, ngày 15/5, Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin cho biết các Bộ trưởng Y tế thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ hợp tác với người đồng cấp Mỹ để phát triển và củng cố hệ thống y tế khu vực. Ảnh minh họa. Nguồn: indonesianeconomy.com Theo Bộ trưởng Budi, tại...