Sợ bị phạt, lao động hết hạn về nước tăng mạnh
Bắt đầu từ 10-3, thời hạn miễn xử phạt hành chính 80-100 triệu đồng đối với những lao động Việt Nam đang làm việc, cư trú bất hợp pháp tại nước ngoài sẽ kết thúc. Trong 2 tháng qua, sau khi Chính phủ gia hạn thời điểm xử phạt, rất đông lao động đang làm việc bất hợp pháp tại nước ngoài đã chủ động về nước.
Tình trạng lao động bỏ trốn, làm việc bất hợp pháp khiến xuất khẩu lao động Việt Nam
gặp khó khăn (Trong ảnh: Nghe phổ biến pháp luật trước khi xuất khẩu lao động)
Chuyển biến thấy rõ
Như ANTĐ đã phản ánh, thời gian qua, nhà nước đã triển khai một loạt giải pháp, từ tuyên truyền, vận động đến xử phạt… nhằm giảm tỷ lệ lao động cư trú, làm việc bất hợp pháp tại nước ngoài, đặc biệt tại thị trường Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc), song hiệu quả chưa đạt được như mong muốn. Số lượng lao động Việt Nam cư trú, làm việc bất hợp phát tại 2 thị trường này vẫn chiếm tỷ lệ rất cao. Tuy nhiên, với quy định xử phạt mới theo Nghị định 95/2013 của Chính phủ, mức xử phạt hành chính đối với những lao động cư trú bất hợp pháp tại nước sở tại sau khi hết hạn hợp đồng lao động và hết hạn cư trú tăng lên đến 80-100 triệu đồng, tình trạng này đã bắt đầu diễn biến khả quan hơn.
Ông Đào Công Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, theo thời hạn quy định ban đầu, từ 10-1-2014, mức xử phạt 80-100 triệu đồng sẽ được áp dụng với 3 nhóm đối tượng, gồm: lao động sau khi hết hạn hợp đồng ở lại cư trú, làm việc bất hợp pháp tại nước sở tại; bỏ trốn khỏi nơi làm việc theo hợp đồng đã ký hoặc bỏ trốn ngay tại sân bay sau khi nhập cảnh; dụ dỗ lao động Việt Nam khác ở lại cư trú bất hợp pháp. Sau khi ban hành quy định này, nhiều lao động Việt Nam đang cư trú, làm việc bất hợp pháp ở nước ngoài đăng ký về nước không ngừng gia tăng.
Video đang HOT
Nhận thấy nhiều lao động có nguyện vọng về nước nhưng vì nhiều lý do không kịp về đúng hạn, Bộ LĐ-TB&XH đã quyết định lùi thời điểm bắt đầu xử phạt từ 10-1 đến 10-3-2014. Và trong 2 tháng gia hạn này, số lao động về nước tiếp tục tăng cao, có những địa phương số lao động về nước lên tới hàng trăm người. Dù chưa có thống kê chính thức nhưng theo một số nguồn tin từ Bộ LĐ-TB&XH, trong 2 tháng qua đã có gần 3.000 lao động Việt Nam tại Hàn Quốc về nước. Tại Đài Loan, trong tháng 12-2013 có 1.300 lao động Việt Nam đăng ký về nước.
Có hình phạt bổ sung
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, đây là lần gia hạn thời điểm xử phạt hành chính với người lao động Việt Nam cư trú, làm việc bất hợp pháp tại nước ngoài cuối cùng. Tất cả những lao động Việt Nam đang cư trú, làm việc ở nước ngoài nhưng thuộc 1 trong 3 nhóm đối tượng bị áp dụng hình thức xử phạt theo Nghị định 95 nói trên, nếu về nước sau ngày 10-3 sẽ bị phạt hành chính từ 80-100 triệu đồng, ngoài ra còn áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc về nước, cấm đi làm việc ở nước ngoài trong thời hạn 2-5 năm.
Ông Đào Công Hải cho biết, để xử phạt đúng và không bỏ sót đối tượng, Bộ LĐ-TB&XH đã đề nghị cơ quan chức năng tại các nước có lao động Việt Nam đang cư trú, làm việc bất hợp pháp phối hợp chặt chẽ trong việc rà soát, lên danh sách các đối tượng, thông báo đến Đại sứ quán Việt Nam tại quốc gia đó. Đại sứ quán sẽ ra quyết định xử phạt với từng người lao động vi phạm. Khi quyết định này gửi về nước, Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ gửi về các địa phương và địa phương có người lao động bị xử phạt sẽ thực thi biện pháp xử phạt. Quyết định xử phạt được gửi cho gia đình người bị xử phạt hoặc người bảo lãnh và được niêm yết tại trụ sở UBND cấp xã. Số tiền xử phạt này được chuyển vào kho bạc Nhà nước.
Hiện tại, có khoảng 50.000 lao động Việt Nam đang bỏ trốn, cư trú, làm việc bất hợp pháp ở nước ngoài. Trong đó, đông nhất là ở Hàn Quốc và Đài Loan, mỗi thị trường khoảng 15.000 người, kế đến là Malaysia khoảng 5.000 người, Nhật Bản khoảng 2.000 người… Tính riêng trong năm 2014, số lượng người lao động Việt Nam tại Hàn Quốc sẽ hết hạn hợp đồng phải về nước là 3.594 người, 2 địa phương có số lượng lao động phải về nước nhiều nhất là Hà Nội (322 người) và Thanh Hóa (336 người). Theo bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa, lý do khiến nhiều lao động sau khi hết hợp đồng không về nước mà bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp tại nước sở tại là do lo sợ khi về nước rồi không tiếp tục được quay trở lại làm việc. Mặt khác, mức lương ở thị trường Hàn Quốc, Đài Loan khá cao so với thu nhập của người lao động ở Việt Nam, chưa kể người lao động khi về nước khó khăn trong tìm kiếm việc làm, thu nhập thiếu ổn định.
Theo ANTD
Hơn 10.000 người lao động bị nợ lương, không có thưởng Tết
Theo tổng hợp mới nhất của Bộ LĐ-TB&XH công bố chiều 17-1, bình quân mức lương, thưởng Tết 2014 của người lao động tăng khoảng 20%. Tuy nhiên, do số lượng doanh nghiệp khó khăn, phá sản nhiều nên có hàng chục nghìn người lao động đang bị nợ lương, hơn trăm nghìn người không có thưởng Tết.
Lao động ở một số doanh nghiệp khó xoay sở cuộc sống khi bị nợ lương,
không có tiền thưởng Tết. ảnh: Phú Khánh
Thưởng Tết bình quân tăng
Trao đổi với báo chí chiều 17-1, ông Tống Văn Lai, Phó Vụ trưởng Vụ Tiền lương - Bộ LĐ-TB&XH cho biết, đến thời điểm này Bộ đã tổng hợp được báo cáo thống kê về lương, thưởng Tết 2014 của tất cả các địa phương. Theo đó, trong năm 2013, dù kinh tế khó khăn nhưng mức lương bình quân của người lao động ước đạt 5 triệu đồng/người/tháng, tăng 19,2% so với năm 2012. Mức lương tăng do lương tối thiểu vùng năm 2014 được điều chỉnh tăng 15-17%, cũng như chỉ số giá tiêu dùng tăng. Người có mức lương cao nhất trong năm 2014 là 434,2 triệu đồng/tháng, là cán bộ ở một doanh nghiệp FDI tại TP.HCM. Mức lương cao nhất này thấp hơn năm 2012 (là 624 triệu đồng/tháng).
Mức thưởng Tết dương lịch bình quân của người lao động khoảng 1,1 triệu đồng/người, bằng 90% thưởng Tết dương lịch năm 2013. Mức thưởng Tết dương lịch cao nhất tại doanh nghiệp FDI ở TP.HCM, là 463,7 triệu đồng. Mức thưởng Tết âm lịch bình quân cho người lao động của các doanh nghiệp khoảng 4,4 triệu đồng/người, tăng 20% so với 2013, sự gia tăng này chủ yếu do tiền lương của người lao động tăng. Mức thưởng Tết âm lịch cao nhất cũng tại một doanh nghiệp FDI ở TP.HCM, 709 triệu đồng.
Trong khi mức lương, thưởng Tết 2014 bình quân tăng thì vẫn còn đến 79 doanh nghiệp ở 22 tỉnh/thành phố nợ 75,7 tỷ đồng tiền lương của 10.168 người lao động. Đây đều là các doanh nghiệp hết sức khó khăn, gần như đã tạm ngừng sản xuất, phá sản nên rất khó giải quyết, Bộ LĐ-TB&XH cũng chưa có giải pháp nào để tháo gỡ, hỗ trợ người lao động. Bên cạnh đó, có gần 600 doanh nghiệp với khoảng 256.000 lao động ở 8 tỉnh/ thành phố không có thưởng Tết dương lịch; có 420 doanh nghiệp với 118.000 lao động ở 4 tỉnh gồm Bắc Ninh, Hải Dương, Phú Thọ, Thanh Hóa không có thưởng Tết âm lịch... Theo ông Tống Văn Lai, số liệu này được tổng hợp từ thống kê của gần 2.000 doanh nghiệp với khoảng 2,5 triệu lao động, rất nhỏ so với số lượng doanh nghiệp thực tế đang hoạt động nên chưa phản ánh khách quan, chính xác nhất về tình hình lương, thưởng Tết năm nay.
Cứu đói cho 16 địa phương
Trong bối cảnh kinh tế năm 2013 đầy khó khăn nên số địa phương đề xuất Chính phủ hỗ trợ gạo cứu đói dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ và giáp hạt năm 2014 cũng gia tăng. Ông Thái Phúc Thành, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội - Bộ LĐ-TB&XH cho biết, Bộ LĐ-TB&XH và liên bộ đã nhận được văn bản đề xuất hỗ trợ khoảng 30.000 tấn gạo cứu đói trong dịp Tết và giáp hạt 2014 cho 16 tỉnh. Đến thời điểm này, 9 tỉnh đầu tiên đã được Chính phủ hỗ trợ gạo cứu đói với số lượng 12.322 tấn.
Ngoài ra, có 3 tỉnh gồm Thanh Hóa, Ninh Bình, Kon Tum đã được Bộ LĐ-TB&XH trình Chính phủ đề xuất hỗ trợ gạo cứu đói và có thể sẽ được Chính phủ quyết định hỗ trợ trong vài ngày tới. Trong số này, Ninh Bình đề xuất hỗ trợ cứu đói 1.287 tấn gạo, Thanh Hóa đề xuất hỗ trợ 506 tấn, Kon Tum đề xuất hỗ trợ 1.134 tấn. Bộ LĐ-TB&XH cũng đang làm thủ tục trình Chính phủ hỗ trợ gạo cứu đói cho 3 địa phương khác gồm Hà Nam, Sơn La và Đắk Lắk. Trong đó, Hà Nam đề xuất hỗ trợ 2.000 tấn gạo, Sơn La đề xuất hỗ trợ 5.340 tấn, Đắk Lắk đề xuất hỗ trợ 1.300 tấn.
Ông Thái Phúc Thành cho biết thêm, về vấn đề trợ cấp quà Tết cho người nghèo, năm nay ngân sách Nhà nước không chi nhưng đến thời điểm này đã có hơn 20 tỉnh/ thành báo cáo sẽ trích ngân sách địa phương và huy động các nguồn xã hội hóa để hỗ trợ quà Tết cho các đối tượng bảo trợ xã hội, người nghèo trên địa bàn. Bình quân mỗi người nghèo sẽ được hỗ trợ quà Tết khoảng 200.000 đồng, mức hỗ trợ cao nhất là 700.000 đồng ở TP.HCM, 500.000 đồng ở Đà Nẵng, Cần Thơ... Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục khuyến khích các địa phương trích ngân sách và huy động nguồn xã hội hóa để đảm bảo chăm lo Tết cho người nghèo được đầy đủ, tốt hơn.
Chăm lo Tết cho người có công
Tương tự, vấn đề chăm lo Tết cho người có công cũng được Nhà nước rất quan tâm. Ông Dương Minh Đỗ, Phó Cục trưởng Cục Người có công - Bộ LĐ-TB&XH cho biết, Chủ tịch nước vừa có quyết định về việc tặng quà Tết Giáp Ngọ cho người có công. Theo đó, Nhà nước sẽ trích ngân sách 350 tỷ đồng để chi tặng quà Tết cho khoảng 2,5 triệu người có công trên cả nước. Trong số này, có 1,5 triệu người có công là đối tượng đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, còn lại là các đối tượng hưởng chế độ trợ cấp 1 lần.
Ông Dương Minh Đỗ cho biết thêm, ngoài quyết định của Chủ tịch nước, Bộ LĐ-TB&XH cũng đã hướng dẫn các tỉnh/ thành phố trích quỹ của địa phương và huy động các nguồn xã hội hóa để chăm lo đời sống của người có công trong dịp Tết Nguyên đán này, đảm bảo 100% người có công đều được tặng quà. Hiện đã có 20 tỉnh/thành báo cáo sẽ trích ngân sách của địa phương với tổng số tiền khoảng 500 tỷ đồng để hỗ trợ quà Tết cho người có công.
Theo ANTD
Đã có 45 địa phương báo cáo lương thưởng Tết Ông Tống Văn Lai, Phó Vụ trưởng Vụ Lao động-Tiền lương, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, tính đến thời điểm này Bộ đã nhận được báo cáo về vấn đề lương, thưởng Tết 2014 cho người lao động của 45 tỉnh/thành trên cả nước. Qua xem xét sơ bộ ban đầu, tình hình thưởng Tết năm nay không giảm so với năm trước, thậm...