SLNA chấp nhận đá ở nơi trung lập nếu sân Vinh được cải tạo
Lãnh đạo đội bóng xứ Nghệ chia sẻ những khó khăn xung quanh câu chuyện cải tạo sân Vinh.
Sau trận đấu giữa SLNA và Bình Dương ở vòng 2 V.League 2020, trang mạng xã hội chính thức của Hội CĐV xứ Nghệ đăng một bức tâm thư với nội dung kêu gọi lãnh đạo tỉnh, Sở Văn hoá TDTT, CLB SLNA, VFF và VPF lưu tâm đến việc cải thiện mặt cỏ sân Vinh vốn đã xuống cấp trầm trọng trong những năm qua.
Đáp lại vấn đề này, Giám đốc kỹ thuật CLB SLNA ông Nguyễn Đức Thắng cho biết Ban lãnh đạo đội bóng đã có những kế hoạch cải tạo tạm thời trong thời gian V.League tạm nghỉ, tuy nhiên những kế hoạch này mới chỉ đang nằm trên giấy tờ chứ chưa thể được tiến hành ngay.
“CLB mới đang trình văn bản lên Uỷ ban nhân dân và Sở Văn hoá TDTT tỉnh chứ sân Vinh chưa được cải tạo ngay vì chưa có quyết định nào”, ông Nguyễn Đức Thắng trả lời Zing.vn.
Các cầu thủ SLNA trong buổi tập chiều 23/3 trên sân Vinh vốn còn nguyên những chỗ không bằng phẳng ở bề mặt. Ảnh: Minh Huy.
“Chúng tôi đang có kế hoạch cải tạo tạm thời, nhưng không dễ để tiến hành ngay việc này được vì đây là vấn đề nhiều năm qua rồi. Chuyện cải tạo còn phụ thuộc vào các cơ quan ở trên và cả nhà tài trợ nữa”, cựu thuyền trưởng SLNA cho biết.
Sự xuống cấp của mặt cỏ sân Vinh qua các mùa V.League là câu chuyện không phải mới. Người hâm mộ bức xúc, cầu thủ không yên tâm thi đấu vì sợ chấn thương, còn ban lãnh đạo SLNA luôn bị mắc kẹt giữa những khó khăn dù rất nỗ lực khắc phục tình hình suốt những năm qua.
Video đang HOT
“Sân Vinh bao năm qua luôn khó khăn như vậy. Đội bị vướng phải hai khía cạnh: một mặt, sân Vinh là CLB SLNA tập, mặt khác, sân Vinh lại thuộc sự quản lý của Uỷ ban nhân dân. Nhà tài trợ thì chỉ tài trợ cho đội bóng, cầu thủ. Ngân sách tài trợ một năm chỉ giới hạn trong một khoản nhất định nên cũng khó”.
“Trước những khó khăn ấy thì lần này CLB cũng mong UBND và nhà tài trợ có những kế hoạch hợp lý. CLB cũng tính đến khả năng sân Vinh được cải tạo khi V.League 2020 trở lại. Khi đó đội sẽ chấp nhận đá ở nơi khác, trên một sân vận động không khán giả”.
Ông Thắng cho biết CLB SLNA cũng tính đến khả năng phải thi đấu ở các sân trung lập miền Bắc nếu VFF và VPF có kế hoạch tập trung các đội bóng thi đấu ở một khu vực nhằm hạn chế việc di chuyển bằng đường hàng không.
“Các sân đó có thể ở Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định. Tất nhiên lúc này chưa thể nói trước được điều gì vì còn tuỳ vào quyết định của cả VFF, VPF nữa”, ông Thắng cho hay.
Mặt sân V-League chưa xứng với danh xưng chuyên nghiệp
Trong hoàn cảnh giải đấu chuyên nghiệp quốc gia năm thứ 20 bị trì hoãn, người ta mới có cớ để nhìn lại những tồn tại ở sân chơi được đúc kết là tinh hoa của nền bóng đá. Hai vấn đề tưởng chừng không liên quan như mặt sân V-League và tiêu cực giải trẻ bỗng chốc có nhiều điểm chung.
Điểm chung đầu tiên cần liệt kê tới chính là câu chuyện dửng dưng về cách xử lý những điều "muôn năm cũ" đó. Khi V-League mới trôi qua 2 vòng đấu nhưng nhìn tổng quan, các mặt sân của các CLB đa phần không thay đổi nhiều hiện trạng so với trước.
Đơn cử như các sân đấu bị phàn nàn của SLNA, Thanh Hóa hay Hải Phòng, các CĐV của các CLB này cũng "dở khóc dở cười" viết đơn kiến nghị trên mạng xã hội đề nghị lãnh đạo phải có trách nhiệm thay đổi.
CĐV SLNA không khỏi xấu hổ vì mặt sân tệ của đội nhà. Ảnh: SLNAFC
Chủ tịch CLB SLNA Nguyễn Hồng Thanh từng chia sẻ thẳng thắn với giới truyền thông rằng: "Chúng tôi xấu hổ lắm. Lần cuối cùng sân Vinh được chỉnh trang lớn cách đây đã hơn 20 năm. Hiện tại, khán đài cũng như mặt sân cỏ xuống cấp rất nhiều, và do hệ thống tưới ngầm gần như bị hỏng hoàn toàn nên buộc phải tưới trên bề mặt".
Tuy nhiên, cũng phải đợi đến khi CĐV đề nghị thay đổi trên mạng xã hội mới đây, sân Vinh hiện tại mới được tranh thủ để tu dưỡng. Vấn đề là sân đấu này chỉ tranh thủ cải tạo mặt sân khi V-League đang tạm dừng, có thể sẽ không lâu. Nếu điều này được thực hiện từ trước V-League 2020, tình hình nhiều khả năng không đến nỗi nào.
Nhìn động thái của người có trách nhiệm với mặt sân Vinh hiện tại, có lẽ CĐV SLNA không khỏi đau đầu. Nếu V-League khởi tranh vào đầu tháng 4 tới, không biết sân Vinh sẽ làm thế nào để kịp tiến độ (?).
Không cần bàn cãi chuyện mặt sân đẹp, cầu thủ mới có thể "cháy" hết mình. Thế nên mới có chuyện hai năm gần đây, các cầu thủ kháo nhau luôn có động lực chơi ở những sân đấu tiền tỷ như Thống Nhất hay Hàng Đẫy.
Đây là những mặt sân cỏ được đối tác Thái Lan bảo dưỡng đạt tiêu chuẩn chất lượng cao và ban quản lý sân chỉ dùng cho thi đấu chính thức. Chuyện cho thuê hay mục đích khác rất hạn hữu. Mặt sân cỏ chỉ mượt như nhung của các sân này chỉ nhìn thôi, cầu thủ cũng đã muốn thi đấu.
Chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương phân tích, đôi chân của các cầu thủ hiện tại có giá trị kinh tế rất cao. Và do đó, những điều kiện đi kèm liên quan bóng đá như sân bãi, điều kiện tập luyện, dinh dưỡng... phải được đảm bảo tốt nhất.
"Đôi chân các cầu thủ là tiền tỷ, chỉ lỡ một chấn thương thôi là thiệt hại to lớn cho các CLB, từ thành tích tới thương hiệu. Nhưng không hiểu sao các CLB Việt Nam không tính đến điều này", cựu HLV U20 Việt Nam phân tích.
Chuyện mặt sân V-League cũng đau đầu dai dẳng như câu chuyện nghi án tiêu cực ở các giải trẻ QG. Ảnh: VFF
Dẫu biết là khó khăn nhưng mùa nào cũng than vãn đi, than vãn lại điệp khúc này thì không dễ nghe. Trong thời điểm bóng đá Việt Nam đang thịnh vượng nhờ tài năng của HLV Park Hang Seo, kinh phí đầu tư cho bóng đá tăng lên đáng kể, các CLB cũng nên ý thức điều này để phục vụ khán giả, bảo vệ các cầu thủ cũng là bảo vệ "nồi cơm" của mình.
Dẫn chứng cụ thể về mặt sân ảnh hưởng đến cầu thủ chính là trường hợp của Lee Nguyễn. Khi cập bến đội bóng nhà giàu B.Bình Dương, Lee Nguyễn tưởng chừng sẽ toả sáng rực rỡ thì chấn thương bất ngờ khi tập luyện đã khiến cầu thủ Mỹ gốc Việt lật cổ chân dài hạn. Lee Nguyễn bị hụt chân khi dẫm vào mặt lõm trên sân và từ tài năng lớn, Lee trượt dài ở đất Thủ trước khi quyết tâm về Mỹ gây dựng lại sự nghiệp.
Nhìn mặt sân V-League năm thứ 20 được gắn mác chuyên nghiệp, người ta có thể hiểu vì sao mà gần đây, cựu đội trưởng ĐTQG Phan Văn Tài Em tuyên bố xanh rờn về vấn đề tiêu cực ở các giải đấu Việt Nam hiện tại. Từ cấp độ trẻ đến chuyên nghiệp, năm nào người ta cũng nghe đi nghe lại điều này.
Nhưng rồi cũng như cái mặt sân cần cải tạo, mọi thứ "để lâu dần rồi quên". Bóng ma tiêu cực ám ảnh bóng đá Việt Nam không khác nào cái mặt sân lồi lõm ở V-League, khiến CĐV địa phương cũng tự xấu hổ cho bóng đá tỉnh nhà.
V.H
Số phận hẩm hiu của chiếc áo số 13 ở SLNA Không có cầu thủ nào của SLNA dám "mạo hiểm" lựa chọn chiếc số áo 13 tại mùa giải 2020. Đây là mùa giải thứ 4 liên tiếp, chiếc áo số 13 của đội chủ sân Vinh phải rơi vào cảnh "vô chủ". Theo bản danh sách đăng ký của SLNA cho mùa giải năm nay, những chiếc áo từ số 1 đến...