Số ca mắc COVID-19 tại Đức vượt mốc 1 triệu người
Ngày 27/11, Viện kiểm soát dịch bệnh Robert Koch cho hay số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại Đức đã vượt 1 triệu người, sau khi ghi nhận 22.806 ca mắc mới.
Cụ thể, tổng số bệnh nhân COVID-19 tại Đức đến nay là 1.006.394 người. Số ca tử vong trong ngày cũng tăng 426 ca lên 15.586 trường hợp.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Munich, Đức, ngày 13/11/2020. Ảnh: THX/TTXVN
Trong khi đó, Cơ quan y tế công của Thụy Điển dự báo làn sóng COVID-19 thứ hai tại nước này sẽ đạt đỉnh vào giữa tháng 12 tới. Trong cuộc họp báo, Tổng giám đốc Cơ quan y tế Công Johan Carlson cho biết dự đoán này dựa trên mô hình toán học sử dụng dữ liệu về số ca COVID-19 ghi nhận từ ngày 24/8 đến 6/11. Theo ông, cho dù đồ thị COVID-19 tại Thụy Điển có thể bắt đầu đi xuống trong 2 tuần, tính từ ngày 26/11, thì vẫn còn chặng đường dài phía trước và người dân cần chấp hành nghiêm túc các quy định phòng dịch.
Cùng ngày, Thủ tướng Pháp Jean Castex cho hay áp lực dịch COVID-19 đang giảm dần tại nước này so với các quốc gia châu Âu khác. Theo đó, tỷ lệ lây nhiễm ở Pháp hiện là 0,65, tương đương mức mà nước này đã ghi nhận giữa tháng 5 vừa qua sau 3 tháng thực hiện các biện pháp siết chặt để phòng dịch. Thống kê cho thấy ngày 26/11 Pháp ghi nhận 13.563 ca mắc mới, giảm hơn 2.700 ca so với ngày trước đó. Số trường hợp nhập viện cũng giảm 662 xuống 29.310 ca, đồng thời số bệnh nhân phải điều trị tích cực cũng có chiều hướng giảm.
Theo kế hoạch, bắt đầu từ ngày 28/11, các biện pháp nới lỏng có hiệu lực. Cụ thể, các cửa hàng không thiết yếu tại Pháp được phép mở cửa trở lại nhưng phải tuân thủ quy định 1 khách hàng trên mỗi 8m2, đảm bảo không gian thông thoáng và khách di chuyển 1 chiều để mua hàng. Các hoạt động tôn giáo trong nhà cũng được phép diễn ra với số người tham dự không quá 300 người. Người dân được phép ra khỏi nhà trong vòng bán kính 20 km trong 3 giờ thay vì 1 giờ như trước đây và phải có giấy phép ra ngoài.
Nếu tình hình dịch bệnh cải thiện và số ca mắc mới trong ngày xuống dưới mốc 5.000 ca, Chính phủ Pháp có thể dỡ bỏ lệnh phong tỏa vào ngày 15/12, song vẫn duy trì giới nghiêm từ 21h hôm trước đến 7h sáng hôm sau, trừ các ngày 24 và 31/12. Tuy nhiên, nhà hàng, quán bar, cà phê và trung tâm thể thao vẫn phải đóng cửa đến ngày 20/1/2021 nhằm tránh nguy cơ bùng phát làn sóng dịch thứ 3.
Cùng ngày, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen đã bày tỏ xin lỗi trong việc xử lý cuộc khủng hoảng hàng triệu con chồn bị tiêu hủy do lo ngại bùng phát dịch COVID-19. Phát biểu trên truyền hình, bà Frederiksen thừa nhận “đã có sai lầm” trong sự việc này.
Video đang HOT
Đầu tháng 11 này, Chính phủ Đan Mạch – quốc gia xuất khẩu lông chồn lớn nhất thế giới – đã ra lệnh tiêu hủy hơn 15 triệu chồn nuôi nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Sự việc bắt nguồn từ thông tin một biến thể của virus SARS-CoV-2 trên chồn xuất hiện ở người và nghi là lây từ các trang trại nuôi chồn lấy lông tại nước này. Tuy nhiên các nhà lập pháp đối lập sau đó cho rằng lệnh đột xuất của chính phủ về việc tiêu hủy và cấm nuôi chồn không có cơ sở pháp lý. Bộ trưởng Nông nghiệp Đan Mạch Mogens Jensen sau đó đã lên tiếng xin lỗi và từ chức tuần trước.
Trong khi đó, Tòa án Tối cao Mỹ đã ra phán quyết cấm chính quyền bang New York áp đặt biện pháp hạn chế phòng dịch COVID-19 tại những nơi thờ tự.
Trước đó, Thống đốc bang New York Andrew Cuomo đã ban hành quy định mới, theo đó chỉ cho phép tốt đa 10 người tập trung tại nơi thờ tự ở những khu vực bị xếp loại “đỏ”. Tuy nhiên, Giáo phận Công giáo La mã Brooklyn và 2 giáo đường Do thái đã đệ đơn lên Tòa án Tối cao Mỹ khiếu nại quy định này.
Phán quyết trên trái ngược các phán quyết trước đó của Tòa án Tối cao Mỹ đối với những khiếu nại tương tự, trong đó tán thành các biện pháp hạn chế đối với nhà thờ tại các bang California và Nevada.
Cho tới nay, Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của đại dịch COVID-19 trên thế giới, với số ca mắc và tử vong lần lượt là 13.248.676 ca và 269.555 ca.
Covid-19 "hạ nhiệt", Đức bắt đầu học cách sống chung với đại dịch
Viện Vệ sinh dịch tễ Robert Koch của Đức cho biết, biện pháp tiếp cận mới nhất của nước này là "học cách sống chung với Covid-19".
Sẵn sàng bước vào "giai đoạn mới"
Theo Viện Robert Koch, các biện pháp hiện đang được sử dụng để phòng chống Covid-19 như giãn cách xã hội hay giữ gìn vệ sinh nghiêm ngặt vẫn sẽ tiếp tục được áp dụng ngay cả khi cuộc sống trở lại bình thường.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm SARS-CoV-2 tại Berlin, Đức. Ảnh: AFP
Viện Robert Koch cũng cho biết, họ sẽ giảm tần suất các cuộc họp báo liên quan đến tình hình dịch bệnh Covid-19 ở vào thời điểm số ca mắc bệnh liên tục giảm mạnh tại Đức trong thời gian qua.
Phó Chủ tịch Viện Robert Koch Lars Schaade khẳng định, việc giảm tần suất họp báo về Covid-19 từ hàng ngày như hiện nay xuống còn 2 buổi một tuần trong thời gian tới "đánh dấu một giai đoạn mới" trong cuộc chiến phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Dù vậy, ông Lars Schaade cảnh báo: "Đại dịch vẫn chưa chấm dứt nhưng việc có thể cơ bản khống chế số ca mắc Covid-19 mới xuống khoảng 600-1.300 ca/ngày giúp chúng ta có thể triển khai các biện pháp tiếp cận mới đó là học cách sống chung với dịch bệnh này và tìm cách kiểm soát nó".
Tuy nhiên, các nhà báo chuyên đưa tin về dịch bệnh Covid-19 bày tỏ lo ngại, việc giảm tần suất các cuộc họp báo sẽ khiến người dân không được tiếp cận những thông tin cập nhật nhất về tình hình dịch bệnh, các cách thức phòng chống mới và những lý giải khoa học đằng sau các quyết sách quan trọng về y tế.
Để trấn an các nhà báo, ông Lars Schaade cho biết, trong thời gian giữa các cuộc họp báo, các hãng truyền thông vẫn có thể gửi câu hỏi tới bộ phận báo chí của Viện Robert Koch về những vấn đề mà người dân quan tâm. Viện Robert Koch sẽ chỉ tiến hành họp báo trong trường hợp có những "diễn biến hết sức quan trọng" liên quan đến dịch bệnh.
Trước những lo ngại về khả năng số ca mắc Covid-19 mới "có xu hướng gia tăng" khi số ca mắc Covid-19 tại Đức ghi nhận trong ngày 8/5 (Thứ 5) là 166.091, cao hơn 1.284 ca so với ngày 7/5 (Thứ 4), ông Lars Schaade cho rằng, điều này là hoàn toàn bình thường khi số ca mắc Covid-19 trong ngày thứ 5 thường cao hơn ngày thứ 4 trong suốt nhiều tháng qua.
Cuộc sống của người dân Đức sẽ sớm trở lại bình thường nhưng là theo một cách thức mới. Ảnh: AFP
Đảm bảo "giới hạn an toàn thực tế"
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Viện Robert Koch cho rằng, dù tình hình dịch bệnh Covid-19 ở Đức đã có nhiều diễn biến tích cực, nhiều khả năng dịch bệnh này vẫn sẽ kéo dài tại quốc gia này trong nhiều tháng tới và thậm chí có thể sang cả năm 2021.
"Rõ ràng là dịch bệnh này chưa thể bị đẩy lùi hoàn toàn ở Đức. Giới khoa học đã đi đến thống nhất rằng, trừ khi có vaccine hoặc một biện pháp điều trị hiệu quả, chúng ta sẽ phải chấp nhận sống chung với Covid-19, thay đổi hành vi để làm giảm khả năng lây nhiễm. Chúng ta sẽ phải tự thích nghi với những chuẩn mực mới", ông Lars Schaade nhấn mạnh.
Ông Lars Schaade cũng nói thêm rằng, việc đẩy lùi được Covid-19 đòi hỏi mỗi cá nhân sẽ phải có trách nhiệm hơn đối với hành vi của mình: "Chỉ có vậy, chúng ta mới có thể kiểm soát được Covid-19 và có thể sớm quay trở lại cuộc sống bình thường như trước đây".
Những tuyên bố nói trên được ông Lars Schaade đưa ra trong bối cảnh, ngày 6/5, toàn bộ 16 bang của Đức đã nhất trí yêu cầu giới chức y tế các địa phương theo sát tình hình diễn biến dịch bệnh và trao cho họ quyền triển khai ngay các biện pháp khẩn cấp nếu dịch bệnh lây lan nhanh trở lại.
Cụ thể, nếu tỷ lệ lây nhiễm mới trong cộng đồng vượt quá 50/100.000 dân trong vòng 7 ngày, giới chức y tế các địa phương có thể yêu cầu áp đặt lệnh phong toả trở lại, trong đó có việc đóng cửa các trường học và cửa hàng. Ông Lars Schaade coi đó là biện pháp nhằm đảm bảo "giới hạn an toàn thực tế".
Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, người dân Đức vẫn đang hồi hộp chờ đợi Chính phủ ra quyết định mở cửa trở lại toàn bộ các cửa hàng và trường học trên khắp đất nước. Thủ tướng Đức Angela Merkel gọi quyết định này là "dũng cảm" trong khi nhấn mạnh cần đánh giá chi tiết những nguy cơ của quyết định này nếu dịch bệnh lây lan trở lại. "Chúng ta cần thận trọng bởi dịch bệnh có thể vượt khỏi tầm kiểm soát", bà Merkel nhấn mạnh.
Trước đó, bà Merkel từng bị nhiều đảng, phái ở Đức cáo buộc là đã hành động quá muộn để bảo vệ nền kinh tế, trong khi nhiều chuyên gia y tế tại Đức cho rằng, việc mở cửa trở lại nền kinh tế vào thời điểm này vẫn là còn quá sớm trong khi tác động của việc dỡ bỏ phong toả chỉ có thể ghi nhận rõ ràng từ 2-3 tuần sau đó.
Trước những bất đồng nói trên, Phó Chủ tịch Viện Robert Koch Lars Schaade cho rằng, việc tiếp tục xét nghiệm và theo dấu những ca mắc Covid-19 và những người có tiếp xúc gần với họ vẫn là những biện pháp quan trọng nhất để khống chế dịch bệnh ngay cả khi lệnh phong toả được dỡ bỏ.
Cũng theo ông Lars Schaade, số lượt xét nghiệm trong tuần qua đã giảm chỉ còn 317.000 so với con số gần 1 triệu của những tuần trước đó. Ông Schaade cho rằng, điều này cho thấy dịch bệnh đã suy yếu tại Đức, tuy nhiên, Đức vẫn duy trì số lượng xét nghiệm hàng loạt trên quy mô lớn là bởi nước này vẫn phải phòng ngừa cho đợt dịch thứ 2.
Đức "thành công tương đối" trong chiến dịch chống đại dịch Covid-19 Đức kêu gọi người dân tuân thủ chặt chẽ quy tắc hạn chế tiếp xúc, giữ khoảng cách tối thiểu 1,5 mét, đeo khẩu trang trên các phương tiện công cộng. Ngày 28/4, Chủ tịch Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) của Đức, ông Lothar Wieler cho biết, Đức đến nay đã "thành công tương đối" trong việc ứng phó với đại dịch...