Số bệnh nhân sốt xuất huyết tại Gia Lai tăng gấp 3 lần năm ngoái
Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai, từ đầu năm đến ngày 21/6/2019, toàn tỉnh ghi nhận gần 1.500 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 3,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Bệnh nhân sốt xuất huyết được điều trị tại Trung tâm Y tế thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai.
Dù chưa có trường hợp nào tử vong, song các ổ bệnh đã xuất hiện ở 114/222 xã, phường, thị trấn trong tỉnh và có chiều hướng diễn biến phức tạp, bùng phát trên diện rộng. Trước tình hình này, ngành Y tế tỉnh Gia Lai đã vào cuộc, triển khai nhiều giải pháp kiềm chế dịch bệnh lây lan.
Nhiều địa phương của tỉnh Gia Lai có số ca bệnh sốt xuất huyết bùng phát như: Thành phố Pleiku, huyện Kbang, Krông Pa, Chư Prông… Đáng nói, mầm bệnh sốt xuất huyết xuất hiện ở nhiều nơi và rất dễ bùng phát thành dịch; do đó, ngoài sự vào cuộc của ngành chức năng rất cần sự chung tay của người dân trong việc đảm bảo vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy, phát quang bụi rậm…
Ông Hoàng Văn Định, Tổ trưởng Tổ dân phố 10, phường Ia Kring, thành phố Pleiku cho biết: Bệnh sốt xuất huyết hiện đang diễn biến phức tạp trên địa bàn thành phố Pleiku. Là Tổ trưởng dân phố, tôi cùng với các thành viên trong tổ đã vận động, tuyên truyền bà con trên địa bàn chung tay phát quang bụi rậm, làm sạch những dụng cụ chứa nước đọng, hạn chế môi trường sinh sôi của muỗi để giảm thiểu bệnh sốt xuất huyết.
Video đang HOT
Lực lượng chức năng tỉnh Gia Lai tuyên truyền cho người dân phòng tránh bệnh sốt xuất huyết.
Bác sĩ Dương Đình Sơn, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật – Trung tâm Y tế thành phố Pleiku cho biết: Thời gian gần đây, bệnh nhân mắc sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố Pleiku có chiều hướng gia tăng. Trước tình hình này, Trung tâm Y tế thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch; trong đó, công tác điều trị cũng như dự phòng luôn đồng bộ với nhau. Khi có bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, chúng tôi cử nhân viên y tế xuống tận cơ sở để giám sát và xử lý ca bệnh theo quy định của Bộ Y tế. Cùng với đó, công tác dự phòng cũng tập trung vào nhiệm vụ vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh và làm sạch các vật dụng ứ đọng nước để diệt lăng quăng, bọ gậy các ngày thứ bảy, Chủ nhật hàng tuần.
Theo nhận định của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai, bệnh sốt xuất huyết diễn biến theo chu kỳ từ 3 – 5 năm; đặc biệt, hiện đang trong thời điểm cận mùa mưa, mưa nắng thất thường, là điều kiện thuận lợi để dịch bệnh phát triển và bùng phát trên diện rộng. Để chủ động phòng chống, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã cấp đầy đủ hóa chất diệt muỗi, diệt côn trùng, máy phun hóa chất, máy phun khói bổ sung cho các địa phương.
Từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã cấp bổ sung cho các huyện 10 máy phun, gần 500 lít hóa chất diệt muỗi và hơn 150 kg hóa chất diệt côn trùng. Các địa phương đang tích cực bố trí nhân lực tuyên truyền và phun thuốc diệt muỗi, côn trùng tại các vùng trọng điểm, có nguy cơ bùng phát dịch bệnh.
Lực lượng chức năng tỉnh Gia Lai phun hóa chất diệt muỗi gây bệnh sốt xuất huyết.
Bác sĩ Hồ Ngọc Gia, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai cho biết: Hiện bệnh sốt xuất huyết đang có xu hướng gia tăng ở phía Đông của tỉnh, nhất là huyện KBang, Đắk Pơ và thị xã An Khê. Để việc phòng chống bệnh sốt xuất huyết đạt hiệu quả, đơn vị đã cấp đầy đủ máy móc, hóa chất cho các địa phương và chỉ đạo các đơn vị y tế cơ sở nâng cao trách nhiệm nắm địa bàn, kịp thời xử lý những ổ bệnh có nguy cơ bùng phát. Tuy nhiên, ngoài việc phun hóa chất tại các vùng trọng điểm, rất cần sự tham gia tích cực của người dân trong công tác vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy nhằm làm giảm nơi sinh sản của véc-tơ truyền bệnh.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, cách phòng bệnh hiệu quả nhất là tránh bị muỗi đốt bằng việc thường xuyên ngủ màn, giữ vệ sinh môi trường xung quanh sạch sẽ, thoáng mát, không tồn lưu các dụng cụ chứa nước để hạn chế tối đa môi trường sống và sinh sôi của muỗi.
Tin, ảnh: Nguyễn Hoài Nam
Theo TTXVN
Số ca sốt xuất huyết tại Hà Nội tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái
Ngày 21/6, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội cho biết, dự báo trong những ngày tới, thời tiết ở Hà Nội vẫn duy trì nhiệt độ từ 28 - 36 độ C và có mưa rải rác là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue phát triển.
Lãnh đạo Sở Y tế giám sát hoạt động vệ sinh môi trường, phun hóa chất diệt muỗi tại công trường xây dựng, khu công cộng và cộng đồng dân cư tại quận Thanh Xuân. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN
Kết quả giám sát véc tơ muỗi các tuần gần đây đều có xu hướng tăng cao. Từ ngày 10 - 16/6, trên địa bàn thành phố ghi nhận 77 trường hợp sốt xuất huyết, tăng 9 ca so với tuần trước đó, nâng tổng số ca mắc sốt xuất huyết từ đầu năm đến ngày 16/6 của toàn thành phố lên 548 ca, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2018 và không có trường hợp tử vong. Bệnh nhân sốt xuất huyết phân bố tại 19 quận huyện, 43 xã phường.
Ngoài ra, từ đầu năm đến ngày 16/6, toàn thành phố có 1.481 trường hợp mắc sởi, chưa có bệnh nhân tử vong. Hiện hầu hết bệnh nhân sởi đã khỏi chỉ còn 26 bệnh nhân đang được điều trị tại các cơ sở y tế.
Để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội duy trì hoạt động giám sát phát hiện bệnh nhân tại các bệnh viện được phân cấp giám sát và tại cộng đồng; giám sát véc tơ và côn trùng truyền bệnh; giám sát trước và sau chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy phòng chống sốt xuất huyết. Bên cạnh đó tổ chức 71 chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy phòng, chống sốt xuất huyết tại 12 quận, huyện.
Cùng với các hoạt động trên, Hà Nội tiếp tục duy trì thường trực đội chống dịch cơ động của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và của các Trung tâm y tế quận, huyện; duy trì các hoạt động giám sát phát hiện bệnh nhân, giám sát tác nhân gây bệnh, giám sát côn trùng truyền bệnh, giám sát vệ sinh môi trường và các yếu tố gây dịch. Đồng thời tập huấn cho cán bộ y tế các quận, huyện về công tác phòng chống bệnh sốt xuất huyết Dengue và các dịch bệnh khác nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh.
Tuyết Mai
Theo TTXVN
Số ca mắc sốt xuất huyết có dấu hiệu gia tăng do thời tiết nắng nóng và mưa nhiều Nếu như trong tháng 4-2019, toàn thành phố chỉ ghi nhận khoảng 10 ca mắc sốt xuất huyết/tuần, thì trong những tuần cuối tháng 5 và đầu tháng 6-2019, số ca mắc đã tăng lên khoảng 70-80 ca/tuần. Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến cuối tháng 5-2019, cả nước đã ghi nhận hơn 67.000 ca mắc sốt xuất huyết, cao...