SIPRI: Mỹ đứng đầu xuất khẩu vũ khí, Việt Nam đứng 8 về nhập khẩu
Giao dịch vũ khí toàn cầu tăng lên trong 5 năm gần đây, từ 2011 – 2015, theo SIPRI. Mỹ vẫn giữ vị trí số 1 về xuất khẩu vũ khí, kế đến là Nga và Trung Quốc. Việt Nam xếp thứ 8 về nhập khẩu vũ khí.
Mỹ vẫn giữ vị trí số 1 về lượng xuất khẩu vũ khí toàn cầu – Ảnh: Không quân Mỹ
Viện nghiên cứu hoà bình quốc tế Stockholm (SIPRI, Thuỵ Điển) ngày 21.2 công bố báo cáo về số lượng buôn bán vũ khí toàn cầu giai đoạn 2011-2015. Theo đó, số lượng vũ khí được buôn bán và trợ cấp tăng 14% so với 5 năm trước đó. Mỹ vẫn là nước xuất khẩu số 1, chiếm 33% tổng khối lượng giao dịch toàn cầu. Nga và Trung Quốc lần lượt xếp sau với 25% và 5,9%.
Vũ khí của Mỹ đã được xuất sang ít nhất 96 nước trong vòng 5 năm qua, 41% trong đó chuyển đến Ả Rập Xê Út và các nước Trung Đông. Giám đốc chương trình nghiên cứu chi tiêu vũ khí và quân sự của SIPRI, bà Aude Fleurant cho rằng trong khi các cuộc xung đột khu vực vẫn tiếp tục gia tăng, Mỹ vẫn giữ vị trí là nhà sản xuất vũ khí dẫn đầu toàn cầu với doanh thu lớn.
Trong khi đó, nhà nghiên cứu cao cấp Pieter Wezeman của SIPRI cho hay, dù cho giá dầu giảm thấp, lượng lớn vũ khí vẫn được chuyển đến Trung Đông trong 5 năm qua.
Video đang HOT
Chiến hạm Đinh Tiên Hoàng (tàu tên lửa lớp Gepard 3.9 do Nga đóng) của Hải quân Việt Nam – Ảnh: Mai Thanh Hải
Nga giữ vị trí số 2 về xuất khẩu vũ khí nhưng mức độ đã giảm trong 2 năm 2014 và 2015, trùng với khoảng thời gian nước này bị phương Tây áp lệnh trừng phạt xung quanh tình hình Ukraine, theo AFP. Ấn Độ là nước nhập khẩu vũ khí từ Nga lớn nhất. Ấn Độ cũng là nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, chiếm 14% tổng số lượng giao dịch, gấp đôi nước đứng thứ 2 là Ả Rập Xê Út. Trung Quốc xếp thứ 3 với 4,7%.
Đáng chú ý, Trung Quốc đã vượt qua cả Pháp và Đức trong 5 năm qua (tăng 88% so với 5 năm trước đó) để chiếm vị trí số 3 về xuất khẩu vũ khí toàn cầu. Phần lớn vũ khí Trung Quốc được bán cho các nước châu Á, và Pakistan là bạn hàng chính. Cùng khoảng thời gian này, lượng vũ khí nhập khẩu của Trung Quốc đã giảm 25%, đánh dấu sự vươn lên của các sản phẩm “cây nhà lá vườn” Trung Quốc, theo SIPRI.
Việt Nam xếp vị trí thứ 8 trong danh sách nhập khẩu vũ khí toàn cầu giai đoạn 2011-2015, chiếm 2,9% tổng khối lượng nhập khẩu vũ khí toàn cầu, tăng 699% so với 5 năm trước đó. Trong giai đoạn từ năm 2006-2010, Việt Nam chỉ xếp vị trí 43 với 0,4%.
Nhà cung cấp vũ khí chính của Việt Nam trong 5 năm 2011 – 2015 là Nga (93%) với 8 máy bay chiến đấu, 4 tàu tên lửa tấn công nhanh và 4 tàu ngầm trang bị tên lửa tấn công mặt đất. Số tàu chiến và tàu ngầm chiếm 44% tổng số lượng vũ khí Việt Nam nhập khẩu, máy bay chiếm 37%. Báo Đức DW ngày 21.2 nhận xét rằng Việt Nam tăng chi tiêu quốc phòng để bảo vệ chủ quyền biển đảo và đối phó mối đe doạ từ Trung Quốc trên Biển Đông.
Bảo Vinh
Theo Thanhnien
Hé lộ số tiền "khủng" Trung Quốc mua vũ khí nước ngoài trong năm 2014
Báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm công bố mới đây cho thấy quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đã chi tổng cộng 1,36 nghìn tỷ USD trong năm 2014 để nhập khẩu vũ khí từ nhiều quốc gia.
Động cơ AL-31FN của Nga (Ảnh: WantChinaTimes)
Mạng tin quân sự Sina ngày 13/7 dẫn báo cáo nêu trên cho hay Nga vẫn là quốc gia xuất khẩu nhiều vũ khí sang Trung Quốc nhất. Theo đó, tổng giá trị cho các thương vụ mua vũ khí từ Nga của Trung Quốc đã lên tới 909 triệu USD trong giai đoạn từ 2013 đến 2014.
Chủ yếu, Trung Quốc mua động cơ máy bay chiến đấu của Nga do nước này vẫn chưa thể tự sản xuất loại thiết bị này. Đó là những mẫu động cơ AL-31FN cho máy bay chiến đấu J-10, động cơ AL-31F cho máy bay chiến đấu có khả năng đỗ trên tàu sân bay J-15 và mẫu động cơ D-30 cho máy bay ném bom H-6k và máy bay vận tải Y-20.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng mua nhiều tên lửa không đối đất KH-59MK2 từ Nga. Tuy nhiên, quá trình nhập khẩu vũ khí này đã giảm từ sau sự kiện bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga hồi năm ngoái.
Báo cáo trên cho biết thêm Trung Quốc đã chi 48 triệu USD để mua máy bay tiếp liệu cũ II-79 của Ukraine, cũng như 4 động cơ AI-222 nhằm sử dụng cho máy bay huấn luyện L-15 mà nước này sản xuất. Tuy nhiên, không rõ Bắc Kinh đã chi bao nhiêu để hoàn tất quá trình thanh toán cho Ukraine về thương vụ tàu đổ bộ đệm khí lớp Zubr.
Không như những gì mà dư luận nắm được, Pháp, quốc gia thành viên NATO, hiện là nước đứng thứ hai trong danh sách xuất khẩu vũ khí sang Trung Quốc.
Ước tính, Pháp đã xuất khẩu các loại thiết bị và vũ khí có tổng trị giá 230 triệu USD sang quốc gia Đông Bắc Á hồi năm ngoái. Trong giai đoạn từ năm 2009 tới 2013, Trung Quốc là quốc gia nhập khẩu vũ khí nhiều nhất của Pháp. Những mặt hàng được Trung Quốc "ưa thích" là hệ thống đỗ cho trực thăng Z-15 và động cơ diesel cho tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường Type 054A.
Bất chấp lệnh cấm bán vũ khí cho Trung Quốc của Liên minh châu Âu, nhiều quốc gia phương Tây, trong đó có Anh, Thụy Điển và Đức, cũng đã có các hợp đồng buôn bán vũ khí cho Bắc Kinh.
Báo cáo nêu rõ Trung Quốc đã chi 40 triệu USD để mua các tàu ngầm phục vụ công tác cứu nạn LR7 của Anh, trong khi Đức thu về 6 triệu USD từ việc bán động cơ diesel, loại thiết bị được sử dụng cho xe tăng và tàu ngầm. Ngoài ra, Thụy Điển cũng bán hệ thống radar kiểm soát và đạn GDF35 cho Trung Quốc với tổng trị giá 65 triệu USD.
Ngọc Anh
Theo Dantri/ WantChinaTimes
Tranh chấp chủ quyền tác động thế nào tới việc Trung Quốc xuất khẩu vũ khí ? Bất chấp những quan ngại của Mỹ về công nghệ phát triển máy bay thế hệ mới của Trung Quốc, giới phân tích cho rằng quốc gia Đông Bắc Á hiện chưa thể cạnh tranh với Nga và Mỹ trên thị trường hàng không quân sự quốc tế do những căng thẳng thời gian qua tại Biển Đông. Máy bay FC-1 của Trung...